Home » Tin tức » Đàm luận

XỨ ĐOÀI VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN KHÓ PHAI

THUrsday - 28/11/2013 10:54
XỨ ĐOÀI VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN KHÓ PHAI

XỨ ĐOÀI VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN KHÓ PHAI

Với tâm thế của một người con sinh ra và lớn lên ở xứ Đoài nhưng lập nghiệp tại Thủ đô, nhà thơ Phan Quế nhận thấy hai mảnh đất này rất gần gũi về thiên nhiên, địa lý, văn hóa và sinh ra là để dành cho nhau…
Sở dĩ nhà thơ Phan Quế nói vùng đất Thủ đô mở rộng là nơi trời cho để gắn kết với Hà Nội là bởi truy từ nguồn gốc xa xôi, 2 mảnh đất này đã nối liền với nhau bằng sợi dây gắn kết về văn hóa, dân cư, vị trí địa lý. Nhiều làng nghề của vùng xứ Đoài đã thành phố nghề của Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến người làng Nhị Khê (Thường Tín) làm nên phố Tô Tịch ngày nay, người làng Phú Thứ (Tây Mỗ) làm nên phố Hàng Thiếc… 

Là vùng đất cửa ngõ Thủ đô, tiện sông tiện núi, nhiều người con của xứ Đoài đã lên Hà Nội lập nghiệp. Đặc biệt, với một nền văn hóa lâu đời và có sức lan tỏa, xứ Đoài mây trắng đã góp phần làm phong phú nền văn hóa kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Bàn tay khéo léo của người làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên) đã làm nên những con tò he ngộ nghĩnh, đáng yêu rong ruổi trên khắp các nẻo đường để làm nên nét văn hóa Hà Nội và là những ký ức tuổi thơ khó phai mờ trong tâm trí bao người con Hà thành. Lễ hội Thánh Gióng hàng năm không chỉ có ở Hà Nội mà ngay ở Thường Tín cũng có những nghi lễ tương đồng. Vậy mới biết, mạch ngầm văn hóa giữa hai mảnh đất vẫn âm ỉ chảy, chỉ chờ có mối lương duyên là hòa quyện và lan tỏa. 

Trong cảm nhận của nhà thơ, ông ấn tượng về quê hương là một vùng đất trù phú với phong cảnh hữu tình của Tản Viên Sơn gắn liền với sự tích “Sơn Tinh-Thủy Tinh”, quê hương của nhiều văn nghệ sỹ lớn của đất nước như Tản Đà, NSND Tào Mạt, Quang Dũng và của các làn điệu hát Dô, hát Chèo Tàu độc đáo.

Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, nhà thơ thường đi đò qua sông Tích để tới lớp. Nghe đâu, mạch nguồn của con sông bắt nguồn từ núi Ba Vì vẫn chảy mềm mại qua ký ức của ông và người dân xứ Đoài, hiền hòa như nét mực nho và ngọt lành như khúc dân ca hiền hòa. Ngồi trên đò chạy dọc con sông, ông đã được tận mắt nhìn thấy những vỉa đá ong lộ ra hai bên bờ sông thật hữu tình. Xứ Đoài mây trắng đẹp đến độ không một ca từ nào có thể diễn tả nổi, có chăng những câu thơ trong bài “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng mới chỉ phần nào nói lên được điều ấy “Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.

 Còn Hà Nội là nơi ông lập nghiệp và gắn bó phần đời còn lại với mảnh đất này. Thủ đô nghìn năm văn hiến với những giá trị văn hóa đã được khẳng định và trường tồn qua thời gian đã cùng ông đi qua cả thời trai trẻ với những dấu ấn khó phai. Vì thế, khi hai mảnh đất này hợp nhất và đã đi qua chặng đường 5 năm, nhà thơ Phan Quế vui mừng vì cuộc sống của người dân đã dần đi vào ổn định. Hai mảnh đất ông yêu quý giờ đã hợp nhất trong một dáng vẻ và hình hài mới. Mối nhân duyên từ xa xưa giờ đã kết tinh trong một Hà Nội mở rộng về quy mô và trở thành một trong những đô thị rộng lớn nhất thế giới. Tuy vậy, đứng dưới góc độ văn hóa, nhà thơ cũng mong muốn mối nhân duyên này không làm tan chảy các bản sắc văn hóa đặc trưng của từng mảnh đất. Văn hóa xứ Đoài làm phong phú nền văn hóa kinh kỳ nhưng quá trình hội nhập và phát triển đã đặt ra những vấn đề cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để hai vùng đất tuy thống nhất về quy mô nhưng không mất đi nền văn hóa bản địa. 
Thanh Xuân
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh