Kẹo Vừng Đường Lâm.

Bài viết của Nguyễn Minh Hoa


Đường Lâm xứ Đoài nức tiếng xa gần từ xưa đến nay, ai đã đến thì nhớ, ai đã về thì mong trở lại. Đến để thấy lối xưa, dấu cũ  tiền nhân xây đắp, đến để chiêm ngưỡng Đình Mông Phụ, chùa Mía, thơ thẩn trong những ngôi nhà cổ, chụp bức ảnh với đá ong, đặc trưng của xứ này.  Sau đó, chẳng khó gì ta sẽ thấy  những sản vật của đồng đất xứ Đoài như bánh gai, chè lam, tương đậu…tất thảy được làm nên bởi  sự khéo léo, đảm đang của những chủ nhân hiền hậu. Điều tôi muốn nói ở đây là món kẹo vừng, ngọt thơm, giòn tan, món quà bình dân mà để nhớ.
Kẹo vừng, kẹo bột, kẹo lạc, kẹo dồi là 4 thứ kẹo mà xưa kia, trẻ con trong làng thường mong mẹ về chợ để được ăn các loại kẹo này. Dường như chợ quê nào cũng có người bán, chứ không thiếu. Nhưng kẹo vừng Đường Lâm lại khác. Người ta kể: Kẹo vùng này là do bà chúa Mía dạy cho người trong làng làm, nên có công thức bí truyền. Cũng là đường mía,  là vừng, là bột, nhưng thành phẩm vừa ngon, vừa đẹp. Nếu ăn kẹo vùng khác rồi, mới biết để so sánh, thì đúng thật. Kẹo vừng Đường Lâm không to, dài, mà nhỏ xinh, cắn đôi ba là hết 1 cái. Vừng bọc áo, tản đều, không bị vón, hạt vừng lại trắng, rang đều tay, chín tới, bọc lấy thân kẹo thắng đường  và bột. Cái kẹo trên tay, thơm thơm mùi đường mía, mùi vừng, cắn thử 1 miếng, giòn tan. Ăn vào thấy vị ngọt đậm, bùi thơm của vừng hòa quện. Chả phải nguyên liệu cao sang, chế biến cầu kì mà sao hấp dẫn, hấp dẫn đến bất ngờ với người tìm lại món cũ, với người tìm thấy lần đầu. Ăn kẹo rồi, nhấp ngum trà nóng, trong cái se lạnh mùa đông, như thấy cả tuổi thơ ùa về. Nhất là trong khung cảnh của một ngày mùa đông, có nắng. Dưới gốc cây đa cổ thụ trơ cành, nơi cổng chùa Mía, chị bán hàng đon đả mời nước, mời kẹo và kể về câu chuyện đặc sản làng mình, những lò kẹo ngon, hàng chuẩn, có thương hiệu. Có khi, cái kẹo cầm trên tay, còn chưa vội ăn, tận hưởng sự trong lành của đất trời xứ Đoài đã, tận hưởng mùi hương hoa mộc thoang thoảng đưa lại trong gió hanh hao, hương thơm như đọng lại trên tóc. Là cái kẹo vừng, món quà quê dân dã, có gì đâu nhỉ? Nhưng sao mà thiết tha. Nó thấm đượm tình người xứ này, gắn bó với vùng đất quý. Là mật mía làng bên sông Hồng, là ruộng vừng đất bãi, là sự tảo tần khuya sớm của chị, của mẹ nhóm lửa bao mùa, để nấu nồi kẹo thơm, đủ hàng cho phiên chợ làng, chợ tổng. Để bao năm rồi, giờ đây khách phương xa về có cái kẹo cầm tay, ngắm rồi mới ăn, ăn rồi lại mua về làm quà.
Trong cái ồn ã, vội vàng của cuộc sống mới, hàng hóa đầy ắp nơi siêu thị với mẫu mã sặc sỡ. Cái kẹo vừng, lộ trong hộp nhựa trắng trong, hạt vừng mẩy mắt thường nhìn thấy được, mở nắp hộp là thấy thơm ngon. Cái kẹo là kí ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ, một kí ức không giàu có về vật chất, nhưng hình như trong cái khó khăn, thiếu thốn ấy, có những thế hệ, những con người đã trưởng thành vững vàng, để truyền lại cho người bước tiếp những giá trị vật chất, tinh thần quý báu.
Bà chúa Mía thờ trong chùa Mía này, dạy cho dân nấu kẹo đấy, kẹo chùa bà ngon lắm, khách mua về làm quà đi.Người bán hàng nói chuyện xưa, mà như mới đâu đây, gần gặn lắm!
NMH