Phi công Nguyễn Văn Bảy (người thứ ba bên phải) năm 1968 cùng các đại biểu Việt Nam hội đàm cùng Chủ tịch Fidel Castro
Đại tá Nguyễn Văn Bảy mang bức hình kỷ niệm tới viếng Fidel Castro |
Chúng tôi dâng hương tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ Fidel - người đặt nền tảng kỹ thuật, “truyền lửa” cho phi công ta đánh tàu Mỹ - ông Bảy A mở đầu câu chuyện mà ông “chưa từng tiết lộ”.
Năm 1968, ông Bảy khi ấy là Thiếu tá, Phó Trung đoàn không quân 923, đại biểu QH, tham gia đoàn sang thăm Cuba.
Theo ông Bảy, cuộc làm việc giữa các thành viên đoàn và ông Fildel Castro diễn ra rất đầm ấm, vui vẻ.
Lúc này, ông Fidel hướng ánh mắt sang hỏi ông Bảy rằng: “Thiếu tá có đề nghị gì không?”.
"Tôi khá bất ngờ trước câu hỏi của Fidel", ông Bảy nhớ lại. Sau đó ông đã bộc bạch câu chuyện các tàu chiến Mỹ đánh phá đường Trường Sơn suốt ngày đêm nhưng phía ta không có cách gì chống trả được.
Cuộc gặp giữa Fidel Castro với đoàn đại biểu QH Việt Nam năm 1968 |
Ông Bảy đề nghị Fidel cử chuyên gia phi công sang giúp huấn luyện không quân Việt Nam cách ném bom thia lia ở độ cao cực thấp đánh tàu chiến của Mỹ.
Khi ấy, chúng tôi coi những chiến hạm hiện đại của Mỹ như B52 dưới biển. Các tàu này không chỉ chở máy bay, ra đa, tên lửa phòng không mà còn áp sát bờ biển, bắn phá đường Trường Sơn, cắt đứt đường vận tải và gây thương vong rất nhiều cho quân ta - ông Bảy nhớ lại.
Các tàu cứ nằm cách bờ biển chừng 15km rồi dùng pháo cự ly 30km bắn phá liên tục trong bán kính 20-25km từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình, trong khi pháo của ta bắn không tới nơi - vị anh hùng không quân nói.
Nghe xong lời đề nghị, Fidel Castro gật đầu đồng ý.
Tháng 5/1969, một đoàn chuyên gia Cuba đã sang Việt Nam giúp huấn luyện phi công.
3 năm sau, vào ngày 19/4/1972, hai phi công Việt Nam là Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) đã lái máy bay MiG-17 ném bom trúng 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 lừng danh của Mỹ ở vùng biển Quảng Bình.
Đó là tàu khu trục USS Higbee và tàu tuần dương USS Oklahoma City.
Ông Bảy nói, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, duy nhất không quân Việt Nam đánh trúng được tàu chiến của Mỹ.
Sau chiến thắng lịch sử đó, các tàu chiến Mỹ e ngại, phải rút ra xa bờ biển và vì thế, tần suất đánh phá đường Trường Sơn cùng giảm đi.
"Cái chúng tôi học được từ các bạn Cuba, từ Fidel không chỉ là kỹ thuật đánh tàu Mỹ, mà còn là bản lĩnh, tinh thần chiến đấu" - ông Bảy trầm ngâm.
Dùng máy bay phản lực MiG-17 ném bom theo phương pháp thia lia trúng tàu chiến đang di chuyển là điều rất khó. Trong khi hỏa lực từ tàu chiến bắn liên tục, người phi công phải điều khiển máy bay vừa né đạn, vừa không được thay đổi điểm ngắm.
Phải là người thật sự bản lĩnh, giỏi mới làm được. Người Cuba đã truyền cho phi công ta điều đó - ông Bảy khẳng định.
Tổng lãnh sự Cuba ở TP.HCM Bernabé Garcia Valido với 2 phi công anh hùng: Đại tá Nguyễn Văn Bảy và Đại tá Từ Đễ |
Nghe xong câu chuyện của vị Đại tá anh hùng, ông Bernabé Garcia Valido - Tổng lãnh sự Cuba ôm chầm lấy ông Bảy. Ông nói bản thân ông cũng từng là sĩ quan, và thường xuyên làm việc với Chủ tịch Fidel Castro.
“Mỗi lần cần chứng minh cho sự quyết tâm, Fidel đều nói về Việt Nam. Trong tim Fidel lúc nào cũng dành tình cảm rất lớn cho các bạn” - Tổng lãnh sự nhấn mạnh.
Văn Đức
Newer articles
Older articles