XỨ ĐOÀI

XỨ ĐOÀI

 

Xuất xứ tên gọi “xứ Đoài”

Trong tiếng Hán, Đoài có nghĩa là hướng chính Tây, cũng là quái Đoài trong bát quái ([1]). Vì vậy, Đoài trở thành tên gọi cho vùng đất phía Tây kinh đô Thăng Long. Xưa kia, Cầu Giấy là cửa ô phía Tây của thành Thăng Long, vì vậy xứ Đoài được coi là bắt đầu từ ô Cầu Giấy. Nếu nhìn trên bản đồ hiện nay, có thể phác họa sơ lược ranh giới xứ Đoài xuất phát từ Cầu Giấy như sau: một bên bắt đầu từ Cầu Giấy theo đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên ngược lên Hưng Hóa; một bên bắt đầu từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ. Vùng đất trong vòng ranh giới phía Tây ấy chính là xứ Đoài. Thành cổ Sơn Tây ngày nay là thủ phủ của xứ Đoài.
Ngược thời gian, ngay từ triều Lý, vùng Sơn Tây đã được gọi là “Xứ Đoài”. Đến triều Nguyễn đặt cấp hành chính “Xứ” gồm 3 tỉnh phía Bắc “Sơn Tây, Hưng Hoá và Tuyên Quang” là một “Xứ” lấy tên là “Xứ Đoài”. Vì thế,  ba tỉnh này được gọi là các tỉnh Đoài. Như vậy, xứ Đoài ở triều Nguyễn đã mở rộng hơn nhiều so với xứ Đoài ở triều Lý.
Sau khi chế độ phong kiến triều Nguyễn kết thúc, tên gọi xứ Đoài dần trở thành địa danh mang tính dân gian, không phải là tên gọi chính thống, trong khi các địa danh hành chính trong vùng đất này lại thay đổi rất nhiều qua thời gian, khiến cho đôi khi khó xác quyết được địa danh nào là thuộc xứ Đoài xưa và địa danh nào không. Cũng có thể vì sự rối rắm ấy mà ngày nay, tên gọi “xứ Đoài” dường như chỉ được dùng để chỉ khu vực thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Rõ ràng cần phân biệt giữa tên gọi xứ Đoài và các địa danh hành chính nhỏ nằm trong xứ ấy. “Xứ Đoài”, theo ý nghĩa của từ này, là vùng đất phía tây của kinh đô. Còn trong vùng đất ấy, các địa danh hành chính có thể có thay đổi theo thời gian, nhưng về mặt không gian thì vẫn nằm trong “xứ” ấy chứ không trật đi đâu cả. Tuy nhiên, dường như vẫn có sự nhầm lẫn về điều này. Chẳng hạn, có những đơn vị hành chính như huyện Từ Liêm, huyện Hoài Đức, trước đây khi còn thuộc Sơn Tây/Hà Đông/Hà Tây thì được coi là một phần của xứ Đoài, nhưng đến khi nhập vào Hà nội thì dường như lại được coi là không còn thuộc xứ Đoài nữa.

Đất, người, và đôi nét văn hóa xứ Đoài

Nói đến thiên nhiên cảnh vật xứ Đoài, địa danh đầu tiên phải kể tới là núi Tản Viên. Đây không phải ngọn núi quá cao (1296m), hay quá lớn, nhưng là ngọn núi thiêng, ngọn núi gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Chẳng những thế, núi Tản Viên còn được coi là núi tổ, núi chúa của toàn bộ hệ thống long mạch của nước ta. Bởi thế, Cao Biền (đời Đường) khi còn làm Tiết độ sứ ở nước ta đã từng âm mưu trấn yểm, nhưng rồi các pháp thuật của họ Cao đều thất bại trước oai linh Thánh Tản. Núi Câu Lậu ở khu vực chùa Tây Phương lại nổi tiếng là nơi có nhiều đan sa, một loại khoáng chất mà người xưa tin rằng có thể dùng để luyện tiên dược, uống có thể trở thành trường sinh bất tử. Cát Hồng, một đạo sỹ trứ danh của Trung Quốc khi xưa cũng đã từng có ý định tới Câu Lậu sơn để tìm đan sa([2]). Vùng Chùa Thầy thì nổi tiếng với thập lục kỳ sơn, mười sáu ngọn núi lạ, nổi lên giữa một vùng đồng bằng trù phú, được mệnh danh là vùng Hạ Long cạn của xứ Đoài. Địa linh sinh nhân kiệt, sách Việt Điện U Linh Tập chép rằng:
“Vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu([3]), thấy giang sơn tú khí, phong cảnh thắng du, nhà vua tâm thần cảm hứng, mới rót ly rượu đổ xuống tràng giang, vái rằng: – Trẫm xem chỗ này non xanh nước biếc khác hẳn mọi nơi, nếu có nhân kiệt u linh, xin hưởng”.
Đêm ấy, đức vua mộng gặp tướng quân Lý Phục Man([4]).
Ngoài hệ thống núi non hùng vĩ, xứ Đoài còn có nhiều con sông đã in đậm trong tâm thức của người dân nơi đây. Ấy là sông Hồng, sông Đà, sông Hát, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Bùi. Đây là những con sông gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, với cuộc chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt, canh tác lúa nước của người dân xứ Đoài nói riêng và người dân nước Việt nói chung trong buổi sơ khai của lịch sử dân tộc.
Là một vùng đất cổ, xứ Đoài mang trong mình nhiều huyền tích về các nhân vật kỳ bí nhưng cũng gần gũi và thân quen, từ huyền tích về Sơn Tinh và nàng Ngọc Hoa, người có công cùng dân chống lụt, dạy dân làm ăn và sinh sống, là tổ nghệ của người dân xứ Đoài, đến huyền tích về nàng Mỵ Ê, công chúa con vua Hùng thứ 16, người dạy dân trồng loài cây mà sau này được trồng rất phổ biến trên khắp vùng và được gọi theo tên nàng là MÍA (đọc trệch từ Mỵ-Ê mà ra), đến huyền tích về bà Man Thiện, người có công sinh thành ra hai vị liệt nữ là Trưng Trắc và Trưng Nhị, và chính bà cũng là người tham gia cuộc kháng chiến chống Hán của hai con, rồi dũng cảm gieo mình tuẫn tiết trên dòng sông Hồng, còn hai Bà Trưng thì tuẫn tiết trên sông Hát. Rồi đến huyền tích về đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh, người khởi dựng chùa Thầy, giáo hóa dân chúng, công đức vô biên. Và còn biết bao nhiêu những câu chuyện như thế nữa mà bất kỳ người dân xứ Đoài nào cũng có thể kể cho người khác nghe với lòng tự hào luôn đầy ắp.
Ngoài những nhân vật thấp thoáng trong màn sương khói của huyền sử như thế, xứ Đoài còn là cái nôi nuôi dưỡng nhiều danh nhân đất nước, từ  hai Bà Trưng, Phùng Hưng (quê Đường Lâm, Ba Vì), Ngô Quyền (quê Đường Lâm, Ba Vì), Lý Phục Man (quê Cổ Sở, Hoài Đức), Nguyễn Trãi (quê Nhị Khê, Thường Tín), Kiều Phú (quê xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, danh thần triều Lê, học giả uyên thâm, cùng Vũ Quỳnh hiệu chính cuốn Lĩnh Nam Chích Quái), Nguyễn Trực (quê Bối Khê, Thanh Oai, lưỡng quốc trạng nguyên), Giang Văn Minh (quê Đường Lâm, Ba Vì, danh thần thời Lê sơ, “đi sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”), Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (quê làng Bùng, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, danh thần thời Lê Trung Hưng), Nguyễn Bá Lân (quê Cổ Đô, Ba Vì, danh thần triều Lê sơ), Đặng Lộ (quê ở huyện Ứng Hòa, quan đời Trần, nhà thiên văn học trứ danh của nước ta), Hoàng Đôn Hòa (quê ở làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, danh y thời Lê sơ), Nguyễn Địch Tâm (quê làng Hoàng Xá, huyện Quốc Oai, Thượng thư thời Lê sơ), Đặng Đình Tướng (quê xã Lương Xá, huyện Chương Mỹ, đứng đầu hàng quan văn, rồi đứng đầu hàng quan võ dưới thời Lê sơ), Ngô Thì Sỹ và  Ngô Thì Nhậm (quê Tả Thanh Oai), Phan Huy Chú (quê Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, nhà sử học – bác học), Lương Văn Can (quê xã Nhị Khê, huyện Thường tín, hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), tới Đào Duy Anh (quê gốc làng Khúc Thủy, Tả Thanh Oai, nhà sử học, nhà từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian nổi tiếng), Tản Đà (quê làng Khê Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây, nhà báo, nhà thơ, dịch giả thơ Đường nổi danh đầu thế kỷ 20), Nguyễn Văn Vĩnh (quê ở xã Phượng Dực, nay là huyện Phú Xuyên, nhà văn, nhà báo, học giả tân học nổi danh đầu thế kỷ 20), Nguyễn Nhược Pháp (nhà thơ, nhà báo có tiếng đầu thế kỷ 20, con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh), Doãn Kế Thiện (quê xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, nhà văn, nhà báo, dịch giả Hán văn nổi danh), Nguyễn Văn Huyên (quê xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục), đến Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Tô Hoài, rồi còn biết bao nhiều vị khác nữa.
Nói về con người xứ Đoài, không thể không nhắc đến tiếng nói. Dường như không ở đâu trên dải đất Việt nam này mà tiếng địa phương lại phong phú như ở xứ Đoài. Hầu như mỗi làng đều sở hữu một thứ tiếng rất cổ, từ cách phát âm tới hệ thống từ vựng, và phong phú tới mức mà có khi hai làng chung nhau một con đường, trẻ con hai làng chơi chung với nhau nhưng tiếng nói thì vẫn làng nào nói tiếng làng ấy, không trộn lẫn đi đâu được. Đây chính là bản sắc của một vùng đất cổ, với những cộng đồng nhỏ ở mức làng, tồn tại từ xa xưa trên mỗi vùng đất và sinh sôi nảy nở ngay trên chính từng mảnh đất ấy, vì vậy mà có thể bảo tồn được tiếng nói đặc sắc của cộng đồng mình.
Cũng vì là một vùng đất cổ mà xứ Đoài còn nổi tiếng là một trong những nơi sở hữu và bảo tồn được nhiều địa điểm văn hóa tín ngưỡng nhất trong cả nước. Xứ Đoài là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, không chỉ trong nước mà còn với cả quốc tế. Có thể kể tên một số ngôi chùa tiêu biểu như chùa Hương với Nam Thiên đệ nhất động (động Hương Tích), chùa Thầy với phong cảnh tú lệ và huyền tích về một trong Tam thánh ([5]) của xứ Đoài và của cả nước, chùa Mía (Đường Lâm, Ba Vì) là ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt nam với 287 pho tượng lớn nhỏ, chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) với hai pho tượng nhục thân độc đáo của thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường, chùa Tây Phương với kiến trúc bay bổng và 18 tuyệt tác điêu khắc về các vị La hán.

Một góc chùa Tây Phương
Ngoài các chùa của Phật giáo, xứ Đoài còn là nơi lưu giữ được nhiều di tích cổ của Đạo giáo nhất trong cả nước. Cụ thể là hàng loạt Đạo quán hiện còn tồn tại trên khắp vùng đất này, đấy là chưa kể đến nhiều Đạo quán khác mà trải qua thăng trầm lịch sử nay đã trở thành chùa. Có thể kể tên một số Đạo quán tiêu biểu và nổi tiếng ngay cả đối với giới nghiên cứu như Đan Sơn Tứ Quán ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (gồm Linh Tiên Quán ở thôn Cao Xá Thượng; Viên Dương Quán ở thôn Chiền; Lão Quân Quán ở thôn Lưu Xá; Huyền Thiên Quán ở thôn Lũng Kênh); Văn Quán ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai; Hội Linh Quán ở Ước Lễ, huyện Thanh Oai; Lâm Dương Quán ở thôn Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông; Hưng Thánh Quán ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (nay gọi là chùa Mui); đền Tử Đồng Đế Quân trên núi Hoàng Xá, huyện Quốc Oai; đền Thượng ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Và còn rất nhiều địa điểm khác.
Nói đến xứ Đoài còn có nghĩa là nói đến những ngôi đình nổi tiếng. Là vùng đất với nhiều làng cổ và người dân quê sinh sống qua rất nhiều đời, vì vậy việc xuất hiện nhiều đình làng đặc sắc ở vùng đất này là điều dễ hiểu. Có thể kể đến đình Thụy Phiêu (xã Thụy An, Ba Vì, một trong những ngôi đình cổ nhất Việt nam), đình So (làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, “đẹp đình So, to đình Chàng”), đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng, xã Chu Minh, huyện Ba Vì), đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), đình Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức), đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ), đình Thụy Khuê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai)… Đây là những công trình cổ có giá trị lịch sử văn hóa và được xếp vào hàng khuôn mẫu của kiến trúc cổ vùng đồng bằng bắc bộ.
 
Đình Tây Đằng, Ba Vì
Không chỉ có những công trình kiến trúc văn hóa vật thể đặc sắc, xứ Đoài còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa dân gian phi vật thể cũng đặc sắc không kém. Có thể kể đến hát tuồng ở Dương Cốc (Quốc Oai), hát Dô ở Liệp Tuyết (Quốc Oai), hát Chèo tàu ở Tân Hội (Đan Phượng), múa rối nước ở Thạch Thất, cồng chiêng ở Ba Vì, hát trống quân ở Đại Phùng…
Có lẽ nổi bật nhất trong những nét văn hóa dân gian phi vật thể này là múa rối nước, hát Dô và hát Chèo tàu, thịnh hành cách đây nhiều thế kỷ.
Múa rối nước là nghệ thuật biểu diễn dân gian của làng Gia, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ. Tương truyền trò biểu diễn này là do đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh truyền dạy cho người dân làng Gia. Vì vậy, hàng năm vào dịp hội chùa Thầy (7 tháng 3 âm lịch), phường rối nước làng Gia lại ra Chùa Thầy biểu diễn để tưởng nhớ công đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh.

Múa rối nước
Hát Dô là thể loại dân ca nghi lễ, hình thành và phát triển trên mảnh đất Lạp Hạ, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, được tổ chức vào dịp lễ hội đền Khánh Xuân như một hình thức nghi lễ thờ đức thánh Tản Viên, người có công truyền dạy cho người dân Lạp Hạ nét văn hóa đặc sắc này. Có nhiều truyền thuyết về hát Dô, nhưng tất cả đều khẳng định 36 năm lễ hội đền Khánh Xuân và diễn xướng hát Dô mới được tổ chức một lần, từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lối hát Dô cổ truyền có tới 36 làn điệu. Người hát Dô chuẩn phải biết vừa hát, vừa múa. Về hình thức, lễ hội hát Dô có thể được chia thành hai phần, gồm phần Hát Chúc (hát mang tính nghi lễ) và phần Hát Bỏ bộ (hát mang tính chất hội, phóng khoáng hơn). Có 4 kỹ thuật hát Dô, gồm hát nói, hát ngâm, hát xô, và hát ca khúc.
 
Hát Dô
Hát Chèo tàu là một loại hình diễn xướng dân gian lớn, có khi kéo dài đến bảy ngày bảy đêm ở đất tổng Gối xưa (nay là xã Tân Hội, Ðan Phượng, Hà Nội), bắt đầu từ ngày 15 tháng Giêng. Từ “tàu” ở đây không có nghĩa là xuất phát từ nước Tàu (Trung Quốc) mà có nghĩa là “con thuyền”. Khi vào hội, người dân đóng những con thuyền và những con voi lớn bằng gỗ (vì thế hát Chèo tàu còn có tên là hát Tàu Tượng), người tham gia diễn xướng được phân vào các “vai” cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, và quản tượng… đứng trên thuyền, trên voi để hát theo những làn điệu cổ… Trọng tâm của lễ hội là cuộc hát rước, tế lễ ở lăng Văn Sơn – nơi thờ Văn Dĩ Thành ([6]). Giá trị của hát Chèo tàu chính là ở nghi thức diễn xướng kỳ lạ và các lời ca, điệu hát độc đáo.
Hội hát Chèo tàu cuối cùng diễn ra ở tổng Gối vào năm Nhâm Tuất (1922). Lần “tái tổ chức hội hát Chèo tàu” vào năm 1998 chỉ được các cụ trong làng xem như là cái mốc, đánh dấu cho sự trở lại chứ chưa đủ tầm đạt đến độ chuẩn về cách thức tổ chức cũng như nội dung so với hội hát Chèo tàu cổ.
 
