Theo Lý thị gia phả và Tự thuật ký do Lý Văn Phức soạn thì tổ tiên Lý Văn Phức là người Trung Quốc, vì lánh nạn, sang Việt Nam ngụ cư tại làng Hồ Khẩu, sang Vĩnh Thuận (nay thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội). Từ đó về sau con cháu trở thành người Việt. Lý Văn Phức tự Lân Chi, hiệu Khắc Trai, sinh ngày 1 tháng 10 năm Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785). Năm Gia Long thứ 18 (1819), ông đỗ cử nhân và được bổ nhận Hàm Lâm biên tu, rồi lên Lễ bộ Thiêm sự, đến Hộ Bộ Hữu thị lang, thự Hữu tham tri, vì mắc tội bị cách chức. Sau đó lại làm Nội vụ phủ tư vụ, lên Binh Bộ chủ sự, thự Công Bộ Hữu Tham tri. Được đặc cách bổ làm lễ Bộ Hữu tham tri, sung chức Chánh sứ, đi Yên Kinh Bắc kinh. Sau lại bị phạt nhưng ngay sau đó lại được thăng làm Quang lộc tự khanh. Năm 1849, sau chuyến đi Tân Gia Ba về, ông bị ốm rồi mất, hưởng thọ 64 tuổi. Lý Văn Phức viết nhiều tác phẩm bằng chữ Hán như: Tây hành ký; Mân hành tập vịnh; Tiên thành lữ thoại; Việt hành thi thảo; Việt hành tục ngâm; Kinh hải tục ngâm; Chu nguyên tạp vịnh; v.v... Ông cũng viết nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm, đặc biệt là thơ. Nổi tiếng là Nhị thập tứ hiếu diễn âm, rồi đến Sứ trình tiện lãm khúc; Tự thuật ký; Phụ châm tiện lãm; Bất phong lưu truyện; Chu hồi trở phong thán… Do khuôn khổ bài viết, ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu một tác phẩm thơ bằng chữ Nôm do ông sáng tác, bị lược chuyện các tác giả Việt Nam(1) bỏ sót. Hơn nữa, tác phẩm này cũng chưa hề được công bố. Đó là Sứ trình tiện lãm khúc. Hiện nay, tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được 3 văn bản Sứ trình tiện lãm khúc: - Bản thứ nhất ký hiệu AB.400, sách chép tay, 24 tờ, khổ 30x17cm. Không có tựa, không ghi niên đại sáng tác, nhưng có ghi tên tác giả “Lý Văn Phức Lân Chi soạn”. Văn bản bao gồm 616 câu thơ Nôm song thất lục bát. - Bản thứ hai ký hiệu AB.274. Sách chép tay, 24 tờ, khổ 30x27cm. Không có tựa và niên đại sáng tác, nhưng có tên tác giả “Lý Văn Phức Lan chi soạn”. Văn bản này gồm 612 câu thơ Nôm song thất lục bát. - Bản thứ ba đóng gộp vào sách Hồi kinh nhật trình. Sách chép tay, chữ đẹp, ký hiệu VNv.217, khổ 24x 15cm. Có ghi tên tác giả và năm sáng tác ở cuối bài tựa: “Chánh sứ Lý Văn Phức Lân Chi trứ” (Chánh sứ Lý Văn Phức Lân Chi soạn). “Thiệu Trị nhân niên, xuân nguyệt chi thư” (Viết năm Thiệu Trị thứ hai, tháng xuân (1841)). Nội dung bài tựa nêu lý do, xuất xứ của tác phẩm. Sứ trình tiện lãm khúc: “Lúc đi sứ Yên Kinh, ghi chép đầy đủ các việc lớn nhỏ cùng phong cảnh trên đường. Khi về rảnh rỗi thâu tóm hết thảy, diễn thành thơ Nôm…”. Có lẽ vì vậy tác phẩm có tên Sứ trình tiện lãm khúc (khúc ngâm cuộc hành trình đi sứ để tiện xem). Qua các bài nêu trên, cùng nội dung bài tựa, ta thấy Sứ trình tiện lãm khúc là tác phẩm Lý Văn Phức sáng tác sau chuyến đi Yên Kinh do ông làm Chánh sứ. Đối chiếu so sánh cả ba văn bản Sứ trình tiện lãm khúc nêu trên, ta thấy bản mang ký hiệu VNv.217 có nhiều yếu tố gần với nguyên tác hơn. Do vậy, chúng tôi đã chọn bản VNv.217 làm bản nền cho việc phiên âm, chú thích tác phẩm. Sứ trình tiện lãm khúc (Viết tắt là STTLK) gồm 620 câu thơ Nôm, song thất lục bát, do Lý Văn Phức sáng tác năm 1841. Tác phẩm phác họa cho chúng ta một bức tranh tuyệt đẹp và đa dạng về cảnh vật thiên nhiên, núi sông, cây cỏ, v.v… trên đường đi sứ mà tác giả được mắt thấy tai nghe: Dòng sông khúc thẳng khúc quanh, Sóng êm hò lái gió thanh đưa buồm, Núi ai nhuộm đỏ lòm sắc đá, Đủ trống cờ nhân mã binh đao, Sườn non ai vẽ được nào, Truyền rằng binh mã Hoàng Sào phải không. STTLK giới thiệu được khoảng trên 100 di tích có giá trị, liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc trên suốt chặng đường dài 8000 dặm từ Hà Nội tới Yên Kinh. Thí dụ: Tam Thanh động thiên thành như tạc, Vọng phu sơn ai tạc cho nên, Hãy còn dấu cũ tiên hiền, Nền dinh Lộc Mã, cảnh chiều Nhị Thanh Đáng chú ý là STTLK giới thiệu một cách tỉ mỉ nghi thức bang giao đương thời giữa Trung Quốc với Việt Nam từ cách xưng hô, nghi lễ đón tiễn; đến các hình thức, chế độ đón tiếp sứ thần… STTLK còn cho biết một số tập tục của nhân dân ở nhiều địa phương mà tác giả đi qua. Với khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, tài làm thơ điêu luyện, cách quan sát cảnh vật sắc sảo, tinh tế, Lý Văn Phức đã thực hiện thành công ý đồ thuật lại chọn vẹn chuyến đi sứ dài 8000 dặm với thời gian một năm của đoàn sứ bộ Việt Nam do tác giả làm chánh sứ năm Thiệu Trị thứ nhất (1840). Dưới đây chúng tôi xin trích giới thiệu một số đoạn tiêu biểu của tác phẩm trường thi Sứ trình tiện lãm khúc để bạn đọc phần nào hình dung được giá trị của nó(*). Năm Thiệu Trị rồng bay Tân Sửu(2), Vâng thánh triều giữ đạo giao lân(3); Điện phong ban xuống chiếu văn, Hành tùy mười bảy sứ thần ba viên. 5. Đồ thưởng tứ Ơn trên nhuận thấm, Lãnh quốc thư vật phẩm chỉnh tề; Tháng hai lĩnh mệnh đan trì(4), Gió xuân đưa bước vó kỳ nhẹ thênh. (………………) 45. Rồi chỉnh bái(5) quan binh thượng lộ(6) Qua Kỳ Cùng với phố Kỳ Lừa; Đồng Đăng lịch sự tiếng xưa, Dừng xe tạm yết đưa tờ thông danh(7). Rồi thấy thiếp Thái Bình Tri phủ, 50. Định mồng mười giờ Ngọ(8) khai quan(9) Tỉnh quan cùng Hầu mệnh quan, Cùng nhau võng giá một đoàn tới nơi. Sửa áo mão bên đài Ngưỡng Đức, Sắp quân ra Nam Bắc hai đường; 55. Đến giờ súng phát rầm vang(10*), Mặt giao tân chủ lệ thường tòng nghênh. Đài Chiêu Đức(11*) lễ thành tham yết, Cửa Nam Quan bái biệt phân chia; Tang bồng là chí nam nhi(12*), 60. Non sông ngoảnh lại bước đi lại bước đi lại dừng. Qua Tiền Ải(15*), trông chừng Mộ Phù(16*), Cõi Tân Thiêm(17*) tới Thụ Hàng Thành(18*); Đến đâu đường tấn(19*) quỳ nghênh, Thường ngày cung ứng nặng tình địa phương(20*). 65. Ninh Minh giang(21*) trực thuyền đi thủy, Vật thường hành chỉnh bị chu toàn(22*); Hiệu cờ cho đến hiệu đèn, Khắp trong mười bảy chiếc thuyền sắm tân(23*). Lại biện lễ giang thần đảo cát(24*), 70. Rồi treo cờ phát hiệu khai hành(25*); Dòng sông khúc thẳng khúc quanh, Sóng êm hò lái, gió thanh đưa buồm. Núi ai nhuộm đỏ lòm sắc đá, Đủ trống, cờ, nhân mã, binh đao; 75. Sườn non ai vẽ được nào, Truyền rằng “Binh mã Hoàng Sào(26*) phải không? Kìa Sa mão, nọ chồng bút giá(27*), Khéo khen ai sắp đá nên xinh; Bên sông ba mặt quanh thành, 80. Nhìn xem phủ trị Thái Bình rất đông. Đưa một lá thiếp hồng(28*) vấn hảo, Mật thổ ngơi, lấy thảo đem thành(29); Một niềm bái tạ ninh ninh, Tống đồ thực vật vẹn tình chủ nhân(30). (…………………) Non Bạch Thạch động Thiên Song viễn, Quế Kinh Sơn thổ sản gọi là; 115. Huyện Nam Bình cách chẳng xa, Tướng quân Đào Khản(31) quê nhà ở đây. Đời Nam Hán nhớ thày Lương trạng, Thân miếu đường về dưỡng từ thân; Lộc triều tha thuế phương dân, 120. Miếu thờ một quận cảm ơn đến rày. (…………………) 125. Nhớ Đông Hán Sĩ Vương(32) sự cũ, Nhậm Nam Giao Thái thú quan ngoài; Văn minh mở một phương trời, Một phen công đức muôn đời khói hương. (…………………) 240. Nào non Hồi Nhạn là đâu(33*) Bẩy mươi hai đỉnh, ấy đầu Hành Sơn(34*) Núi Thạch Cổ(35) trên ngàn giang khẩu, Ngọc Long(36) xưa còn dấu cổ cư; Đời Đường mới cải Viện thư, 245. Lịch triều nhân đó để thờ tiên nho(37*) Bà Xiếu Mẫu(38) nhớ xưa đời Hán, Còn miếu thờ “Nhất phạn thiên kim”(39) Giang đình tiên động trải xem, Tới Hành Sơn huyện lại tìm tích xưa. 250. Chốn Lý Bí đọc thư thuở trước(40), Đỉnh Yên Hà như gác như am; Lại đi khỏi huyện Tương Đàm, Đến Trường Sa phủ, Hồ Nam tỉnh thành. Miếu Giả Nghị bên kênh Tương Thủy, 255. Đường Độc Tinh(41*) xót kẻ Hoài sa(42) Dòng Tương chảy xuống Mịch La(43) Nước xanh lai láng bóng tà đìu hiu. (……………………) Nghe khói bắc đường tan khí lạnh, Ngắm non nam như ngảnh mặt cười; Gặp ngày mười một tháng hai, Ninh Minh đây đã đến nơi Châu Thành. 605. Rũ mùi tuyết cuốn thênh rèm võng, Phất hơi sương thẳng chống ngọn cờ; Đến đài Chiêu Đức chốn xưa, Khấn quỳ là lễ, tiễn đưa là tình. Trà biệt thoại rót, dừng xa mã, 610. Súng hỉ âm mở khóa quan san; Cách xuân hợp mặt y quan, Đường xuân phơi phới, một đoàn thênh thênh. Vâng đại giá ngự thành Hà Tỉnh, Thảm quy yên phụng mệnh đan trì; 615. Sức mình hèn mọn có chi, Việc nên, muôn đội đức uy chín lần. Giọt vũ lộ(44) nay nhuần mai thấm, Thú ban du trong ấm ngoài êm; Tung hô ba tiếng trước thềm, 620. Đài xuân vui vẻ, âu kim bình vàng. CHÚ THÍCH (1) Lược truyện các tác giả Việt Nam, Nxb. KHXH tái bản năm 1917, mục 485. Lý Văn Phức, tr.390. (2) Rồng bay: Kinh dịch có câu “Phi long tại thiên, đại nhân tạo dã” (rồng bay ở trên trời, là bậc đại nhân được sinh ra). Đây ý nói việc vua lên ngôi. Rồng bay Tân Sửu tức năm Tân Sửu (1841), năm vua Thiên Trị lên ngôi. (3) Giữ đạo giao lân: Giữ đạo giao hảo xóm giềng. (4) Đàn trì: Thềm son. “Mệnh đan trì” tức mệnh nhà vua. (5) Chính bái: Nghiêm chỉnh bái tạ. (6) Thượng lộ: Lên đường. (7) Tờ thông danh: Tờ ghi tên cho đi lại. (8) Giờ Ngọ: Từ 11h đến 13h trưa. (9) Khai quan: Mở cửa biên giới. (10) Lệ đón sứ thần: Khi mở cửa khẩu, quân hai bên phải chỉnh tề đội ngũ. Rồi bắn pháo chào mừng . Từ đây trở xuống các chú thích có dấu (*) là của nguyên tác. ( 1*) Đài Chiêu Đức ở phía Bắc của khẩu. ( 2*) Tang bồng là chí nam nhi: “tang”: cây dâu; “bồng” là cây cỏ bồng. Đời xưa dùng cây dâu làm cung; cỏ bồng làm tên. Cung tên là chỉ việc của con trai. Đây nói chí nam nhi là chí tung hoành cung kiếm. ( 3*) Tiền Ải: Tên đường. ( 4*) Mộ phủ: Tên công quán. ( 5*) Tân Thiêm: Tên đường. ( 6*) Thụ Hàng Thành: Tên công quán. ( 7*) Đường tấn: Ở Trung Quốc trong đất liền có lệ cứ 15 hoặc 20 dặm đặt một đường hoặc một tấn, hễ thấy sứ thần đi qua, phải bắn pháo, gõ la, quỳ đón. ( 8*) Công quán theo lệ, phải tiếp đoàn sứ thần 3 bữa ăn trong ngày. ( 9*) Ninh Minh giang: Sông Ninh Minh. (20*) Ý nói các địa phương có đoàn đi qua đều phải tiếp đón thật chu đáo. (2 *) 17 thuyền sắm tân: Gồm thuyền sứ 7, thuyền trường 8, và thuyền thông sự 2. (22*) Biện lễ giang thần: Tế thần sông. Đảo cát: lễ cầu may. Lễ vật do địa phương lo. (23*) Phát hiệu khai hành: Phát hiệu lệnh bắt đầu đi. (24*) Binh Mã Hoàng Sào: Tức Hoàng Sào Binh Mã, tên ngọn núi. (25*) Sa mão, bút giá: Hình núi giống như chiếc mũ, gác bút. (26*) Lá thiếp hồng: Thiếp bằng giấy hồng. Trên thiếp ghi họ tên bồi thần. (27) Lấy thảo đem thành: Lấy lòng thảo lòng thành. (28) Ý nói phải đón tiếp chu đáo để chọn vẹn tình nghĩa của phía chủ nhà. (29) Đào Khản: Đời người Tấn, được người đương thời coi như Khổng Minh. (30) Sĩ Vương: Tức Sĩ Nhiếp, người Đông Hán, từng làm thái thú quận Giao Chỉ. (3 *) Hồi Nhạn: Tên ngọn núi đầu tiên trong 72 ngọn núi ở Hành Sơn. (32*) Hành Sơn: tên huyện. (33) Tên núi, tại tỉnh Hồ Nam. (34) Ngọa Long chỉ Chư Cát Khổng Minh (Gia Cát lượng). (35*) Tiên nho: Chỉ các vị Chu Tử, Hàn Tử, Châu Tử và Hoàng Tử. (36) Bà Xiếu Mẫu: Người giúp Hàn Tín lúc còn hàn vi. (37) “Nhất phạn thiên kim”: “bát cơm ngàn vàng”, tích Hán Tín người thời Hán, lúc còn hàn vi, được bà Xiếu Mẫu cho ăn bát cơm. Khi Hàn Tín thành đạt vẫn nhớ ơn bà, trả bà ngàn lượng vàng. (38) Tức thư viện Hành Sơn. (39*) Độc Tinh: Tên nhà thơ Khuất Nguyên. (40) Hoài sa: Tên một tác phẩm trong Cửu chương (Sở tử của Khuất Nguyên. (41) Mịch La: Tên sông, nơi Khuất Nguyên trầm mình. (42) Vũ lộ: mưa móc. Đây ý nói ơn trạch. |
SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN DIỄN CA <p class="MsoNormal" align="right" '="" style="text-align: right;">NGUYỄN ĐĂNGSự tích thánh Tản Viên là một truyền thuyết dân gian của ta có tự lâu đời. Đặc biệt là truyền thuyết này được cố định trên văn bản cũng rất sớm. Ngay từ đời Trần, Lý Tế Xuyên đã đưa vào trong sáchViệt điện u linh tập. Trần Thế Pháp và Kiều Phú cũng chép trongLĩnh Nam chích quái. Đến Ngô Sĩ Liên lại ghi vào Đại Việt sử ký toàn thư (phần Ngoại kỷ). Từ đó về sau thường thấy sao chép truyền thuyết này. Như Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú),Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam quốc sử diễn ca… và các sách truyện ký, dã sử, giai thoại. Trong dân gian Việt Nam, thánh Tản Viên được coi là một trong bốn vị thánh bất tử(1), của nước Nam. Ở nhiều địa phương đã tôn thờ thánh Tản làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ phụng rất uy nghi. Chỉ tính riêng mấy tỉnh phía Bắc như: Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Tây, Thanh Hóa,… đã có 292 nơi thờ. Mỗi làng đều có ngọc phả riêng, ngoài những điểm chung về hành trạng, ở mỗi bản ngọc phả còn có đoạn giải thích rõ lý do thờ cúng và nghi lễ cúng tế. Trong số các sách và số ngọc phả kể trên, tuyệt đại đa số được biên soạn bằng Hán văn. Thỉnh thoảng mới tìm thấy một bản ngọc phả chép câu đối Nôm hoặc bài thơ Nôm. Trong một chuyến đi thực tế về xã Vật Lại, huyện Ba Vì (nay thuộc tỉnh Hà Tây), chúng tôi phát hiện ra một bản ngọc phả thánh Tản Viên chép bằng chữ Nôm, diễn ca theo lối thơ lục bát (từ đây trở xuống gọi làBản diễn ca). Bản diễn ca dày 16 trang, gồm 466 câu lục bát. Đây là một Bản diễn ca thần tích khá cổ, chưa rõ tác giả là ai? Thể thơ lục bát dùng trong văn bản khá cổ kính, rất gần với thể thơ trong Thiên nam ngữ lục, Thiên nam minh giám,… Trong văn bản không chỉ dùng nhiều từ Hán Việt, mà còn dùng nhiều từ cổ, như: Thừa lưa, chỉn, hối, ở ca, v.v… Từ “Song viết” cũng thấy xuất hiện một lần ở câu: Sơn hào song viết thừa lưa, Thói quen nên kẻ tiều phu trí mầu. (Câu 31, 32) Đặc biệt chữ “viết” có dùng dấu nháy. Về nội dung truyền thuyết, cơ bản giống với các bản ngọc phả thánh Tản Viên khác. Nhưng cũng có một vài chi tiết hơi khác. Chẳng hạn Bản diễn ca cho rằng Thủy Tinh đối đầu với Sơn Tinh, cũng vẫn là Hoàng tử con vua Thủy Tề được Sơn Tinh cứu nạn ngày trước. Sau này khi đánh nhau, Sơn Tinh giải thích: Chàng đà ra dạ tương tranh, Cho nên lỗi đạo đệ huynh chăng hòa. (Câu 393 - 394) Hoặc đoạn chép việc các loài thủy tộc bắt nhầm phải mẹ đức thánh Chèm (chỉ Lý Ông Trọng), nên bị đức thánh Chèm trừng trị: Hội đồng cá rắn biên giang Ông Chèm ra thấy lòng càng mừng thay. Trả ơn thân mẫu khi nay Dạng chân sông cả, đôi tay vơ quàng. (Câu 431 - 434) Như trên đã nhắc tới, Bản diễn ca còn dùng nhiều từ Hán Việt và từ cổ, hơn nữa có một số đoạn câu thơ chưa được chải chuốt. Nhưng nhìn chung, có thể ghi nhận đây là một bản diễn ca lịch sử có giá trị. Tuy chưa xác định rõ niên đại, song qua phân tích trên, có thể đoán định Bản diễn ca được biên soạn vào cuối đời Lê. Cùng với Thiên nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám,…Bản diễn ca cũng cung cấp thêm một số tư liệu quý. Do vậy nó xứng đáng được đông đảo bạn đọc và những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà biết đến. Toàn văn Bản diễn ca như sau: TẢN VIÊN SƠN TRUYỆN CỔ TÍCH Trước bày Đại Việt Hùng Vương Dân an đệm chiếu bốn phương thuận hòa. Đâu đâu hát thái bình ca Phong đăng bách cốc(2) nhà nhà đủ no. 5. Có người là con học trò Tên là Nguyễn Tuấn thế lo làm tày. Phòng văn án tuyết(3) đêm ngày Gạo châu củi quế(4) thiếu rày lấy đâu. Đọa tài khắp một tay thâu 10. Sớm lo chẳng đủ lấy đâu ngày dùng. Tuổi vừa được chốn xuân nồng Thất gia chưa có dụng phòng chốn nao. Lên chơi rừng quế nguồn đào Giang sơn chốn chốn thấp cao mọi ngàn. 15. Chim kêu vượn hót làm đàn Có nơi là Tản Viên Sơn hiệu lành. Bốn bề non nước cực thiêng Dẫu có thụy khí anh linh lạ thường Cảnh thanh kì lạ khác thường 20. Non nhân nước trí bốn phương hữu tình. Nhuộm tươi chân ngắt mầu xanh Dường bằng một cảnh hồ thanh ngất trời. Hình hô một cảnh lâu đài Đỉnh cao đột ngột chống trời một phương. 25. Quần sơn chầu lại nên hàng Thế lo đất phức ắt đường nơi đây. Cảnh thanh đắc ý mừng thay Lập làm lều tiện(5) tháng ngày náu chơi. Lân la chiếu đất màn trời 30. Làng Nhan cửa Khổng(6) chẳng đời chí xưa. Sơn hào song viết(7) thừa lưa(8) Thói quen nên kẻ tiều phu trí mầu(9) Ngày ngày bẻ được củi mau Xăm xăm làng hạnh gạo châu đổi dời. 35. Đèn trăng quạt gió vẫn chơi Hôm mai no đủ cầu gì thế gian. Một ngày lên đỉnh Cao sơn Nhìn xem sắc mộc thiên ban lạ dường. Cây cao chót vót sơn trường 40. Đàn lên tán lục rợp trương lạnh lùng. Tần Hoàng(10) xưa có sắc phong Ơn vua chức trọng phù tùng uy nghi. Hương xuân ngát nức tư bề Nguyễn Lang thấy lạ đòi khi lo lường. 45. Chữ rằng: trừ mộc khử ương(11) Tay cầm thiết phủ(12) chém thương tồi tàn. Ngả cây tiếng dậy lâm san Chuyển lên kinh khủng thế gian hãi hùng. Nguyễn Lang chẳng chuyển hình dung 50. Để khô làm củi dành phòng bán mai. Ai hay là sự bởi trời Bỗng đâu xui khiến có nơi hộ trì. Thấy sao Thái bạch tử vi Thần thông hiển hiện một khi nên người. 55. Một ông lão tử tám mươi Tây cầm tích tượng bởi trời sẩy sa(13). Thấy cây tươi tốt dầm dà Nguyễn Lang hoài chém tồi pha(14) thương này. Xăm xăm tích trượng cầm tay 60. Gõ vào cây ấy một giây lạ dường. Tự nhiên cây ngọn hồi dương Dựng nên cây tốt tán trương xanh rờn. Ngày sau Nguyễn Tuấn lại lên, Thấy cây vặc vặc vẹn toàn như xưa. 65. Gẫm rằng sự lạ qua ưa(15) Cây này đã ngả hôm qua tan tành. Một giờ ngọn lại tươi xanh Thấy âu là có thần linh hộ trì. Cây sao quái gở nhiều bề 70. Sự thì đã lạ thấy thì chẳng ngoa. Tay cầm phủ việt lại pha Chém cây ấy xuống ngã ra tan tành. Một bên đứng nép hòa rình Thấy ông Thái bạch kim tinh đến gần. 75. Liền hối(16) tích trượng chân nhân Gõ vào cây ấy chuyển vần lạ bao. Dựng nên đột ngột xanh cao Cây nên vặc vặc tơ hào chẳng ngoa. Tán xanh cây tốt dầm dà 80. Thấy ông Thái bạch tuổi già lu khu. Thấy trời có ý tựa cho Nguyễn Lang thất ý liền lo lời này. Ắt là Trời, Phật tới đây, Đè ông liền cướp được rày mừng sao. 85. Phật trên một tiếng cả cao: “Kìa mày lấy gậy thì tao càng mừng. Đây hòa cứu tử độ sinh Tự nhiên phúc đức bởi mình hòa ra. Cứu dân hộ quốc gần xa 90. Công cao đệ nhất người ta trọng dùng”. Nói thôi dạy phép thần thông Bụt liền thoắt biến về trong bảo đài. Ác vàng xế bóng non đoài Nguyễn Lang trở lại Sơn trai chốn nhà. 95. Ngày sau gánh củi bên hà(17) Mục đồng kính nhưỡng(18) âu ca chơi bời. Vo ve tiếng địch(19) vừa vui Đã không thì nói vui chơi đêm ngày. Nam thanh nữ tú làm bày. 100. Khi ca khi nói khi cười khi không. Bảo nhau đã nức dậy đường Hò reo tập trận Đinh Hoàng cờ lau. Ngựa bò cờ nón voi trâu Kèn loa tiếng trống đâu đâu dậy đường 105. Thuở ấy Thủy Tề Long vương Có một nam tử là chàng Tiểu Long. Phù sinh thơ dại trẻ trung Rắn vừa đội lốt chơi rông lạc đường. Trường giang tới bãi Tiêu Tương, 110. Trẻ thơ bài ấy lòng càng muốn coi. Miên man lễn bãi đầu doi(20) Rắn liền thấy trẻ vui chơi lại gần. Thế gian ai biết thủy quân Làm chi ai biết tiên nhân Thủy tề. 115. Tay cầm dùi mít liền bè Đánh Tiểu Long chết tức thì bảo nhau: “Đánh rắn đánh cho dập đầu Kẻo hòa chàng ấy ngày sau trả thù.” Để lên bãi cát nằm co 120. Tiểu Long hồn phách bơ vơ rụng rời. Tình cờ đem để có nơi Nguyễn Lang đến đấy ngược xuôi bao giờ. Đông tây vắng vẻ bằng tờ Bãi non tới xuống trời vừa tà dương. 125. Rắn liền nằm bãi Tiêu Tương Như rồng uốn khúc, tới nhường lạ thay. Nguyễn Lang tích trượng cầm tay Gẫm rằng ta thử gậy này thấy nao. Gậy thiên thần mới cho tao, 130. Thiêng liêng nhường ấy nhẽ nào được hay. Ngày xưa người chữa được cây Bây giờ ta chữa rắn này thế nao. Bèn cầm tích trượng gõ vào Thần thông sao khéo lạ nào tự nhiên. 135. Rắn lại trương cất đầu lên Hoàn hồn uốn khúc lại yên vẹn toàn. Cúi đầu quỳ lạy tạ ơn Tiểu Long trở xuống thủy tiên tức thì. Thần thông phút đến Thủy tề 140. Vua cha coi thấy lòng thì mừng thay: “Con sao ba bốn hôm nay Tìm hoài chẳng thấy là hay nơi nào?” Tiểu Long lén lén tâu vào: “Đi chơi lạc đến ngòi Tào(21) thương thay. 145. Lân la đến chốn Sơn Tây(22) Bãi Tương ngàn Sở chốn nay hữu tình. Một nơi là một khoe thanh Giang sơn thành thị dường tranh mỹ mùi. Cảnh kỳ dư ngất xuân đài 150. Chẳng ngờ là chốn ấy người phàm gian. Chơi xuân đồng mục(23) có đàn, Thấy vui tôi muốn lên xem tới gần. Lốt thiêng trái dáng chân nhân Nó ngờ là rắn hại dân bấy chầy. 155. Trẻ trung thơ dại chẳng hay Nó liền đánh chết bỏ thây bên ngàn. Có người là Tản Viên Sơn Tên là Nguyễn Tuấn phép tiên ai tầy. Thần thông tích trượng cầm tay 160. Hoàn sinh của Bụt ấy nay bao giờ. Tài hiền tướng mạnh qua ưa Chữa tôi lại sống tỉnh xưa lại hoàn. Mới hay phúc bởi hoàng thiên Rày tôi về tới Thủy tiên chốn nhà. 165. Lại xem thấy mặt mẹ cha”. Long Vương thấy nói xót xa trong lòng. Mừng con mở tiệc đền rồng Thỉnh mời Nguyễn Tuấn đến cùng tạ ơn. Sai tam bộ sứ Thủy tiên, 170. Tiểu Long hiển hiện cùng lên tới nhà. Tiểu Long quỳ lạy trình qua: “Tôi là thủy tộc kênh hà Long Vương. Mục đồng ngày ấy làm thương(24) Ơn nhờ chữa được nghĩa càng cảm thay. 175. Cha tôi thỉnh xuống một giây Đền rồng bẩm tạ ơn nay cho chàng. Dầu cha cho bạc cho vàng Sau là tiền vải vóc càng nhiều thay. Thái hoa thung thúc(25) đã đầy 180. Của ấy chẳng tày sách ước quốc gia. Ước chi được nấy chẳng ngoa Thiên vàn xin đức vua cha cho về”. Dặn dò mọi nỗi vân vi Đem nhau vừa xuống Thủy tề Long cung. 185. Vừa khi vua ngự đền rồng Thành vàng báu ngọc lạ lùng nhiều sao. Khắp đầy đài các cung cao. Phủ lầu tượng vị đền cao ngàn tầng. Long Vương cao ấy phán rằng: 190. “Người tiên thói ở ra lòng thế bay” Tiểu Long được đội ơn này Chữa tôi ngày trước, khi nay vừa hồi. Nhân duyên ngõ nhẽ đôi người Kết làm huynh đệ chưa đời chí xưa. 195. Vàng thì muôn nén lấy đi, Bạc thì muôn gánh thái hoa vô vàn. Lưu li hổ phách hô san Trân châu mã nã đầy bàn mười mâm. Báu yêu thức tốt dư trăm 200. Khiến người đưa đến sơn lâm cho chàng. Nguyễn Lang vái tạ từ nhường: “Của vua châu báu vàn muôn kênh hà. Song le tôi khí chật nhà Tôi xin sách ước quốc gia bấy chầy”. 205. Long Vương lòng chẳng thiết(26) thay Nửa cho, nửa lại tiếc rày chẳng cho. Tiểu Long đến trước tâu vua: “Tôi xin sách ấy vua cho ơn người”. Long Vương nghe nói ngùi ngùi 210. Tố thư một cuốn đưa nay cho chàng. Nguyễn Lang khấp khởi lòng vàng Tức thì vái tạ Thánh hoàng trở ra. Tiểu Long vừa bước đưa qua Trượng phu bốn bể một nhà anh ba 215. Dặn dò sau trước một bề Đầu đào báo lý chưa hề làm chi. Giang sơn đối mặt bái từ Người lên non Tản người về Thủy cung. Nguyễn Lang được phép thần thông, 220. Ước chi được nấy trong lòng mừng thay. Ước nên đài các đông tây Ước nên châu báu chưa đầy chân chan. Ước nên thiên hạ bình an Ước nên bốn bể phượng loan một nhà. 225. Ước nên phong vũ thuận hòa Được mùa bách cốc nhà nhà đủ no. Ước nên thọ khảo muôn thu Phúc nhà con cháu phúc nhà tiên ông. Ước chi được nấy lạ lùng 230. Như trong ước muốn, như lòng ước xưa. Thuở ấy Thủy tề giang hà Nhường con lên trị quốc gia bấy chầy. Sơn quân thấy vậy mừng thay Bạn xưa chẳng phụ thường hay đi về. 235. Thuở ấy Hùng vương cung phi Sinh được con gái tên là Mỵ Nương. Tuổi vừa mười bốn phi phương Tinh thần ngọc đúc Thọ Dương(27) ai tày. Má hồng đa ngọc hây hây. 240. Ngờ thần tiên nữ xuống rày đài dương. Nương long chúm chím tuyết sương Tiết mai dường thuở thường thường mới đây. Tốt thay điệu điệu lưng ong, Mình thì chật bức quần hồng vừa vui. 245. Thong dong ngọc thốt miệng cười Chân đi thoắt thoắt khoan thai dịu dàng. Nết na tư chất khác thường Hình dung yểu điệu nhan hồng thuyền quyên. Càng nhìn càng một hữu duyên, 250. Hà sơn khả ví hương tiên khôn bằng. Da ngà tóc phượng khác hằng Thế gian ai thấy là chăng phải lòng. Một nơi là một lạnh lùng Ngọc lành cao giá đợi cùng chốn sang. 255. Tiếng đồn dậy khắp lân bang Đã nên một gái mọi dường con cha. Đầu cài trâm hốt ngọc hoa Của bằng các bạn hằng nga tốt lành. Tiếng đồn mọi quận mọi thành. 260. Thục vương muốn kết ả anh một nhà. Song le chẳng gả chồng xa Hùng Vương làm hội quốc gia bấy chầy. Khắp hòa thiên hạ đông tây Mặc cho con kén ai nay có tài. 265. Dậy đường đồn nức mọi nơi Trông xem mừng gặp duyên trời dẩy dun. Ai ai cũng đến cửa son Mỵ Nương hợp ngọc lòng còn hồ nghi. Chưa lòng kết tóc phu thê 270. Thế gian cùng đến đều thì ước ao. Long Vương lên đỉnh án cao Tìm chàng họ Tuấn kết giao bấy chầy. Đôi người khấp khởi mừng thay Đền cao gác rộng hây hầy ỷ la(28) 275. Tiệc bày mỹ vị xướng ca Nghênh hôn mừng rỡ thật là vui thay. Chả lân thịt phượng khắp bày Mâm đầy ngọc thực, chén đầy quỳnh tương. Vang lừng một đám phong quan 280. Sơn Tinh cùng chúa Long Vương khuyên mời. Hùng Vương làm hội tháng trời Tiếng đồn vang nức đòi nơi xa gần. Long Vương cùng chúa Sơn quân Đôi vua nghe tiếng mười phân ra mừng. 285. Vội vàng mở tiệc tưng bừng Đôi vua về núi tếch rừng một khi. Trường An(29) thẳng tới làm kỳ Thấy Hùng Vương hội nhiều bề mừng thay. Xăm xăm tới trước tâu bày: 290. “Đôi tôi kén rể phen này xứng chăng ? Chúng tôi tú pháp(30) tài năng Ngõ(31) đây Nguyệt Lão hợp trăng tình cờ”. Long Vương phun nước liền mưa Sơn quân đứng núi một giờ mọc lên. 295. Thuở ấy thủy tộc thủy tiên Trong lòng lấy hột xảy liên từ đình. Đặt bày muôn khóm thụy tinh Một dây liền mọc lá cành nở ra. Nên cây tươi tố dầm dà 300. Trăm hoa đua nở dà dà cành xanh. Thuở ấy họ Tuấn Sơn quân Tây cầm phủ việt lấy cành chém cây. Đòi nơi lá rụng hoa rơi, Lại lấy tích trượng cầm tay vội vàng. 305. Gõ vào ngay cây cam đường Tự nhiên cây lại hồi dương tức thì. Quả hoa lại kết liền chi Cây nên vặc vặc tư bề hồi dương. Chồi là lá ngọc cành vàng 310. Hùng Vương xem thấy lòng càng mừng thay. Đôi người thi phú đều hay Hung Vương mới nói lời này phán ra: “Cây cao hòa có một hoa Duyên ai nấy gặp biết hòa làm sao 315. Đôi người dạ cũng đều yêu Tài khôn nhường ấy biết nào phụ ai. Song le duyên phận mặc trời Lòng lo lưỡng lự mở lời ấy khôn. Nhân vì nhà có một con. 320. Bây giờ dụng sự kết hôn gả chồng. Mặc ai sính lễ việc dùng Đặt bày trước mặt sân rồng đến sơ(32) Ấy là phận đẹp duyên ưa Nhân duyên mặc lão tình cờ mặc ai. 325. Đôi vua bái tạ trước ngai Về nhà sắm sửa sính tài kíp thay. Sơn quân sách ước cầm tay Ước nên vàng bạc của đầy dư muôn. Trâu bò gà lợn đến tuôn 330. Sẵn sàng bày đặt trước đền hư không. Mời khuyên yến ẩm đền rồng Mỵ Nương trước lấy về cùng Tản Viên. Long Vương sau đến lỡ tin Thẹn thò xấu mặt lòng càng hận thay. 335. Bèn liền chốc ý phân tây Ơn xưa chẳng đoái lại hay oán thù. Thời vừa tháng bảy đầu thu Kim phong hải khẩu gió mưa bay dời. Tiết sang vừa chịu lệnh trời 340. Cầm quyền Bạch đế đòi nơi lạ dường. Thuở ấy Thủy Tề Long Vương Hận vì chẳng được Mỵ Nương kết nghì. Vãng lai tin tuyệt đi về Giao lân nào có ỏ ê tới lòng. 345. Nẻo hòa dạ khác thì vong(33) Long Vương sắm sửa thủy cung binh quyền. Hận rằng lên đánh Tản Viên Chư quân eo óc nước dâng lên ngàn. Kình nghê sấu vực giương vây 350. Rắn rồng uốn khúc rồng bay một đoàn. Nước dâng lai láng đầy ngàn Mưa tuôn bão giật sấm ran đùng đùng. Nhị hà dòng nước mênh mông Kình nghê thổi gió rắn rồng phun mưa. 355. Đua nhau thừa tướng trường xà Miết lân ngư trượng kể dư muôn vàn. Giương vây vùng vẫy tiến ngàn Uy ra điện chớp sấm ran lôi đình. Tam đầu cửu vĩ tiên binh(34) 360. Đến Từ Liêm huyện sự tình nghỉ ngơi. Thấy bà lão mẫu tốt tươi Một mình xuống tắm thửa nơi giang bà. Long Vương thử triệu niên nga(35) Không dưng bắt lấy lão bà thảm thương. 365. Chẳng ngờ phải mẹ vua Chèm(36) Ra đi đến Bắc trấn biên hòa về. Mình cao nghìn trường chỉn ghê Theo xuống hòa tắm thông tri đâu là. Bởi về thấy vắng mẹ già 370. Chăng ngờ thủy tộc bắt hòa chăng thương. Ông Chèm báo oán Long Vương Lưới giăng ngăn khúc bến giang đón về. Thuở ấy Long tộc Thủy tề Đem quân lên đánh Ba Vì Tản Viên. 375. Sơn quân cùng chúa Thủy tiên Đôi vua ra trận ấy liền bảo nhau: “Ấy vua Thủy tộc đi đâu Mặt trăng mặt vực thấy nhau chẳng chào. Hay là chàng có lòng nào 380. Đem quân rồng rắn lên ngàn làm chi?” Thưa rằng: “Bởi vua Ba Vì Lừa nhau làm sự vô nghì trước sau. Hơn lòng lấy cướp vợ nhau Chăng vì bầu bạn dạ hầu bất nhân. 385. Thấy chàng làm chúa Sơn quân Ra lòng khinh bạc mười phần sai ngoa. Bạn xưa sao chẳng thực thà Cho nên thủy tộc kênh hà cất binh. Nhọc lòng văn vũ triều đình 390. Cho nên lỗi đạo đệ huynh bởi người”. Sơn quân hòa nói hòa cười: “Đôi ta cùng đội ơn trời giáng sinh. Chàng đã ra dạ tương tranh Cho nên lỗi đạo đệ huynh chăng hòa”. 395. Ắt là sơn thủy nên xa Sơn quân cũng chúa kênh hà tranh khi. Sơn quân những tướng hùng uy Khỉ hươu hùng hổ làm vì tiến ra. Chư quân đối địch giang hà 400. Hươu Tần Khỉ Sở rày đà nên công. Long Vương đội lấy lốt rồng Phun mưa thổi gió đùng đùng bốn phương. Phong vân một trận lạ dường Kình nghê sấu vực quân càng nhiều thay. 405. Cá mừng gặp hội rồng mây Nhẩy qua cửa Vũ một giây nên rồng. Đua nhau những trí anh hùng Điểu phượng theo rồng, phù chú lấy sang. Đôi bên giao chiến vội vàng 410. Non tiên hổ báo theo chàng long ngư. Đanh nhau vừa được ba giờ Long Vương hóa phép giục ba quân vào. Biến làm đội rác râu tào Nổi lên mặt nước tiến vào đột xung. 415. Sơn quân gẫm được sự lòng Trúc thưa trúc mật tây đông tứ bề. Đôi bên đều cũng uy nghi Lạc hay chế ngự ai thì thua ai. Bảo nhau chém rác quân tào 420. Đều thì có máu, đều thì lạ thay. Trúc tên bắn phải mưa bay Kình nghê cá rắn thác đầy làm nơi. Vốn xưa đã được sách trời Thủy Tinh thua xuống thửa nơi giang hà. 425. Ba quân hồi khải hoàn gia, Sơn trường lấy gỗ trở ra tiến về. Thủy quân nẻo cũ quen về Ngày sau tức thì đến xã Từ Liêm. Tiên binh xung lưới ông Chèm 430. Ai hòa chẳng được càng thêm lo lường. Hội đồng cá rắn biên giang Ông Chèm ra thấy lòng càng mừng thay. Trả ơn thân mẫu khi nay Dạng chân sông cả, đôi tay vơ quàng. 435. Bủa vây mọi khúc biên giang Rắn rồng bắt lấy bật ngang vào đồi. Long Vương mất vía rụng rời Đường về chẳng được mắc người khôn qua. Long Vương hải tàng(37) còn xa, 440. Mở rèm cửa Hát(38) luồn qua chu kiều, Năm năm thường một neo chèo Đem quên lên đánh Ba Vì Tản Viên. Sơn quân thấy bạn chăng hiền Lại lấy sách ước ra nguyền một giây. 445. Chước chi tao ước được mày Chúa Tiên tinh ước một giây lạ dường. Long Vương thủy tộc ba đầu Ông Đàm ông Cột ông Lương ông Chài. Song le mạnh chẳng qua trời 450. Sách thiêng chư tưởng rụng rời hồn kinh. Tự nhiên lên núi nộp mình Thần thông biến hóa hiện hình càng ghê. Đều thì cá rắn chỉn ghê Mình dài trăm thước uy nghi lạ lùng. 455. Rắn thiêng hóa phép nên rồng Sơn Tinh thương tích trong lòng dây dây(39). Nhớ xưa hai nghĩa chẳng rời Tùy hàng bầu bạn mong hoài lại tha. Hiện nên tướng cả lòng xà 460. Cúc cung bách bái nằm ca(40) tiền đường. Thuở ấy Sơn quân phán rằng Tiếc thay những tướng tài hiền Long quân Đều hay hộ quốc cứu dân Huy hòa bốn bể xa gần được ơn. Lại đi đánh trả Thủy tiên 466. Sơn quân có đức hoàng thiên hộ trì. CHÚ THÍCH (1) Tứ bất tử: Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Đức Thánh mẫu Liễu Hạnh. (2) Phong đăng bách cốc: Được mùa, nhiều thóc lúa. (3) Án tuyết: Nơi học hành. (4) Gạo châu củi quế: Gạo như ngọc, củi như quế. (5) Lều tiện: Con lề nhỏ. (6) Nhan: Nhan Uyên; Khổng: Khổng Khâu. Hai nhân vật tiêu biểu cho Nho học. (7) Song viết: Chưa rõ nghĩa? (8) Thừa lưa: No đủ, sung túc. (9) Trí mầu: Khôn ngoan, thông tuệ. (10) Tần Hoàng: Vua nhà Tần, tương truyền Tần Thủy Hoàng ban sắc phong cho cây tùng chức Đại phu. (11) Trừ mộc khử ương: dẹp trừ ma mộc, loại bỏ tai ương. (12) Thiết phủ: Rìu sắt. (13) Sảy sa: Chợt sa xuống. (14) Pha: Phá tan. (15) Qua ưa: Rất tốt đẹp. (16) Hối: gọi. (17) Bên hà: bên sông. (18) Kích nhưỡng: Một trờ chơi dân gian thời cổ, thường tổ chức trong các ngày hội. Theo truyền thuyết, đời Nghiêu Thuấn thiên hạ thái bình, dân chúng khắp nới tổ chức lễ hội, có cả trò chơi kích nhưỡng. (19) Tiếng địch: Tiếng sáo thổi. (20) Đầu doi: Đầu bãi sông bồi. (21) Ngòi Tào: Tức Tào Khê, nơi trụ trì của Lục tổ Huệ Năng, của Thiền Tông. Về sau dùng để chỉ khung cảnh Tiên Phật kỳ diệu. (22) Sơn Tây: Tức tỉnh Sơn Tây, nơi có núi Tản. (23) Đồng mục: Trẻ chăn trâu. (24) Làm thương: Làm cho tổn thương. (25) Thái hoa thung thúc: Từng tấm lụa hoa. (26) Thiết: Tha thiết, đằm thắm. (27) Thọ Dương: Tên một vị Công chúa đời Tống của Trung Quốc, có nhan sắc tuyệt mỹ. (28) Ỷ la: Vóc lụa. (29) Trường An: Chỉ Kinh đô của đất nước. (30) Tú pháp: Pháp thuật kỳ lạ. (31) Ngõ: Dường như, có lẽ là. (32) Đến sơ: Đến sớm. (33) Vong: Quên. (34) Tiên binh: Quân đi trước. (35) Niên nga: Chưa rõ nghĩa? (36) Vua Chèm: Tức Lý Ông Trọng. (37) Hải tàng: Cung điện ở Biển. (38) Cửa Hát: Cửa sông Hát (39) Dây dây: Rõ ràng. (40) Ca: Ở, tại. |
Newer articles
Older articles