Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất cổ Sơn Tây - xứ Đoài gắn với nhiều huyền thoại, huyền tích, thị xã Sơn Tây vừa ban hành đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2013 - 2020. Như vậy, Sơn Tây là địa phương thứ hai (sau quận Hoàn Kiếm) triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội bằng đề án đặc thù, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bảo tồn vốn cổ
Qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất cổ Sơn Tây không có nhiều thay đổi. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 183 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng và hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều di tích mà tên gọi của nó gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đền và lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, đồi "Hổ Gầm", giếng sữa "Chuông Sa", Thành cổ Sơn Tây, đền Và… Hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch bên trong các di tích cũng rất đa dạng, phong phú, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa. Cùng với hệ thống di tích, Sơn Tây còn lưu giữ được một số phố cổ, ngõ cổ, đê điều… những minh chứng sống động phản ánh sự cần cù trong lao động, sản xuất, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, lũ lụt, bảo vệ mùa màng, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc của người Sơn Tây.
Đáng quý hơn, Sơn Tây - xứ Đoài được đánh giá là vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh gắn liền với núi tổ Ba Vì là một trong những nét tiêu biểu. Bên cạnh đó, một số làng, xã ở Sơn Tây tôn thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Thị Thắng, Cao Phúc Diễn, Nguyễn Kính... là Thành hoàng, để tri ân công đức. Biểu hiện rõ nhất của tấm lòng biết ơn những người có công với dân, với nước là việc nhân dân thị xã tổ chức 73 lễ hội hằng năm để ôn lại công lao của các vị anh hùng. Hơn thế, kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú cùng lối sống, nếp sống dân dã của cộng đồng dân cư đã tạo nên "phần hồn" cho địa danh Sơn Tây - xứ Đoài. "Sơn Tây, vùng lõi của văn hóa xứ Đoài hiện còn bảo lưu tương đối toàn vẹn yếu tố văn hóa gốc. Song, cũng như nhiều vùng văn hóa khác, vùng văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài đang có sự biến đổi mạnh mẽ. Có những biến đổi phù hợp với quy luật tự nhiên và sự tiến bộ xã hội, nhưng có không ít những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một, nguy cơ mất đi nếu như không sớm có biện pháp bảo tồn. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2013 - 2020 là một trong những giải pháp cấp bách cứu văn hóa trước nguy cơ mai một, biến dạng", ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây khẳng định.
Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm
Đề án đặc thù này đặt ra mục tiêu chung nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài để thực hiện thắng lợi, có hiệu quả các nội dung của Chương trình 04, góp phần thiết thực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên cơ sở đó, trong năm 2014, thị xã Sơn Tây sẽ tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch; hoàn thiện thủ tục cấp kinh phí tu bổ chùa Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), đền Măng Sơn (xã Sơn Đông); xúc tiến thủ tục, hồ sơ xin tu bổ đình Cam Thịnh (xã Đường Lâm), chùa Vân Gia (phường Trung Hưng). Giai đoạn tiếp theo (2015 - 2016), ấn phẩm về di tích, lễ hội và danh thắng Sơn Tây - xứ Đoài sẽ đến với công chúng; đình Đoài Giáp (xã Đường Lâm), đình Văn Khê (xã Xuân Sơn) sẽ được đầu tư kinh phí tu bổ, chống xuống cấp; câu lạc bộ sinh vật cảnh, câu cá, thơ Đường, thư pháp, thơ văn, cổ vật, hát chèo… sẽ được đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Từ năm 2017 đến năm 2020, thị xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề cử lễ hội đền Và (phường Trung Hưng) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị nâng cấp xếp hạng đền Và, Thành cổ Sơn Tây là di tích quốc gia đặc biệt; tiếp tục tu bổ chống xuống cấp di tích, thống kê, sưu tầm các di vật, cổ vật; lập dự án xây dựng nhà truyền thống của thị xã và các nhà truyền thống ở các xã, phường để trưng bày tài liệu, hiện vật về Sơn Tây - xứ Đoài… Dự kiến đến năm 2020, 100% di tích đã xếp hạng trên địa bàn sẽ có hướng dẫn viên được chuyên môn hóa về nghiệp vụ du lịch; khách đến với các khu, điểm di tích đạt 2 triệu lượt người…
Để đạt được các mục tiêu trên, thị xã Sơn Tây sẽ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đặc trưng của người Sơn Tây - xứ Đoài gắn với người Hà Nội văn minh, thanh lịch; duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình xây dựng nếp sống văn hóa, như: Phong trào "Khu phố phụ nữ tự quản, xanh - sạch - đẹp", "Gọn nhà - sạch phố - đẹp Thủ đô" của Hội Phụ nữ; "Tuổi trẻ sống đẹp" của Đoàn thanh niên; "Ông bà mẫu mực - Con cháu thảo hiền", "Sống vui - sống khỏe - sống có ích" của Hội Người cao tuổi"; xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch", "Trường học thân thiện - Học sinh tích cực" của ngành giáo dục. "Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thị xã sẽ ưu tiên tu bổ các công trình nhà cổ, các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng; khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Từng phần việc sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm chứ không nóng vội, dàn trải", ông Hứa Đức Thịnh cho hay.
Minh Ngọc