Hát chèo tàu
Ngoài ra, trên vùng đất xứ Đoài còn có rất nhiều lễ hội truyền thống khác. Có thể kể tên một số lễ hội đặc sắc như:
Hội Chùa Hương xã Hương Sơn, Mỹ Đức là lễ hội dài nhất Việt Nam từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 25 tháng Ba âm lịch. Du khách thập phương về đây lễ phật cầu may và tham quan khu danh thắng Hương Sơn.
Hội Chùa Thầy xã Sài Sơn, Quốc Oai diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ đức thánh Từ Đạo Hạnh. Trong hội có lễ rước kiệu và các trò vui dân gian như múa rối nước, đấu vật.
Hội Chùa Tây Phương xã Thạch Xá, Thạch Thất diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch là lễ hội cầu phật với các hoạt động văn hoá dân gian như múa rối nước, đấu vật, múa sư tử.
Hội Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương, Chương Mỹ là lễ hội thờ phật diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Trong hội có lễ rước kiệu, múa rối nước, đấu vật.
Hội Chùa Bối Khê xã Tam Hưng, Thanh Oai mở vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch, thờ phật và đức thánh Bối Nguyễn Bình An. Trong hội có lễ rước kiệu, đánh cờ người.
Hội Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi, Thường Tín diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch thờ thần Pháp Vũ, bà Đậu. Trước đây là lễ cầu mưa của vua chúa phong kiến, nay là dịp lễ phật cầu may đầu xuân của dân trong vùng.
Hội Đền Và xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây mở vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, và ngày 15 tháng Chín âm lịch, thờ đức thánh Tản Viên. Trong hội có lễ dâng hương, cứ vào năm chẵn lại có lễ rước kiệu lên đền thượng trên đỉnh Ba Vì, lễ tắm tượng, tục đánh cá.
Hội Đền Tự Nhiên xã Tự Nhiên, Thường Tín diễn ra vào ngày 1  tháng Tư âm lịch, thờ công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương và các nghi lễ miêu tả câu chuyện tình của Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
Hội đền Hát Môn (đền thờ Hai Bà Trưng) xã Hát Môn, Phúc Thọ diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch, tương truyền là ngày mất của hai Bà. Lễ hội là dịp nhân dân tưởng nhớ hai Bà Trưng với những nghi lễ như dâng hương, rước kiệu và các trò vui như bơi trải, đấu vật. Ngày 24/12 âm lịch (hội mừng chiến thắng) có lễ mộc dục (tắm tượng Hai Bà) bằng nước lấy từ giữa dòng sông Đáy.
Hội Dô xã Liệp Tuyết, Quốc Oai 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của đức thánh Tản Viên, người đã truyền dạy dân làng các điệu hát Dô. Trong hội có các trò chơi như bơi thuyền, múa rối và đặc biệt không thể thiếu phần hát Dô.
Hội Đình Tây Đằng thị trấn Tây Đằng, Ba Vì diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh.
Hội Giá xã Yên Sở, Hoài Đức diễn ra vào ngày 10 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ tướng quân Lý Phục Man, một vị tướng dưới thời Lý Nam Đế. Trong hội có rước kiệu, thi võ, đấu vật.
Hội hát Chèo tàu xã Tân Hội, Đan Phượng, trước đây 30 năm mới mở một lần ngày nay từ 5 đến 7 năm mở hội từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công đức của Văn Dĩ Thành ([7]). Trong hội có biểu diễn hát chèo tàu và các trò chơi dân gian khác.
Hội làng Yên Nội xã Đồng Quang, Quốc Oai diễn ra vào ngày 12 tháng Hai âm lịch với các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương, đấu vật, thi võ để tưởng nhớ công đức của tướng quân Cao Lỗ thời An Dương Vương.
Hội làng Chuông xã Phương Trung, Thanh Oai diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bố cái đại vương Phùng Hưng. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu, hội thổi cơm thi. Đây còn là làng làm nón lá cổ truyền nổi tiếng.
Hội làng La Khê xã Văn Phú, thị xã Hà Đông mở ngày 15 tháng Giêng âm lịch với nghi lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian như đấu vật, thi võ, đập niêu, thổi cơm thi.
Hội làng Tri Chỉ xã Tri Trung, Phú Xuyên vào ngày 4 tháng Tư âm lịch là ngày giỗ của Linh Lang Đại Vương, người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian khác.
Hội thả diều Bá Giang xã Hồng Hà, Đan Phượng diễn ra vào ngày 15 tháng Ba âm lịch là dịp tưởng nhớ Nguyễn Cả, người đã dạy dân làng làm diều. Trong hội có thi chim, thi diều và các trò vui dân gian khác.
Xứ Đoài còn là “vùng đất trăm nghề”, với những sản vật đặc sắc nức tiếng gần xa, nào là gấm lụa Vạn Phúc, the lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, tò he Xuân La, tạc tượng Sơn Đồng, điêu khắc Du Dự, quạt Vác, nón Chuông, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Duyên Thái, thêu Quất Động, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ…
Theo cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng viết trong cuốn Trên mảnh đất ngàn năm văn vật(NXB Hà nội tái bản, 2009) thì trên đất kinh thành Thăng Long xưa đã có sự hiện diện của nhiều làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài. Ví dụ như: phố Hàng Khay là do dân làng nghề khảm xà cừ Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) lập ra, phố hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn, trước cửa ga Hàng Cỏ), phố Hàng Thêu (góc thẳng chợ Hàng Da, nay là ngõ Yên Thái, còn có đình thờ tổ nghề Bùi Công Hành) là do dân quê gốc Quất Động và mấy làng xung quanh (nay thuộc Thường Tín) lập ra, phố Thợ Tiện (nay là phố Tố Tịch, đầu Hàng Gai) là do dân Nhị Khê (Thường Tín), làng mộc – múa rối Chàng Sơn Hữu Bằng lập ra. Ngoài ra còn có sự góp mặt của các làng nghề khác như lụa Vạn Phúc, Cổ Đô, dân “Bảy La – Ba Mỗ” (Mỗ – La – Canh – Cót tứ danh hương) xưa đều thuộc xứ Đoài, cung cấp lụa cho phố Hàng Đào.

([1]) Bát quái gồm: Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Có Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái. Theo Hậu thiên bát quái, về phương hướng, Càn thuộc Tây bắc, Khảm thuộc chính Bắc, Cấn thuộc Đông bắc, Chấn thuộc chính Đông, Tốn thuộc Đông nam, Ly thuộc chính Nam, Khôn thuộc Tây nam, Đoài thuộc chính Tây.
([2]) Xem thêm ở phần Đạo giáo.
([3]) Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, bờ bên kia sông Đáy, sát với Chùa Thầy.
([4]) Xem phần Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([5]) Tam thánh gồm: Giác Hải, Minh Không, Từ Đạo Hạnh (theo Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng viết trong cuốn Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, NXB Hà nội tái bản 2009)
([6]) Xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách
([7]) Xem mục Sơ lược tiểu sử  tác giả và nhân vật ở cuối sách