Anh hùng Phùng Văn Khầu, người lính nhất mực trung thành đã ra đi!

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu. Ông ra đi đúng vào ngày kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là một người lính nhất mực trung thành của Đại tướng, của quân đội ta, nhân dân ta.

Ông sinh năm 1930 tại xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đến nay đã trên tuổi 90. Từ một đứa trẻ cơ cực mồ côi mẹ khi mới hơn một tháng tuổi được xóm giềng, họ mạc và cách mạng nuôi lớn thành người, trở thành chiến sĩ, trở thành anh hùng, 5 lần được gặp Bác Hồ, suốt đời học theo gương Bác, giản dị, khiêm nhường, và đặc biệt trung thành hiếm có.
Điều này với người khác còn có thể phân vân, thậm chí ở cương vị rất cao cũng không dễ gì khẳng định. Nhưng Phùng Văn Khầu khác, sự nhất mực trung thành của ông không chỉ phải bắt đầu từ lúc một mình một pháo chiến đấu trên đồi E trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, mà từ sớm hơn nhiều, từ lúc đi ở đợ kiếm bát cơm ăn, rồi làm liên lạc cho đoàn thể, rồi nhập ngũ đầu năm 1946 khi chưa tròn 17 tuổi, mù chữ làm nhiệm vụ anh nuôi đã dùng những hòn sỏi ghi chép đều không sai sót, nhất mực trung thực với đồng đội, anh em.
Những tháng ngày “mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, Phùng Văn Khầu càng kiên cường, trung thành và tận tụy, không chỉ tự học bằng cách ngắm bắn trực tiếp qua nòng sơn pháo, mà còn kiên trì cùng với đồng đội kéo pháo vào, kéo pháo ra. Nếu không nhất mực trung thành, không thể nào cắn răng thực hiện “quân lệnh như sơn” từ người Anh Cả.
Người con dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu trung thành đến độ, giữa lúc điểm cao đồi E mưa bom bão đạn, đồng đội đã hy sinh hết, bản thân bùn máu đặc đụa trên người, giọng đã gào khản đặc không có người tiếp viện đã phải tự mình nạp đạn, ngắm bắn và siết cò từng quả đạn diệt vô số pháo và lô cốt địch. Và người lính trung thành ấy đã gào khóc đồng đội ngay trên chiến địa đẫm máu xương trộn đất bùn. Để từ đó, sự trung thành như sắt thép càng được tôi rèn trong lửa đỏ.
Phùng Văn Khầu từ tấm bé với lúc nhắm mắt luôn hiền và có phần ngơ ngác. Song sự thật thà ở người anh hùng đều trước sau như nhất, như bản tính trung thành của ông với Đảng, với Bác Hồ. Ông đã nhận huy hiệu 70 năm tuổi đảng một cách lặng lẽ đúng như tính cách của mình. Không một cơ số huân huy chương nào nói hết tấm lòng trung thành của ông với con đường đã chọn, bộ quân phục người lính Cụ Hồ. Ông làm gương sáng ở chiến trường, nơi Khe Sanh, Tà Cơn trên đầu máy bay giặc vừa đọc loa vừa rải truyền đơn đòi bắt sống, chiêu hàng ông với số tiền rất lớn. Ông âm thầm lặn lội từ trận địa Quảng Trị ra thủ đô ngày 30 tháng 8 năm 1969 để dự một sự kiện đặc biệt: Quốc khánh! Càng đặc biệt hơn, ông được gặp Bác Hồ lần cuối khi Bác đã hôn mê. Và trước các đồng chí trong Bộ Chính trị bên giường Bác, ông đã không nín được gọi to hai tiếng Bác ơi! Rồi ngất lịm. Rồi Phùng Văn Khầu như hóa đá trong ngày Quốc khánh, bởi đến hôm sau (3-9) Đảng và Nhà nước ta mới công bố Bác mất. Và hôm sau, người lính nhất mực trung thành lại lầm lũi trở lại chiến trường.
Người lính Phùng Văn Khầu có cuộc đời khá kỳ lạ. Ông như được sinh ra để theo cách mạng, tay không tự xây dựng cuộc đời mình từ trong máu và nước mắt. Ông hiểu quá rõ, chỉ có sự trung thành tuyệt đối mới góp phần làm nên những chiến công của người chính nghĩa. Không phải lúc nào cấp trên hay đồng đội, ngay cả người bạn đời hiểu hết sự kiên cường, trung hậu của ông; nhưng dứt khoát phải tuyệt đối trung thành, không chỉ trong chấp hành nhiệm vụ mà phải bằng vào toàn bộ cuộc đời mình cho đến lúc nhắm mắt.
Con đường mình đã đi qua có nhiều đoạn thác ghềnh khi vượt qua rồi không dám nghĩ tại sao đã vượt qua hiểm nguy tài tình đến thế. Đó chính là nhờ ở nhân dân không tiếc máu xương, nhờ đồng đội lấp lỗ châu mai, lấy thân mình che lửa đạn. Nhân dân đã như thế, đồng đội đã như thế mình không trung thành với họ đặng làm sao ngẩng mặt làm người? Trung thành có thể hy sinh. Đã biết bao nhiêu người lính trung kiên vì Tổ quốc trên tuyến đầu trở thành liệt sĩ. Và thỏi thép Phùng Văn Khầu sau tầng tầng lửa đạn đã nhẹ nhàng chọn hai chữ trung thành theo suốt cuộc đời mình.
Có những lúc trở lại đời thường, những ngày tháng ấy, vẻ đẹp của sự trung thành sao lấp lánh và tin yêu đến thế. Người ta càng thấy thêm những khía cạnh giản dị của người lính Cụ Hồ.
Tôi may mắn được gần gũi ông hơn 10 năm, đã viết một tập sách hơn trăm trang về người anh hùng, mà không hiểu tại sao, tới tận khi nghe tin ông mất tôi mới choàng tỉnh nhận ra vẻ đẹp của Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu chính là sự trung thành tuyệt đối với chính mình, với Tổ quốc, với nhân dân.
Không trung thành làm sao suốt đời trăn trở học tập và làm theo Bác Hồ từ những việc nhỏ nhất như tuyệt không đòi điều gì riêng cho mình, không lấy hơn phần dù chỉ là một viên thuốc, một cây kim. Càng không để một viên thuốc, một cây kim, sau này là những khoảnh đất, những mối lợi bất chính lọt vào tay người không xứng, quan tham, cán bộ biến chất. Phùng Văn Khầu trung thành tới mức người xung quanh không phải lúc nào cũng hiểu hết về ông. Dù ông nói cười đấy, trả lời báo chí, truyền hình, nói chuyện với học sinh, sinh viên, cán bộ bề ngoài luôn tếu táo vui cười mà bên trong chính là bài học làm người, bài học về sự trung thành của người lính Cụ Hồ đã như mạch máu, mạch suối nguồn trong mát âm thầm nuôi sống con người, vạn vật sinh sôi.
Đã 10 năm nay, năm nào người anh hùng tờ mờ hơi sương 6 giờ sáng mùng 6 tháng Giêng đều có mặt ở cổng chính Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) như một vị thủ đền. Ơ cụ già quân phục chỉnh tề tóc râu trắng cước ngực đỏ vạt huân huy chương tới nơi phố thị sớm quá thế làm gì? Rồi tứ phía, các cháu sinh viên ùa đến với “lão tiên ông”, chờ cánh cổng gỗ nhà Bái Đường rộng mở để người anh hùng vào trò chuyện, nói cười, trao thưởng ríu rít cùng các cành hoa xuân. Khi ấy, tôi lại thấy sự trung thành nhất mực của người lính già cho đạo học. Ngày trước, ông đã từng mù chữ, từng không biết viết tên mình, thì nay, bên hàng bia Văn Miếu, ông như muốn tự mình khích lệ, trao truyền đạo học cho thế hệ mai sau.
Một điều chắc chắn, Anh hùng Phùng Văn Khầu ra đi vô cùng thanh thản bởi tất thảy những gì ông đã làm, đã cống hiến đã thay lời nói tạm biệt của ông khi trở về thế giới của người hiền. Cách đây tròn hai tháng, khi dự bữa cơm gia đình với người anh hùng, chúng tôi nâng ly rượu chúc ông sức khỏe, ông còn hẹn sớm vãn dịch Covid-19 sẽ tới sân Văn Miếu gặp gỡ các cháu sinh viên. Vậy mà thật thanh thản và nhẹ nhàng, ông ra đi trên chiếc giường nhỏ nhà mình, bên vợ con, đôi mắt từ từ khép lại như vừa nghĩ xong một việc, như là kiểm điểm lại sự trung thành của  mình với Tổ quốc, với nhân dân trong toàn bộ cuộc đời mình.
Theo QĐND; Nhà văn Phùng Văn Khai