Home » Tin tức » Đàm luận

(kỳ 2) BIỂN ĐÔNG TRONG CHIẾN LƯỢC “TOÀN CẦU HÓA KIỂU TRUNG QUỐC” - MƯU TOAN LÀM “SEN ĐẦM KHU VỰC” TRƯỚC KHI LÀM “SEN ĐẦM QUỐC TẾ"

SATurday - 10/08/2019 19:55
Bài viết của Nguyễn Minh Tâm
Ảnh: Vẽ thêm “Đường lưỡi bò” vào bản đồ không giúp ích gì cho Trung Quốc bởi nó đã bị Tòa trọng tài quốc tế PCA bác bỏ.

Ảnh: Vẽ thêm “Đường lưỡi bò” vào bản đồ không giúp ích gì cho Trung Quốc bởi nó đã bị Tòa trọng tài quốc tế PCA bác bỏ.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn gọi Mỹ là “sen đầm quốc tế”. Điều này không ngoa bởi Mỹ cũng là quốc gia ưa thích sử dụng vũ lực trong quan hệ đối ngoại cho dù “cây gậy bạo lực vũ trang” luôn đi kèm với “củ cà rốt lợi ích kinh tế”. Thế nhưng trong lộ trình do tự mình vạch ra để trở thành kẻ cạnh tranh với Mỹ ngôi vị bá chủ thế giới số một thế giới, Trung Quốc lại lặp lại những sai lầm của chính người Mỹ.

Trong một câu chuyện cổ tích Nga có kể về một con rồng hung ác trú đóng trong một hang đá hiểm yếu đã trở thành mối đe dọa đối với người dân trong vùng. Nó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, bắt đàn bà con gái đẹp về làm tỳ thiếp, cướp bóc nhiều vàng bạc châu báu về chất đầy trong hang. Rất nhiều hiệp sĩ dũng cảm đã vào hang giết con rồng ấy như đều không trở ra. Chỉ có một hiệp sĩ duy nhất và cuối cùng giết được con rồng mà vẫn trở về an toàn. Sở dĩ như vậy là vì sau khi giết được con rồng, tất cả các hiệp sĩ trước đó đều lóa mắt trước những của cải giàu có, trước gái đẹp, trước tiện nghi sang trọng và đều tự thoái hóa, sa đọa thành một con rồng mới, hung ác hơn nhiều lần so với con rồng cũ. Và chỉ có chàng hiệp sĩ cuối cùng của chúng ta với nghị lực phi thường của mình đã vượt qua tất cả những cám dỗ ấy để đem hết của cải về chia lại cho dân lành, thả những người bị con rồng giam hãm và phá tan cái hàng đá ấy.

Nếu người Trung Quốc không thấu hiểu điều này thì họ có nguy cơ sẽ trở thành một “sen đầm quốc tế” mới trong trường hợp họ đánh bại được người Mỹ. Nguy cơ ấy là có thật nếu ta nhìn vào chuỗi hành động của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng, kể cả trong lịch sử cũng như trong thời gian gần đây, cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

2.1- Gây sức ép tối đa để đạt được một COC có lợi cho Trung Quốc.

Kể từ khi bản Tuyên bố chung về ứng xử ở Biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ngày 4-11-2002 tại Phnompeng (Campuchia) đến nay đã là 17 năm. Không kể một số điều đã bị phía Trung Quốc trắng trợn vi phạm thì chỉ riêng Điều 10 có nội dung “Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này” đã hầu như bị buông trôi; nói đúng hơn là bị đóng băng. Đơn giản là vì người Trung Quốc cho rằng COC sẽ là sự ràng buộc khiến cho Trung Quốc khó thực hiện mưu đồ đòi chủ quyền vô lý đến 80% diện tích Biển Đông qua cái gọi là “đường lưỡi bò”. Trong 17 năm đó, Trung Quốc viện hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn, cản trở, gây khó khăn cho việc đàm phán để tiến tới một COC công bằng, hợp lý, bình đẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Và chỉ đến khi Tòa trọng tài quốc tế PCA ra phán quyết ngày 12-7-2016 phủ nhận lập luận phi lý của Trung Quốc về cái gọi là “Vùng nước lịch sử” (cách nói lịch sự của cái gọi là “đường lỡi bò”) thì Trung Quốc mới chịu thay đổi tư duy một chút. Tuy nhiên, họ vẫn cứ cố tìm một cách thức khác để áp đặt ý chí của riêng Trung Quốc đối với các thỏa thuận phân định chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông. Tại “Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26” (ARF-26) tại Bangkok giữa 27 quốc gia gồm 10 nước ASEAN và 17 nước có liên quan, trong đó có Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cố gắng cùng các nước ASEAN hoàn chỉnh và đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong vòng 3 năm tới đây. Nhiều quốc gia, trong đó có cả một số quốc gia ASEAN đã vội cả mừng.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo và ngoại giao có kinh nghiệm lại không vội cả mừng như vậy. Việt Nam là một trong số không nhiều nước có nhiều kinh nghiệm đàm phán ngoại giao đối với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, Việt Nam hiểu rõ bản chất của thái độ quay ngoắt 180 độ của phía Trung Quốc khi họ muốn hoàn thành trong 3 năm cái việc mà lé ra phải hoàn thành từ cả chục năm trước đó.

Điều dễ hiểu là sau khi Tòa trọng tài quốc tế PCA bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc về cái gọi là “vùng nước lịch sử” ở Biển Dông cũng như sau 5 năm thất bại trong cố gắng phi quốc tế hóa vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc mới chịu nhận thức rằng chỉ có một văn bản có giá trị pháp lý quốc tế ở Biển Đông mới có thể giúp họ gỡ thế bí, thoát khỏi tình trạng nhùng nhằng, dây dưa do chính họ tạo ra để hiện thực hóa chiến lược “Vành đai-Con đường”. Tuy nhiên, như thói thường của những cường quốc thiếu trách nhiệm khác, Trung Quốc không hẳn muốn ký một COC bình đẳng, công bằng, hợp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế mà vẫn nuôi tham vọng ép buộc các nước ASEAN ký một COC sao cho Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất; đồng thời, không loại trừ việc gài vào văn kiện COC một số điểm mập mờ, tạo điều khiên cho việc Trung Quốc vi phạm chính thỏa thuận này và một số công pháp quốc tế một khi có cơ hội.

Kinh nghiệm Việt Nam 5 năm đàm phán với Mỹ ở Hội nghị Paris (1968-1973) để đi đến ký kết Hiệp định Paris 1973, buộc người Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân đội Mỹ về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam cho thấy một khi đối phương thay đổi thái độ không có nghĩa là mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái mà ngược lại, chứa đựng những bất trắc nguy hiểm. Thực tế 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972 đã chứng minh điều đó.. Ngay sau khi cả tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh Nhà Trắng Henry Kissinger tuyên bố “Hòa bình đã ở trong tầm tay” thì đó là lúc Mỹ tung ra chiến dịch không tập lớn nhất trong chiến tranh Việt nam, sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom hủy diệt hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều nơi khác. Và Mỹ chỉ chịu ký Hiệp định Paris 1973 với nội dung hầu như không khác so với dự tháo Hiệp định hồi tháng 10-1972 khi 16 máy bay B-52 bị bắn hạ trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều chiếc khác bị trúng tên lửa và rơi ở Lào, ở Thái Lan và ở Biển Đông.

Kinh nghiệm đàm phán với Trung Quốc về phân định biên giới trên bộ cũng như phân định chủ quyền trên Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cũng cho thấy những khó khăn, trắc trở khi phía Trung Quốc nhiều lần trì hoãn, lần lữa để rồi cuối cùng mới chịu lấy “Hiệp ước Pháp - Thanh 1894” làm cơ sở giới hạn thời điểm cho việc hoạch định biên giới trên bộ và chấp nhận nguyên tắc “đại để chia đôi” làm cơ sở cho việc phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam đề xuất. Cuộc đàm phán còn khó khăn ở chỗ Trung Quốc cứ nhất quyết gọi đảo Cồn Cỏ của Việt Nam là cồn, không coi là đảo để đẩy ranh giới chia đôi cửa Vịnh Bắc Bộ dịch chuyển 8 hải lỳ về phía Việt Nam. Cuộc đàm phán cũng gặp phải trở ngại còn lớn hơn khi Trung Quốc đòi phải ký kết cả gói gồm “phân định ranh giới biển bên trong Vịnh Bắc Bộ” và “phân định ranh giới biển vùng cửa Vịnh Bắc Bộ” vào một văn bản hợp nhất, qua đó ép buộc phía Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là điều mà phía Việt Nam không bao giờ chấp nhận. Cuối cùng, Trung Quốc chịu thỏa hiệp một phần để ký kết với Việt Nam một hiệp định phân định ranh giới biển trên Vịnh Bắc Bộ. Vấn đề phân định ranh giới vùng cửa Vịnh Bắc Bộ tạm gác lại để giải quyết sau.

Việt Nam còn có kinh nghiệm đàm phán 6 năm trời ròng rã để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO với nhiều đói tác, trong đó có cả những đối tác muốn hưởng lợi cho riêng mình mà không hề muốn chia sẻ lợi ích với Việt Nam để rồi Việt Nam gỡ bỏ thành công những trở ngại đó và trở thành thành viên bình đẳng, có trách nhiệm của WTO. Việt Nam cũng có kinh nghiệm xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục khi Mỹ, một trong vài quốc gia chủ xướng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đột ngột rút khỏi Hiệp định này. Với sự ủng hộ của Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, New Zealand .v.v… Việt Nam đã nhanh chóng đề xuất chuyển đối TPP thành “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) với những nội dung cơ bản không khác so với TPP. Ngoài 11 thành viên đã kỳ kết (trong đó có 7 thành viên đã phê chuẩn), CP-TPP còn nhân được sự quan tâm của 12 quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.

Với những kinh nghiệm của bản thân, Việt Nam không lấy làm lạ trước sự thay đổi từ cản trở, làm ngơ đến “đột ngột tích cực” của Trung Quốc đối với tiến trình COC và đã sẵn sàng các giải pháp cho mọi biến động, bất kể mục đích trước mắt của Trung Quốc chỉ là xoa dịu dư luận hay lâu dài hơn gây sức ép về thời hạn để buộc các nước ASEAN phải vội vã ký một COC bất bình đẳng, có lợi cho Trung Quốc.

2.2- Gây sức ép tối đa với Việt Nam để răn đe các nước ASEAN.

Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ vai trò “đầu tàu về chính trị” của Việt Nam ở ASEAN. Tuy về quy mô kinh tế, Việt Nam chỉ là quốc gia trung bình trong ASEAN nhưng Việt Nam lại là nước có nhiều sáng kiến tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, là nước đã đề xuất nhiều chính sách cùng cố quan hệ đoàn kết nội khối và mở rộng quan hệ ngoại khối của ASEAN. Việt Nam cũng là nước thu được nhiều thành công trong chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ tạo nên sự cân bằng chiến lược trong quan hệ đối ngoại; đồng thời có tiềm lực quân sự quốc phòng vào hàng đứng dầu ASEAN. Và điều quan trọng nhất là Việt Nam hiểu rõ Trung Quốc hơn tất cả các nước ASEAN khác. Không những thế, năm 2020 tới đây, Việt Nam còn đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đồng thừi là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Trong lịch sử, lợi dụng việc giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện ý muốn lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của mình để chống lại Liên Xô nhưng đều không thành công. Ngày nay, Trung Quốc coi Việt Nam là một trong hai “chướng ngại” đáng kể nhất đối với chiến lược “Nam tiến” của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á (chướng ngại còn lại là Philippines, đồng minh của Mỹ).

Chính vì những điều này mà từ những năm 1980 của thế kỷ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia hứng chịu nhiều nhất các hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc. Nhỏ thì là các hành động hành chính đơn phương như cấm đánh bắt cá, bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển quốc tế. Lớn thì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoan thăm dò trái phép, khảo sát trái phép, cản trở và phá hoại các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam và của các đối tác của Việt Nam .v.v… Lớn hơn nữa thì sử dụng súng đạn để cưỡng chiếm (vụ Gạc Ma ngày 14-3-1988).

Mục đích tối cao của Trung Quốc là vừa dùng củ cà rốt “gác tranh chấp, cùng khai thác” làm cái bẫy để lôi kéo Việt Nam theo Trung Quốc; vừa dùng áp lực chính ri-quân sự để răn đe Việt Nam. Nhưng Việt Nam năm 2019 đã khác hơn nhiều, có vị thế mạnh hơn nhiều cả về hình thức và thực chất so với cách đây 5 năm, 10 năm. Việt Nam có đủ lực lượng, phương tiện và ý chí để tự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của UNCLOS-1982.

Tuy nhiên, trước sau như một, Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp đối thoại và đàm phán hòa bình dựa trên Công ước quốc tế về Luật Biển và các văn kiện có kiên quan, hết sức tránh dùng bạo lực vũ trang, dùng sức ép chính trị kinh tế để giải quyết tranh chấp. Đây là điều cơ bản nhất mà Trung Quốc không có bởi họ luôn cậy mình là “nước lớn” có “cơ bắp” mạnh mẽ.

2.3- Tự coi mình là “sen đầm khu vực” và nuôi tham vọng trở thành một “sen đàm quốc tế” mới.

Đây cũng là quy luật phát triển thông thường của những quốc gia được coi là cường quốc, là đế quốc từ cổ chí kim. Không phải tìm đâu xa, chính trong lịch sử thành văn của Trung Quốc đã cho thấy quy luật này.

Bộ sách “Xuân Thu – Chiến Quốc” của người Trung Quốc đã tập hợp tất cả các diễn biến, các sự kiện và nhân vật của 550 năm chia rẽ “xương chất thành núi, máu chảy thành sông” trong lòng đất nước Trung Hoa cổ đại (từ năm 771 TCN đến năm 221 TCN) trong khi Thiên tử nhà Chu mang danh hoàng đế nhưng thực chất chỉ là bù nhìn. Thời “Xuân Thu”, có 5 nước lớn nhất gồm Tấn, Tần, Tế, Sở Ngô thay nhau xưng bá (bá chủ) thống trị thiên hạ dưới danh nghĩa “tuân lệnh thiên tử” để “cai quản chư hầu”, Sử sách gọi là “Ngũ bá”. Thời “Chiến quốc” có 7 nước lớn nhất gồm Tần, Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy thay nhau xưng “hùng” (hùng cứ một phương) và cũng “tuân lệnh thiên tử, cai quản chư hầu”.

Chỉ đến năm 221 khi nhà Tần thôn tính 6 nước còn lại, chính thức lật đổ nhà Chu và lập ra Đại Tần, lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc sau 550 năm chiến tranh ròng rã. Từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ XVIII, lịch sử Trung Quốc còn ghi nhận nhiều thời kỳ các thế lực phong kiến cát cứ lặp lại quy luật này như “thời Tam Quốc” (220-280 SCN) ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều xưng vương; “thời Ngũ hồ thập lục quốc” (304-439 SCN), 16 nước chia nhau thống trị Trung Quốc; thời “Ngũ đại thập quốc” (907-970 SCN), 5 đời hoàng đế nhà Đường, Trung Quốc bị chia cắt thành 10 nước.v.v…

Trong quy luật kiểu “tan - hợp, hợp - tan” này có một sự vận động xuyên suốt đói với tất cả các thế lực quân phiệt là từ cát cứ thành bá chủ, từ bá chủ thành vương chủ và từ vương chủ thành kẻ đứng đầu thiên hạ. Quy luật ấy hiện vẫn tồn tại trong xã hội loài người kể cả khi đã bước sang thời hiện đại. Chúng ta có thể chứng kiến các mô hình đến quốc tue bản lân lượt ra đời và thay nhao thống trị thế giới như: mô hình tư bản thương mại Hà Lan (thế kỷ XVII-XVIII), mô hình tư bản công nghiệp Anh (thế kỷ XVIII-XIX), mô hình tư bản công nghệ cao Mỹ. (thế kỷ XX đến nay). Sự tổng kết này đã cho người Trung Quốc một gợi ý rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc chứ không ai khác sẽ có thể cạnh tranh với Mỹ ngôi vị số 1 thế giới. Điều này cũng được người Trung Quốc cho là “ứng nghiệm” khi vào năm 1966, thời điểm Trung Quốc bắt đầu “Đại cách mạng văn hóa vô sản”. Mao Trạch Đông tuyên bố: “Gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”.

Xem xét chuỗi hành động của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á từ những năm 1980 của thế kỷ trước đến nay, người ta dễ dàng nhận thấy ý tưởng “tranh bá, đồ vương” của người Trung Quốc. Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ và người Mỹ chưa quay lại Biển Đông, người Trung Quốc cho rằng thời cơ của họ đã đến. Và trụ cột cho tất cả những hành động nhằm chiếm lĩnh chủ quyền ở Biển Đông là chủ thuyết “đường lưỡi bò” vốn được một viên thiếu tá tình báo trong quân đội Trung Hoa dân quốc dưới thời Thưởng Giới Thạch vạch vẽ một cách sơ sài vào năm 1946.

Ngay từ khi đàm phán DOC với các nước ASEAN, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra cái gọi là nguyên tắc Biển Đông thuộc về những nước ven Biển Đông, các nước bên ngoài không được can thiệp vào. Với chủ thuyết này, Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định của UCLOS-1982 về quyền tự do hàng hải trên tất cả các vùng biển ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia mà còn bộc lộ thâm ý muốn trở thành kẻ bá chủ ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc chính là sự lặp lại của “Học thuyết Monroe” của Mỹ ra đời năm 1823. Theo đó những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của Mỹ. Lặp lại ý tưởng của học thuyết này, Trung Quốc muốn biến Biển Đông nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung thành “Sân sau của Trung Quốc” giống như nước Mỹ trong thế kỷ thứ XIX và cho đến nay đã biến Châu Mỹ Latinh thành “Sân sau của Mỹ”.

Những động thái mới đây của Trung Quốc khi đàm phán những quy định cụ thể của COC càng cho thấy mưu đồ đó của Trung Quốc bộc lộ rõ hơn. Trung Quốc đưa ra yêu sách kế tiếp rằng “vì Biển Đông là của các nước ven Biển Đông nên các quốc gia ven Biển Đông chỉ nên hợp tác với nhau đẻ khai thác tài nguyên, không cho các nước bên ngoài vào khai thác”. Đây chí là sự mở rộng chiêu bài của Đặng Tiểu Bình về việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Như vậy, với tư cách là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất trong số các quốc gia ven Biển Đông, Trung Quốc muốn có độc quyền khai thác tài nguyên đối với Biển Đông. Điều đó giống như hành động của một “gã trai làng bặm trợ” tuyên bố rằng “gái làng nay là của tao, chỉ được lấy tao, không được lấy người ngoài”.

Về chính sách ngoại giao, Trung Quốc cũng lặp lại những cách thức không khác so với Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.. Đó cũng là bộ đôi “cây gậy” và “củ cà rốt”, cùng là “tiền lễ hậu binh”, cũng là sử dụng các đòn bẩy kinh tế đi kèm với sự yểm trợ răn đe phía sau bằng quân sự để gây áp lực chính trị, cũng là việc tài trợ cho các thế lực thân Trung Quốc chiếm vị trí quan trong trong bộ máy chính quyền một số nước Đông Nam Á để dễ bề thao túng, đưa những nước này vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đầy mạnh chế tạo các tàu sân bay, tên lửa tầm trung, tên lửa xuyên lục địa, các máy bay ném bom chiến lược, các tàu ngầm nguyên tử đều là các vũ khí tấn công, phục vụ cho mục đích răn đe chứ không chỉ để phòng thủ. Việc Trung Quốc tiến hành phá hoại môi trường rạn san hô, bồi đắp trái phép đá Chữ Thập, đá Xubi, đá Vành Khăn thành các căn cứ quân sự, có sân bay và cảnh quân sự; đồng thời, thiết lập hệ thống radar đối không, radar đối hải ở bãi Hughes (Tư Nghĩa) và bãi Gạc Ma đều nhằm mục đích kiểm soát Biển Đông bằng vũ lực.

Nếu các biện pháp chiêu dụ bằng “củ cà rốt” không có hiệu quả, Trung Quốc sẵn sang sử dụng những “cây gậy” nói trên để “dạy bảo” các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Còn trong những sự cố nhỏ, xét thấy không thể để bùng phát thành xung đột quân sự, Trung Quốc sử dụng các lực lượng bán vũ trang như Hải cảnh, Hải giám được trang bị vũ khí hiện đại không kém lực lượng Hải quân chính quy và sử dụng cả lực lượng hải quân đội lốt dân sự, sẵn sàng gây sức ép để hỗ trợ cho đàm phán ngoại giao. Về điểm này, Trung Quóc cũng không khác so với Mỹ, cũng có thói quen sử dụng “sức mạnh cơ bắp” trong quan hệ quốc tế, ít nhất là tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn không chịu rút ra bài học thất bại của người Mỹ khi sử dụng bừa bãi chính sách “ngoại giao cơ bắp”. Bởi trong thời hiện đại, khoảng cách giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa nước yếu và nước mạnh đã bị thu hẹp đáng kể. Chí ít thì những nước nhỏ yếu cũng tự vũ trang cho mình đủ để tăng cường phòng thủ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Hơn nữa, trong thế giới hiện đại, khoảng cách địa lý không còn là sự ngăn cách không thể vượt qua đối với các quốc gia. Vì vậy, chính sách “ngoại giao cơ bắp” của Trung Quốc sớm muộn sẽ chuốc lấy thất bại nếu Trung Quốc không thực tâm đàm phán, không tôn trọng đối tác, không từ bỏ mục tiêu thủ lợi chỉ cho riêng mình, không xây dựng được lòng tin chiến lược đối với các quốc gia láng giềng cả gần lẫn xa.
NMT

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh