Home » Tin tức » Đàm luận

LÀM VUA LÀ CŨNG CÓ SỐ ĐẤY!

FRIday - 26/01/2018 09:08
Ghi chép của nhà báo Quốc Phong
1- Câu chuyện thứ nhất.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh (1905-1988) khi đảm trách cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, ông mới có 36 tuổi. Ông đã lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công khi Đảng này chỉ có 5 ngàn người và lập nên Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Châu Á. Ông đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau trong "tứ trụ triều đình" ở Việt Nam (có cả chức Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

Đồng chí Trường Chinh (1907-1988)


Vào khoảng đầu những năm 30 của thế kỷ 20, ông Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) bị Pháp bắt giam và tuyên phạt 12 năm tù cấm cố ở nhà tù Hoả Lò và sau đó đày lên nhà tù Sơn La. 
Ông nội tôi vốn là cháu ruột của thân mẫu ông Đặng Xuân Khu. Ông có được nghe kể từ gia đình các cụ thân sinh của ông bà Trường Chinh (và sau này đã hỏi trực tiếp bà Trường Chinh) một chuyện kỳ lạ sau:
Vào thời điểm vừa nêu đó, bà Nguyễn Thị Minh (vợ ông Trường Chinh) đã lên Hà Nội cùng cô em ruột của chồng với mục đích dò la tin tức của ông Đặng Xuân Khu và ông Đặng Vũ Thạch (em rể của ông Đặng Xuân Khu) cũng đều đang bị Pháp giam cầm hoặc truy nã vì làm cộng sản. Tìm mãi nhưng vẫn không biết tình hình gì hơn, 2 chị em dâu bèn tìm đến một thày tướng nổi tiếng ở phố Hàng Bồ như người ta đồn đại để xin thày cho biết số phận của 2 ông chồng họ đang và sẽ ra sao?
Thày tướng xem tay bà Nguyễn Thị Minh trước rồi bỗng dưng ông vái sống bà khiến bà Minh không hiểu đang có chuyện gì đây?
Thày bảo: "Chị yên tâm đi, chị có tướng rất quý, hiếm gặp lắm! Đời tôi hành nghề này nhiều chục năm nay rồi, tôi chưa thấy ai tốt tướng như chị đấy." Bà tò mò hỏi thêm thì ông thày nói: "Chồng chị sau này sẽ làm Vua đấy, tôi không đùa đâu, đừng nghĩ ngợi lo lắng gì nhé!"
Bà Minh khi đó cũng không hề hé răng một lời cho thày hay chồng bà là người đang theo "Hội kín" (lúc đó dân mình gọi những ai theo cộng sản là theo Hội kín).
Khi đến lượt bà Đặng Thị Uẩn (em gái ông Đặng Xuân Khu) hỏi về số phận người chồng bà (ông Đặng Vũ Thạch) liệu sẽ ra sao? Thày nói: "Sẽ chẳng sao cả, rồi anh ấy cũng sẽ về nhà thôi." 
Điều kỳ lạ là ở chỗ ông thày phán: "Số chị sau này về cuối đời khổ lắm, vất vả lắm... không như chị dâu của chị đâu!"
Chuyện kỳ lạ như tôi nêu chính là sau khi Hoà bình năm 1954, chồng bà Uẩn từng làm tới chức giám đốc một nhà máy giấy thuộc loại lớn của miền Bắc, là lão thành Cách mạng (đảng viên năm 1930) nên được phân một căn hộ khoảng 50m2 ở khu chung cư Thành Công, Hà Nội. Khi ông sắp mất, ông có nói với bà: "Xung quanh nhà mình, tôi thấy còn nhiều gia đình ở chật chội vì đông người quá. Hay là ta nói với chính quyền, nhường căn này cho nhà ai đông con cái hơn, mình lấy căn hộ nhỏ hơn, đủ để ở cho hai người, khỏi phí phạm".
Nhưng mà bà không nghe ông, một người cộng sản chân chính để làm điều đó. Điều mà sau này các lớp cộng sản trẻ không thể hiểu và tin nổi.
Tuy là em gái của vị Tổng bí thư cũng như Chủ tịch Nước, Chủ tịch UBTV Quốc hội nhiều năm, nhưng đời bà chỉ một lần duy nhất được đi máy bay vào Sài Gòn cùng anh trai để thăm họ hàng.
