NÉT ĐẸP LỆ LÀNG VÙNG CHIÊM TRŨNG PHÚ XUYÊN

NÉT ĐẸP LỆ LÀNG VÙNG CHIÊM TRŨNG PHÚ XUYÊN
ã hội Việt Nam thời xưa, các tổ chức ở nông thôn như phe giáp, xóm thôn, làng xã đều đặt ra những quy ước để giải quyết điều hoà các tranh chấp, xung đột, đồng thời khống chế và ràng buộc lẫn nhau trong cộng đồng hẹp mà “tối lửa tắt đèn” có nhau, quyền lợi và nghĩa vụ gắn kết với nhau. Trong một cộng đồng người cùng chung sống trong một khu vực, tất yếu phải nảy sinh những vấn đề giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể hoặc giữa tập thể này với tập thể khác.
NÉT ĐẸP LỆ LÀNG VÙNG CHIÊM TRŨNG PHÚ XUYÊN
 
Đỗ Thi Hảo


CHÍNH NGỌ; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Xã hội Việt Nam thời xưa, các tổ chức ở nông thôn như phe giáp, xóm thôn, làng xã đều đặt ra những quy ước để giải quyết điều hoà các tranh chấp, xung đột, đồng thời khống chế và ràng buộc lẫn nhau trong cộng đồng hẹp mà “tối lửa tắt đèn” có nhau, quyền lợi và nghĩa vụ gắn kết với nhau. Trong một cộng đồng người cùng chung sống trong một khu vực, tất yếu phải nảy sinh những vấn đề giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể hoặc giữa tập thể này với tập thể khác. Do đó, việc xây dựng các quy ước chung là điều tất yếu phải có. Quy ước có nhiều tên gọi khác nhau: Hương ước, lệ làng, tục lệ, khoán ước,… tùy theo từng nơi, nhưng phổ biến trong dân gian người ta vẫn gọi là lệ làng. Làng xã muốn tồn tại và phát triển thì nhất thiết phải có lệ làng, song vấn đề cốt thiết lại phụ thuộc vào nội dung các lệ làng tiến bộ hay lạc hậu, chứa đựng thuần phong mỹ tục hay những hủ tệ lạc hậu… Căn cứ vào thư tịch cổ, chúng ta biết rằng đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1496) triều đình đã ra lệnh “tiêu chuẩn hoá” các lệ làng, nhưng cho đến nay ta vẫn chưa tìm thấy một bản lệ làng nào ở thời gian đó. Hiện nay ở Thư viện Khoa học xã hội và Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được một số lệ làng cổ của huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây. Bản có niên đại xưa nhất là niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774) và muộn nhất là niên hiệu Duy Tân 4 (1910). Cụ thể những bản lệ làng có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm như sau:
<p class="MsoNormal" '="">- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Già Cầu tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 48 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Già Cầu tổng các xã tục lệ - lập năm Tự Đức 18 (1865), 95 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Hoàng Trung tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 65 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Khai Thái tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 45 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Khai Thái tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 52 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Lương Xá tổng các xã tục lệ, 80 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Mỹ Lâm tổng các xã tục lệ, 187 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Thịnh Đức tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 85 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Thịnh Đức tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 2 (1908), 178 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Thường Xuyên tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 220 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Tri Chỉ tổng các xã tục lệ - lập năm Cảnh Hưng 35 (1774), 180 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Tri Thuỷ tổng các xã tục lệ - lập năm Tự Đức 5 (11852), 55 tờ.
- Hà Đông tỉnh Phú Xuyên huyện Tri Thuỷ tổng các xã tục lệ - lập năm Duy Tân 4 (1910), 95 tờ.
Nhìn chung các bản lệ làng trên không phải được hoàn thiện ngay từ đầu mà thường xuyên được bổ sung ở các đời sau để phù hợp với tình hình thực tế đã thay đổi. Mỗi lần bổ sung thì các điều khoản càng cụ thể hơn, hợp lý hơn. Lệ làng được lập ra theo yêu cầu của từng địa phương cụ thể cho nên thời gian lập bản lệ làng của các thôn xã và nội dung của nó cũng không giống nhau. Mãi đến đầu thế kỷ XX, khoảng niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910), Nhà nước bảo hộ yêu cầu các làng xã kê khai lệ làng của địa phương mình theo mẫu định trước. Các bản lệ làng còn lại ở Phú Xuyên đến nay phần lớn được lập trong thời gian này, thử trích một đoạn sau đây làm ví dụ:
“Lý dịch xã Lễ Nhuế tổng Già Cầu huyện Phú Xuyên khấu trình: Bản xã chúng tôi từ trước tới nay đã có khoán lệ nhưng chỉ truyền khẩu. Nay dân xã chúng tôi đã hội họp, đối chiếu từng khoản điều lệ đã lưu hành về chính trị, phong tục, như thế nào nhất nhất khai trình sau đây. Đồng dân cùng ký đệ trình đầy đủ lên, cúi xin quan huyện xem xét, thật vạn phần may mắn”.
Nội dung các lệ làng hầu hết đề cập đến mọi vấn đề của nông thôn thời đó, song rút cục có thể quy vào bốn mục lớn là: hình luật, hộ luật, chính trị và phong tục.
Qua nghiên cứu các lệ làng ở Phú Xuyên chúng tôi thấy những cái hay cái tốt và những tệ nạn đan xen nhau. Những hủ tục nặng nề hành hạ biết bao con người của biết bao thế hệ cần phải xóa bỏ, đó là lệ về ngôi thứ và khao vọng ở nông thôn xưa. Ngôi thứ trong làng là việc cực kỳ hệ trọng. Khi làng họp ở đình để bàn việc công hay để thụ lộc sau khi tế thần thì người nào phải theo ngôi thứ ấy, ai ngồi sai thứ tự sẽ bị làng bắt vạ. ở làng xã xưa người ta hay tranh nhau “ăn trên ngồi trốc” một cách kịch liệt. Hoặc dùng tiền bạc để mua ấm mua nhiêu trong làng, hoặc mua phẩm hàm của Nhà nước. Lại có khi dùng thần thế hay mưu mô để giành lấy một vị trí trong làng. Câu tục ngữ “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” đã nói lên điều đó. Rồi nạn khao vọng “vô vọng bất thành quan”, nạn chè chén “một người quy cả làng say túy lúy”… khiến bao gia đình khánh kiệt, bán vợ đợ con.
Nói như thế không có nghĩa là cứ lệ làng là tiêu cực phải xóa sạch. Gạt bỏ đi những tệ nạn không thể tồn tại được, thì những ưu điểm của lệ làng cũng thấy khá rõ nét. Đầu tiên phải nói đến là tính chặt chẽ của lệ làng. Người nào vi phạm lệ làng tức là đã vi phạm cả cộng đồng, tất yếu sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ. Xét cho cùng lệ làng là pháp luật do cộng đồng làng xã đặt ra, nó là cơ sở để giữ yên kỷ cương phép nước. Bất cứ chính thể nào cũng cần phải xây dựng một xã hội có luật pháp. Đã là luật pháp thì không loại trừ một ai. Thực hiện lệ làng vừa là trách nhiệm nhưng cũng là nghĩa vụ và tình cảm của mỗi con người với làng với nước. Cho nên ai không ý thức được điều này thì đã có những điều khoản để xử lý:
“Người nào làm trái khoán ước mà dân đã lập ra, hoặc không tuân theo khoán ước sẽ bị phạt 6 mạch để sung công” (xã Ngải Khê, tổng Già Cầu).
Có nơi hình phạt được quy định rất chi tiết đến từng đối tượng vi phạm.
“Trong thôn người nào ương ngạnh không tuân theo khoán ước, thì các bậc trưởng thượng cứ căn cứ theo lệ làng phạt tiền là 3 quan 6 mạch để sung công. Nếu là trẻ con bị đánh 30 roi và tha cho lần đầu. Lần sau tái phạm bị xét xử như người lớn, tốn phí bao nhiêu đều phải gánh chịu. Người vi phạm lệ làng dù ở thứ bậc nào cũng không được dự tế ở đình” (thôn Trung, xã Vĩnh Xuân, tổng Khai Thái).
Những vấn đề lệ làng đề cập đến trước tiên phải kể tới những quy định về đạo đức mà tất thảy thành viên trong làng đều phải theo:
“Dân trong xã phải khiêm tốn nhường nhịn nhau. Kính trọng người già, thương yêu con trẻ. Lấy lễ độ đối xử với nhau, không được ngông cuồng ngạo mạn. Người nào hỗn láo với bậc trưởng thượng, chứng cớ rõ ràng thì bị phạt 1 quan sung công để răn đe kẻ khác” (xã Trung Lập - Lệ năm Tự Đức 29, 1876).
Tôn trọng người già vốn là truyền thống, là đạo lý của người Việt Nam. Đạo lý này được thực hiện từ trong mỗi gia đình cho đến ngoài xã hội. Nó tạo nên một trật tự tốt đẹp, góp phần làm cho xã hội được ổn định. Nó trở thành vấn đề đạo đức, xã hội và thời đại nào cũng cần thiết lập và duy trì. Làng Chuôn Ngọ xưa cũng là nơi vốn có truyền thống trọng người già (trọng lão). Lệ làng quy định đối với các cụ bà 50 tuổi được vào lão, còn các cụ ông 55 tuổi mới được quyền khao lão. Người khao lão được miễn 1/2 suất thuế đinh nhưng phải sắm sửa 50 khẩu trầu để trình làng. Những người khao lão 60 tuổi trở lên phải sắm biện 100 khẩu trầu. Các cụ bà khao lão biện lễ ra chùa. Những vị quan to tước lớn, về làng ở, tuy chưa đến tuổi cao nhất làng nhưng là những “người sang ngoài nước” nên họ cũng được tôn theo danh hiệu ấy để thể hiện truyền thống trọng sĩ - tôn trọng người tài. Những cụ thọ từ 80 tuổi trở lên được làng tặng áo đỏ, khăn đỏ. Mọi người có niềm tin rằng “kính già, già để tuổi cho”, con cháu sẽ được mạnh khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Nhìn chung ở Phú Xuyên việc khao lão cũng đơn giản gọn nhẹ, các lệ định chú trọng đến mục đích thiết lập tôn ti trật tự trong làng xóm là chính, chứ không nệ vào việc ăn uống, chè chén.
“Trong xã có người lên lão, việc khao vọng gia chủ mời các cụ chức dịch đến nhà, trầu rượu hoặc ăn uống tuỳ tâm, không bắt buộc” (xã Ngải Khê).
Một đối tượng nữa được quan tâm thể hiện rõ trong các lệ làng, đó là trẻ em. Đây là thế hệ sẽ kế tiếp sự nghiệp của ông cha. “Tre già măng mọc”, vì thế đối với lớp trẻ phải uốn nắn từ lúc còn thơ dại và phải ràng buộc chúng bằng những khuôn phép, những luật lệ của làng.
“Trong làng xã, trẻ con không được rong chơi lêu lổng, tụ tập ở các hàng quán, uống nước chè, ăn nói sằng bậy. Nếu không tuân theo quy định trên, lý dịch bắt được quả tang sẽ phạt 1 đồng và 100 miếng trầu…” (thôn Trung, xã Vĩnh Xuân, tổng Khai Thái).
Muốn xây dựng được thuần phong mỹ tục, muốn làng xã phong lưu, thịnh vượng thì tình độ dân trí phải được nâng cao. Nhìn chung, hầu hết các lệ làng đều coi trọng việc học, khuyến học bằng cách mở trường, tìm thầy giỏi nhằm mục đích đào tạo nhân tài cho quê hương:
“Cử những người giỏi chữ Hán và chữ Quốc ngữ, bất kể quê quán ở đâu, làm thầy giáo trong làng. Hàng năm cấp cho 5 mẫu ruộng để cày cấy. Nếu người đó dạy dỗ không chuyên cần thì trình quan trên không cho dạy nữa, thay thế bằng người khác” (xã Đồng Vinh, tổng Thịnh Đức Thượng).
Cũng để khuyến khích việc học, lệ làng quy định khen thưởng và tôn vinh những người thành đạt rất rõ ràng, cụ thể:
“Người nào đỗ Tiến sĩ, Phó bảng, bản xã mừng 60 đồng, đỗ Cử nhân mừng 40 đồng, đỗ Tú tài mừng 30 đồng. Ngày vinh quy bản xã chuẩn bị nghi tiết để đón. Còn những người làm việc tại các công sở hay tổng lý được phẩm hàm thì được tặng 10 đồng để biểu thị lòng kính trọng” (thôn Nội, xã Hà Thao, tổng Già Cầu).
Hoặc là: “Trong xã có người đỗ Tiến sĩ, Cử nhân, hay Tú tài, Hội tư văn biện lễ vật cùng nhau đến chúc mừng để thể hiện coi trọng văn phong…”
Hầu hết nội dung những bản lệ làng ở Phú Xuyên đều toát lên mong muốn đẩy mạnh và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, làm cho nó phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Những ý tưởng trên được cụ thể hóa bằng những quy định, từ việc canh phòng đồng ruộng, làng xóm, cho đến tang ma, cưới xin, hình phạt về tội trộm cắp, cờ bạc, … tất cả đều có cân nhắc, xem xét. Đơn cử một vài ví dụ sau đây:
Việc cắt tuần phòng trông nom đồng nước, mùa màng;
“Hàng năm, tuần đinh canh phòng đồng điền theo 2 vụ. Bốn giáp cử cả thảy là 20 người: giáp Đông 5 người, Đông Nhị 5 người, giáp Tây 6 người và giáp Bắc 4 người. Chọn người lập sổ xuất hành, làng chia làm 4 khu tuần phòng. Vụ cấy, việc giữ hay tháo nước do tuần đinh canh giữ, hạn là từ tháng 11 đến mùng 3 tháng 3 âm lịch. Chiếu thu mỗi sào ruộng mạ nộp 2 mạch tiền canh. Nếu trong thôn có người nào đào đường, bắt trộm cá, theo lệ bị phạt 1 quan 2 mạch và 30 miếng trầu. Khi lúa chín tuần đinh phải đặt điểm canh phòng, thu hoạch xong, mỗi sào phải trả công 1 lượm lúa. Nếu trông nom không cẩn thận, chiếu theo tang vật bị mất phải bồi thường cho đủ số. Tuần đinh nào có hành vi không tốt lại không chịu nhận lỗi, giáp có người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Người nào 60 tuổi hoặc xấp xỉ 60 thì không được đi tuần” (thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ).
Trách nhiệm của mọi người đối với cộng đồng làng xóm nơi mình sinh sống:
“Nhà nào ở gần đường cái hoặc đường trong các ngõ xóm không được vứt rác bẩn ra đường. Phải phân chia nhau quét dọn sạch sẽ, ai vi phạm bị phạt 1 quan tiền sung công” (xã Đồng Vinh, tổng Thịnh Đức Thượng).
Để duy trì thuần phong mỹ tục và ngăn ngừa những tệ nạn, lệ làng đặt ra những hình phạt rất nghiêm ngặt: “Người nào trong thôn tổ chức đánh bạc, lý dịch và tuần tráng bắt được giải đi xét xử theo khoán ước. Bị phạt 36 quan sung công và 1 năm không được dự tế trong chốn đình chung” (thôn Quang Lãng, xã Cổ Liêu).
Về vấn đề hôn nhân:
“Trai gái lấy vợ gả chồng, thôn xã không được sách nhiễu của cải, không được đóng cổng, ngăn đường. Ai vi phạm bị phạt 5 quan sung công. Cỗ bàn ăn uống tùy hôn chủ định liệu, không quy định” (xã Hà Thao).
Lệ làng xử đối với những người muốn ly hôn: “Trong thôn, vợ chồng nào sống với nhau không hợp muốn ly dị thì tuỳ ý, nhưng phải làm đơn ký kết mỗi người giữ 1 bản. Nếu vợ không sai phạm mà chồng tự ý bỏ, hoặc vợ tự ý bỏ đi, thôn chiếu lệ phạt tiền 12 quan sung công và bắt đoàn tụ” (xã Cổ Liêu).
Việc tang ma:
Ở Phú Xuyên, ngoài những điểm chung như mọi nơi khác, lệ làng có những hình thức vừa giáo dục vừa răn đe từ khi người ta còn sống, khiến cho tình làng nghĩa xóm trở nên gắn bó, đồng thời mỗi người đều phải sống đẹp vì mình và vì mọi người.
“Mọi người phải tôn trọng lẫn nhau theo lễ. Người nhỏ tuổi khinh thường người trên phạt 2 đồng. Người trên lăng mạ kẻ dưới phạt 1 đồng sung công. Ai ỷ thế áp bức mọi người, hội đồng kỳ mục ghi vào sổ, đợi đến khi chết, con cháu trong họ phải đến tạ lỗi giải quyết với chức dịch xong, giáp đó mới cho chôn. Làm thế để phong tục của dân được nghiêm chỉnh” (thôn Quang Lãng, xã Cổ Liêu).
Thường mỗi lệ làng gồm trên 20 điều quy ước về nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, lệ làng ở Phú Xuyên ràng buộc người ta ở cả hai mặt: vật chất - phạt tiền, tinh thần - không được tôn trọng trong cộng đồng gần gũi với mình là xóm làng. Có lẽ vì thế mà lệ làng thường được coi trọng hơn phép nước, “phép vua thua lệ làng”.
Cùng với cả nước và cả tỉnh Hà Tây, hiện nay huyện Phú Xuyên đang thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, kết hợp với xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Việc này bao gồm nhiều lĩnh vực về văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần, nhằm tạo ta diện mạo mới ở nông thôn ngày nay. Xây dựng làng văn hóa thực chất là sự kế thừa những truyền thống, những di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông với việc tiếp thu những giá trị, tinh hoa văn hóa hiện đại trong nước và thế giới. Thực tiễn xây dựng làng văn hóa ở Phú Xuyên cho thấy, cùng với những tiêu chuẩn khác thì mỗi làng phải xây dựng được bản quy ước của riêng làng mình. Những bản quy ước này là của dân, do dân xây dựng trên cơ sở thực tiễn làng mình và phù hợp với pháp luật của nhà nước. Nó được nhân dân tự nguyện thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ, văn minh làng xóm quê hương. Việc nghiên cứu tìm hiểu những lệ làng xưa của Phú Xuyên để rồi tiếp thu, kế thừa những mặt tích cực, rút kinh nghiệm, tránh những mặt tiêu cực, hạn chế, để xây dựng những quy ước mới là cần thiết và bổ ích.
Đ.T.H.