Moldova hiện đang bị lôi kéo cắt đứt quan hệ với Nga, theo về với NATO. Nếu đi theo con đường này, Moldova có thể sẽ biến thành một “Ukraine mới”.
Mỹ muốn Moldova theo NATO, đuổi quân Nga khỏi Transnistria
Trong kỳ trước với tiêu đề “Moldova: Chiến trường mới giữa Nga với Mỹ-NATO?” chúng ta đã biết rằng, quan điểm của nhân dan nước này là muốn đất nước đi theo con đường trung lập, dung hòa quan hệ giữa Nga với EU và không muốn gia nhập NATO.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo Moldova đang dấy lên tư tưởng muốn tái sáp nhập Moldova với Romania (quốc gia NATO) hoặc vẫn giữ nguyên quy chế đất nước nhưng cũng sẽ gia nhập NATO, đồng thời đòi thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria (Pridnestrovia) bằng lực lượng phương Tây.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tại thủ đô Kishinev đã diễn ra cuộc biểu tình của phái ủng hộ thống nhất Moldova với Romania. Sự kiện này có sự tham gia của 50 nghìn người (theo đại diện của nhà tổ chức cho biết).
Đám biểu tình theo phái này đã tập hợp sau khi có hoạt động của phái chống lại ý tưởng thống nhất với Romania. Họ đã đưa ra các khẩu hiệu: "Thống nhất với Romania" hoặc "Chúng tôi muốn thống nhất ngay bây giờ" hay “Romania Vĩ đại với ranh giới cũ”.
Những người biểu tình cũng bày tỏ sự hài lòng với việc thành lập cơ quan đại diện "Hội đồng đất nước 2", với nhiệm vụ xem xét, đánh giá khả năng xúc tiến thống nhất Moldova với Romania. Ủy ban này sẽ đưa ra kết luận trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3 năm 2018.
|
Nếu Mỹ thu phục nốt Moldova, quanh Nga sẽ vây kín các nước NATO |
Ngoài ra, một số lãnh đạo của đất nước này đang có những luồng tư tưởng hết sức nguy hiểm là thay lực lượng gìn giữ hòa bình mũ nồi xanh của Nga tại vùng lãnh thổ ly khai Transnistria của nước này, bằng lực lượng Liên Hợp Quốc hoặc lực lượng khác của châu Âu.
Năm nay sẽ đánh dấu 24 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước Cộng hòa tự xưng Transnistria, đòi ly khai khỏi Moldavia. Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế được triển khai tại 15 đồn cố định và trạm kiểm soát, bố trí tại các địa bàn then chốt trong vùng.
Hòa bình trong khu vực xung đột được duy trì nhờ sự hỗ trợ của lực lượng này, bao gồm 402 quân nhân Nga (cùng lực lượng bảo đảm, tổng cộng khoảng 1400 người), 492 quân nhân Transnistria, 355 quân nhân của Moldova, cũng như 10 quan sát viên quân sự từ Ukraine. Trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về Nga.
Rõ ràng là trong khi đất nước đang có những luồng tư tưởng khác nhau về việc sáp nhập, thống nhất và quy chế độc lập thì lãnh đạo đất nước phải lấy ý kiến của nhân dân làm đầu, còn ngược lại, mọi hành động nóng vội, hấp tấp hay duy ý chí của giới lãnh đạo sẽ dẫn đến sự tự sát.
Xung đột trong nội bộ đất nước sẽ thảm họa đối với nhân dân còn những thế lực ngoại bang thì ung dung hưởng lợi. Điều này chỉ cần nhìn vào tấm gương của Ukraine chúng ta đều đã hiểu.
|
Cùng với Odessa, Mỹ-NATO có thể sử dụng 2 cảng Poti và Batumi của Gruzia |
Nếu Moldova về với NATO, khối này cơ bản là đã hoàn tất kế hoạch bành trướng sang phía đông, toàn bộ các quốc gia xung quanh Nga ở phía này (trừ Belarus cũng đang bị lôi kéo) đều đã hoặc sẽ là quốc gia NATO, Mỹ ung dung tính nốt con đường áp sát Nga từ phía nam, theo hướng Gruzia.
Khi Moldova về với NATO, vòng vây nước Nga sẽ được siết chặt thêm nhưng quan trọng là Mỹ và NATO sẽ gia cố vững chắc sự kiên cố cho Odessa của Ukraine để xây dựng một tiền đồn quan trọng ở tây bắc Biển Đen, để khống chế Hạm đội Biển Đen của Nga.
Cùng với việc Thổ Nhĩ Kỳ chốt ở eo Bosphorus, hải quân NATO có thể đồn trú ở cảng Poti và Batumi của Gruzia, xây dựng thế vây ép thứ 2 từ phía tây nam, lúc này, Nga như một con gấu bị bẻ nanh vuốt, không còn khả năng vùng vẫy từ hướng Biển Đen.
Do đó, Moldova và Ukraine là những trọng điểm và Mỹ và NATO quyết thu phục bằng được để xiết chặt vòng vây xung quanh Nga.
Mosocw làm gì nếu Moldova theo NATO, đuổi quân Nga khỏi Transnistria?
Phát biểu về đề nghị của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Moldova về việc thay lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, đây là một đề nghị hết sức nguy hiểm, phản tác dụng và có thể gây ra bất ổn trong khu vực.
"Các chiến sĩ hòa bình của Nga đang đóng vai trò quan trọng trong việc chứng tỏ tính hiệu quả của hoạt động gìn giữ hòa bình tại Transnistria, đề xuất của ông Bộ trưởng quốc phòng Moldova là phản xây dựng, phá hủy cố gắng xây dựng quan hệ Nga-Moldova" - bà Zakharov nói.
Khi quân Nga bị loại, khỏi phái đoàn quân sự 3 bên ở khu vực ly khai này sẽ bao gồm Moldova, Ukraine và một quốc gia châu Âu nào đó. hòa bình có còn được thiết lập không hay cuộc nội chiến lại tiếp tục bùng phát?
Chúng ta đều đã biết, để ngăn chặn sự bành trướng của NATO, Nga đều có những quân bài tẩy lợi hại để ra điều kiện hoặc kiềm chế.
Ví dụ Kanilingrad ở ven bờ Baltic đang là cái dằm đối với các nước NATO xung quanh như Đức, Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia…; Donbass để kiềm chế Ukraine; Nam Osetia và Abkhazia để ngăn chặn Gruzia, Nagorno-Karabakh trên thực tế là ngăn cản Azerbaijan ngả sang NATO và chính Transnistria là để ngăn NATO nối thông Moldova và Ukraine.
|
Lực lượng gìn giữ hòa bình mũ nồi xanh Nga tập trận “chống khủng bố” ở Transnistria |
Moscow chắc chắn sẽ phải duy trì ảnh hưởng ở Transnistria nhằm tạo ra 1 vùng đệm ngăn cách sự liên kết của NATO, đồng thời gây sức ép ngược với Odessa của Ukraine. Khi Nga bị “bật bãi” chắc chắn tình hình ở 2 khu vực này đều sẽ có biến.
Điện Kremlin sẽ sử dụng các biện pháp giấu mặt đã từng đưa ra ở Donbass. Chắc chắn là xung đột sẽ bùng phát dữ dội ở khu vực này, lan tỏa tới khu vực Odessa của Ukraine, lôi kéo cả 2 nước láng giềng này tiếp tục vào mớ bòng bong nội chiến.
Với sự hậu thuẫn của Nga, cả 2 khu vực ly khai của Moldova và Ukraine có thể giành chiến thắng và liên kết với nhau hình thành một vùng lãnh thổ ly khai rộng lớn ở phía tây bắc Biển Đen - một khu vực quan trọng, tách rời sự liên kết giữa Ukraine với các nước NATO như Romania, Moldova.
Có 2 xu hướng có thể xảy ra.
Một là vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ tiếp tục đòi sáp nhập vào Nga, Moscow nhiều khả năng chấp thuận, bởi đến khi cả Moldova và Ukraine đều gia nhập NATO thì ông Putin sẽ cần vùng lãnh thổ hải ngoại thứ 2 để trấn thủ vùng này, giống như Kanilingrad đang khống chế các nước NATO ven bờ Baltic.
Xu hướng thứ 2 là Putin sẽ chỉ ký Hiệp định bảo hộ giống như đối với Abkhazia và Nam Ossetia. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức sáp nhập trá hình, bởi trên thực tế cả chính trị, kinh tế, ngoại giao của các vùng này đều do Moscow chỉ đạo, lực lượng vũ trang cũng đặt dưới sự chỉ huy của quân đội Nga.
|
Nếu chiến sự bùng phát ở Transnistria, Ukraine có thể mất cả vùng Odessa rộng lớn (màu xanh lá cây) chứ không chỉ mình thành phố cảng Odessa |
Đến đây, một Donbass mới lại sẽ hình thành, cuộc khủng hoảng độc lập, chia tách, sáp nhập quanh khu vực Biển Đen sẽ còn kéo dài. Cả 2 con đường này đều dẫn tới những bất lợi cho cả Nga và Moldova/Ukraine, lôi kéo cả Kishinev, Kiev và Moscow, thậm chí là cả châu Âu vào một “mớ bòng bong mới”,
Châu Âu lại thêm rắc rối sau khi đủ đau đầu với vấn nạn về kinh tế và dân di cư, Nga sẽ tiếp tục bị trừng phạt, cấm vận nhưng điều đó Moscow cũng đã quen và đến giờ đã từng bước thoát ra, còn Moldova và Ukraine chắc chắn sẽ suy sụp, còn người được lợi chỉ duy nhất là Mỹ.
Các chuyên gia chính trị và quân sự thế giới nghĩ thế nào về điều này? Moldova nên đi theo con đường của Ukraine là đoạn tuyệt quan hệ với Nga, một mực gia nhập NATO và mất Crimea hay đi theo con đường “chung sống hòa bình” với cả Nga và NATO như Phần Lan?
Thiên Nam