TẢN ĐÀ VỚI NGHỀ CẦM BÚT

Tác giả Nguyễn Khắc Xương - trưởng nam cố thi sỹ Tản Đà

Tác giả Nguyễn Khắc Xương - trưởng nam cố thi sỹ Tản Đà

Những người làm nghề văn, nghề báo đầu thế kỷ 20 phần nhiều là giới cựu học, xuất thân từ cửa Khổng sân Trình và đã tiếp thụ nền học mới với chữ quốc ngữ, phần nào chữ Pháp, cũng tiếp nhận văn hóa Âu Tây và tư tưởng dân chủ tư sản. Đó là thế hệ những Bùi Kỷ,Lê Dư, Nguyễn văn Ngọc, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Ngô Bằng Dực, Trần Tuấn Khải, Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Tăng Bí, Huỳnh Thúc Kháng... Ở thế hệ này có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.





                                                                          1TẢN ĐÀ VỚI NGHỀ CẦM BÚT
 
             
          Những người làm nghề văn, nghề báo đầu thế kỷ 20 phần nhiều là giới cựu học, xuất thân từ cửa Khổng sân Trình và đã tiếp thụ nền học mới với chữ quốc ngữ, phần nào chữ Pháp, cũng tiếp nhận văn hóa Âu Tây và tư tưởng dân chủ tư sản. Đó là thế hệ những Bùi Kỷ,Lê Dư, Nguyễn văn Ngọc, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Ngô Bằng Dực, Trần Tuấn Khải, Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Tăng Bí, Huỳnh Thúc Kháng... Ở thế hệ này có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Tới Tản Đà và với Tản Đà,văn chương, bên những ý nghĩa văn hóa xã hội còn được quan niệm là nghề và là hàng hóa:
Còn non còn nước còn trăng gió
Còn có thơ ca bán phố phường
(Đề Khối tình con - 1916)
 
Nhà tớ xưa nay vốn vẫn nghèo
Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu
(Lo văn ế)
          Tản Đà lấy biểu tượng cho các ấn phẩm của mình là một người gánh hai đẫy sách đi bán rong.
Nghề văn được ông quan niệm là một nghề mưu sinh:
Người viết báo, kẻ bán văn
Sinh nhai cán bút kiếm ăn lần hồi
(Đời lắm việc)
           Nhà văn không chỉ rung đùi ngâm thơ mà còn phải tính tới chuyện lỗ lãi:
Văn chơi in bán để chơi chung
Dẫu được lời riêng có mấy đồng
Buôn chữ gặp ngay hồi giấy đắt
Người mua ai có biết cho không?
(Lo văn ế)
Tản Đà vùa là người viết mướn, có nghĩa là một ký giả cộng tác với một tờ báo nào đó, đưa bài và lấy nhuận bút, lại vừa là người sáng lập và chủ trì tờ An Nam tạp chí (ANTC). Khác với Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là không lĩnh lương và tiền nuôi báo của "nhà nước bảo hộ". Tản Đà cũng khác với những người viết mướn khác bởi ông là cây bút chuyên nghiệp độc nhất vào thời đó và là nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Cuộc mưu sinh của Tản Đà hoàn toàn trông cậy vào một ngòi bút. Tản Đà viết: "Sự nghèo của tôi có lẽ cả xã hội đều đã rõ mà ngoài việc văn bút không có việc gì là sinh nhai". Rồi Ông bộc bạch: "Vợ dại, con thơ, sinh hoạt trông nhờ một ngọn bút" (Giấc mộng con).
Cũng không chỉ là nhà văn chuyên nghiệp,một người viết thuê,một ông chủ báo mà Ông còn là chủ nhân một nhà xuất bản đầu tiên của nước ta: "Tản Đà tu thư cục" ra đời năm 1922.
        Cuộc đời Tản Đà là một tấm gương phản ánh tình hình văn học của thời kỳ đó mà cũng cho thấy những vất vả long đong, đắng cay chất chứa của một người cầm bút có lương tâm và trách nhiệm.
Tản Đà là nhà thơ lãng mạn,lại là cây bút mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn mới, nhưng thơ văn Tản Đà đồng thời mang nhiều yếu tố hiện thực phê phán.Những yếu tố này cấu thành một bộ phận quan trọng trong thơ văn Tản Đà. Tản Đà thường nói về mình, về cái tôi - cá nhân.
Tản Đà lên " hầu Trời" và trước mặt Trời, giữa thiên đình, nhà thơ kể lể nỗi khổ đời văn sỹ nước Việt Nam:
Bẩm Tròi cảnh con thật nghèo khó
Trần gian thước đất vẫn không có
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó
Giấy người mực người thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố...
        Đó là những long đong của một Tản Đà theo đuổi nghề cầm bút.
Qua nhiều tư liệu, chúng ta có thể phần nào cảm thông với những người cầm bút và với Tản Đà vào thời kỳ mà mọi việc viết ra văn, in thành sách, xuất bản và phát hành đều do chính nhà văn, người cầm bút phải lo lấy hết.
Nói về nỗi long đong của người cầm bút còn phải kể đến An Nam tạp chí, tờ báo độc nhất vô nhị ở Việt Nam, mà có lẽ cả trên thế giới với kỷ lục chết đi sống lại tới sáu lần:
Nước non đã nặng nhời nguyền
An Nam tạp chí con thuyền lênh đênh
Phong ba đành gạt khối tình
Tám năm tay lái một mình ngược xuôi
Quản chi sông rộng doành khơi
Buồm không thuận gió, ai ơi, cũng đành!
        Về cảnh khốn cùng của Tản Đà quả "nhiều người đã biết" hay như Tản Đà từng nói:"Cả xã hội đều biêt", đặc biệt là vào những năm tháng cuối đời.Trên báo Ngày nay 1938, người ta được đọc những quảng cáo của Tản Đà về xen lý số, dạy hàm thụ Quốc văn, Hán Văn. Tam Lang viết;"Nặng gánh gia đình như vậy mà mưu sinh lại trông vào việc trước tác văn thơ, nên luôn luôn lâm vào cảnh túng thiếu, khi có khi không, lúc nhiều lúc ít như chuyện rủi may". Quách Tấn cho biết:" Tiên sinh mướn nhà ở ngã tư Sở. Bề sinh sống rất chật vật. Cái cảnh bị chủ nhà nhục mạ thường xảy ra luôn. Một hôm, chủ nhà cho người khiêng đồ đạc của tiên sinh vứt cả ra đường vì không có tiền nhà".
Vất vả long đong thiếu thốn như thế mà Tản Đà vẫn dốc lòng theo đuổi nghề! Phải chăng đó là cái lụy ba sinh, cái duyên nợ từ những kiếp xưa nay phải trả.
Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương!
        Thủy Thiên Ngô Bằng Giực có câu đối viếng thi sỹ Tản Đà:
- Biết bao nhiêu tâm não đem đúc lại thành văn, hăm mấy báo giới thi đàn, đất Bắc trời Nam đều dậy tiếng.
- Xiết nỗi phong trần vẫn giữ không biến tiết,năm mốt tuổi Bồng Châu, Tiên Đảo,sông Đà núi Tản đáng ghi tên
.
        Thôi thì tạm lấy câu đối trên gói lại cả một cuộc đời theo đuổi nghề cầm bút của một con người mang tự hiệu Tản Đà.

Author: Nguyễn Khắc Xương