Các kịch bản của Tổng thống Nga Putin đối với Ukraine khi chiến sự tiếp tục giằng co
TUEsday - 17/05/2022 17:08
Nếu tình hình chiến sự Ukraine trên thực địa tiếp tục giằng co như hiện nay, có khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ đứng trước 5 kịch bản – 5 sự lựa chọn khác biệt.
Xe quân sự Nga tham gia diễu binh mừng ngày Chiến thắng phát xít 9/5. Ảnh: Reuters.
Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin chính thức phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine. Ban đầu quân đội Nga có tấn công Ukraine từ phía Bắc, nhằm vào cả thủ đô Kiev. Nhưng sau đó họ đã rút quân khỏi mặt trận này để dồn cho hướng tiến công từ phía Đông và phía Nam. Hiện tại, quân đội Nga đang tập trung cao độ cho mặt trận Donbass, trong đó có thành phố Mariupol chiến lược.
Quân đội Nga đã giành được những thành công nhất định, nhưng vẫn chưa dứt điểm được hoàn toàn nhà máy thép Azovstal (ở Mariupol), đồng thời họ đã hứng chịu một số tổn thất như soái hạm Moskva bị chìm, một số tướng lĩnh tử trận…
Như vậy cuộc chiến Ukraine cho tới nay chưa diễn biến theo hướng “nổ ra nhanh và kết thúc nhanh” và có thể sẽ còn kéo dài. Ukraine lực yếu hơn Nga nhưng bù lại, Ukraine nhận được sự viện trợ ngày càng lớn của phương Tây về nhiều mặt.
Thời gian qua, Ukraine đã nhận được nhiều sự huấn luyện về quân sự, đồng thời tiếp nhận nhiều loại vũ khí khí tài lợi hại, như các cỗ lựu pháo 105mm và 155m đã chứng minh được hiệu quả trên chiến trường Ukraine hiện nay.
Các kịch bản hành động mà ông Putin có thể tính tới Kịch bản 1: Nga duy trì cách tiếp cận hiện nay, với hy vọng tinh thần của Ukraine sẽ giảm dần, phương Tây cũng mệt mỏi trong giúp đỡ Ukraine, và cuối cùng xung đột được giải quyết.
Tuy nhiên, kịch bản này chưa chắc đã đem lại cho Nga thắng lợi, vì Ukraine có thể trở thành “bãi mìn” khiến Nga sa lầy như Liên Xô từng mắc kẹt tại chiến trường Afghanistan năm xưa. Khi thương vong của binh sĩ tăng lên, nền kinh tế phải chi trả nhiều cho hoạt động quân sự trên thực tế, Nga sẽ rơi vào thế khó khăn lớn về nhiều mặt. Kịch bản 2: Tổng thống Putin có thể đẩy mạnh hơn nữa “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình. Ông có thể chấp nhận lời thỉnh cầu của lực lượng ly khai ở Donbass để sáp nhập vùng này vào Liên bang Nga, tương tự như những gì ông đã làm với bán đảo Crimea. Lúc đó Nga có thể chính thức tuyên chiến, ban bố tình trạng chiến tranh bảo vệ lãnh thổ Nga và ra lệnh tổng động viên. Kịch bản 3: Quân đội Nga có thể xem xét một cuộc tấn công thông thường nhằm vào một nước NATO láng giềng với lý do ngăn chặn việc NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Nếu NATO thụ động trước đòn tấn công này, uy tín của tổ chức quân sự đó sẽ suy giảm. Kịch bản 4: Mỹ và phương Tây đã đề cập kịch bản này nhiều lần, đó là Nga mở một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế vào Ukraine hoặc một nước NATO nào đó. Chính Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đã vài lần răn đe đối phương bằng việc nhắc đến vũ khí hạt nhân và đặt lực lượng hạt nhân chiến lược của họ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Một cuộc tấn công như thế có thể khiến các bên thấy rằng cuộc chiến Ukraine đã rơi vào trạng thái quá nguy hiểm và do đó họ sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh, có thể với các điều khoản có lợi cho Nga.
Tuy nhiên, chính các cơ quan tình báo phương Tây đã nhận định rằng Nga không chuẩn bị cho một cuộc tấn công như vậy. Nhưng vì ông Putin bóng gió về một hành động như thế này nên phương Tây vẫn phải dè chừng. Kịch bản 5: Giới lãnh đạo Nga chấp nhận một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.
Dự báo khả năng đáp trả của phương Tây
Dù có những chia rẽ nhất định trong EU và NATO, phương Tây vẫn không có dấu hiệu sẽ từ bỏ nhượng bộ Nga trong vấn đề Ukraine.
Để ngăn ngừa khả năng Nga tiến hành tấn công hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, phương Tây có thể phải răn đe bằng các tuyên bố cho rằng Nga sẽ nhận đòn đáp trả quyết liệt nhằm vào đội hình quân Nga ở Biển Đen hoặc đội hình lớn quân trên bộ ở Ukraine. Phương Tây cũng có thể đe dọa rằng nếu tiến công hạt nhân, Nga sẽ bị cô lập quốc tế hoàn toàn, kể cả các nước khá gần gũi như Trung Quốc và Ấn Độ.
Trên mặt trận quân sự, khi tấn công hạt nhân xảy ra, Ukraine có khả năng sẽ được viện trợ các vũ khí mà hiện nay tạm thời bị cấm, như máy bay chiến đấu, đồng thời NATO có thể tính đến việc áp dụng vùng cấm bay lên lãnh thổ Ukraine.
Trên mặt trận kinh tế, khi tấn công hạt nhân xảy ra, nhiều khả năng những phần còn lại của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ bị cắt lìa nốt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đồng thời phương Tây sẽ cấm hoàn toàn việc nhập hàng hóa và dịch vụ Nga, bao gồm cả dầu khí.
Trên mặt trận chính trị, không loại trừ việc phương Tây sẽ tính đến cả phương án thay đổi chế độ ở Nga mà một vị tổng thống phương Tây từng vô tình buột miệng hé lộ cách đây không lâu./.
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188