Tại sao lại là điểm nóng Idlib?
Cuộc chiến tại Syria đã kéo dài gần 9 năm, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa phải tháo chạy lánh nạn.
Sự sụp đổ của chính quyền Syria tại nhiều địa phương tạo khoảng trống cho các nhóm thánh chiến, khủng bố trỗi dậy, đáng chú ý là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sau khi Nga chính thức can thiệp quân sự theo đề nghị của Chính phủ Syria vào tháng 9/2015, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã từng bước giành lại quyền kiểm soát đất nước.
Tới thời điểm hiện tại, chỉ còn tỉnh Idlib ở tây bắc Syria là “hang ổ” cuối cùng của lực lượng phiến quân.
Chính vì vậy, Chính phủ Syria đã hạ quyết tâm giải phóng khu vực này, tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu tàn phá đất nước.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib |
Hồi giữa tháng 2, Tổng thống al-Assad nhấn mạnh cuộc chiến để giải phóng các tỉnh Aleppo và Idlib cũng như toàn bộ lãnh thổ Syria, tiêu diệt khủng bố và lập lại ổn định sẽ được tiếp tục.
Quân đội Syria cũng tái khẳng định quyết tâm tiêu diệt những phần tử mưu toan “chiếm đoạt nguyện vọng” của nhân dân Syria.
Về phần mình, Nga tuyên bố rõ ràng quan điểm ủng hộ chiến dịch của lực lượng chính phủ Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 2 đã bác bỏ ý tưởng ngừng bắn ở Idlib vì cho rằng điều này đồng nghĩa với "đầu hàng quân khủng bố".
Xét những tuyên bố từ Damascus và Moscow cùng diễn biến trên thực địa, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy chiến dịch giải phóng Idlib sẽ bị hủy bỏ hoặc đình hoãn.
Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga tỏ rõ quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ các phe nhóm nổi dậy ở Syria, cho thấy họ không “cam tâm” trước kịch bản này.
Trong khi giới chức Ankara (một cố vấn của Tổng thống Tayip Erdogan) đe dọa tiến hành cuộc chiến tranh lần thứ 17 với nước Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự tấn công trực diện vào nhiều mục tiêu của quân đội Syria ở Idlib.
Động cơ của người Nga
Sau gần 5 năm can dự ở Syria, Nga đã chứng tỏ được sức mạnh và sự khôn khéo của mình. Lý do khiến Nga chấp nhận những rủi ro khi tham chiến có thể được phân tích từ nhiều góc độ.
Về mặt chiến lược, giới phân tích phương Tây thường nhấn mạnh Syria là nơi “đứng chân” cuối cùng của Nga ở Trung Đông với quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeimim.
Syria cũng là cửa ngõ duy nhất để nước Nga, vốn bị “khóa” chặt trong lục địa và các vùng biển đóng băng, tiếp cận các vùng biển ấm. Đây được cho là chiến lược mà Nga vẫn miệt mài theo đuổi trong suốt lịch sử vươn lên của mình.
Bên cạnh đó, các căn cứ hải quân và không quân ở Syria giúp Nga giành lợi thế ở Địa Trung Hải, được ví như tuyến “đường cao tốc” huyết mạch thông ra cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Về mặt chính thức, Nga luôn nhấn mạnh sự can dự của mình là hợp pháp sau khi nhận lời mời từ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad.
Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định quân đội Nga đang sát cánh cùng quân đội Syria tiến hành cuộc chiến chống khủng bố và điều đó cũng nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho chính nước Nga.
Lập luận này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn lại sự trỗi dậy của IS ở Iraq và Syria. Sự sụp đổ của một đồng minh như Tổng thống al-Assad không chỉ đe dọa quyền lợi của Nga mà còn gây bất ổn trong khu vực.
Về chính trị, có ý kiến cho rằng chính quyền của Tổng thống Putin cần cuộc chiến ở Syria để đoàn kết nội bộ và kéo dư luận khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thành công ở Syria mang tới cho Moscow không chỉ uy tín quốc tế mà cả những lợi ích đáng kể như cơ hội khai thác dầu khí, tham gia các dự án tái thiết sau chiến tranh, mở rộng mạng lưới thương mại và đầu tư trong khu vực.
Ngoài ra, việc tham chiến ở Syria cũng giúp Nga có động lực hiện đại hóa quân đội, có điều kiện thực chiến cho các loại vũ khí và kỹ-chiến thuật tác chiến của lực lượng vũ trang.
Cuộc chiến còn là cơ hội để Nga quảng bá các loại vũ khí, qua đó cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc tại thị trường Trung Đông giàu có và “chịu chi”. Có lẽ chỉ cần một nửa trong số những lý do trên cũng đã đủ để Nga không bỏ rơi đồng minh Syria.
