Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ tiêu diệt địch/Bài 3: Đòn đánh “điểm huyệt” chí tử

Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần… là đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A.75. Đây là cơ quan chỉ huy quân sự tối cao thành lập cả mũi phía trước và phía sau, mang tầm chiến lược, bảo đảm chỉ huy nhanh chóng, sáng tạo, kịp thời.






Bài 1: Đáp số nằm ở đường Trường Sơn
http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-1-Dap-so-nam-o-duong-Truong-Son-1140/

Bài 2: Vạch kế hoạch tổng tiến công
http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-2-Vach-ke-hoach-tong-tien-cong-1142/





Nghi binh tướng xuất trận

Trước khi Đoàn A.75 bí mật cắt đường Trường Sơn vào chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu lên hai phương án để Đoàn lưu ý: "Nếu địch chưa tăng lực lượng thì đánh ngay. Nếu địch tăng cường lực lượng ở Buôn Ma Thuột thì "dụ" địch ra ngoài, đánh tiêu diệt địch ở Cẩm Gia và Thuần Mẫu. Trong hai trường hợp, trường hợp nào cũng phải nghi binh thật tốt, gồm nghi binh ở hướng Trị - Thiên và hướng Kon Tum, Pleiku".

Mọi biện pháp bảo mật, nghi binh được thực hiện để đánh lạc hướng địch, khi tướng xuất trận. Theo qui ước, Thượng tướng Văn Tiến Dũng lấy bí danh là Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bí danh là Chiến… Tướng Dũng rời khỏi Hà Nội, nhưng mọi hoạt động của ông như: Xe đưa đón từ nhà riêng đến Bộ Tổng tham mưu, tổ chức đánh bóng chuyền buổi chiều… được thực hiện giống như nếp sinh hoạt thường ngày của ông đang ở nhà. Do vậy, tình báo của địch tại Hà Nội không phát hiện ra có động thái nào biểu hiện có tướng xuất trận vào dịp Tết Ất Mão - 1975.

1
Những đoàn xe Bộ đội Trường Sơn vận chuyển vũ khí, lương thực cho cuộc Tổng tiến công. Ảnh: Tư liệu
 
Điểm hội quân đầu tiên ở chiến trường tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (BĐTS) đóng tại Hiền Lương, Quảng Trị. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh BĐTS, nhớ lại: "Tôi báo cáo với anh Dũng và Đoàn công tác của Bộ về tình hình công tác vận tải lương thực, vũ khí và di chuyển quân; đặc biệt là chuẩn bị 4 trung tâm dự trữ hậu cần lớn: Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, đủ sức mở cuộc tổng tiến công lâu dài. Lúc đó, anh Dũng chỉ tiết lộ sẽ mở chiến dịch Tây Nguyên.

Tây Nguyên thì rộng lớn, bản thân tôi là Tư lệnh nắm trong tay 8 sư đoàn chiến đấu, vì bí mật quốc gia, tôi cũng không được biết mũi đánh "điểm huyệt" là chỗ nào. Làm việc xong, anh Dũng đi chiếc xe riêng của Tư lệnh BĐTS, ký hiệu "TS-1" vào chỉ huy sở ở Tây Nguyên. Dọc đường đi, các đơn vị thấy chữ "TS-1", anh em nghĩ là xe của Tư lệnh Nguyên, dạt ra ưu tiên đi trước. Bộ đội, thanh niên xung phong ở dưới đường đâu có biết đó là vị tướng thay mặt Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy chiến dịch đánh mở màn.

Đồng chí Dũng vào kiểm tra xong, điện thoại về cho tôi: "Đoàn đã vào đến nơi, kiểm tra tất cả các thứ rồi. Chuẩn bị chiến dịch như thế này thì chưa đánh đã biết thắng. Đầy đủ lắm, công binh, cơ sở vật chất… chưa có chiến dịch nào mà chuẩn bị qui mô như thế này. Dọc đường xe, pháo, quân đi như ngày hội".

Lừa địch bằng thông tin điện tử

Tạo thế bất ngờ cho đòn đánh "điểm huyệt" phía Nam Buôn Ma Thuột thắng lớn là những phương án được Bộ Chính trị đến chỉ huy các Trung đoàn tham chiến tính toán kỹ lưỡng. Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức nghi binh phía Bắc Tây Nguyên là Đắc Tô - Tân Cảnh. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại: "BĐTS điều 1 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn đánh nghi binh ở Bắc Tây Nguyên, tổ chức làm đường giao thông, huy động 1.000 xe vận tải cứ chạy đi chạy lại nhiều ngày, kết hợp với các đơn vị dùng pháo hạng nặng 130 ly bắn mạnh vào các điểm trú quân của địch.

Ở phía dưới, địch tưởng ta đánh thật, nên đưa quân lên tiếp viện chống đỡ". Lúc này, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng II chiến thuật ngụy án ngữ Tây Nguyên, cho rằng, Sư đoàn chủ lực 320 "Việt cộng" và Sư đoàn 10 "Việt cộng" còn ở Đắc Tô - Tân Cảnh thì mũi tiến công chính là phía Bắc Tây Nguyên. Phú cũng cho rằng, ở Buôn Ma Thuột cũng có pháo kích, đặc công hoạt động, nhưng không phải hướng chính, chỉ là nghi binh.

Lúc còn sống, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, kể lại chi tiết lừa địch: "Địch cho rằng, hai Sư đoàn (320, 10) chủ lực của ta ở đâu, đó sẽ có đánh lớn. Tương kế tựu kế, ta đã bí mật thế chỗ của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 bằng Sư đoàn 968. Khi hai sư đoàn này chuyển quân đã được lệnh để lại toàn bộ mạng thông tin vô tuyến điện (kể cả nhân viên báo vụ). Các đài vô tuyến của hai sư đoàn này vẫn duy trì phát sóng đúng giờ, tung các báo cáo giả lên làn sóng điện để đánh lừa sự theo dõi của địch. Tình báo địch theo dõi các tín hiệu phát ra, biết rõ cố tật của các báo vụ viên trong từng đơn vị nên chúng yên tâm, cho rằng Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vẫn ở vị trí cũ".

Đến ngày 18-2-1975, Đại tá Trịnh Tiêu, Trưởng phòng tình báo Quân khu 2 ngụy nhận được nguồn tin: "Sư đoàn 10 đã hành quân vào phía Nam chuẩn bị đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 sang Tây Ea H'leo chuẩn bị đánh Thuần Mẫu, còn các lực lượng khác chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột". Đại tá Tiêu báo cáo lại với Tư lệnh Phú: "Những hoạt động ở Kon Tum và Pleiku chỉ là hoạt động nghi binh của Việt cộng. Ý định của họ sẽ đánh vào Buôn Ma Thuột".

Mặt khác, Phú lại nhận được thông báo từ "quan thầy" tình báo Mỹ khẳng định rằng, tính hình chưa có thay đổi, các đơn vị chủ lực Việt cộng vẫn ở chỗ cũ… Những tin tức trái chiều làm cho Phú đau đầu khó lựa chọn hướng đánh. Bộ chỉ huy Mặt trận lập tức phát đi một bức điện giả để đánh lừa địch: "Địch đã bị lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã đưa Trung đoàn 45 xuống phía Nam".

Ngay lập tức địch bị sập bẫy, Tư lệnh Vùng II chiến thuật bay đến Buôn Ma Thuột họp với Phó sư trưởng Sư đoàn 23 ngụy và Tỉnh trưởng Đắk Lắk, khẳng định: "Cộng sản đánh Đức Lập, uy hiếp Buôn Ma Thuột chỉ để nghi binh tạo điều kiện để vài ngày tới tập trung lực lượng đánh vào Kon Tum - Pleiku. Do vậy, việc chính hiện nay là tăng cường mọi khả năng đối phó với đối phương ở trọng điểm là Kon Tum và Pleiku".

Đòn "điểm huyệt"

Ngày 5-3-1975, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Quân khu Trị - Thiên và pháo binh Quân đoàn II, nổ súng đánh mạnh vào chiến trường Trị - Thiên để cầm chân Sư đoàn dù dự bị chiến lược của địch, không cho chúng lên Nam Tây Nguyên ứng cứu. Mũi Buôn Ma Thuột, các đơn vị cơ động đã ém quân cách thị xã chỉ 10km, đường xuất kích của xe tăng được công binh cưa cây rừng còn lại 1/3 để làm ngụy trang, khi tiến công xe tăng chạy húc đổ cây lao về phía trước.

2 giờ, ngày 10-3-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên ra lệnh Trung đoàn đặc công 189, do Trung đoàn trưởng Trần Kình chỉ huy, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột mở màn đánh chiếm sân bay lên thẳng Ngã Sáu, cụm kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình… Các trận địa pháo chiến dịch 105, 122, 130 ly và các loại hỏa tiễn bắn phá dữ dội vào các mục tiêu đã định. Buôn Ma Thuột bị đánh chiếm, các trục đường chi viện của địch bị cắt đứt. Chiến trường Tây Nguyên địch rối loạn, cả chiến trường miền Nam bị lung lay trước đòn đánh "điểm huyệt" của quân ta.

Ngày 14-3, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh để nghe tướng Phạm Văn Phú tường trình về Tây Nguyên đang hấp hối. Phú báo cáo: "Trình Tổng thống, tôi đã cho các Trung đoàn 44, 55 giải tỏa Buôn Ma Thuột, nhưng lực lượng Việt cộng quá mạnh đã đẩy lùi lực lượng tăng viện của chúng ta về phía quốc lộ 21…". Tổng thống Thiệu hỏi Phú: "Trước sự kiện đó, anh nghĩ sao?".

Tướng Phú trả lời: "Tôi hy vọng có thể cứu vãn được Quân khu 2 với điều kiện Tổng thống cho quân tăng viện". Thiệu ngán ngẩm: "Không! Không có quân tăng viện, không có quân bổ sung, quân viện bị cúp, đạn và tiền đều thiếu. Chúng ta đang bị tấn công khắp nơi chứ không riêng gì ở Quân khu 2… Kon Tum, Pleiku người ít, kinh tế không có, để đảm bảo lực lượng, lấy quân về giữ đồng bằng ven biển, ở đấy điều kiện tiếp tế thuận lợi hơn".

Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Phú bỏ Tây Nguyên rút quân theo đường số 7. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điều Sư đoàn 320 cắt rừng truy kích địch tháo chạy ở đường số 7. Tướng Dũng chỉ thị cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320: "Lúc này do dự một chút, sơ hở một chút là hỏng việc. Nếu để địch chạy thoát là một tội lớn…". Con đường số 7 trở thành con đường "tử" bi thảm nhất của quân ngụy, trước đòn đánh "chặn đầu" của quân ta.

Bài 4: Thần tốc đánh địch

Hải Luận