KÝ ỨC VỀ XÂY DỰNG THẾ TRẬN PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TRONG TRẬN QUYẾT CHIẾN “HÀ NỘI-ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” THÁNG 12- 1972

Thượng tướng, Viện sĩ, TS NGUYỄN HUY HIỆU, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; nguyên Thứ trưởng BQP
Ảnh minh họa

 

Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong trận quyết chiến chiến lược đánh bại cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972, làm nên “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” để lại những bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những bài học đó là quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng; bài học dựa vào dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Thượng tướng Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong ký ức nhân kỷ niệm 47 năm Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (12/1972 - 12/2019) đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trước và trong trận quyết chiến chiến lược với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội và Thành phố Cảng Hải Phòng cùng một số thành phố thị xã trên địa bàn miền Bắc những ngày lịch sử ấy.
Trong cuộc đối đầu lịch sử giữa quân và dân Việt Nam (đại diện cho lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới) với quân đội viễn chinh Mỹ (đại diện cho thế lực hiếu chiến, phản động, phản cách mạng, cho sự tàn bạo, vô nhân tính của chủ nghĩa đế quốc), Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 12, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn Kế hoạch tập kích đường không mang tên “Linebacker II”, sử dụng 193 máy bay B52, gần 1.000 máy bay khác (bằng 50% tổng số máy bay B52 và 38% tổng số máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ); thành lập Bộ Chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy chung 3 liên đội máy bay B52 ở đảo Guam-Thái Bình Dương và Utapao-Thái Lan, đồng thời điều động thêm 2 tàu sân bay và 2 tàu khu trục dẫn đường vào vịnh Bắc Bộ tập trung đánh phá miền Bắc, mà chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, nhằm gây áp lực, buộc ta phải chấp nhận điều kiện của Mỹ. Đêm đầu tiên (18/12), địch sử dụng 90 lần máy bay B52, 135 lần máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội 3 đợt, ném 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm.
Cao điểm nhất là ngày 26-12-1972, đế quốc Mỹ sử dụng 105 lần chiếc máy bay B52, 90 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội. Trong 12 ngày đêm, địch đã sử dụng 516 lần chiếc máy bay B52, 546 lần chiếc máy bay F111, 4.429 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội 1.035 lần với 45.610 quả bom các loại, 51 tên lửa nhằm vào các trận địa phòng không, sân bay, đầu mối giao thông, kho xăng dầu, nhà máy và cả khu dân cư, bệnh viện, trường học, nhà thờ, đình, chùa. Nếu tính số bom ném xuống Hà Nội trong một ngày thì tương đương với số bom ném xuống nước Đức trong những tháng cuối Đại chiến thế giới thứ hai. Nhưng xét theo diện tích bị ném bom thì chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực hạn chế như vậy. Bom đạn Mỹ đã gây tổn thất nặng nề cho quân dân Thủ đô, làm 2.380 người chết, 1.355 người bị thương; 07 ga xe lửa, 06 đầu máy, 200 toa xe, 50 ô tô bị hỏng nặng; 04 cầu và 04 bến phà bị phá sập.

Thượng tường Nguyễn Huy Hiệu

Tạo thế trận liên hoàn, hiểm hóc, sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Bài học lịch sử ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã đánh giá đúng tình hình, quyết định và chỉ đạo chiến lược cho Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh trên miền Bắc cùng lực lượng phòng không ba thứ quân chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, huy động được sức mạnh to lớn của cả nước cho trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm tháng 12-1972.
Để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, lực lượng và thế trận phòng không của Thủ đô được xây dựng phát triển phù hợp với điều kiện mới.
Tháng 6-1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập 08 đại đội tự vệ tập trung thoát ly sản xuất. Trong nội thành, mỗi khu phố tổ chức 01 đại đội pháo cao xạ 100 mm gồm 05 khẩu đội với quân số 50 người để tăng cường hỏa lực bắn máy bay địch. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị phần lớn là công nhân của nhiều xí nghiệp được tập trung lại. Riêng xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội tổ chức đại đội của khu Ba Đình. Đến cuối tháng 8/1972, các đại đội pháo cao xạ 100 mm của tự vệ đã bước vào chiến đấu. Ở bốn huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh), mỗi huyện tổ chức một đại đội bộ binh tập trung, trang bị đủ súng đạn, làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn huyện. Hệ thống trận địa bắn máy bay bay thấp của dân quân, tự vệ được tổ chức thành 62 trận địa trực chiến, bố trí sát mục tiêu bảo vệ. Trong nội thành, các cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên tổ chức các đơn vị chiến đấu trang bị súng máy cao xạ cơ động đánh địch nhưng không hoàn toàn thoát ly sản xuất. Ở ngoại thành, dân quân, du kích mỗi thôn xã đều chia thành ba lực lượng gồm: lực lượng chiến đấu cơ động được trang bị súng máy cao xạ; lực lượng chiến đấu tại chỗ được trang bị súng bộ binh và lực lượng phục vụ chiến đấu…
Có thể nói, trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, lực lượng và thế trận của lực lượng vũ trang Thủ đô đã được xây dựng rộng khắp, cùng với thế trận của Quân chủng Phòng không - Không quân tạo thành thế trận liên hoàn, hiểm hóc, sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch.
19 giờ 25 phút ngày 18-12-1972, chiến dịch phòng không của quân dân ta chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ bắt đầu. Tham gia chiến dịch phòng không gồm có: 06 trung đoàn tên lửa; 14 trung đoàn và 08 tiểu đoàn cao xạ; toàn bộ lực lượng không quân gồm 03 trung đoàn không quân tiêm kích; Binh chủng Ra-đa gồm 04 trung đoàn và 01 tiểu đoàn; 356 trận địa phòng không của dân quân tự vệ trang bị súng trung liên, đại liên và pháo cao xạ 100 mm. Dân quân tự vệ Thủ đô tham gia chiến dịch có 04 đại đội pháo cao xạ 100 mm (20 khẩu), 192 trận địa với 721 khẩu súng máy phòng không 14,5 mm, 12,7 mm và trên 40.000 dân quân tự vệ trang bị súng trường, tiểu liên, súng cối sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không, truy bắt giặc lái. Tuy vũ khí trang bị thô sơ, lực lượng không nhiều nhưng được bố trí hợp lý và luôn được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, nên đã tạo thành thế trận phòng không rộng khắp nhiều tầng, nhiều lớp, lưới lửa dày đặc, có thể đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầm cao khác nhau làm hạn chế ưu thế tính năng, tác dụng của trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại của không lực Hoa Kỳ, vô hiệu hóa nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của chúng.
Lực lượng phòng không dân quân, tự vệ cùng nhân dân tại địa bàn chiến dịch đã bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, trụ bám kiên cường, vừa chiến đấu vừa bảo đảm giữ vững mạch máu giao thông, đưa vũ khí, khí tài qua những túi bom, nút lửa để bộ đội có đạn chiến đấu và bảo đảm cho các lực lượng phòng không cơ động, đồng thời góp hàng vạn ngày công sửa chữa các sân bay, làm trận địa đáp ứng yêu cầu chiến đấu rất khẩn trương của chiến dịch.
Các lực lượng phòng không nhân dân đã vượt qua những mất mát, hy sinh, vững vàng “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” cùng lực lượng phòng không chủ lực tạo nên lưới lửa tầm thấp dày đặc, “một thiên la địa võng” để vít cổ “thần sấm”, “con ma”, “chim ưng nhà trời” và cả máy bay hiện đại nhất: cánh cụp, cánh xòe (F-111) của Mỹ xuống đất. Mãi đến hôm nay, lưới lửa trên bầu trời Hà Nội tháng Chạp năm 1972 trở thành hội chứng, vẫn còn in đậm trong tâm trí các phi công Mỹ tham gia đánh phá Hà Nội thời đó.
Với tinh thần chiến đấu quả cảm, dưới sự chỉ huy thống nhất tập trung từ Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, các đơn vị phòng không, không quân, các đơn vị trực chiến của dân quân, tự vệ đã chiến đấu mưu trí, kiên cường, ngay đêm đầu tiên (18-12) bắn rơi 03 pháo đài bay B52, (02 chiếc rơi tại chỗ). Ba ngày tiếp theo, quân dân ta đã tiêu diệt 23 máy bay, trong đó có 9 máy bay B52 (07 chiếc rơi tại chỗ).
Qua 12 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ, quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 05 máy bay F111, 01 máy bay lên thẳng HH.53, 01 máy bay trinh sát không người lái, 40 máy bay chiến thuật, trong đó quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi 23 máy bay B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 02 máy bay F111 và 05 máy bay chiến thuật.
Xây dựng ý chí, tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược
Có thế nói, với sự điều chỉnh thế trận linh hoạt, mưu trí sáng tạo, lưới lửa phòng không bảo vệ Thủ đô đã phát huy hiệu quả trong suốt quá trình chiến đấu làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, làm vô hiệu hóa ưu thế vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.
Đó chính là sự biểu hiện của hào khí Thăng Long - Đông Đô, biểu hiện khí phách người Hà Nội, là kết quả kế thừa, phát huy, đồng thời góp phần làm tỏa sáng, nâng giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội lên tầm cao mới. Đối lập với sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh là hình ảnh người Hà Nội bình tĩnh, tự tin, kiêu hãnh, kiên cường: cô gái Ngọc Hà bình thản tưới hoa bên xác máy bay B52; nữ dân quân ung dung cưỡi lên quả bom tấn tháo ngòi nổ vô hiệu hóa thứ vũ khí giết người man rợ; chú rể trao hoa cho cô dâu bên mâm pháo trong khoảng bình yên giữa hai trận chiến đấu với ánh mắt nụ cười tràn đầy hạnh phúc; các em học sinh đội mũ rơm, đeo túi cứu thương cắp sách đến trường; những công nhân, viên chức điềm tĩnh, chăm chú đọc báo Đảng trong hố trú ẩn phòng không trên đường phố Hà Nội...
Trực tiếp chứng kiến cuộc chiến đấu của quân dân ta ở Thủ đô Hà Nội, phóng viên Hãng Reuter đã viết: “Những trận mưa bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác; thì trái lại, nó làm cho mỗi người dân Việt Nam càng thêm đứng vững, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Trước sức mạnh khổng lồ của bộ máy chiến tranh Mỹ, chính con người ở Bắc Việt Nam đã dám chống lại và đứng vững. Đến Hà Nội, các bạn có thể bước đi trên những ngọn súng phòng không…”
Những bài học kinh nghiệm quý giá
Chiến công oanh liệt của quân dân Thủ đô trong chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Đó là, quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng; nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại và đặc điểm tình hình địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là quan điểm đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; là nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu địch mạnh, lấy đoản binh, thắng trường trận, cơ động linh hoạt tạo sự chuyển hóa thế, lực.
Đề cao cảnh giác cách mạng, nắm vững bản chất, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, dự báo chính xác tình huống địch tiến công tập kích đường không, chủ động điều chỉnh bố trí lực lượng, xây dựng thế trận và phương án đánh địch. Chính vì vậy, khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta không bị động bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật.
Dựa vào dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng của thành phố và lực lượng của các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn trong xây dựng thế trận cũng như trong chiến đấu.
Xây dựng thế trận vừa phải bảo đảm tính rộng khắp, hiểm hóc, vững chắc, vừa phải có tính cơ động linh hoạt, bảo đảm chủ động tiến công tiêu diệt địch ở mọi tầm, mọi hướng.
Đó là, xây dựng ý chí, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu.
Ngày nay, thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó Thủ đô Hà Nội là trọng điểm, thậm chí, không loại trừ tình huống chúng tạo nguyên cớ để có thể đánh đòn phủ đầu vào Thủ đô Hà Nội bằng vũ khí công nghệ cao. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 của quân dân Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Chiến công oanh liệt của quân dân miền Bắc nói chung, của quân và dân Hà Nội nói riêng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 chống địch tập kích đường không, với truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn bó máu thịt với nhân dân, nếp sống văn hóa kỷ luật, đề cao cảnh giác, đoàn kết, sáng tạo, quyết đánh, quyết thắng, đã đánh là chiến thắng mà bao thế hệ cha anh đã dày công xây đắp bằng sự hy sinh xương máu được khắc ghi trong tâm khảm, trở thành điểm tựa tinh thần cho mỗi cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an và dân quân tự vệ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; Đây là một là trận đánh đạt hiệu quả tiêu diệt địch trên không cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã đánh thắng mọi thủ đoạn đánh phá và mọi bước leo thang chiến tranh của địch để cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1972 ở miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Đây là thắng lợi vẻ vang của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc ở đỉnh cao nhất cả về quy mô, cả về phương tiện kỹ thuật công nghệ cao, cả về biện pháp và thủ đoạn tác chiến trong một thời điểm có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải kết thúc cuộc chiến tranh./.