Những ngày này, dư luận hết sức quan tâm về vụ án oan đến 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Đành rằng, đây là một vụ án xảy ra cách đây 10 năm và cho đến bây giờ thì những vụ án oan sai kiểu như thế này có lẽ không còn nữa. Nhưng, hầu như ai cũng bị ám ảnh rằng, tại sao một số người bảo vệ pháp luật, những người cầm cán cân công lý lại có thể thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người dân đến như vậy.
Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ phải điều tra, làm rõ những ai gây ra nỗi oan tày đình cho ông Chấn và chắc chắn, họ sẽ phải bị xử lý. Đây cũng là bài học cho những người làm công tác điều tra, xét xử…
Nghĩ về vụ án này, tôi không thể không nhớ đến một vụ án oan khác đã xảy ra cách đây gần 30 năm: Đó là vụ án oan của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, hiện đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân. Ngày ông bị bắt là vào khoảng tháng 9 năm 1985. Khi ấy, ông là Đại úy, Trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân.
Trong trí nhớ của tôi, lệnh bắt ông mang số 067 và chỉ có mấy dòng mơ hồ “vi phạm pháp luật”. Không có tội danh nào cụ thể.
Vậy mà người ta bắt ông rồi chuyển thẳng vào trong thành phố Hồ Chí Minh, lúc thì giam ở trại B34, lúc thì ở Chí Hòa.
Ba năm giời đằng đẵng, ông trải qua 4 phiên tòa và rồi cuối cùng được tuyên trắng án. Rồi ông lại trở về báo Công an nhân dân làm việc nhưng cũng chẳng được phục hồi, chẳng được bồi thường gì cả và ông phải làm lại tất cả mọi việc từ đầu.
Chúng tôi đã nói rằng, vụ án oan của ông là điển hình cho việc xâm hại các hoạt động tư pháp, mà điều đáng nói ở đây, ông là một Đại úy công an, là một nhà báo, là đảng viên, là người từng chưa đủ 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ sang Lào chiến đấu. Với một người như vậy mà người ta còn bắt lấy được rồi tống vào Chí Hòa, bị giam chung với những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đám lưu manh chuyên nghiệp thì quả là khủng khiếp.
Nhưng việc ông phấn đấu rồi được đề bạt đến cấp hàm Trung tướng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thì cũng là một điển hình về ý chí của một con người và điển hình về sự đổi mới trong công tác cán bộ.
Lịch sử chắc sẽ không lặp lại một vụ như thế nữa.
Trở lại vụ án của ông. Tôi nhớ. Năm 1991, tôi đi viết về một vụ án lừa đảo. Khi cùng với các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội hỏi cung đối tượng bị bắt thì gã lại khai ra một chuyện, ấy là hắn từng “được” giam chung với ông Nguyễn Hữu Ước. Gã còn kể, gã được “vinh dự” giao nhiệm vụ “giám sát”, không cho ông tự tử.
Sau này, khi ra tù, trở về Báo Công an Nhân dân, ông kể cho chúng tôi nghe các kiểu hành hạ ông mà một số cán bộ điều tra đã nghĩ ra. Nghe ông nói mà chúng tôi cứ dựng hết tóc gáy và thầm bảo rằng, nếu mình vào cảnh như thế này, có khi bị bắt phải “vu cho bố mình là phản động” thì cũng buộc phải khai cho xong để thoát khỏi cực hình.
Cũng đã có một số vụ án khác mà cán bộ điều tra đã nghĩ ra rất nhiều trò để tra tấn phạm nhân. Nhiều người chịu không nổi đã phải tìm con đường giải thoát - ấy là tự tử.
Hiện nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đang điều tra lại về một vụ án bắt giam sai của Công an Tiền Giang hơn chục năm trước. Báo Năng lượng Mới cũng đã có phóng sự về vụ án này và cũng đã được biết những người chịu không nổi cực hình mà phải tự tử. Nhưng Giời vẫn còn thương họ nên làm cho sợi dây họ dùng treo cổ bị đứt…
Sau này, khi đi viết phóng sự về khám Chí Hòa, tôi được một cán bộ quản giáo của trại giam - người đã từng làm quản giáo thời ông Hữu Ước bị giam ở đó dẫn đi tham quan. Ông chỉ cho tôi phòng giam nào ông Ước từng ở, chỗ nào ông Ước từng nằm. Rồi ông lại kể cho tôi nghe vanh vách chuyện ông Ước đã từng phải đánh nhau với bọn đầu gấu vì chúng cướp cơm, cướp chỗ ngủ của ông, hay cả những lần đám phạm nhân há hốc mồm nghe ông đọc “Tam quốc diễn nghĩa”.
Khủng khiếp nhất là trong thời gian ông Ước ở Chí Hòa, cứ vài tháng, các quản giáo lại nhận được lệnh từ một cấp trên nào đó chuyển ông sang phòng giam khác. Đối với phạm nhân, đang ở phòng giam này mà phải chuyển sang phòng giam khác, đó là một sự tra tấn vô cùng tinh vi, nhất là khi “chỗ ở” mới cũng là nơi giam giữ những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, đám đầu trộm đuôi cướp và phòng nào cũng rất sẵn đám “đầu gấu, đại bàng”. Bởi người mới vào thì phải nằm chỗ bẩn thỉu nhất, phải hầu hạ đám “đầu gấu, đại bàng” và phải bị ăn những trận đòn “ra mắt”.
Những năm tháng bị giam cầm đã gây cho ông một căn bệnh mà chúng tôi cứ gọi là “hội chứng nhà giam”.
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nằm mê thấy cảnh mình phải ăn cơm trộn cát; vẫn nằm mê thấy cảnh đánh nhau với bọn đầu gấu… Và ông cũng vẫn nằm mê thấy cảnh những cán bộ quản giáo tìm cách dúi cho ông thêm nắm cơm, miếng bánh, an ủi, động viên ông trong những tháng ngày tù tội đó.
Được trả tự do, sự đền bù duy nhất mà người ta dành cho ông là đưa ông đi khám bệnh và an dưỡng ít ngày.
Nhiều cán bộ công an đã từng gây nên nỗi oan cho ông thì vẫn lấp liếm rằng: “Nó không có tội, nhưng cũng có lỗi”. Nhưng lỗi gì thì chẳng ai chỉ ra được.
Ấy vậy mà, ông đã nghiến răng làm lại sự nghiệp của mình. Không nửa lời oán trách. Không có những phát ngôn bất đắc chí. Không tìm cách kiện tụng những người đã gây nên nỗi đau khổ tột cùng cho mình và gia đình.
Tôi đã chứng kiến khi làm Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới, ông vẫn đến thăm hỏi, biếu quà vào dịp lễ, tết những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên vụ án oan của ông. Bởi ông hiểu rõ, những người ấy thực ra cũng chẳng thù oán gì ông nhưng thời ấy tư duy nó thế, cách làm tùy tiện, vô luật pháp là thế… Sợi dây oán thù nên cởi không nên buộc!
Kinh Dịch có câu rằng: “Vật cùng tắc biến”, nghĩa là, cái gì phát triển đến cùng rồi thì sẽ có sự thay đổi.
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến cho những người quản lý của ngành y tế phải tỉnh ra và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp tư nhân. Và đến lúc ấy người ta mới tá hỏa ra, lâu nay, vẫn tồn tại những cơ sở làm đẹp tư nhân hoạt động không có giấy phép.
Vụ Nguyễn Thanh Chấn cũng khiến những cơ quan bảo vệ pháp luật phải tỉnh ra và chắc chắn cũng sẽ có những biện pháp rà soát lại các vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc có những biểu hiện xâm hại hoạt động tư pháp.
Cũng phải công nhận rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc các cán bộ điều tra dùng nhục hình hoặc nhục hình biến tướng, hoặc bức cung, mớm cung, dụ cung phạm nhân đã được giảm thiểu rất nhiều. Nhưng, ở đâu đó, cũng vẫn còn. Mong rằng, những người làm công tác xét xử hãy nghĩ đến câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và “Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Nhà văn Nguyễn Như Phong