Tham vọng của người Thổ
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đưa ra hai lý do chính để biện minh cho các chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria:
Bảo đảm an ninh biên giới trước lực lượng người Kurd Syria cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của IS; giải quyết vấn đề người tị nạn từ Syria hiện đã lên tới 3,6 triệu người tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thỏa thuận với Nga về việc thiết lập vùng đệm hàng chục cây số vào sâu trong lãnh thổ Syria, thiết lập các trạm kiểm soát và luôn sẵn sàng đưa binh lực cùng vũ khí vào nước láng giềng.
Có ý kiến cho rằng, người Thổ từ lâu đã ấp ủ một tham vọng lớn hơn nên mối đe dọa từ người Kurd hay vấn đề người tị nạn đã cho họ cái cớ hoàn hảo. Ankara can dự vào cuộc chiến Syria ngay từ khi nó chưa khởi phát.
Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào tình hình Syria để chống lại chính quyền của Tổng thống al-Assad (theo Hồi giáo dòng Shiite). Mục tiêu này nằm trong cái gọi là Đại chiến lược Trung Đông với tham vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “lãnh tụ” thế giới Hồi giáo của người Sunni.
Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan có mối quan hệ với với Tổ chức Anh em Hồi giáo Syria, lực lượng đã âm mưu lật đổ Tổng thống Syria Hafez al-Assad, cha của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad.
Trong gần 9 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ từng bước tiến vào Syria, mở cửa biên giới cho các tay súng thánh chiến, cung cấp tài chính, vũ khí và yểm trợ hỏa lực cho phiến quân, trong đó có cả IS xâm nhập Syria.
Kể từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 4 chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Syria và nhiều cuộc tấn công khác để giành quyền kiểm soát các khu vực biên giới miền bắc Syria.
Nhiều nhà quan sát có chung nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hai tỉnh tây bắc của Syria là Idlib và Aleppo cùng khoảng 60.000 phiến quân, là trở ngại lớn nhất trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến gần 9 năm qua tại Syria.
Ai làm chủ cuộc chơi?
Mỗi bên liên quan tới cuộc chiến Syria đều đã bắn “viên đạn” của mình khỏi nòng súng hướng tới mục tiêu đã nhắm.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên trong vai trò của những người chơi quyết định. Tuy nhiên, mục tiêu và lợi ích của họ lại không trùng khớp, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Bên cạnh đó, cuộc chiến Syria là ván cờ có nhiều hơn hai người chơi, trong đó không thể bỏ qua vai trò của các “ông lớn” như Mỹ, Iran hay các “tiểu cường” khu vực như Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thế thượng phong và hợp pháp mang lại cho Nga nhiều lựa chọn nhất.
Moscow có trong tay sức mạnh quân sự, các đồng minh chiến đấu không tồi trên mặt đất như quân đội Syria, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn.
Nga cũng nắm giữ lợi thế tuyệt đối trong quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác quốc phòng với người Thổ cùng mối bang giao “tốt đẹp” với các nhân tố khu vực chủ chốt.
Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế “sân nhà” nên mạnh bạo trong hành động và lời nói, nhưng lại không có nhiều lựa chọn. Ankara có nguy cơ rơi vào một vũng lầy do chính mình tạo ra ở Syria.
Đưa chiến tranh về sát biên giới đất nước không phải là một hành động khôn ngoan. “Căng” với Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất nhiều hơn được. Ankara có lẽ chưa thể quên bài học sau khi bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.
Moscow thay vì đáp trả quân sự đã áp đặt các đòn trừng phạt khiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại tới 12% GDP. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang căng thẳng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chắc hẳn không muốn phá hỏng mối giao hảo với người đồng cấp Nga Putin.
Trong khi đó, Iran vẫn là một “thế lực” khu vực và đồng minh quan trọng của Nga ở Syria, còn người Mỹ không thôi thò tay vào hồ sơ Syria dù đã tuyên bố rút quân từ tháng 10/2019.
Cuộc chiến Syria đang ở giai đoạn mang tính bước ngoặt với điểm nóng Idlib. Cán cân lực lượng và quyết tâm của các bên báo trước kết cục chiến tranh không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến trên chiến trường.
Các cuộc gặp, những màn đấu trí trên bàn đàm phán cũng như ở hậu trường sẽ khốc liệt không kém trên thực địa. Yếu tố cần thiết để phá vỡ thế bế tắc hiện nay là khả năng đi đến thỏa hiệp để mỗi bên đều cảm thấy hài lòng với kết quả trên tấm bia mục tiêu.
Ngọc Biên
Newer articles
Older articles