Home » Tin tức » Đàm luận

Việt - Nga trước thử thách của bối cảnh mới

THUrsday - 29/01/2015 23:47
Việt - Nga trước thử thách của bối cảnh mới

Việt - Nga trước thử thách của bối cảnh mới

 Nga trước thử thách của bối cảnh mới

Hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong 65 năm qua, với những kết quả hiếm có, đang đứng trước những thách thức mới do biến chuyển tình hình an ninh khu vực, các học giả hai nước nhận xét.
 
  •  

T-10-5562-1395477309-5671-1422422087.jpg
Hợp tác quốc phòng, an ninh, trong đó có chế tạo và chuyển giao tàu ngầm, vẫn được Nga và Việt Nam coi là ưu tiên hợp tác thời gian tới. Ảnh minh họa: Phong Nghị

Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Ban Lịch sử Viễn Đông, Khoa Nghiên cứu châu Á và châu Phi, Đại học St. Petersburg, Nga, cùng Tiến sĩ Nguyễn Đình Luân, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, trao đổi với VnExpress về triển vọng quan hệ Việt - Nga thời gian tới.
- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt - Nga hiện nay?
- Ông Vladimir Kolotov: Nga và Việt Nam đang có mối hợp tác Chiến lược Toàn diện. Các tài liệu chính thức của Nga đều cho thấy Việt Nam là một trong ba đối tác ưu tiên quan trọng nhất ở khu vực châu Á. Đó là vị trí rất cao. Đối tác chiến lược chính của Nga ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, tại Nam Á là Ấn Độ, và tại Đông Nam Á là Việt Nam.
- Ông Nguyễn Đình Luân: Khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nga thể hiện sự tin cậy chiến lược ở mức độ cao giữa hai nước. Đây là một trong những tài sản chiến lược quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ 21, được coi là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương vốn nhiều cơ hội và cũng không ít thách đố.
Việt Nam không phải là ưu tiên số 1 trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga, nhưng Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, trong đó có cảng Cam Ranh, đường bờ biển dài. Quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam cũng là một tài sản chiến lược quan trọng của Nga trong “bàn cờ lớn” mới đang định hình.
Để có vị thế xứng đáng trên trường thế giới trong tương lai, Nga cần phải có những đối tác chiến lược tin cậy ở các khu vực trọng điểm.
- Sự tin cậy đó giúp hai nước thành công ở lĩnh vực nào?
Ông Kolotov: Nga sản xuất thiết bị kỹ thuật quân sự cho Việt Nam, trong đó có tàu ngầm, là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước trong 65 năm qua. Nga cũng đào tạo giúp Việt Nam vận hành các thiết bị này. Tôi cho rằng đó là một ví dụ cho thấy độ tin cậy cao giữa hai nước, điều khó tìm được trong quan hệ quốc tế hiện nay.
- Ông Nguyễn Đình Luân: Sự tin cậy chiến lược là cơ sở cho Việt Nam và Nga phát triển quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng. Nga đã, đang và sẽ tiếp tục là nước cung cấp ổn định, lâu dài phần lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam. Nga nhất trí đào tạo về quân sự cho Việt Nam, bởi Nga có thế mạnh trong ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại.
Trong khi đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng với các mức độ khác nhau, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga theo cả hai chiều rộng và sâu. Hợp tác với Nga đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng phục vụ cho bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, tạo thế đứng chiến lược vững chắc hơn cho Việt Nam ở Đông Á - Thái Bình Dương.
- Tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay được Nga nhìn nhận như thế nào, và có ảnh hưởng gì đến hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với Việt Nam?
Ông Kolotov: Nga không phải một nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nga giữ quan điểm là tranh chấp ở khu vực này cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. 
Tôi tin rằng các doanh nghiệp lớn của Nga sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đang hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
- Ông Nguyễn Đình Luân: Biển Đông đang trở thành một tiêu điểm trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, với tầm quan trọng chiến lược về giao thông hàng hải và tiềm năng dầu khí. 
Hợp tác dầu khí của Nga với Việt Nam ở Biển Đông không chỉ là lợi ích kinh tế của Nga, mà còn là câu chuyện về diện mạo nước lớn và ảnh hưởng chiến lược trong tương lai. Nguy cơ Nga tạm ngừng hợp tác dầu khí với Việt Nam chỉ xuất hiện khi và chỉ khi bùng nổ chiến tranh cường quốc ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Nếu điều đó xảy ra thì tất cả các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông đều phải tạm ngừng.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm chính trị của thế giới trong thế kỷ này. Mỹ vẫn đang tiếp tục xúc tiến triển khai chính sách xoay trục, Nhật Bản cũng tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đang đẩy mạnh triển khai chính sách “hành động hướng Đông”. Để trở thành một trung tâm quyền lực bình đẳng trong cấu trúc an ninh mới đang định hình ở khu vực này, Nga phải tạo dựng được vị thế địa chiến lược và ảnh hưởng quốc tế ngang tầm của mình.
- Năm ngoái Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ Nga - Trung đang ở mức cao nhất trong lịch sử, điều này ảnh hưởng thế nào tới quan hệ với Việt Nam?
Ông Kolotov: Điều đó không ảnh hưởng đến an ninh của Việt Nam. Nga và Trung Quốc hợp tác an ninh trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải, trong phạm vi ở Trung Á. Còn tại châu Á - Thái Bình Dương, Nga và Trung Quốc hoạt động độc lập, mỗi bên thực hiện chính sách đối ngoại riêng của mình. Nga vẫn tạo điều kiện tối ưu để Việt Nam nâng cao khả năng quốc phòng. 
Việc hoan nghênh quan hệ tốt giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Tôi xin nhấn mạnh rằng nếu quan hệ Việt - Trung bị đẩy sang hướng tiêu cực sẽ khiến hai bên cùng bị thiệt hại.
- Ông Nguyễn Đình Luân: Quan hệ Nga - Trung đạt mức hợp tác cao nhất trong lịch sử là một thực tế, nhưng còn một thực tế khác là cũng có những trở ngại, thách thức lớn đối với họ. Chẳng hạn, địa bàn của "Con đường tơ lụa” trên bộ mà Trung Quốc đang xúc tiến triển khai, giúp nước này gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á, lại là vùng đất rất quan trọng đối với Nga.
Ngoài ra, còn có những vấn đề gai góc khác nữa. Nga cũng đã từng trải nghiệm sự nóng lạnh trong quan hệ Xô - Trung trước đây, trong đó có cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1969.
Các nước trong khu vực đều đang phải lo xa để tránh họa gần. Nhật Bản cũng không theo Mỹ để cấm vận Nga. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga theo cả hai chiều rộng và sâu.
- Những lĩnh vực nào có triển vọng tăng tiến mạnh mẽ trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?
- Ông Kolotov: Hiện Nga đang chú trọng đến vấn đề an ninh kỹ thuật số, hay còn gọi là an ninh mạng, đây là lĩnh vực Việt - Nga có thể đẩy mạnh hợp tác. Việt Nam cũng nên coi trọng hệ thống phòng không, lực lượng hải quân và thiết bị bay không người lái. Về kinh tế, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu cấm vận Nga, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu sang Nga các mặt hàng để mở rộng thị phần ở đây.
- Ông Nguyễn Đình Luân: Trong một vài năm tới, Nga sẽ phải tập trung vào ổn định tình hình trong nước và vực dậy nền kinh tế suy yếu. Đây là thời điểm thử thách Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Ngacũng là một cơ hội để Việt Nam nâng cao giá trị của tài sản chiến lược trong quan hệ với Nga. Để đối phó với khả năng chiến tranh không - biển, ngoài tàu ngầm, Việt Nam còn có thể hợp tác với Nga để hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa và bảo đảm an ninh mạng, an ninh không gian.
Trong lúc Nga đang đẩy mạnh hiện đại hóa khu vực Viễn Đông, Việt Nam có thể phát huy các lợi thế của mình như nguồn lao động dồi dào, tăng xuất khẩu hàng nông sản sang Nga.
Việt Anh

Author: Việt Anh

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh