VẤN ĐỀ VỀ SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN VĂN CHƯƠNG
MONday - 26/09/2016 21:39
VẤN ĐỀ VỀ SÁNG TẠO VÀ TIẾP NHẬN VĂN CHƯƠNG
VẤN ĐỀ VỀ SÁNG TẠO VÀ
TIẾP NHẬN VĂN CHƯƠNG
Mai Thanh
Đây là vấn đề lý luận về văn chương –nghệ thuật có từ thế kỷ 19 ở Âu-Mỹ. Nội dung cơ bản của lý luận này là nói về mối quan hệ giữa tác phẩm của nhà văn và hoạt động của người đọc, trong đó, nhấn mạnh vai trò hoạt động của người đọc. Luận cứ và lý giải của lý luận này là: Coi tác phẩm được xuất bản của nhà văn là tác phẩm văn bản. Tác phẩm văn bản được đưa ra bạn đọc, được bạn đọc khen chê, bổ sung, hoàn thiện,thậm chí tác phẩm văn bản đó được viết lại mới hẳn thành tác phẩm văn học (nói rộng ra là tác phẩm nghệ thuật). Bạn đọc nói chung là có hai loại – bạn đọc bình thường chỉ là thưởng thức tác phẩm văn bản; bạn đọc lý tưởng thực chất là nhà phê bình hoặc nhà văn có thể bổ sung, viết lại tác phẩm. Nhiều minh chứng thực tế văn học cho luận cứ này: “Kim-Vân - Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân là tác phẩm văn bản; còn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là tác phẩm văn học. (Thực tế, hiện nay, có người có ý xem xét, chỉnh sửa Truyện Kiều, âu cũng từ cơ sở của lý luận về mối quan hệ giữa tác phẩm văn bản và tác phẩm văn học mà thôi!). “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là tác phẩm văn bản, được bạn đọc bình thường và bạn đọc lý tưởng khen chê , bổ sung. Tuy không hoặc chưa hình thành tác phẩm văn học viết lại “Nỗi buồn chiến tranh, nhưng những đánh giá của bạn đọc + tác phẩm văn bản của Bảo Ninh được coi là tác phẩm văn học. Trường hợp “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh nói lên một thực tế của tác phẩm văn bản: Thời kỳ đầu, khi mới ra đời, tác phẩm này bị phê phán nhiều, sau đó tiến tới khen chê như nhau, đến nay, được khen và được đánh giá là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất hiện nay.
Khi một tác phẩm văn bản trở thanh một tác phẩm văn học tại một thời điểm nào đó tương ứng với một thế hệ bạn đọc nào đó, đến lượt mình, nó lại trở thành văn tác phẩm văn bản, để rồi nó lại được phán xét, bổ sung , để trở thanh tác phẩm văn học ở tầng nấc cao hơn. Và, cứ thế...!
Luận cứ và lý giải quan điểm lý luận trên rất có ý nghĩa bởi nó đề cao vai trò của người đọc, nhất là vai trò người đọc lý tưởng-nhà phê bình. Hơn nữa, qua đó nêu cao ý nghĩa “mở” của văn chương – nghệ thuật, đồng thời khẳng định tinh thần dân chủ trong mỹ học – mời gọi trách nhiệm cộng đồng trong sáng tạo văn chương-nghệ thuật!
Nhận rõ điều đó, các cây bút sáng tạo khi đưa ra một tác phẩm văn bản của mình tức là mình thả ra xã cộng đồng độc giả đứa con tinh thần chưa thật sự hoàn hảo, cộng đồng cần thiết và có thể hoàn thiện nó, cần thật sự cầu thị và bình tĩnh khi cộng đồng phán xét đứa con ấy – khi được khen thì đừng vội tự mãn, khi bị chê cũng chớ nổi khùng! Các cây bút phê bình cũng thật sự trách nhiệm và khoa học khi phán xét đứa con tinh thần ấy với ý nghĩa, đó là đứa con của cộng đồng xã hội. Khi đáng khen, thì phải khen dù chỉ là những mầm non mới nhú,; khi đáng chê thì trao đổi chân tình đúng lúc, đúng chỗ!
Nên nhớ rằng, cộng đồng độc giả luôn là người thực hiện chuyển đổi tác phẩm văn bản thành tác phẩm văn học, trong đó nhà phê bình là người đại biểu cho cộng đồng ấy!
Một biểu hiện của một nền văn chương lành mạnh là nó thực hiện sinh động và hiệu quả nhất quá trình chuyển đổi ấy!
Author: Mai Thanh