|
Tấm bảng giới thiệu Truyện Kiều và Nguyễn Du với nhiều thông tin sai - Ảnh: Võ Đại Chuyên |
Đây là bộ sưu tập của ông La Văn Tiến, được Crescent Mall giới thiệu là số lượng lên đến 320 ấn phẩm. Tuy nhiên, đến xem triển lãm mới thấy có nhiều sai sót khó chấp nhận.
Trước hết, triển lãm này không thể gọi tên là “bộ sưu tập Truyện Kiều” được. Bởi một khi đã gọi là bộ sưu tập Truyện Kiều thì trong bộ sưu tập ấy chỉ gồm các bản Truyện Kiều khác nhau, được sưu tập theo tiêu chí nào đó để thành “bộ”.
Nhưng ở đây, ông Tiến đưa ra triển lãm không chỉ các bản Truyện Kiều, mà còn rất nhiều sách có nội dung liên quan đến Truyện Kiều, trong đó có cả công trình nghiên cứu nghệ thuật Truyện Kiều và các sách liên quan rất riêng với Truyện Kiều như Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều (của thiếu tướng Nguyễn An) và khảo luận chuyên sâu về Truyện Kiều như Ý niệm bạc mệnh trong cuộc đời Thúy Kiều (Đàm Quang Thiện).
Gộp các sách liên quan đến Kiều và gọi đấy là “bộ sưu tập Truyện Kiều” là không đúng với khái niệm bộ sưu tập.
Thứ hai là có những sai sót, như nội dung in chính thức trong tấm bảng giới thiệu “bộ sưu tập” dựng ngay bên cổng vào khu vực triển lãm, như sau: “Truyện Kiều là một bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du (1766-1820) sáng tác, và được coi là kiệt tác của văn học Việt Nam. Tác phẩm có tựa gốc tiếng Việt là Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng thường được biết đến dưới tên gọi Truyện Kiều. Thể hiện trọn vẹn trong 3.254 câu thơ, viết bằng thể lục bát, bài thơ kể lại cuộc đời, những thử thách cũng như đau khổ của Thúy Kiều - một người con gái trẻ đẹp và tài năng, phải hi sinh thân mình để cứu gia đình. Vì cứu cha và người em trai thoát khỏi tù tội, Kiều buộc phải gả cho một người đàn ông trung niên mà không biết rằng gã là một tay ma cô, và Kiều bị ép phải làm gái lầu xanh”.
Không kể cách diễn đạt sai ngữ pháp kiểu “Kiều buộc phải gả cho một người đàn ông trung niên”, nội dung trên phạm nhiều lỗi sai không chấp nhận được.
Cụ thể là thi hào Nguyễn Du sinh năm 1765 chứ không phải 1766, và tác phẩm Truyện Kiều còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh, bốn chữ này âm đọc là âm Hán Việt, còn chữ là chữ Hán, nên gọi “tựa gốc tiếng Việt” là không rõ ràng. Nhưng sai nặng nhất chính là thông tin “Truyện Kiều là một bài thơ chữ Hán”.
Sai sót này là không thể chấp nhận được. Từ bao đời nay, mọi người vẫn biết Truyện Kiều do Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, nên dân gian mới có câu ca dao “Làm trai biết đánh tổ tôm / Uống chè mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.
Ấy thế mà tại một triển lãm quy mô, được nhân danh tinh thần yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều lại nhầm lẫn đến mức cho rằng Truyện Kiều viết bằng chữ Hán thì thật không tưởng tượng được. Chắc đến Nguyễn Du cũng phải khóc thét lên chứ biết làm sao!