Home » Tin tức » Đàm luận

BÀI THƠ "MƯA XUÂN" BÚT TÍCH CỦA NGUYỄN BÍNH

THUrsday - 14/08/2014 22:27
Từ nhỏ tôi đã thấy trong tủ sách của cha tôi có tập "Lỡ bước sang ngang" (không nhớ xuất bản năm nào, tập thơ đóng rất thủ công, khổ lớn, in roneo) nên nhờ nó mà tôi biết và mê thơ Nguyễn Bính khá sớm. Năm 1986 khi cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính" xuất bản tôi liền mua ngay. Tôi ấn tượng với tấm ảnh chụp lại một bài thơ với tiêu đề: "Mưa xuân" do chính Nguyễn Bính viết.
Nhà nghiên cứu phê bình Văn học Đỗ Đình Thọ (ảnh phuongcacanh)

Nhà nghiên cứu phê bình Văn học Đỗ Đình Thọ (ảnh phuongcacanh)



Bài thơ Mưa xuân "côi cút" của Nguyễn Bính
 
Phạm Duy Trưởng


(Nguồn: báo An ninh biên giới số 4, trang 22, ra ngày 27/1/2013)

Thời tiết những ngày này dễ làm lòng người ta xao xuyến. Những cơn mưa phùn ẩm ướt gợi lại trong ta cảm xúc của một thi sĩ "quê mùa": "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay...". Quả thật trong thi ca, ngoại cảnh là chất xúc tác quan trọng để khơi nên nguồn cảm hứng trong bất kì hồn thơ nào. Với hồn thơ đa sầu đa cảm như Nguyễn Bính thì bức tranh mưa xuân thật sự là chất xúc tác nồng nàn. Đến đây, hẳn các bạn sẽ chắc rằng tứ thơ "Mưa xuân" mà tôi vừa trích một câu trên là chủ đề chính cho bài viết. Nhưng bài viết này lại là "đứa con thơ" cùng tên mà thi sĩ Nguyễn Bính đã để lại bút tích. Nó dường như thiệt thòi hơn người anh em cùng tên vì độc giả còn biết quá ít thông tin về nó. Nhân đây có một vài điều về bài thơ "Mưa xuân" này, tôi xin chia sẻ.
Từ nhỏ tôi đã thấy trong tủ sách của cha tôi có tập "Lỡ bước sang ngang" (không nhớ xuất bản năm nào, tập thơ đóng rất thủ công, khổ lớn, in roneo) nên nhờ nó mà tôi biết và mê thơ Nguyễn Bính khá sớm. Năm 1986 khi cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính" xuất bản tôi liền mua ngay. Tôi ấn tượng với tấm ảnh chụp lại một bài thơ với tiêu đề: "Mưa xuân" do chính Nguyễn Bính viết.
Vào khoảng năm 1987, tôi tìm đến nhà bác Ngân Sơn - người anh em đồng hao với Nguyễn Bính để được nhìn tận mắt bút tích của thi sĩ. Một bài thơ viết tay, với nét chữ bay trông rất đẹp, được đóng khung treo trang trọng trong nhà. Bác Ngân Sơn rất tự hào vì mình còn lưu giữ được bút tích của người anh em nổi tiếng
Sau này, khi viết bài Nguyễn Bính trên Wikipedia, tôi lại đến nhà bác Ngân Sơn để chụp lại bài thơ bút tích này. Đó là ngày 28 tết năm Canh Dần. Căn nhà xưa, nay không còn nguyên vẹn nữa, nó đã được chia ra làm nhiều căn hộ. Tôi đến căn hộ (đúng hơn là cửa hàng bán toàn bóng, lưới, đồ thể thao) có biển đề "Ngân Sơn" và hỏi người đàn bà bán hàng tầm 55-60 tuổi : "Đây có phải là nhà bác Ngân Sơn đồng hao với nhà thơ Nguyễn Bính không ạ". Chị này liền trả lời: "Đúng rồi, tôi là cháu của Nguyễn Bính đây" (đây có lẽ là con gái hoặc con dâu bác Ngân Sơn). Tôi đặt vấn đề muốn xem bút tích của nhà thơ Nguyễn Bính thì chị ta liếc nhìn chiếc máy ảnh tôi đang đeo rồi bảo bản viết tay ấy giờ hỏng rồi, phải đem đi phục chế lại mới xem được. Tôi nói với chị, tôi là thành viên phuongcacanh trên Wikipedia muốn chụp lại bút tích của Nguyễn Bính để đưa lên bài viết, nhưng chị nói bản viết tay này không có trong nhà.
Tháng 9 năm 2011, tôi đến gặp nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đình Thọ (người được mệnh danh là nhà Nguyễn Bính học). Khi nói chuyện về bút tích "Mưa xuân", ông nhíu mày rồi kể lại chuyện xưa rằng thời xuất bản "Tuyển tập Nguyễn Bính" (1986) chính ông đến nhà bác Ngân Sơn chụp tấm ảnh đó, sau này có lần ông bảo với bác Ngân Sơn tặng lại cho nhà văn hóa Nam Định bức bút tích này, nhưng bác Ngân Sơn nói phải đổi một cây vàng bác mới cho mang đi, rồi từ đó khi có khách đến xem mà định chụp ảnh thì ông Ngân Sơn dứt khoát không cho chụp nữa.


Nhà lưu niệm Nguyễn Bính tại xóm Trạm, làng Thiện Vịnh (ảnh phuongcacanh)

Ta đều biết đến câu nói nổi tiếng của nhà phê bình văn học người Nga V.Bielinxki : "Thơ trước hết phải là đời, sau đó mới là nghệ thuật.". Nhưng liệu có lúc nào "đời" kia nghiệt ngã đến mức dấu giếm, lu mờ nghệ thuật như thế kia không?
Sau câu chuyện với nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Đình Thọ. Tôi đành chụp lại tấm ảnh trong "Tuyển tập Nguyễn Bính" (1986) để đăng lên Wikipedia.
Qua bài thơ "Mưa xuân", Nguyễn Bính cho chúng ta cảm nhận được bằng mắt, bằng tai, bằng mũi, bằng da thịt dưới một chiều mưa xuân trong khung cảnh đồng quê Nam Định của ông. Xin giới thiệu lại cùng các bạn yêu thơ Nguyễn Bính. 


Bút tích "Mưa xuân" trong "Tuyển tập Nguyễn Bính" (1986)



           Mưa xuân

Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa 
Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa 
Cây cam cây quít cành giao nối 
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa. 


Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần 
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh 
Người đi trẩy hội tóc phơi trần. 


Đường mát da chân lúa mát mình 
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh 
Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng 
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình. 


Núi lên gọn nét đá tươi màu 
Xe lửa về Nam chạy chạy mau 
Một toán cò bay là mặt ruộng 
Thành hàng chữ nhất trắng phau phau. 


Bãi lạch bờ dâu xẫm lá tơ 
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ 
Chiều xuân lưu luyến không đành hết 
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa...



Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh