Nhớ về Chợ Giá

Tác giả: Nguyễn Minh Hoa

Chợ dưới chân đê bắt lối ra bãi.Xưa chỉ có dăm bảy nhà quanh chợ, vãn phiên nghe đìu hiu lắm.Những dãy cầu tróc lở, tường hay cột đều trơ gạch non. Nền chợbằng  đất thó chắc nịch, mưa không lội mà bao năm nay cây bám rễ đã thành cổ thụ. Những cây sà cừ thân to vài người ôm, lá xanh om, buổi chợ  thì reo vui, mà vẫn cây ấy, vãn chợ lại cho quang cảnh  một cảm giác khác, không chỉ buồn mà còn rờn rợn, thế mới lạ. Một đầu đốc cầu chợ ghi rõ 1960,  nghĩa là chợ này được xây đã  ngót 60 năm. Là chợ làng, nhưng người những làng xã bên, người trong tổng xa gần cũng luôn tìm về chợ Giá,  có lẽ vì sự đông vui, sầm uất và vì những phiên ngày 3,5,8,10 không bao giờ lỗi hẹn khách xa gần với những món hàng đặc biệt .
Đi trên đê, qua các cánh bãi, qua các làng ẩn hiện trong cây, xuống con dốc là vào đến chợ. Chợ vui từ chân đê, trong tiếng chào mời bán mua và tâm lý những người đi chợ được giao đãi, gặp gỡ, có khi chẳng nặng về mua bán. Đất này xưa có nghề tằm tang, nên chợ  Giá,vào ngày phiên, người ta vẫn ra chợ quay sợi thuê.Những bà, những chị thường quảy ghánh cái sa đem ra chợ từ sớm, tìm người có nhu cầu để quay sợi. Không nhớ mặt, nhớ người, có khi chỉ nhớ cái chỗ ngồi mà cứ đưa hàng, đi một vòng bán mua, khi quay trở lại thì sợi đã quay xong, trả chút tiền nhỏ và lấy hàng về.Đó cũng là bớt việc cho mình, đỡ một công đoạn để hàng trả đúng hẹn. Cũng vì có nghề tằm tang mà người bán nhộng, bán ngài cũng nhiều. Con thì rang lá chanh, con thì ngâm rượu làm thuốc. Món này cứ phải tìm ề chợ Giá tìm mua mới chuẩn. Nhiều người đi chợ sớm, mua cho bằng được, xong mới mua món khác, hay ănquà. Đôi người còn bán lá dâu trong thúng, trong mẹt. Có lẽ dâu đến lứa, tằm nhà không ăn hết, họ ghánh hàng đi bán đỡ…Đó là chuyện xưa, quãng độ 30 năm về trước.Nay thì vùng này hết bãi dâu, nghề tằm tang không còn.Thấy người bán nhộng buôn từ nơi khác về bán, đôi con nhộng vì dường xa về rập nát người mua thấy nao nao.Canh cửi cũng dỡ bỏ đã lâu, làng cũng đã khác xưa.
Chợ Giá nay, rau từ đồng đất xa gần về vẫn nhiều vô kể, mùa nào thức nấy, những cải bắp cuộn chặt, cà- rốt cuống dài, lấm đất, đến ngọn rau thơm như hành, húng láng, mùi tàu, húng chó cũng thân  mập, nhánh nhiều hơn những chợ khác. Mua miếng thịt, dự định về luộc, hay mua cân lòng về làm dồi thì không thể thiếu những gia vị này. Phải nói cánh bãi vài xã quanh chợ Giá đất tốt, trồng rau củ tốt mà ngon.Củ su hào non đến gốc, xào cả lá vẫn ngọt. Quả cà chua chín cây, mọng căng, đầy ứ bột, ăn sống cũng ngọt chứ không như đằng giấm, chín ép, đóng thùng chuyển từ xa về.
Chợ Giá có người bán nón, làng nghề từ Quốc Oai mang sang, người quê đi làm đồng, đi chợ vẫn cứ phải cái nón trắng, quang dầu cho mát mặt, chứ không như cánh đi xe máy đường xa, dùng mũ bảo hiểm cho đúng quy định. Đám trung niên đội nón, nhôi đỏ, quai tím, cánh thanh tân cũng đội nón làm duyên, chúng đi chợ có khi chẳng mua gì, chỉ ăn quà và chụp kiểu ảnh. Chợ Giá nổi tiếng xa gần, nên đúng phiên thường có cánh chụp ảnh về chụp cảnh bán mua.Họ mê những dãy cầu tróc lở, in dấu thời gian.Mê gánh hàng xén của chị trung niên ngồi trong cầu chợ.Gánh hàng này đã khác xưa, nhiều dây buộc tóc sặc sỡ lắm.Đôi đứa trẻ đứng chăm chú, nhìn thèm thuồng cái nơ màu hồng.Chúng đã chờ cả tuần, đến ngày nghỉ lại đúng chợ phiên mẹ mới cho đi chợ để mua. Xem ra niềm vui của con trẻ cũng không khác xưa là mấy.
Dưới gốc cây, có cái lán nhỏ, 4 cột và lợp tấm lợp xi măng, nơi chị tôi bán hàng đã bao năm nay.Hàng của chị là những thứ quà quê giản dị, mà mê hoặc. Đó là bỏng ngô, bỏng gạo, bánh quế, bánh nếp, bánh chưng và bánh rán. Quanh chị những túi, những đùm, lại có cái thúng, cái xảo, cái dần đựng và bầy bánh.Bỏng tẻ thì hạt to, bỏng nếp nổ chỉ ra nụ, nhỏ hơn. Bánh nếp gói lá chuối, vỏ dẻo, nhân đậu vàng, thơm tiêu, ngậy  mỡ. Bánh gai đen, gói lá chuối khô, bao  lá dừa bẻ vuông vức. Gạo nhà đem nổ, hạt sạn chẳng lẫn bao giờ, túi ni- lông bọc kín nên bỏng gạo nhà chị ngon, giòn tan.Bánh gói lá cũng vậy, gạo nếp ta, đậu xanh lòng, mỗi phiên mỗi mẻ, tầm vãn phiên thì chị cũng hết bánh. Bánh bán cho người ăn quà sáng, bánh bán cho khách vãng lai đem đi xa làm quà. Những cái bánh thơm phức mùi lá chuối khô, mùi lá dong, lá chuối tươi bánh tẻ, cầm lên hít cái thơm, ngắm cái đẹp xong mới nhẩn nha ăn. Ăn mà như thể nhấp cái vị quê mùa của làng xã, đồng đất quê mình.
Hơn 30 năm trước tôi đã từng theo chị ra chợ quay sợi thuê, tôi cũng lại theo chị ra nhà tằm xem nấu tơ, dệt lụa. Nay tôi không còn trẻ, nghề tằm tơ mất rồi, tóc chị tôi đã bạc, chợ Giá mùa tháng 5 vẫn còn rơm rạ phơi đầy xung quanh.Mùa tháng 10 này, người ta đã đập đi xây lại.Cũng phải thôi, mỗi thời mỗi khác, giữ mãi sao được. Dẫu cầu mới, ngói son có được xây cất nên tại chân đất này tôi  hy vọng, chợ Giá vẫn giữ được hồn cốt chợ quê, để người xa gần lại về đây, không chỉ bán mua, mà còn nâng niu hoài niệm./