Home » Tin tức » Đàm luận

Vụ nhóm tàu Haiyang Dizhi 8: Trung Quốc “ném đá dò đường”, Việt Nam khôn khéo giải quyết

THUrsday - 01/08/2019 20:09
Mới đây, Sputnik cho đăng bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Chuyên gia về những vấn đề chính trị - quân sự quốc tế “Các nhà nghiên cứu chính trị Nga cho rằng Việt Nam đã rất khôn khéo khi giải quyết vấn đề đối với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 để đảm bảo cân bằng quan hệ với các nước lớn trong mọi vấn đề ở Biển Đông. Không cần đao to búa lớn mà cần hiệu quả”. VNST xin đăng lại bài viết đó.
Chuyên gia về những vấn đề chính trị - quân sự quốc tế - Nguyễn Minh Tâm (người bên trái)

Chuyên gia về những vấn đề chính trị - quân sự quốc tế - Nguyễn Minh Tâm (người bên trái)

Vụ Trung Quốc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào thăm dò khảo sát trái phép trong EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam vẫn đang nóng, trong giới chính trị, chuyên gia, truyền thông và cả trên không gian mạng. Sputnik tiếp tục loạt bài phỏng vấn chuyên gia về vụ “Bãi Tư Chính” và hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam về những vấn đề chính trị - quân sự quốc tế, ông Nguyễn Minh Tâm trả lời phỏng vấn Sputnik.

Bãi Tư Chính và Biển Đông – vì sao vào thời điểm này?

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, theo ông thì vì sao Trung Quốc gây ra vụ “Bãi Tư Chính” chính vào thời điểm này?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Trước hết, cần khẳng định rằng khu vực EEZ của Việt Nam mà Trung Quốc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào thăm dò khảo sát trái phép không phải là khu vực Bãi Tư Chính. Nơi mà nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 hoạt động trái phép trong EEZ cũng như Thềm lục địa của Việt Nam là khu vực có các lô thăm dò dầu khí từ số 130-133 và 154-156 nằm ở phía Tây Tây Bắc đảo Trường Sa Lớn, cách khu vực lô số 136/3 của Bãi Tư Chính, nơi là năm ngoái đã xảy ra va chạm giữa hai bên hàng trăm km về phía Bắc. Đây cũng là một phần của các gọi là khu vực Vạn An Bắc (WAB-21) mà Trung Quốc đã mời thầu trái phép Công ty dầu khí Crestone của Mỹ vào thăm dò trái phép từ năm 1997.

Tình hình quốc tế trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 có nhiều diễn biến bất lợi cho Trung Quốc. Mỹ gây chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm cho nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng GDP xuống dưới 6,5%/năm, thậm chí là dưới 6,2%/năm (theo dự báo của IMF). Mỹ khởi động lại chương trình bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan bao gồm máy bay tiêm kích, tàu hộ tống trang bị tên lửa chống hạm và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot thế hệ mới có khả năng chống tên lửa đạn đạo.

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng khởi động một nghị quyết đòi Trung Quốc trao quyền tự trị cho Tây Tạng. Việt Nam đã không đồng ý với nghị quyết này bằng cách bỏ phiếu trắng. Tại Hong Kong, các hoạt động biểu tình chống lại dự luật của Hội đồng Hành chính đặc khu Hong Kong về việc dẫn độ tội phạm sang lãnh thổ Trung Hoa lục địa cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đó là một trong những lý do để Trung Quốc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào hoạt động trái phép trong vùng chủ quyền EEZ của Việt Nam như một hành động “chuyển lửa ra bên ngoài” nhằm làm giảm sự chú ý của truyền thông vào bên trong Trung Quốc nhằm rảnh tay giải quyết một số vấn đề nội bộ phức tạp.

Lý do thứ hai là cho đến nay, Trung Quốc vẫn phản bác phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA (có trụ sở tại La Haye, Hà Lan) bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) ở Biển Đông cũng như các yêu sách vô lý của Trung Quốc về cái gọi là “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn bằng hành động đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 hoạt động trái phép trong EEZ của Việt Nam nhằm chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp phán quyết của Tòa quốc tế PCA để duy trì lập trường vô lý của họ trên thực tế. Đây cũng là một hành động cảnh báo của họ đối với cả Philippines, nước đã từng kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế PCA.

Lý do thứ ba là “ném đá dò đường” đối với Mỹ và Việt Nam. Trung Quốc luôn có một ý đồ và mục tiêu lâu dài là khống chế Biển Đông để tìm kiếm con đường vươn ra Thái Bình Dương trong khi các con đường qua Đông Bắc Á (Biển Hoàng Hải) và qua Đông Á (Biển Hoa Đông) đều gặp trở ngại do Hàn Quốc, các “chuỗi đảo” của Nhật Bản, Đài Loan và Bắc Luzon (Philippines) không chế. Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát Biển Đông còn phục vụ cho chiến lược “Vành đai, con đường” mà trực tiếp là “Con đường tơ lụa trên biển” nối Trung Quốc với Châu Âu nhằm phá thế phong tỏa của Mỹ. 

Vì vậy, hoạt động bất hợp pháp của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 trong EEZ của Việt Nam có thể hiểu là một hành động “thăm dò” đối với Việt Nam, Mỹ và cả Liên bang Nga. Đối với Việt Nam, Trung Quốc muốn thăm dò cách thức phản ứng của Việt Nam sau 5 năm diễn ra vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981 trong EEZ của Việt Nam ngoài khơi Quảng Ngãi. Đối với Mỹ, sau nhiều lần Mỹ tiến hành cho tàu chiến và máy bay “tuần tra” Biển Đông cũng như đưa ra nhiều tuyên bố lên án Trung Quốc “quân sự hóa” Biển Đông, Trung Quốc muốn có một minh chứng thực tế về việc Mỹ ủng hộ Việt Nam đến đâu trong vấn đề phân định chủ quyền ở Biển Đông.

Bốn là riêng đối với Liên bang Nga, nước đang là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc nhưng lại cũng là đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt của Việt Nam và có phần sở hữu tại Công ty VietSovPetro cũng như các mỏ khí đốt do Rosneft liên doanh với Việt Nam đang thăm dò và khai thác ở khu vực gọi là “Cá Voi Xanh”, Trung Quốc muốn thăm dò độ vững chắc của mối liên kết Nga-Việt. Việc Trung Quốc chọn thời điểm diễn ra Năm hữu nghị Việt-Nga tại Việt Nam và Năm hữu nghị Nga-Việt tại Nga để tiến hành vụ Haiyang Dizhi 8 là có ý đồ chính trị chia rẽ quan hệ Việt-Nga rất rõ ràng.

Cuối cùng, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò khảo sát Haiyang Dizhi 8 cũng có thể coi là một hành động trả đũa đối với Washing ton đối với một loạt các vấn đề quốc tế có quan hệ đến cả hai bên như vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran hay vầ để giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay quan hệ của Trung Quốc đối với Venezuela... Một điều dễ hiểu khác nữa là Trung Quốc tiến hành vụ Haiyang Dizhi 8 trong điều kiện nước Mỹ sắp khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 được dự báo là sẽ rất căng thẳng. Đó là một hành động có tính toán trước.

Động thái và lợi ích của Mỹ ở biển Đông

Sputnik: Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) Dmitry Mosyakov có nhận xét: "Việt Nam hiểu rằng, những lời phát biểu chống Trung Quốc sẽ tiếp tay cho Hoa Kỳ, mà Washington thì tự coi Hà Nội là đồng minh chính của họ chống lại Trung Quốc ở Đông Nam Á. Người Mỹ muốn cho mọi người thấy: hãy xem, Trung Quốc lại vi phạm, lại khiêu khích và hãy mở cửa đón Mỹ để chống Trung Quốc nào”. Đánh giá của ông về động thái và lợi ích của Mỹ ở vùng biển này?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Từ trước tới nay, Mỹ luôn khuấy động Biển Đông thể thừa cơ “đục nước thả câu” Tuy nhiên, động thái của Mỹ trong vụ việc này là hạn chế hơn nhiều so với vụ HD-981 năm 2014 cũng như các hoạt động bồi đắp xây cất các cơ sở kinh tế-quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông trước đây. Mỹ chỉ đưa ra các tuyên bố phản bác có tính ngoại giao do đây chưa phải là một hành động sử dụng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, Mỹ có những phản ứng kiểu khác để cảnh báo Trung Quốc như gia tăng viện trợ quân sự cho Đài Loan, đưa tàu chiến tuần tra đi qua eo biển Đài Loan. Đó chỉ là những phản ứng có tính gián tiếp nhưng Washington cho rằng như vậy là đủ để cảng báo Trung Quốc không nên gia tăng thêm nữa các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. 

Trước sau, Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore Australia và cả Đài Loan đều có ba vấn đề lợi ích chung đối với Biển Đông. Đứng đầu là lợi ích về giao thương từ việc bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không trên tuyến giao thông huyết mạch được coi là “ngã tư chiến lược” này ở Tây Thái Bình Dương. Hai là lợi ích về kinh tế khi họ có thể hợp tác với các quốc gia ven biển Đông trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu lửa và băng cháy ở các vùng trầm tích trên Biển Đông. Riêng đối với Mỹ còn có lợi ích địa-quân sự, địa-chiến lược nhằm ngăn chặn chủ trương “vành đai-con đường” của Trung Quốc, duy trì vòng phong tỏa đối với Trung Quốc để “bảo vệ nước Mỹ từ xa”.

Việt Nam khôn khéo giải quyết vấn đề đối với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8

Sputnik: Phản ứng của Việt Nam hiện nay như vậy là đủ cương quyết chưa? 

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Xét trên bình diện công khai thì phản ứng của Việt Nam là phù hợp. Một mặt, Việt Nam đã liên tiếp có các công hàm yêu cầu Trung Quốc phải rút nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 ra khỏi EEZ của Việt Nam. Trên thực địa, Việt Nam đã điều động các tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư theo dõi, kiểm soát và kiềm chế hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8, kịp thời ngăn chặn khi một trong các tàu của nhóm tàu đó có các biểu hiện quá khích.

Trên kênh chính trị, hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã có những cuộc gặp, những cuộc trao đổi qua các kênh liên lạc và kể cả một vài chuyến đi thăm đột xuất để trao đổi nhằm làm giảm căng thẳng, kiểm soát tình hình không để xung đột bùng phát và tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ.

Nhiều người cho rằng Việt Nam không kiên quyết đẻ giải quyết vấn đề chủ quyền. Nhưng cá nhân tôi cho rằng chỉ cương quyết không thì chưa đủ mà còn phải khôn khéo và uyển chuyển. Việt Nam muốn chuyển tới Trung Quốc một hông điệp rất rõ rang rằng những hành động đơn phương, vô cớ xâm phạm chủ quyền của Việt nam từ phía Trung Quốc chỉ có lợi cho các thế lực bên ngoài kích động mâu thuẫn, làm bùng phát xung đột để đục ước béo cò. Tôi hy vọng người Trung Quốc hiểu được điều này bởi họ cũng đã có những bài học rút ra được từ vụ HD-981 năm 2014.

Riêng về điều này, dư luận các nhà nghiên cứu chính trị Nga cho rằng Việt Nam đã rất khôn khéo khi giải quyết vấn đề đối với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 để đảm bảo cân bằng quan hệ với các nước lớn trong mọi vấn đề ở Biển Đông. Không cần đao to búa lớn mà cần hiệu quả. Phản ứng của Việt Nam là vừa đủ để không làm phức tạp thêm tình hình. Và hiệu quả lớn nhất chính là tháo ngòi nổ xung đột, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện dân sịnh, củng cố quốc phòng và an ninh.

Sở dĩ Việt Nam có những hành động mềm dẻo về hình thức nhưng cứng rắn về nguyên tắc như vậy là vì Việt Nam không bao giờ muốn trở thành một “lính xung kích” chống Trung Quốc quyết liệt để các nước khác thừa cơ “đục nước béo cò”. Những thông tin kích động trong thời gian vừa qua từ Mỹ, từ phương tây và từ một số thế lực phản động lưu vong ở nước ngoài chống Việt Nam ở nước ngoài đều nhằm mục đích này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người Việt Nam và nhiều người nước ngoài chưa hiểu, thậm chí là không hiểu điều này. Họ làm như chiến tranh trên Biển Đông sắp nổ ra đến nơi.

Thông điệp “ẩn ý” của Tổng thống Vladimir Putin

Sputnik: Đánh giá của ông về phản ứng của Nga trong vụ nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 hoạt động trái phép trong vùng chủ quyền EEZ của Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Vì Liên bang Nga vừa là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, vừa là đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Và cả Nga lẫn Trung Quốc hiện tại đều là đối thủ của Mỹ, cho nên, phản ứng có chừng mực của Liên bang Nga đối với vụ nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 xâm phạm EEZ của Việt Nam là dễ hiểu. Cũng như Việt Nam, phía Nga đã phản ứng một cách mềm mại nhưng đầy “ẩn ý”. Bức thư chúc mừng của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putim đối với Tổng giám đốc Liên doanh khí đốt giữa PVN và Rosneft như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với Trung Quốc mà người ta có thể ngầm hiểu ý tứ rằng: Chúng tôi, những người Nga được Việt Nam mời đến và đang có mặt tại đây. Còn các anh là những vị khách không mời.

Tập đoàn Rosneft của Nga có nhiều dự án hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên nhiều lô thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Khác với phía Mỹ, Liên bang Nga có truyền thống hợp tác lâu dài với Việt Nam và rất biết cách cân bằng các mối quan hệ chiến lược của mình, kể cả đối với những “người bạn nhỏ bé” như Cuba, Venezuela, Syria hay Việt Nam trong khi vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Điều đó làm cho uy tín chính trị quốc tế của Liên bang Nga ngày càng được củng cố.

Như mọi khi, người Nga nói ít nhưng làm nhiều, không cần khua chiêng giõ mõ như người Mỹ vẫn làm nhưng mỗi hành động phản ứng của Nga, lúc thì mềm mại, lúc thì cứng rắn đều mang lại hiệu quả lớn.

Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hoạt động tại gần “Bãi Tư Chính” tới khi nào?

Sputnik: Chúng ta biết rằng, Công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty khoan Nhật Bản (JDC) để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 06.1 của Việt Nam.  Theo thông báo mới nhất về hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cập nhật lịch hoạt động khoan tại đây kéo dài đến hết ngày 15-9-2019.

Thời gian kéo dài thêm 1 tháng rưỡi so với dự kiến. Trước đó, theo thông báo vào ngày 17-5, thì giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) điều hành tiến hành khoan thăm dò tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn từ ngày 15-5 đến 30-7-2019.

Nhiều báo chí viết rằng, sau đó Rosneft sẽ rút...

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Tôi cho rằng một số báo chí đã cố tình xuyên tạc, bóp méo tuyên bố của Rosneft để chia rẽ quan hệ Việt-Nga và nhằm mục đích “dụ dỗ” Việt Nam đi với Mỹ. Cơ sở giả tạo của thông tin này là luận điệu lừa bịp rằng Liên Bang Nga đã là “đồng minh:” của Trung Quốc nên sẽ “buông” Việt nam. Những luận điệu “xui nguyên giục bị” kiểu này đã có từ lâu trên hệ thống truyền thông của Mỹ, phương Tây cũng nhưng những người Việt lưu vong theo Mỹ và phương Tây. Và thậm chí, cả những người Trung Quốc chống Việt Nam cũng tung ra những luận điệu tương tự nhằm chia rẽ quan hệ Việt-Nga. 

Thực chất là hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vừa qua nằm khá gần với khu vực mà liên doanh dầu khi PVN-Rosneft đang khoan thăm dò trữ lượng cũng như chuẩn bị triển khai việc khoan các giếng khai thác. Và Liên doanh PVN-Rosneft mới chỉ tuyên bố rằng hai tháng sau, họ sẽ hoàn tất việc khoan thăm dò trữ lượng để có thể rút các mũi khoan thăm dò chứ không phải là rút bỏ dự án liên doanh giữa hai bên. Đây cũng là điều rất cần cảnh giác bởi những thông tin giả, nửa giả nửa thật, bảy giả ba thật vẫn hàng ngày xuất hiện trên các trang mạng nhằm lái hướng dư luận, gây chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước bạn bè mà trực tiếp là phá hoại quan hệ hữu nghị Việt-Nga khi đang diễn ra năm chéo hữu nghị giữa hai nước.

Trong tam giác chiến lược toàn cầu Nga-Mỹ-Trung hiện nay thì Nga ủng hộ chính sách đối ngoại đa phương cân bằng của Việt Nam. Trung Quốc thì muốn trở thanh đồng minh của Nga nhưng lại không muốn Nga là đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy đặc biệt của Việt Nam. Còn Mỹ thì không muốn Việt Nam có quan hệ tốt với cả Nga và Trung Quốc để lôi kéo Việt Nam đi theo Mỹ. Đó là tình huống phức tạp hiện nay mà Việt Nam phải xử lý một cách uyển chuyển nhất có thế để đạt được cân bằng chiến lược trong quan hệ đối ngoại.

Sputnik:  Đánh giá của ông về tình hình ở biển Đông trong thời gian tới, về ứng phó của Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Tâm:

Trong tương lai, Trung Quốc chỉ có thể dừng lại ở những hoạt động phi quân sự ở Biển Đông. Điều này do sức ép từ nhiều phía trên trường quốc tế đem lại. Đối thủ lớn toàn cầu của Trung Quốc là Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc luôn muốn kéo Việt Nam vào quỹ đạo của họ để chống lại Mỹ cũng như Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam theo quỹ đạo của Mỹ để chống Trung Quốc. Nhận thức được điều này, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải kiên trì nguyên tắc 3 không trong quan hệ đối ngoại: Không tham gia liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba. Việt Nam kiên trì chủ trương độc lập, tự chủ, tự mình bảo vệ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ của mình và hoan nghênh mọi sự giúp đỡ dù lớn, dù nhỏ của các nước trên thế giới để bảo vệ quyền tự do độc lập ấy.

Có một điều buồn cười là một số thế lực phản động lưu vong ở nước ngoài mặc dù không giúp ích một chút gì cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, độc lập của Việt Nam nhưng lại là những kẻ lớn tiếng kêu gọi Việt Nam phải liên minh với nước này, nhờ quân đội nước kia vào bảo vệ độc lập cho Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, đó chính là đánh đổi chủ quyền, độc lập thật sự của Tổ quốc, của dân tộc Việt nam lấy một thứ độc lập, chủ quyền giả hiệu, một sự lệ thuộc vào nước ngoài về chính trị, quân sự, và đương nhiên, sau đó là về kinh tế và văn hóa.

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Minh Tâm

 
 
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh