Tổng thống Ukraine muốn hòa bình - Tổng thống Nga ra điều kiện

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5.3 cho biết, ông không muốn Ukraine trở thành “huyền thoại 300 chiến binh Sparta”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky mong muốn khôi phục hòa bình cho Ukraine (ảnh: CNN)

“Tôi không muốn lịch sử Ukraine trở thành một huyền thoại về 300 chiến binh Sparta”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo hôm 5.3, đồng thời kêu gọi các bên nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
Phát biểu của ông Zelensky dường như đề cập đến câu chuyện huyền thoại về cuộc chiến của 300 người lính xứ Sparta (Hy Lạp) trước hàng trăm nghìn quân xâm lược Ba Tư. Câu chuyện này thậm chí còn được dựng thành phim và rất ăn khách. Theo đó, 300 người lính Sparta do một vị vua dẫn đầu đã chiến đấu ngoan cường trước quân Ba Tư đông hơn gấp nhiều lần và tất cả đều hy sinh anh dũng.
“Tôi rất tự hào về quân đội và người dân Ukraine. Đất nước của tôi rất đặc biệt và có những công dân đặc biệt. Tôi không muốn tất cả bị phá hủy. Tôi muốn giữ tất cả lại”, ông Zelensky nói.
Kể từ khi xảy ra giao tranh, Nga và Ukraine đã tiến hành 2 vòng đàm phán ở Belarus để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, phải mất nhiều thời gian nữa Moscow và Kiev mới có thể tìm được tiếng nói chung do điều kiện mỗi bên đưa ra là rất khác biệt.
“Tôi muốn hòa bình. Tôi muốn hòa bình cho đất nước mình”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Trong một bài viết khác đăng trên Telegram hôm 5.3, Tổng thống Ukraine Zelensky để ngỏ khả năng tổ chức một vòng đàm phán thứ 3 với Nga, sau khi dân thường được sơ tán khỏi Mariupol và Volnovakha nhờ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Tuy nhiên, ở Mariupol, chính quyền cho biết họ phải hoãn sơ tán người dân do “Nga vi phạm lệnh ngừng bắn”. Nga cáo buộc “những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine” cản trở hành lang nhân đạo.
“Chúng tôi đang cố hết sức để lệnh ngừng bắn hoạt động. Đó là nhiệm vụ quan trọng. Hãy xem liệu chúng ta có thể tiến xa hơn trong quá trình đàm phán hay không”, ông Zelensky nói.
Trước đó, hôm 4.3, ông Zelensky đã chỉ trích NATO “yếu đuối” vì không đồng ý thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Sau tuyên bố của ông Zelensky, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng bày tỏ thất vọng với quyết định của NATO.
“Trước khi xảy ra xung đột với Nga, người dân Ukraine tin rằng NATO rất mạnh còn EU thì thiếu quyết đoán. Giờ tình hình cho thấy điều ngược lại”, ông Kuleba phát biểu trên sóng truyền hình.
“Đó là điểm yếu mà NATO sẽ phải trả giá trong tương lai, còn hiện tại, nó khiến người dân Ukraine khổ sở”, ông Kuleba nói.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, các nước NATO nhận thức được rằng, không thể trực tiếp can thiệp vào xung đột Nga – Ukraine.
---


Tổng thống Putin họp tại dinh thự ở thủ đô Moskva ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga cho rằng chiến dịch quân sự ở Ukraine chỉ kết thúc khi Kiev ngừng kháng cự và các yêu cầu an ninh của Moskva được đáp ứng.
"Tôi đã nhấn mạnh rằng chiến dịch đặc biệt chỉ được đình chỉ khi Kiev ngừng hoạt động quân sự và thực hiện những yêu cầu do Moskva đưa ra rõ ràng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc điện đàm dài một giờ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm nay.
Ông chủ Điện Kremlin nói rằng Nga luôn sẵn sàng đối thoại với giới chức Ukraine, nhưng bày tỏ hy vọng các nhà đàm phán Ukraine sẽ áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn trong những vòng đối thoại tiếp theo.
"Lực lượng an ninh Ukraine đang tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán để tranh thủ tập hợp nhân lực và vật lực. Đó là nỗ lực vô vọng", Tổng thống Putin cho hay.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người đồng cấp Nga tuyên bố ngừng bắn ở Ukraine, mở các hành lang nhân đạo và ký thỏa thuận hòa bình.
"Tổng thống Erdogan cho rằng lệnh ngừng bắn lập tức sẽ giảm lo ngại về nhân đạo trong khu vực, đồng thời tạo cơ hội tìm kiếm giải pháp chính trị và tái kêu gọi các bên cùng tìm con đường hòa bình", thông cáo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn.
Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo đối thoại kể từ ngày 23/2, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Erdogan là lãnh đạo NATO thứ ba điện đàm với ông Putin từ khi xung đột bùng phát, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bày tỏ ý định mời ngoại trưởng Nga và Ukraine đến đối thoại tại diễn đàn ngoại giao ở miền nam nước này vào tuần sau. Moskva và Kiev đều hoan nghênh đề xuất, nhưng Ankara cho biết chưa rõ quan chức hai nước có thể tham gia sự kiện hay không.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 và chiến sự đã bước sang ngày thứ 11. Lực lượng Nga kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.
Chính phủ Ukraine được cho là đã đề nghị tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga, sau khi hai vòng đàm phán đầu tiên không đạt kết quả về một lệnh ngừng bắn. Quan chức Nga cho biết cuộc đàm phán tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 7/3.