Và dù bà đã 7-8 chục tuổi nhưng có đến cả chục năm, bà vẫn ngày ngày lụ khụ xách thùng đi các nhà xin nước gạo, cơm thừa canh cặn về nuôi lợn, mong để bù đắp cho đồng lương hưu èo uột không đủ sống của bà. Chả vậy mà ở chi bộ thuộc phường Thành Công ngày đó, ông bí thư chi bộ đã bất ngờ thốt lên trong một lần họp chi bộ: Tôi không thể ngờ ở chi bộ chúng ta có đồng chí Đặng Thị Uẩn, một người em gái của đồng chí Chủ tịch Nước Trường Chinh mà sao lại nghèo đến vậy?
Qua 2 câu chuyện có thật trên, ta có thể thấy con người ta, ai làm Vua, ai vất vả cơ cực cũng đều có số má cả đấy, chẳng phải chuyện đùa đâu nhé!
2- Câu chuyện thứ hai
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyên Hùng Vỹ, giảng viên khoa Văn, Đại học KH XH & NV Hà Nội, bạn học cùng lớp Văn Khoá 18 với tôi đã có lần kể cho bạn bè cùng lớp nghe một câu chuyện khá thú vị có liên quan tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn giữ cương vị Vụ trưởng của Tạp chí Cộng sản hồi nào. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Khi ấy, TS Nguyễn Phú Trọng thi thoảng vào khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội giảng bài. Ông vốn là người sống rất giản dị, không hề quan cách khi được mời vào khoa giảng ngoại khoá . Nhiều khi, ông rất thật lòng nói với Nguyễn Hùng Vỹ vì ông quá hiểu, khoa không có phương tiện đưa đón bằng xe cơ giới. Ông bảo Hùng Vỹ rằng cứ lấy xe đạp ra phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi ông làm việc đèo giúp ông vào khoa là được. Ông không bao giờ câu nệ chuyện đó.
Cách đây dăm năm, Hùng Vỹ nói với tôi rằng tướng mạo ông Phú Trọng ngày trẻ lạ lắm. Hồi trường đi sơ tán tránh bom Mỹ ở Đại Từ, Thái Nguyên (ông Trọng học khoá 8, từ 1963 đến 1967), trong một lần đi vào rừng chặt tre về làm lán cho sinh viên, theo quy định, mỗi sinh viên phải kiếm cho được mà mang về 1 cây/tuần. Ông Phú Trọng khi đó trắng trẻo và trông rất thư sinh. So với chúng bạn cùng lứa, người ông nhỏ thó và có phần hơi yếu, xanh lét. Lần đó, mọi người dừng chân giải lao bên vệ rừng thì cánh bạn bè lôi chàng sinh viên Phú Trọng ra đùa cợt. Sinh viên Phú Trọng thì cứ lẳng lặng ngồi, chẳng hề phản kháng chi hết. 
Lần ấy, cũng ngồi nghỉ còn có ông thày tướng vốn nổi tiếng trong thôn bản mà họ ở. Thấy sinh viên Phú Trọng bị bắt nạt dữ quá, ông bảo đám sinh viên rằng: Các cậu đừng thấy người ta gầy yếu mà chòng ghẹo cậu ta. Sau này cậu ta sẽ làm Vua cho mà coi, đừng có đùa nhé!
Có một sinh viên trong lớp với ông Trọng vội hỏi luôn rằng: Vậy bác coi tướng của cháu thì ra sao? Ông thày tướng phán: Tướng cậu là yểu tướng, sẽ chẳng sống được bao năm nữa đâu!
Thật không ngờ chàng trai ấy sau đó phải bỏ dở việc học lên đường cầm súng vào miền Nam chiến đấu và anh đã hy sinh anh dũng tại chiến trường, không bao giờ về học tiếp được cùng chúng bạn nữa.
Khi ông Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, Hùng Vỹ bảo tôi: Ngày xưa người ta coi tướng ông Phú Trọng đã nói ông ấy có tướng làm Vua, vậy là không đúng rồi ông ạ! (năm 2011, ông Phú Trọng đã quá 1 tuổi so với quy hoạch nhiệm kỳ sau). Thế rồi tình thế đổi khác, ông vẫn được Đại hội 11 tín nhiệm cao và chọn ở lại đảm trách cương vị Tổng bí thư của Đảng CSVN.
Hoá ra, tướng số mà người ta nói về ông quả không sai tẹo nào, điều đó thật bất ngờ với nhiều người quan tâm đến nhân sự Đại hội khi đó. Đúng như cổ nhân thường nói "30 vẫn chưa phải là Tết!"
Qua 2 câu chuyện có thật trên, ta có thể thấy con người ta, ai làm Vua, ai vất vả cơ cực cũng đều có số má cả đấy, chẳng phải chuyện đùa đâu nhé!
QP

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh