TIÊM KÍCH MIG-21 HUYỀN THOẠI SẼ TRỞ THÀNH HOÀI NIỆM Ở VIỆT NAM

Một trong những vũ khí nổi tiếng mà Liêng bang Xô Viết trước đây giúp Việt Nam chiến thắng trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ sắp sửa được rút ra khỏi biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam. Đối với các sĩ quan Không quân Nhân dân Việt Nam nói riêng cũng như các sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam đã từng học tập, rèn luyện tại Liên bang Xô Viết trước đây và Liên bang Nga hiện nay, những chiếc MiG-21 thân thương thực sự là những hoài niệm đáng nhớ của họ.
Chiếc MiG-21 số hiệu 5121 được phi công Phạm Tuân sử dụng để bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ đêm 27-12-1972, một trong 2 chiếc MiG-21 được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, vào cuối tháng 11 năm 2015. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không – Không quân cùng các cơ quan chức năng có liên quan sẽ tổ chức một sự kiện để vinh danh và chấm dứt 50 năm chiến đấu và bảo vệ vùng trời Việt Nam của những chiếc máy bay tiêm kích MiG-21. Những người đầu tiên đưa ra sáng kiến này là Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng LLVTND, nguyên tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Trung tá Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airline. Đề nghị đã được Bộ Quốc phòng chấp nhận.

Chiếc MiG-21 số hiệu 4326 được nhiều phi công “Át” của Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng đã hạ 13 máy bay Mỹ.

1- Vài nét về máy bay tiêm kích MiG-21:
Mikoyan-Gurevich MiG-21 (tiếng Nga: Микоян и Гуревич МиГ-21) là máy bay tiêm kích phản lực siêu âm, được thiết kế bởi phòng thiết kế Mikoyan tại Liên bang Xô viết. Tổng công trình sư đầu tiên của Phòng thiết này là ông Mikoyan. Động cơ của máy bay do ông Gurevich thiết kế vì thế máy bay MiG mang tên 2 ông: “M” là viết tắt của Mikoyan; “i” là và; G là Gurevich (chữ “i” không viết hoa vì nó là liên từ trong tiếng Nga). Chuyến bay đầu tiên của MiG-21 diễn ra ngày 14 tháng 6 năm 1956, cách đây 59 năm.
MiG-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không như: Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không; Máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II; Máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất. MiG-21 có khả năng đạt đến vận tốc gấp 2 lần vận tốc âm thanh trong không khí (Mach 2). Vận tốc này vượt qua tốc độ tối đa của nhiều kiểu máy bay chiến đấu hiện đại sau này. Cho đến nay, đã có 10.352 chiếc MiG-21 được chế tạo ở Liên Xô và một số nước khác. Trong đó, 5.765 chiếc được chế tạo tại nhà máy GAZ-21 ở Gorky, Moskva, 3.203 chiếc tại nhà máy GAZ-30 ở Znamiya Truda, Moskva, 1.677 chiếc được chế tạo tại nhà máy GAZ-31 ở Tbilisi và 194 chiếc được chế tạo tại nhà máy Aero Vodochody Tiệp Khắc với tên gọi Z-159, lắp động cơ R-13-300 được nhập khẩu từ Liên Xô. Ngoài ra, Trung Quốc đã sao chép mẫu máy bay MiG-21 để chế tạo loại tiêm kích “Thành Đô” J-7, Ấn Độ được Liên Xô và Nga cấp giấy phép chế tạo kiểu MiG-21-93-300 và MiG-21 bis. Trong đó, có 128 chiếc được nâng cấp đạt tiêu chuẩn MiG-21 “Bison”. Israel liên doanh với Romania cũng thực hiện gói nâng cấp MiG-21 lên chuẩn MiG-21-2000 và MiG-21 Lance R. Cho đến nay, đã có 58 quốc gia đã từng sử dụng MiG-21. Trong đó, 28 quốc gia hiện vẫn còn sử dụng MiG-21 trong lực lượng không quân của họ. Tổng cộng đã có tất cả 29 phiên bản/biến thể và 11 mẫu thử nghiệm thuộc dòng máy bay MiG-21 được chế tạo.
MiG-21 chỉ cần một phi công điều khiển, nhưng tính năng bay của nó là điểm ưu việt mà nhiều máy bay tiêm kích cùng thế hệ không thể có được. Đó là:
- Hiệu suất mang tải cao do trọng lượng rỗng nhẹ (5.350 kg), trọng lượng cất cánh tối đa gần gấp đôi trọng lượng rỗng (9.660 kg)
- Tỷ suất lực đẩy/trọng lượng rất lớn: đạt 0,82 do được trang bị động cơ turbin phản lực đốt hai lần Tumansky R-25-300 cho công suất tới 70 KN.
- Tốc độ tối đa 2.500 km/h
- Tốc độ lên cao rất lớn so với các máy bay cùng thế hệ. 225m/s
- Trần bay cao rất lớn: 19 km.
- Trang bị hỏa lực mạnh so với các máy bay cùng thế hệ gồm:
+ Pháo tự động GSh-23 2 nòng cỡ 23mm do Phòng thiết kế chế tạo khí cụ Tula phát triển từ những năm 1960 để trang bị cho một loạt máy bay và trực thăng. GSh-23-2L dùng đạn AM-23 cỡ 23x115mm, đạt tốc độ bắn 3.000-4.000 phát/phút, sơ tốc đầu đạn 680–890 m/s, số đạn mang theo 240 viên.
+ 5 điểm treo vũ khí trên 2 cánh và bụng để mang theo: 4 tên lửa hồng ngoại dẫn đường bằng radar K-5, K-13, K-22; các thùng rocket không điều khiển chứa được 40 viên; tên lửa Molniya R-60 được trang bị cho những mẫu MiG-21 cải tiến. Hai điểm treo phía trong 2 cánh có thể mang được 2 đạn R-3R/R-13M hoặc 4 đạn R-60/R-60M bằng giá treo 2 ray phóng (R-60 là một trong những loại tên lửa không đối không nhẹ nhất thế giới với trọng lượng phóng chỉ là 44 kg). Như vậy, MiG-21bis có khả năng mang tối đa tới 6 tên lửa không đối không nếu kết hợp dùng R-3/R-13 và R-60. Các mẫu phát triển MiG-21-93 cho phép mang tên lửa R-77.

Chiếc MiG-21 số hiệu 5020 đã hạ 12 máy bay Mỹ, được trung bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

2- MiG-21 trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong các ngày 3 và 4-4-1965, các biên đội tiêm kích nhẹ MiG-17 có tốc độ cận âm của Không quân Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp bắn rơi 2 máy bay phản lực siêu âm F-105D “Thần Sấm” và 2 chiếc F-8U “Giặc nhà trời” của Không quân Mỹ. Sau tháng sau đó, MiG-17 liên tiếp bắn trơi vài chục chiếc F-105, A-7 và A-4 của Không quân Mỹ. Nhận thấy những chiếc F-105 đeo bom nặng nề dù có tốc độ vượt âm khó có khả năng chống chọi lại những chiếc MiG-17 trong các trận không chiến quần vòng, Không quân Mỹ đưa ra chiến trường loại tiêm kích – bom F-4B/C có tốc độ cao, hỏa lực mạnh, diện tích cánh rộng để đối phó với MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam. Những cánh én bạc MiG-17 của ta bắt đầu gặp khó khăn. 
Trước tình hình bầu trời miền Bắc có nguy có bị không quân Mỹ khống chế hoàn toàn, tháng 1 năm 1966, những phi đội MiG-21 đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam gồm 12 chiếc MiG-21F-13 và MiG-21PF đã có mặt trong đôi hình trực chiến của Trung đoàn 921 Sao Đỏ tại căn cứ Nội Bài. Ngày 4-3-1966, trong lần xuất trận đầu tiên của MiG-21, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái (UAVR) kiểu AQM-34 “Ryan Firebee” của Mỹ trên độ cao 18 km, độ cao mà MiG-17 không thể “với” tới được.
Từ ngày 7-7-1966 cho đến khi kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ, các máy bay MiG-21 với các biến thể MiG-21F-13, MiG-21PF, MiG-21MF, MiG-21PMF và MiG-21 MFL của Không quân Nhân dân Việt Nam đã bắn hạ tổng cộng 167 máy bay các loại của không quân Mỹ, trong đó có 2 pháo đai bay B-52 và 1 máy bay tác chiến điện tử EB-66, bắn bị thương 1 pháo đài bay B-52 và nhiều máy bay các kiểu loại của không quân Mỹ. Khoảng 60 chiếc trên tổng số 150 chiếc MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam (thời điểm 1972) đã bị rơi trong không chiến và các nguyên nhân tai nạn. Hiệu suất chiến đấu cao nhất của MiG-21 là trong tháng 6 và tháng 7 năm 1972. Theo nghiên cứu của chuyên gia Rob Young tại Trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ quốc gia (Mỹ), tại thời điểm đó MiG-21 đã đạt tỷ lệ chiến thắng 1 MiG-21 đổi 9 máy bay Mỹ.. Trước đó, trong các trận không chiến diễn ra tại vùng trời miền bắc Việt Nam vào 11, 13 và 18-5-1972, các máy bay MiG-21 của do các phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam điều khiển đã đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, họ đã hạ 8 máy bay F-4 và F-105 của Không quân Mỹ. Các MiG-21 đều an toàn trở về căn cứ. Đặc biệt, trong trận đánh chiều ngày 27-6-1972 trên bầu trời Sơn La, biên đội MiG-21 gồm các phi công Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư (từ Nội Bài), Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm (từ Yên Bái) đã hạ tại chỗ cả tốp 4 chiếc F-4D/E của không quân Mỹ. Phía ta không có tổn thất nào.
Trong số 16 phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam đạt đẳng cấp “Át” (bắn rơi từ 5 máy bay địch trở lên) có tới 13 phi công lái MiG-21 gồm có:
- Nguyễn Văn Cốc: bắn rơi 9 máy bay chiến đấu Mỹ và 2 chiếc trinh sát không người lái
- Phạm Thanh Ngân: bắn rơi 8 máy bay chiến đấu Mỹ
- Nguyễn Hồng Nhị: bắn rơi 8 máy bay chiến đấu Mỹ và 1 chiếc trinh sát không người lái
- Mai Văn Cường: bắn rơi 8 máy bay chiến đấu Mỹ
- Đặng Ngọc Ngự: bắn rơi 7 máy bay chiến đấu Mỹ
- Nguyễn Đức Soát: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ và 1 chiếc trinh sát không người lái
- Nguyễn Ngọc Độ: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ
- Nguyễn Nhật Chiêu: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ
- Vũ Ngọc Đỉnh: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ
- Lê Thanh Đạo: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ
- Nguyễn Tiến Sâm: bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ
- Nguyễn Văn Nghĩa: bắn rơi 5 máy bay chiến đấu Mỹ.
Tất cả họ đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực ượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chiếc MiG-21 số hiệu 4320 đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu I ở Thái Nguyên.

3- Những chiếc MiG-21 nổi tiếng của Không quân Nhân dân Việt Nam.
- Đầu tiên phải kể đến chiếc MiG-21PF số hiệu 4324 của Trung đoàn 921. Chiếc máy bay huyền thoại này được 12 phi công lần lượt, từng cất cánh chiến đấu 69 lần, tiếp chiến 22 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa không đối không, bắn hạ 14 máy bay Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 30-4-1967 đến tháng 5-1968. Đây là chiếc máy bay “may mắn” không chỉ vì nó có số lượng máy bay do nó bắn hạ cao nhất (14 chiếc) mà còn bởi trong số 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này đã có tới 9 người đã bắn hạ máy bay Mỹ, 8 phi công đạt đẳng cấp “Át”, 7 người trong số đó được tuyên dương anh hùng và 5 người trở thành tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, chiếc MiG-21 này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội và là Bảo vật Quốc gia.
- Chiếc MiG-21PF số hiệu 4326 của Trung đoàn 921 cũng trở nên nổi tiếng khi nó hạ được 13 máy bay Mỹ và được nhiều phi công sử dụng, trong đó có phi công Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Phạm Phú Thái. Hiện nay chiếc MiG-21 PF số hiệu 4326 đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Phòng Không-Không quân trên vùng đất của sân bay Bạch Mai (cũ) ở Hà Nội. Thậm chí, một phiên bản của nó đang được trưng bày tại Mỹ. Chiếc MiG-21PF số hiệu 4326 này cùng với chiếc MiG-21PF số hiệu 4324 đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia.
- Chiếc MiG-21PFM số hiệu 5020 thuộc đoàn 927 cũng là máy bay được nhiều "Át" sử dụng, gồm Nguyễn Tiến Sâm (hạ được 6 máy bay Mỹ), Lê Thanh Đạo (hạ được 6 máy bay Mỹ), Nguyễn Đức Soát (hạ được 6 máy bay Mỹ), và Nguyễn Văn Nghĩa (hạ được 5 máy bay Mỹ). Bản thân chiếc máy bay này đã được sử dụng để hạ gục được 12 máy bay Mỹ. Chiếc MiG-21PFM số hiệu 5020 này cũng đang được trưng bày tại bảo tàng Quân chủng Phòng không-Không quân ở Hà Nội.
- Chiếc MiG-21F-13 số hiệu 4420 do phi công Nguyễn Ngọc Độ thuộc Trung đoàn 921 lái. Chiếc này đã hạ gục 6 máy bay Mỹ.
- Chiếc MiG-21F-13 số hiệu 4320 do phi công Phạm Thanh Ngân thuộc Trung đoàn 921 lái và đã hạ 8 máy bay Mỹ. Chiếc máy bay này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu I tại Thái Nguyên.
- Chiếc MiG-21MF số hiệu 5121 từng được phi công Phạm Tuân sử dụng để bắn hạ 1 pháo đài bay B-52 đêm 27 tháng 12 năm 1972. Chiếc này cũng từng bắn hạ được 8 máy bay Mỹ. Sau Hiệp định Paris 1973, chiếc máy bay này được rút ra khỏi biên chế và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. cho đến thời điểm hiện tại, MiG-21 là máy bay tiêm kích duy nhất trên thế giới hạ được pháo đài bay B-52 của Không quân chiến lược Mỹ (SAC) và trở thành Bảo vật Quốc gia.
- Chiếc MiG-21 PFM số hiệu 5033 của Trung đoàn 921 là chiếc máy bay tham dự trận không chiến cuối cùng giữa MiG-21 và F-4 vào ngày 27 tháng 12 năm 1972, do phi công Trần Việt lái. Trong ngày hôm đó, chiếc máy bay này đã bắn rơi 3 chiếc F-4 của không quân Mỹ. Đây là chiếc MiG-21 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trong một ngày không chiến với 3 lần cất cánh. Hiện nay, máy bay này được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, phố Đội Cấn, Hà Nội.
- Chiếc MiG-21Bis mang số hiệu 5202 đã được Nhà nước đồng ý cho Bộ Quốc phòng Việt Nam Quân chủng Phòng không-Không quân trao tặng cho Bộ Quốc phòng Thái Lan để trưng bày tại Bảo tàng Không quân Thái Lan ở Sân bay quân sự Don Muong. Kèm theo đó là mũ phi công và sổ nhật ký bay của chiếc MiG-21 số hiệu 5202. Phía Thái Lan cũng sẽ đáp lễ bằng cách gửi tặng Việt Nam một máy bay quân sự để trưng bày tại một trong số các bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng quân sự Việt Nam.

Chiếc MiG-21 số hiệu 5202 được Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

4- Chia tay với MiG-21 huyền thoại.
Cho đến thời điểm này, mặc dù MiG-21 đã có 59 năm “tuổi thọ” nhưng Không quân Syria vẫn cho những chiếc MiG-21 của họ cất cánh đều đặn 3 lần/ngày để dội bom xuống các căn cứ của phiến quân IS và FSA trong các chiến dịch phối hợp với Không quân Nga. Ở Việt Nam, mặc dù lập rất nhiều thành tích có một không hai trong các trận không chiến bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam thời Kháng chiến chống Mỹ và tham chiến ở Campuchia giúp nhân dân nước này thoát khỏi họa diệt chủng do tập đoàn Polpot-Yeng Sary gây ra nhưng đã đến lúc phải nói lời chia tay với MiG-21.

Những chiếc MiG-21 của Trung đoàn 921 Sao Đỏ trực chiến tại sân bay Nội Bài (Ảnh chụp từ một chiếc máy bay trinh sát Mỹ RF-101 bị ta bắn rơi và thu được phim) 


Về kỹ thuật, trước hết là loại máy bay này đã bị Nga ngừng sản xuất mới từ năm 1993. Từ đó đến nay, các máy bay MiG-21 được chú trọng nâng cấp để kéo dài thời hạn sử dụng và tăng thếm tinh năng chiến đấu. Tuy vậy, với gói nâng cấp lên chuẩn MiG-21 “Bison” của Ấn Độ, gói nâng cấp cuối cùng đối với MiG-21, loại máy bay này cũng chỉ kéo dài tuổi thọ đến năm 2016. Trong số 10.352 chiếc đã được chế tạo (không kể khoảng 2.400 chiếc J-7 do Trung Quốc copy mẫu MiG-21) chỉ còn khoảng 550 chiếc đang hoạt động. Riêng hãng Israel Aerospace Industries của Israel có sản xuất thêm một số ít MiG-21-2000 để xuất khẩu. Nay cũng đã dừng lại.
Những phụ tùng của MiG-21 ngày càng khan hiếm. Ngay cả động cơ phản lực đốt sau 2 tầng kiểu Klimov RD-33 cũng được ưu tiên lắp cho các máy bay thế hệ 4, 4+ và 4++ như MiG-29KUB và MiG-35. Hệ thống radar phát hiện mục tiêu và ngắm bắn của MiG-21 cũng đã lạc hậu. Ở gói nâng cấp cuối cùng, MiG-21bison có khả năng mang các vũ khí không đối không thế hệ mới: tên lửa tầm nhiệt R-73, tên lửa đối không tầm trung lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động R-27 và tên lửa đối không tầm xa lắp đầu tự dẫn radar chủ động R-77. Hệ thống điện tử kiểu mới được lắp đặt, mũ ngắm mục tiêu cho phi công, khung thân được gia cố để kéo dài tuổi thọ thêm 20 năm. Buồng lái cũng được thiết kế lại với 2 màn hình hiển thị (HUD) nhằm giảm bớt số nút bấm và đồng hồ cơ khí, giúp phi công thao tác dễ dàng hơn. Đó là tất cả những gì mà người ta có thể làm để hiện đại hóa MiG-21 với giá thành lên đến 5,5 triệu USD/chiếc.

Chiếc MiG-21 số hiệu 4324 đã lập thành tích bắn rơi 14 máy bay Mỹ được tại trung bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, một trong 2 chiếc MiG-21 được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Hiện nay, trong “kho” máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam còn lại khoảng 150 chiếc MiG-21 các loại. Tuy nhiên, hầu hết số đó đều không còn khả năng bay không chiến cũng như huấn luyện. Hiện chỉ còn Trung đoàn 929 đóng tại Đà Nẵng có gắng duy trì cho hơn 40 chiếc MiG-21Bis hoạt động. Số máy bay còn có thể hoạt động được đều được niêm cất trong các kho chứa, phòng khi cần thiết phải dùng đến. Thay thế những chiếc MiG-21 trực chiến trên hai sân bay Nội Bài và Thành Sơn là những chiếc cường kích Su-22M4 được sử dụng như một giải pháp tình thế. Đã đến lúc phải nói lời giã biệt với những đôi cáng bạc MiG-21 vang bóng một thời.
Ban đầu, kế hoạch tổ chức chương trình vinh danh và chia tay với máy bay tiêm kích MiG-21 dự kiến được tổ chức ở Đà Nẵng giữa tháng 10 vừa qua, tuy nhiên sau đó, do nhiều lý do khác nhau nên phải lùi lại thời gian và cả địa điểm tổ chức. Trước khi chia tay vĩnh viễn MiG-21 để đưa “huyền thoại bầu trời” vào các bảo tàng lưu giữ và kho niêm cất, Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ tổ chức một buổi bay trình diễn cuối cùng. Ngày hôm đó, những Anh hùng bầu trời một thuở mà tên tuổi họ gắn bó mật thiết với máy bay tiêm kích MiG-21 như Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Đức Soát... sẽ in những dấu bàn tay cuối cùng, lưu danh vĩnh viễn lên thân những chiếc MiG-21 huyền thoại. Rất có thể, trong buổi lễ vinh danh và chia tay ấy, nhiều tài liệu quý giá liên quan đến MiG-21, liên quan đến những Anh hùng không quân Việt Nam sẽ được công bố.

Chiếc MiG-21 số hiệu 5033 tham gia trận không chiến cuối cùng trong Chiến tranh Việt Nam và đã hạ 3 máy bay Mỹ trong 1 ngày trên bầu trời Hà Nội.

Còn đối với chúng ta, những thành viện của Hội Hoài niệm Liên Xô, chúng ta lại có thêm một hoài niệm mới, hoài niệm về những chiếc tiêm kích MiG-21 nhỏ nhắn, xinh xắn, nhanh như sóc bay và rất đỗi thân thương mà những người bạn Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho chúng ta để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Đối với những thành viên Hoài niệm Liên Xô từng công tác trong lực lượng Phòng không-Không quân nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung cùng với những ai luôn nhớ về một Liên bang Xô Viết vĩ đại, sự kiện vinh danh MiG-21 sẽ làm dày thêm kho ký ức và hoài niệm của tất cả chúng ta./.

Nguyễn Minh Tâm