VÀI NÉT VỀ ĐÀO TRINH NHẤT - NHÀ BÁO

(Một mục trong cuốn TÌM LẠI DI SẢN của Lại Nguyên Ân)
Đào Trinh Nhất (1900 - 1951)
Còn nhớ, cách nay mấy năm, khi không thu xếp được thời gian tham gia đoàn nhà báo, nhà nghiên cứu về Thái Bình dự kỷ niệm danh nhân Đào Nguyên Phổ (1861-1908), tôi đã gọi điện cho Gs. Chương Thâu, người đi trong đoàn, nhờ ông chuyển đề nghị của mình tới họ Đào ở Thái Bình lưu ý nghiên cứu sưu tầm các tác phẩm của người con trai cả cụ Đào Nguyên Phổ là ông Đào Trinh Nhất (1900-51), một trong những nhà báo kỳ cựu, một cây bút biên khảo sử học nghiêm túc.
 
Gần đây, được tin một sưu tập tác phẩm Đào Trinh Nhất đang được hoàn thiện, tôi rất mừng, song cũng còn đôi điều chưa thấy thỏa mãn, − ấy là được biết sưu tập này chỉ mới tập hợp các sách đã xuất bản trong sinh thời tác gia Đào Trinh Nhất, chứ chưa tập hợp được các tác phẩm đăng báo của tác gia này.
 
Tuy vậy, khi Gs. Chương Thâu và Gs. Đinh Xuân Lâm đề nghị tôi viết về đời làm báo của Đào Trinh Nhất, tôi lại thấy đề tài này dù sao vẫn còn nằm ngoài tầm tìm hiểu của tôi. Đáp lại thịnh tình của hai Gs. và nhóm biên soạn, tôi xin nói ít điều tôi biết được về khía cạnh nhà báo Đào Trinh Nhất.
 
Thật ra, những gì tôi biết về nhà báo Đào Trinh Nhất đều là những thu nhận dọc đường, trong quá trình tôi nghiên cứu tìm hiểu hoạt động báo chí của tác gia Phan Khôi (1887-1959): bên cạnh bài vở của Phan Khôi, trong một thời gian khá dài trên báo chí ở Sài Gòn những năm 1930, tôi luôn thấy hiện diện bóng dáng Đào Trinh Nhất.
 
Đúng ra, Đào Trinh Nhất vào làng báo Việt rất sớm, từ lúc ông mới bước vào tuổi hai mươi. Có lẽ là ngay khi còn đang đi học hoặc vừa thôi học tiếng Pháp, tại Hà Nội, Đào Trinh Nhất đã tham gia biên tập cho tạp chí Hữu thanh(1921-1924) và Thực nghiệp dân báo (1920-1934), − trong thành phần tòa soạn nhật báo này ngay từ đầu đã có tên của Điền Hải Tử Đào Trinh Nhất. Nhưng về toàn bộ hoạt động của ngòi bút Đào Trinh Nhất trên hai ấn phẩm vừa kể tên của hội Bắc Kỳ công thương đồng ái hữu, − thì tôi chưa có dịp tìm hiểu chi tiết.
 
Được biết, từ 1925 Đào Trinh Nhất vào Sài Gòn và năm sau sang Pháp du học. Hai năm sau nữa, ông lại trở về Sài Gòn, tiếp tục cuộc đời viết báo.
 
Đầu năm 1928, khi Phan Khôi lặng lẽ xuất hiện trên Đông Pháp thời báodưới bút danh C.D. (Chương Dân) thì Đào Trinh Nhất cũng xuất hiện trên tờ nhật báo này dưới bút danh Q.C. (Quán Chi).
 
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử báo chí đã ghi nhận việc Diệp Văn Kỳ (1895-1945) đậu cử nhân từ Pháp về, bước vào nghề báo (1927), đã tập hợp được khá nhiều cây bút có tiếng, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố từ miền Bắc đến Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ từ miền Trung, Nguyễn Văn Bá, Phan Văn Hùm và nhiều cây bút khác ở Nam Kỳ. Tờ Đông Pháp thời báo mà họ Diệp mua lại từ tay Nguyễn Kim Đính (từ số 635, ngày thứ sáu 14/10/1927), điều hành nó theo hướng mới (đến 22/11/1928), sau đó đổi nó thành Thần chung (từ 7/1/1929), cho đến khi tờ Thần chung bị đóng cửa (22/3/1930), sở dĩ có thể hiện diện trước công chúng như một tờ báo theo xu hướng đối lập, mang “tinh thần chống chính quyền thực dân” với “ý thức quốc gia dân tộc biểu lộ quá rõ rệt” [1] chính là nhờ có một bộ biên tập gồm những cây bút cấp tiến giàu tinh thần dân tộc như hầu hết những tên tuổi kể trên.
 
Trong mục “Câu chuyện hằng ngày” (trên Đông Pháp thời báo và Thần chung) mà Diệp Văn Kỳ lập ra, − ban đầu có nhiều người viết và ký tên khác nhau, − Đào Trinh Nhất là một trong số cây bút đóng góp khá nhiều bài. Sổ tay tư liệu của tôi ghi được một số tên bài trong mục này do Q.C. viết, chẳng hạn:Mô-ni-vông vạn tuế  Ai giết bà Lê Thị Chính – Nghĩ lập một cái hội chừa rượu (s. 673, ngày 19/1/1928); Một chuyện về lịch sử (s. 677, ngày 2/2/1928); Quan lớn vào Nam Kỳ − Khéo thay cái nghề làm Toàn quyền (s. 678, ngày 4/2/1928); Mấy ông vua thất nghiệp (s. 679, ngày 7/2/1928); Tin ông Bùi Bằng Đoàn vào Nam (s. 680, ngày 9/2/1928); Sau vụ giết người Tây ở Phú Riềng (s. 684, ngày 18/2/1928); Mấy cái quái trong các báo Tây − Câu chuyện Pháp-Việt đề huề (s. 697, ngày 20/3/1928)… đã cho thấy Đào Trinh Nhất là một trong những cây bút đã phác thảo kiểu dáng các loại bài bình luận thời sự chính trị xã hội, xây dựng các chuyên mục báo chí.
 
Sang năm 1929, khi Diệp Văn Kỳ, nhân xin được giấy phép ra một tờ báo mới, đã tự ngưng tờ Đông Pháp thời báo (từ 22/11/1928) đang hồi bán chạy, rồi sau đó 2 tuần cho xuất hiện lại chính tờ báo ấy dưới nhan đề mới Thần chung (từ 7/1/1929), thì Phan Khôi vẫn viết đều cho tờ này, thậm chí xuất hiện cùng lúc dưới vài ba bút danh (Tân Việt trong chuyên mục “Câu chuyện hằng ngày”, Khải Minh Tử trong một số bài về văn hóa tư tưởng Trung Hoa, và Phan Khôi trong loạt bài Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta đăng liên tục 21 kỳ báo). Trong khi đó, Đào Trinh Nhất lại rất ít góp mặt trên tờ báo này. Lý do có lẽ là ở việc ông nhận lời làm chủ bút cho tờ Đuốc nhà Nam của đảng Lập hiến Nam Kỳ (tờ này ra mắt từ 26/9/1928, chưa rõ Đào Trinh Nhất làm việc cho tờ này trong khoảng thời gian nào?). Đồng thời cũng trong năm 1929, Phan Khôi và Đào Trinh Nhất cùng được vợ chồng doanh gia Cao Thị Khanh-Nguyễn Đức Nhuận mời tổ chức và vận hành tờ tuần san Phụ nữ tân văn (ra mắt từ 2/5/1929). Với tờ tuần báo này, Đào Trinh Nhất giữ vai trò chủ bút hầu như ngay từ đầu, Phan Khôi chỉ tự coi mình là người cộng tác, nhưng với một lượng bài vở lớn, khiến tên tuổi cả chính ông lẫn tờ báo này đều nhanh chóng nổi đình đám. Theo dư luận báo chí Sài Gòn đương thời, hai ông họ Đào và họ Phan đều gánh vác ngang nhau công việc của tờ báo, nhất là khi báo bị cấm, ban đầu là cấm vĩnh viễn (từ 9/12/1930, sau số 82), sau đó giảm thành cấm liền 5 tháng; để “tái thế” Phụ nữ tân văn, “hai ông, ông tú Phan Khôi và ông Đào Trinh Nhất, sẽ chia nhau đứng mũi chịu sào cho chiếc thuyền Phụ Nữ”. [2]
 
Đây là tờ báo có xu hướng xã hội ngay từ đầu chứ không chỉ hoạt động theo lối thông tin thương mại đơn thuần; xu hướng của nó là nêu vấn đề phụ nữ như một nội dung cụ thể của việc duy tân (đổi mới) xã hội người Việt. Những đề tài được tổ chức rất thành công, ví dụ cuộc trưng cầu ý kiến “Các danh nhơn trong nước đối với vấn đề phụ nữ”, hoặc tổ chức học bổng của Phụ nữ tân văn, v.v… cho thấy những nỗ lực kiểu mới của những người điều hành một cơ quan ngôn luận. Ngoài loại công việc không tên của người phụ trách tòa soạn, Đào Trinh Nhất còn viết nhiều loạt bài đăng trên tuần báo này, ví dụ loạt bài về “nữ tử giáo dục” ở Nhật Bản (khởi đăng từ số 1, ngày 2/5/1929), hoặc loạt bài du ký Mười tháng ở Pháp, nấp sau một bút danh rất phụ nữ là “cô Phạm Vân Anh”, − bút danh này ông cũng dùng để ký loạt bài Cái đời gian truân luân lạc của cụ Phan Văn Trường (P.N.T.V. từ số 211, ngày 10/8/1933 đến số 218, ngày 18/9/1933),[3] ngay sau khi cụ Phan mất.
 
Ở tờ nhật báo Đuốc nhà Nam, Đào Trinh Nhất viết riêng một mục hài đàm ký bút danh Nam Chúc. Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo trong mục “Những điều nghe thấy” trên nhật báo Trung lập thường hay trò chuyện với “anh Nam Chúc” này, chia sẻ nhiều điều về đời sống thường ngày ở thành phố Sài Gòn. Nhưng giữa hai người bạn này có lúc cũng nảy sinh sóng gió, nhất là khi Phan Khôi lên tiếng công kích thái độ mũ ni che tai của những ông nghị thuộc đảng Lập hiến, − tự coi là chính khách nhưng lại im lặng trước việc chính quyền thực dân đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng hồi giữa năm 1930, – cuộc công kích đã biến thành cuộc bút chiến giữa hai nhật báo Trung lập (nơi Phan Khôi đứng tên để viết bài) và Đuốc nhà Nam (nơi Đào Trinh Nhất làm chủ bút); chủ nhiệm Nguyễn Phan Long lâm vào thế bí, đành vi phạm cái nguyên tắc không nên làm là thoái thác tranh cãi đồng thời  sinh sự nói xấu người tranh luận với mình; Phan Khôi nổi giận, đòi chỉ mặt vạch tên kẻ xấu chơi; chủ bút Đào Trinh Nhất phải một phen ra tay dàn xếp để hạ nhiệt mối xung đột giữa ông chủ với ông bạn. Vài năm sau, lúc họ Đào gặp nạn (ông bị bắt vì bị tình nghi phạm tội tống tiền, khi vẫn đang là chủ bút Đuốc nhà Nam), nhiều kẻ ganh ghét được dịp châm chọc móc máy (có người viết: “Thứ cái thằng, ở với Cao Đài chưởi Cao Đài, ở với ông Kỳ chưởi ông Kỳ, nó là thằng Lữ Bố trong đời nay, có ai mà chủ nó; chủ nó có họa đồng tiền”!) thì người lên tiếng thông cảm trên mặt báo lại cũng chính là Thông Reo – Phan Khôi.[4] 
 
Đầu năm 1933, Phan Khôi rời Sài Gòn ra Bắc, Đào Trinh Nhất vẫn ở lại Sài Gòn; sau khi tai qua nạn khỏi, không rõ ông quay lại làm việc với Đuốc nhà Namhay làm việc với báo khác? Song, có thể đoan chắc rằng ông vẫn làm việc với tờPhụ nữ tân văn cho đến gần những số cuối cùng, và có lẽ chỉ sau khi tờ tuần báo mà ông gắn bó thủy chung này đã không thể hồi sinh, ông mới bắt tay vào việc lập ra báo Mai.
 
Về tờ báo Mai  do Đào Trinh Nhất sáng lập, theo Nguyễn Thành (Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, H.: Nxb. VHTT, 2000, tr. 331): báo này ra không xác định kỳ hạn, số 1 ra ngày 5/8/1935, số cuối: s. 108, ra trong tháng 10/1939; tuy vậy hiện không có sưu tập báo này tại thư viện quốc gia nên không rõ nội dung bài vở đăng tải trên đó.
 
Tôi chỉ tìm thấy dấu tích rõ rệt của việc: năm 1937, Đào Trinh Nhất được cử tạm thay Bùi Thế Mỹ (bị trục xuất 6 tháng về Trung Kỳ) làm chủ bút nhật báoĐiện tín (theo cách viết hồi ấy là “Điễn tín”) từ đầu năm đến giữa năm; mục “Nhựt ký” mà trước đó chủ bút Bùi Thế Mỹ viết và ký Lan Đình, thời gian ấy vẫn giữ nguyên tên mục, nhưng người viết ký là Hậu Đình, − đó là Đào Trinh Nhất. Ngoài ra, ông có những bài tường thuật mấy cuộc diễn thuyết của Nguyễn Tiến Lãng tại Sài Gòn về ca nhạc dân gian Việt Nam, về thi sĩ Tản Đà (Điện tín, s. 634, ngày 6/3/1937), tường thuật cuộc gặp lại và hỏi chuyện cụ Nguyễn Quyền (1869-1941) tại Sài Gòn, nhân cụ từ Bến Tre, − nơi cụ bị an trí từ sau khi ở Côn Đảo trở về, − lên Sài Gòn xin gặp đại sứ lao động Justin Godart mới từ Pháp qua Sài Gòn (Vài giờ nói chuyện với người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục // Điện tín, từ s. 639, ngày 12/3/1937 đến s. 650, ngày 25/3/1937), − những bài này ông đều ký bút danh N. (= Nhất) kể cả bài Tại sao tôi viết sách (ĐT, s. 653, ngày 30/3/1937) giải thích lý do ông viết các cuốn “Nhựt Bổn 30 năm duy tân” và “Phan Đình Phùng”mà nhà phê bình Thiếu Sơn điểm bình trên báo chí Sài Gòn.
 
Năm 1939, Đào Trinh Nhất bị trục xuất về Bắc Kỳ. Theo một số nguồn tài liệu thì những năm lưu lại miền Bắc (1939-1949), ông cộng tác với khá nhiều tờ báo khác nhau: Trung Bắc chủ nhật, Nước Nam, Ngày mới, Việt thanh, Cải tạo, … Nhưng tất cả những nguồn này hầu như đều chưa được tiếp cận để có thể nói tới những bài đăng cụ thể của ký giả Đào Trinh Nhất.
 
Trong số những tờ báo kể trên, tôi đã có dịp đọc sưu tập Trung Bắc chủ nhật, nhưng khi đó (năm 2000) là để tìm tác phẩm của một số tác gia khác (Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Bùi Hiển, Kim Lân, …); tôi nhớ khi thoáng thấy loạt bài phác thảo tiến trình lịch sử báo chí ở xã hội người Việt ký tên Quán Chi (Thử tìm long mạch của tờ báo ta  đăng Trung Bắc chủ nhật, từ s. 101, ngày 8/3/1942 đến số 104, ngày 29/3/1942), tôi đã thấy sự liền mạch của nó với một bài khác, từng đăng Phụ nữ tân văn trong Nam với bút danh Phạm Vân Anh (Nghề làm báo ở nước ta mấy trăm năm trước. Ông bà ta xưa đã biết cách làm báo thông tin // PNTV, s. 222, ngày 26/10/1933). Một số tài liệu khác cho biết, trên Trung Bắc chủ nhật  Đào Trinh Nhất còn ký các bút danh khác, với những loạt bài đăng đều kỳ mà về sau sẽ in thành sách, ví dụ truyện ký về cô Tư Hồng.
 
Theo nhận xét của tôi, nét tiêu biểu của cây bút Đào Trinh Nhất là biên khảo sử học. Nếu ông viết truyện thì thuận lợi cho ngòi bút ông là loại truyện ký về nhân vật lịch sử, về các danh nhân, không phải loại truyện hư cấu. Sinh trưởng vào thời đại của báo in, ngòi bút ông không thiếu, trái lại khá dư thừa khả năng viết đủ mọi thể tài, nhưng ông quen gắn với loại bài đăng dài kỳ, mang tính chuyên đề. Theo cách phân biệt của báo chí “cổ điển” (thế kỷ XIX - đầu XX), Đào Trinh Nhất cũng có thể giữ vai trò “người viết cột” (columnist) như Phan Khôi, nhưng thích hợp cho ông vẫn là đứng vào hàng những tác giả viết bài đăng đều kỳ (feuilleton), tuy rằng số đông những tác giả đăng đều kỳ thường viết truyện hư cấu, trinh thám, võ hiệp, trong khi Đào Trinh Nhất luôn luôn làm việc với những dữ liệu lịch sử.
 
Chính vì đặc tính trên ở ngòi bút Đào Trinh Nhất nên chúng ta có thể tin rằng phần lớn những đóng góp của ông được thể hiện trên các cuốn sách đã in ngay lúc sinh thời tác giả. Nếu tập hợp được hầu hết các cuốn sách ấy, nhất là những cuốn biên khảo từ chất liệu lịch sử Việt Nam, thì sưu tập này đã có thể bao hàm những cống hiến chủ yếu của ngòi bút Đào Trinh Nhất.
 
Tuy vậy, di sản báo chí của Đào Trinh Nhất, cho đến hôm nay, vẫn là một câu đố lớn trước mắt giới nghiên cứu. Chừng nào chưa khai thác để nắm chắc được toàn bộ hoặc một phần chủ yếu của di sản ấy, chừng đó vẫn chưa thể nói các giới nghiên cứu sử học, văn học Việt Nam đã biết đủ về Đào Trinh Nhất, − một nhà báo hàng đầu của báo chí hiện đại Việt Nam, một học giả nghiêm túc có nhiều đóng góp vào loại sớm cho thể tài biên khảo hiện đại, cung cấp dữ liệu, và cả những trải nghiệm cá nhân, về những sự kiện và nhân vật thuộc lịch sử cận hiện đại.
 
Tôi tin rằng công trình sưu tập này sẽ thúc đẩy các học giả lớp trẻ đi sâu hơn trên hướng tìm lại di sản một ngòi bút lớp trước, nhất là phần di sản còn nằm khuất trong các chồng báo cũ.
 
Hà Nội, 25/12/2010

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân


 Chú thích
[1]  Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945,  Tp.HCM.: Nxb. TP.HCM., 2000, tr. 211-212.
[2] ‘Phụ nữ tân văn’ bị đóng cửa 5 tháng // Trung lập, Sài Gòn, 14/5/1931.
[3]  Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan trong một cuốn biên khảo xuất bản gần đây (Phụ nữ tân văn, phấn son tô điểm sơn hà, Tp.HCM.: Nxb. Văn hóa Sài Gòn & Cty sách Thời đại, 2010, tr. 134) cho rằng tác giả loạt bài về cuộc đời Phan Văn Trường đăng PNTV kể trên, ký V.A. là “cây bút nữ quen thuộc củaPNTV, tên tộc là Phạm Vân Anh, quê quán Vĩnh Long, từng sang Pháp du học hồi năm 1926”. Không rõ thông tin này căn cứ từ nguồn nào? Nhưng từ lâu, nhà phê bình Thiếu Sơn, người từng cộng tác vớiPhụ nữ tân văn, đã khẳng định: “cô Phạm Vân Anh” chính là bút danh của Đào Trinh Nhất (Bài học Đào Trinh Nhất // Đuốc nhà Nam, Sài Gòn, 1970). 
 [4]  Xem: Thông Reo: Quân tử oán tam niên // Những điều nghe thấy // Trung lập, 30/8/1932; có in trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 /Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Tri thức, 2010, tr. 499-500.