Home » Tin tức » Đàm luận

“Cái bạn không muốn con mình đọc thì đừng cho người khác xem”

SATurday - 31/01/2015 21:57
Đó là ý kiến của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục quản lý Báo chí Bộ TT-TT khi nói về việc đưa thông tin trên báo chí tại Hội nghị “Truyền thông và phát triển” do Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long ngày 31/1.
Lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí tọa đàm về quy hoạch và xã hội hóa báo chí.

Lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí tọa đàm về quy hoạch và xã hội hóa báo chí.

Ông Lượng cho biết, hiện nay nước ta có 845 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm báo in, trong đó có 25 tờ báo in xuất bản hằng ngày, 67 đài phát thanh truyền hình với hơn 100 kênh truyền hình, gần 100 kênh phát thanh.
Đặc biệt, hệ thống thông tin trên mạng Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, ngoài hơn 200 tờ báo, trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, còn có hơn 1.500 trang thông tin tổng hợp, các trang thông tin của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trang thông tin cá nhân (blog).
Báo chí không còn độc quyền về thông tin nữa, một sự kiện xảy ra người dân cũng có thể ghi lại hình ảnh đưa lên trên mạng. Sự đa dạng ấy giúp cho người dân có rất nhiều kênh thông tin để lựa chọn.
Trước thực trạng bùng nổ thông tin, ông Lượng cho rằng việc quy hoạch lại báo chí là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc.
Theo ông Lượng, hiện nay có tình trạng báo ngành này nói chuyện ngành khác, tỉnh này nói chuyện tỉnh khác. Do đó, công tác quy hoạch sẽ có sự sắp xếp lại, nhằm tránh lãng phí về mặt thông tin, đồng thời giúp cho việc quản lý thông tin báo chí tốt hơn, nhất là việc xử lý uốn nắn những thông tin không chính xác.
“Làm quản lý, không ai muốn xử lý báo chí. Nhưng sai quá thì phải xử lý”- ông Lượng nói.
Theo ông Lượng, đứng trước sự bùng nổ thông tin, nhiệm vụ của báo chí là phải thông tin chuẩn xác, hữu ích và lành mạnh. Nội dung trên báo không hề bị bó buộc bởi không chỉ nhà báo mà còn có nhiều người đưa thông tin. Nhưng người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cơ quan báo chí trước khi đưa thông tin phải có trách nhiệm kiểm chứng, thẩm định thông tin đó có chuẩn xác không. Tuy nhiên, có những thông tin có thật nhưng trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục thì báo chí cũng phải cân nhắc.
“Cái gì các bạn không muốn con mình đọc thì cũng đừng cho người khác xem. Thông tin vô bổ, thậm chí có hại thì không nên đưa”- ông Lượng nói. 
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đánh giá báo chí là nguồn thông tin quan trọng giúp Quảng Ninh nắm bắt tình hình, qua đó cổ vũ cái tốt, lên án cái xấu, cái chưa hợp lòng dân để tự sửa mình ngày càng hoàn thiện hơn. Ông Chính cho rằng để báo chí truyền thông gắn với sự phát triển, thông tin báo chí cần khách quan, gắn với nhân dân, đời sống xã hội.
Ngoài vấn đề quy hoạch báo chí, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng tổ chức tọa đàm về vai trò của báo chí truyền thông trong việc xây dựng thương hiệu địa phương; đạo đức và tính chuyên nghiệp của báo chí; xu hướng truyền thông mới và sự tồn tại của báo chí chính thống. 

Source: www.tienphong.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh