THEN QUAY LÀNG CỔ

THEN QUAY LÀNG CỔ
Chiếc then quay thật giản dị nhưng có một đời sống riêng không hề giản dị, vừa mở ra tình làng nghĩa xóm vừa đóng vào ngừa thói gian phi, chỉ cái vòng bán nguyệt nho nhỏ ấy mà nói cả nguyên lý âm dương, đóng đấy mà mở đấy, tĩnh đấy mà động cũng đấy, thân thiện đấy và cẩn trọng cũng đấy. Tất cả được kết hợp trong một hoà quyện trên dưới, trong ngoài, thập thò, kín hở. Các cụ ta ngày xưa quý ngay phòng gian là vậy.




________________________________


THEN QUAY LÀNG CỔ



 
 
 
 Khải Hưng
Lối về làng Việt cổ đá ong Đường Lâm ngoài con đường quốc lộ phẳng lỳ rất thuận lợi cho xe cơ giới thì con đường trải sỏi màu gan gà chạy men dưới chân những quả đồi cạnh đôi bờ sông Tích, những quả đồi  mang tên đồi Bố Về, đồi áng Độ, gò Thiên ấn, gò Tang Trống, Núm Chiêng... chỉ nghe tên đã gây nhiều cảm xúc cho khách tản bộ. Nhất là vào những buổi sáng sớm, trong không gian mờ ảo có tiếng gì vang vọng cùng tiếng lạo xạo phát ra từ bàn chân đi trên đường sỏi đang gợi lên bao nét văn hoá của vùng đồi. Rồi đến khi gặp những vầng nắng tơ trên nền cỏ tía, nơi có những lưỡi đá thấm thuỷ nhô lên khiến khách càng bồi hồi hơn khi nhận ra tín hiệu một vùng trầm tích của làng Việt cổ đá ong nổi tiếng.
Đã có bao cuộc điền dã, bao giấy mực, bao công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nhằm đánh giá những giá trị tiêu biểu của các di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể ở đây; tuy đã nhiều phát hiện nhưng vẫn có gì còn ẩn chứa chưa khám phá  được hết, nó giống như ý nghĩa của văn chương mang tính đồng nhất, một giọt sương, một giọt nước mang cả mặt biển bầu trời. Vĩ thanh đã có còn tiểu tiết thì chưa, nó rất cổ nhưng vì đơn sơ nhỏ bé nên dù có đặt ngay trước mắt người lạ mỗi khi bước vào tham quan nhà cổ, ngay cả con mắt tinh tường của các nhà kiến trúc, các nhà văn hoá cũng ít  để ý tới, mãi đến lúc nhận ra cái thứ mà ở các nơi không thấy có, khách mới ớ ra nhìn ngắm và thấy thích thú với chiếc then quay.
Vâng! Nó là chiếc then quay thò cái núm ra ngoài cánh cổng của cư dân làng Việt cổ đấy. Nó ra đời cùng với những ngôi nhà đã lên nước thời gian đen bóng, tưởng đơn sơ nhưng là vật có hồn. Lần đoàn nhà văn, nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh về thăm làng cổ Đường Lâm, có người đã chăm chú nhìn nó rồi ngẫm nghĩ để ra một vế đối: "Làng cổ, nhà cổ, gì cũng cổ, cổ đến tận cổ". Cổ đến tận cổ là cái ý rất hóm khó có câu đối lại.
Nhà văn Lưu Trọng Văn  thốt lên:
- Tuyệt quá, thú vị quá! Cái này chỉ thấy có ở Đường Lâm.
Nói rồi ông quay sang nói truyện với tôi - một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ:
- Mình về đây tìm tư liệu về thời gian ông cụ (Nhà thơ Lưu trọng Lư) sơ tán ở Đường Lâm, nhìn thấy chiếc then quay cổng. ở đây nhà nào cũng có à?
Tôi trả lời:
- Mấy năm trước nhà nào cũng có, giờ đang mất dần bởi nó đang được thay thế dần bằng những chiếc khoá to đùng làm dấu niêm phong!
Nhà văn bảo:
- Thế thì tình làng nghĩa xóm bị nhốt rồi ư!
Tôi cười:
- Không đâu, mối quan hệ khép kín của cư dân làng cổ còn khá bền chặt, chỉ lo sau này mai một đi chăng.
Khách vòng vo quanh ngõ đá ong, điều lý thú là thấy hình như hai bên vách tường đá ong dài hun hút  biết nhại lại tiếng người, ấy là do âm thanh lời nói giọng cười của người bước dạo được va đi đập lại hai bên vách tường đá ong ấy rồi đổ xuống sau lưng tạo ra tiếng vọng, thật là một nét độc đáo ít thấy.
Câu chuyện xoay quanh về văn hoá cổng. Nói văn hoá cổng có sai không? Nhưng để ý nhìn những đường nét, kiểu dáng của những chiếc cổng, tự thân nó đã nói được nhiều điều. Này nhé, ở các nhà khá giả, cổng xây bằng gạch bìa Bát tràng trát bên ngoài lớp vữa bằng vôi mật xanh bóng, nó to rộng đứng trên năm bậc đá xanh Đông triều, cánh cổng bằng gỗ mít, trên vòm cổng để mặt bia trang trí kiểu "Triện tàu lá nảy", chung quang soi kẻ cầu kỳ nổi lên ở gữa là mấy chữ đại tự: Hanh thông, Cát tường, Phương trực, Đại phương trực hoặc Danh sơn như ngọc... cái để nổi, cái khắc chìm, có cái được gắn bằng những mảnh gốm Trung Hoa hoặc sứ Bát Tràng nhìn sáng long lanh.. Cổng nhà bình dân để mộc, khoe ra màu đá ong khô nổ nhỏ với ba bậc lên xuống dưới vòm mái lợp ngói âm dương so le mái dài mái ngắn. Cổng nhà khó làm tre nứa dông dài, chỉ có một bậc, càng không có con chó đá lúc nào cũng ngồi  trên bìa cỏ  ở cạnh cổng lơ mơ ngửa mặt sủa trăng. Các cặp vợ chồng chân nâng, cha mẹ cắt đất cho ra ở riêng thì làm chiếc cổng bè, chiếc then quay đơn giản chỉ là cái cột tre có đục lỗ để sỏ cái cánh cổng được buộc vào đấy mấy cành rong rào, mở cổng thì chống cột lên, đóng thì hạ xuống .
Thế nhưng, chung cho các loại cổng ấy trừ chiếc cổng bè thì chiếc then quay đều được làm giống nhau. Đấy là một đoạn gỗ nhỏ dài chừng hai mươi phân, rộng độ mười phân được đáp sau mặt cánh cổng gọi là cái bậu, ở giữa cái bậu ấy để một khe rộng khoảng năm phân hở đầu phía trên, một thanh gỗ làm then đặt nằm ngang ở đấy, đầu chiếc then ấy có gắn một đoạn gỗ nhỏ được tiện tròn chui qua lỗ cánh cổng thò ra ngoài độ mười phân, cầm cái núm gỗ ấy xoay nhẹ một cái, chiếc then nhấc lên, cổng mở.
Tình làng xóm tối lửa tắt đèn ra vào cái cổng ấy thật tiện, người ở xa đến đặt tay lên cái núm gỗ khuơ lộc cộc vài cái là chủ nhân nghe thấy vội chạy ra đón khách. Nhưng cũng có những bộ then người ngoài cầm lấy mà không xoay ra được, đơn giản vì người ta đã dùi một lỗ nhỏ qua chiếc then và mặt bậu để đút lọt chiếc đanh ba phân chốt lại, cũng có những cái chốt không để lộ dấu vết, đấy là cái chốt kiểu ngạnh trê làm bằng mẩu thép lá, cầu kỳ hơn là mẩu xương cá mập được đặt ngầm trong cái bậu, khi chiếc then ngang sập xuống thì cái ngạnh ấy bật ra hãm chắc lại. Các bậc cao niên bảo: kiểu mộng cửa ấy là do một chàng trai thợ mộc con cụ đầu mục có sáng kiến làm ra cho nhà phú hộ. Nhờ tài khéo léo lại chăm chỉ làm ăn nên chàng trai nghèo  lấy được cô gái xinh đẹp con nhà giàu có ấy. Sau đó anh ta còn nổi tiếng hơn vì làm ra nhiều loại mộng cửa hiểm hóc, được đón đi làm những bộ cổng cửa các nhà tiền, kho lương dưới triều vua Thành Thái.
Chiếc then quay thật giản dị nhưng  có một đời sống riêng không hề giản dị, vừa mở ra tình làng nghĩa xóm vừa đóng vào ngừa thói gian phi, chỉ cái vòng bán nguyệt nho nhỏ ấy mà nói cả nguyên lý âm dương, đóng đấy mà mở đấy, tĩnh đấy mà động cũng đấy, thân thiện đấy và cẩn trọng cũng đấy. Tất cả được kết hợp  trong một hoà quyện trên dưới, trong ngoài, thập thò, kín hở. Các cụ ta ngày xưa quý ngay phòng gian là vậy.
Số phận những chiếc then quay bé bỏng ấy đang mất dần một cách đáng tiếc. Cuộc sống của thời kỳ công nghiệp hoá với vô vàn âm thanh rộn rã nhưng sao vẫn thèm nghe tiếng kẹt cổng êm ái của Làng cổ Đường Lâm, nhưng đấy chỉ là sự thẩm âm của những ai còn nặng lòng với quá khứ. Hiện trạng nó đang được thay thế bằng những mảng tường xây có chiếc cổng có cánh hoa sắt cầu kỳ bao kín ngôi nhà có vòm nóc lạ lẫm. Ai muốn ra vào phải bấm chiếc chuông điện gắn ở trụ cổng. Đi tiên phong trong việc này là các "Quan tại gia, đều đều lương tháng", rồi đến lớp trẻ làm ăn thành đạt. Ai cũng thấy sự tiện dụng của những thứ ấy trong thời hiện đại và mọi người đều thông cảm với những người có tiền người ta có quyền được hưởng những  tiện nghi sang trọng và hiện đại đang làm quay cuồng cả thế giới, nhưng vì chưa có quy hoạch hợp lý để nó chen chân đứng lộn xộn trong làng cổ nên những thứ mới mẻ ấy nhìn thấy lạc lõng khiến niềm xao xuyến trong ta bỗng chết lặng đi .

KH