Chuyện ngày xưa kể rằng thuở mà bài thơ “Con cóc” ra đời thì trời đất gần nhau lắm. Đường lên trời cũng như xuống địa phủ đều thông thương dễ dàng. Bởi thế mới xẩy ra một chuyện ly kỳ như sau.
Số là sau khi làm xong bài thơ “con cóc” còn hay hơn rất nhiều bài thơ khác nên hai tác giả của nó là Trịnh Hâm và Bùi Kiệm đã bị chết yểu đúng như cụ Nguyễn Du đã nghiệm.
“Tinh anh phát tiết ra ngoài
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”
Nhưng thật may cả hai nhà thơ đều sinh hạ được hai quý tử nối dõi tông đường. Đó là hai chàng trai khôi ngô: Trịnh Hấp và Bùi Cần. Họ cũng thân nhau và thơ phú cũng “hung hăng” chẳng kém gì cha. Họ mê thơ đến nỗi chả thiết gì đến ruộng nương, suốt ngày đàn đúm thơ phú nên quanh năm thiếu trước hụt sau.
Khi họ biết được cha mình bị chết yểu vì làm bài thơ “con cóc”quá hay thì bực mình lắm. Một ngày nọ hai chàng ngồi uống rượu với nhau, Bùi Cần nắm lấy tay bạn mà rằng.
- Này Trịnh huynh, cha chúng mình chết oan ức lắm. Thơ của hai cụ đúng là thơ con cóc, chả ra quái gì, thế mà trời bắt phải chết yểu như luật trời. Bấy lâu nay đệ mất ăn, mất ngủ. Chi bằng chúng ta xuống địa phủ tìm gặp ông thầy đồ đã dạy cha chúng ta ngày trước hỏi xem bài thơ ấy hay như thế nào, xem trời có lầm lẫn gì chăng. Chính vì thầy phát hiện được cái hay trong bài thơ ấy nên cũng thuộc dạng người "tinh anh phát tiết" phải chết ngay sau đó ít lâu. Huynh và đệ đều được cha mẹ cho ăn học tử tế thế mà chưa làm gì báo hiếu cho cha. Nếu được ta sẽ dâng sớ kêu oan lên thiên đình thì hai cụ dưới suối vàng cũng mát mặt. Bằng không thì chúng ta cũng biết rõ cái hay trong bài thơ ấy, chả uổng công đâu.
Nói đoạn, Bùi Cần sụt sịt khóc xem chừng cảm động lắm. Thấy vậy Trịnh Hấp cũng rưng rưng rồi bảo bạn:
- Đệ nói phải lắm, chẳng gì chúng ta cũng thuộc tầng lớp trí thức lại cũng có chân trong hội thơ. Ngẫm chuyện xưa xót xa quá !
***
Hôm sau cả hai cơm đùm, cơm nắm tìm lối xuống địa phủ. Hành lý họ mang theo không quên một ca táp to đen bóng đựng toàn thơ.
Thấy nói có hai nhà thơ trên trần muốn vào yết kiến , Diêm Vương đã khó chịu. Liếc mắt thấy hai chàng trai xách hai ca táp to tướng, ngài đoán là họ lại muốn mang thơ xuống tặng mình, lấy cớ để vòi vĩnh xin kinh phí cho một đại hội về thơ của một câu lạc bộ nào đó. Chả là trên dương thế phong trào làm thơ rầm rộ quá. Các câu lạc bộ, thi đàn, hội thơ... mọc ra như nấm. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ … thơ in ra toàn cho, biếu. Ở cấp lãnh đạo như Diêm Vương nhiều lần đã bị các "nhà thơ" đến quấy quắt. Không giúp họ thì ra điều mình không hiểu gì về thơ, không quan tâm đến văn hoá. Mà có cho cái bọn làm thơ thì chả bao giờ được "lại quả" như những dự án về kinh tế. Vả lại thơ hoá vàng in ít một tí thì không sao. Đằng này hàng núi thơ hoá vàng hàng năm thì ai mà chả... phát sốt. Ngài cẳn nhẳn:
- Khổ quá, các ngươi lại định tặng thơ cho ta hả? Ta đang muốn ngạt thở vì thơ đây. Nhân viên ngân hàng địa phủ quá vất vả vì kiểm tiền bởi trên dương thế các người hoá nhiều thơ quá, bới cả một đống thơ mới tìm thấy một thỏi kim ngân, một tờ tiền.
Bùi Cần và Trịnh Hấp quỳ lạy mà rằng:
- Bẩm thưa Diêm Vương chúng con xuống âm nhờ Diêm Vương cho gặp lại ông thầy đồ đã dạy cha chúng con là Trịnh Hâm và Bùi Kiệm …
Thế rồi hai người kể lại sự tình đầu đuôi cơ sự. Diêm Vương biết đối với các nhà thơ thì chẳng bao giờ vòi được ở chúng cái gì. Khề khà lâu lỡ cái máu thơ nổi lên lại phải nghe mấy bài của chúng thì thật rách việc, bọn này thâm lắm, tống khứ đi cho rồi. Nghĩ vậy ngài cười lớn:
- Ha ha … lại bài thơ con cóc ngày xưa? Bài thơ ấy hay đấy. Thôi được! các ngươi đã có tâm báo hiếu cho cha thế là tốt, ta sẽ giúp.
Nói đoạn ngài sai quỷ sứ dẫn lối cho hai người đến gặp ông thầy đồ ngày trước.
***
Gặp được hai đứa con trai của hai học trò mình ngày xưa, thầy đồ mừng lắm. Biết hai người muốn nghe giảng giải về thơ thì thầy lại càng mừng hơn, nhất là bài thơ con cóc.
Sau khi cả hai người đã an toạ thầy đồ bắt đầu nói. Giọng thầy sang sảng, hào hứng hẳn lên:
- Các con có thuộc bài thơ ấy không ? Đọc ta nghe.
Bùi Cần và Trịnh Hấp tranh nhau:
- Dạ thưa thầy có ạ! - Họ cùng đồng thanh đọc :- Con cóc trong hang/ con cóc nhảy ra/ con cóc nhảy ra/ con cóc ngồi đấy/ con cóc ngồi đấy/ con cóc nhảy đi.
Thầy đồ ôn tồn:
- Các nhà thơ thường nói: bài thơ hay là phải, đạt yêu cầu “ý tại ngôn ngoại”, tức là ý ở ngoài lời. Bài thơ mà cha hai con đã làm quả là bài thơ hay, đạt được yêu cầu đó một cách xuất sắc. Các con xem có thấy được ý gì ngoài việc nhảy ra của con cóc thử nói ta nghe.
Trịnh Hấp và Bùi Cần đăm chiêu suy nghĩ một lát rồi lắc đầu, chắp tay lạy thầy mà rằng:
- Dạ thưa thầy, quả thật là chúng con có theo đòi kinh sử ít nhiều nhưng ý tứ bài thơ quá uyên thâm nên chẳng thấy gì ngoài con cóc trong hang nhảy ra, ngồi đấy một lát rồi mới nhảy đi ạ.
Thầy đồ reo lên:
- Đấy các con có hiểu vọc vạch một chút rồi đấy. Con cóc ở trong hang, hang hốc là nhà của chúng, chúng là loài hiền lành, không bắt nạt ai, không chanh chấp nhà đất, chỗ ở của ai. Có loài vật , người ta còn bảo “chó nhảy bàn thờ” hay “chuột chui chĩnh gạo” … như vậy là láo. Trên trần gian hàng năm có hàng vạn đơn từ khiếu nại lên chính phủ, trong đó có chín mươi phần trăm liên quan đến nhà đất. Ở tầm vi mô thì như thế còn ở tầm vĩ mô cũng vậy. Quốc gia này chanh giành lãnh thổ của quốc gia kia ví như Trung Quốc hiện nay định chiếm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thậm chí còn trắng trợn đưa ra cái đường lưỡi bò, lưỡi bê gì đó rất vô lý, hòng chiếm gần hết cả biển Đông. Đức độ của cóc có đáng để con người trong thời buổi đầy rẫy bon chen, kèn cựa này học tập không ?
Cả Trịnh Hấp và Bùi Cần tròn xoe mắt ngạc nhiên thán phục. Họ cứ há hốc mồm ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Khi thầy hỏi đến đấy cả hai quỳ xuống chắp tay lạy thầy lia lịa;
- Chúng con cắn rơm cắn cỏ lạy thầy. Đúng là đầu óc chúng con tối tăm mù mịt quá. Mong thầy chỉ bảo tiếp.
Đã lâu thầy đồ không được một buổi lên lớp nào độc đáo như vậy nên lấy làm đắc chí lắm. Thầy nâng chén rượu hớp một ngụm thật sảng khoái rồi thuyết trình tiếp .
- Đấy là ý thứ nhất. Tiếp theo thầy giảng cho các con ý thứ hai nhé. Bây giờ thầy hỏi các con nếu con cóc trong hang lao ra ngoài như một mũi tên thì có thể viết như thế được không? Xin thưa là không. Chuyện cóc ở hang lâu, phải rời nhà vì cuộc sống sinh tồn như muôn loài sinh vật khác là dĩ nhiên. Nhưng những bước nhảy của cóc chậm rãi, chắc chắn, bình tĩnh, tự tin. Chẳng thế mà sau khi cóc nhảy ra còn ngồi đấy, thấy đủ để quan sát suy nghĩ, thư giãn thật thoải mái rồi mới nhảy tiếp. Ý này gợi mở thành công trong trường liên tưởng của độc giả bởi nghệ thuật sử dụng điệp ngữ thật siêu phàm. Các cụm từ: “con cóc nhảy ra”, “con cóc ngồi đấy” đều đặn lặp lại hai lần liên tiếp. Những bước đi vì cuộc sống sinh tồn của loài cóc liệu có gợi mở gì trong cuộc sống của loài người không? Ngẫm con người còn nhiều kẻ nói không suy, làm không tính, dẫn đến bao hậu quả khôn lường. Nếu chúng ta đều thận trọng, chỉn chu trong mọi việc như các bước nhảy của cóc hẳn là làm gì cũng thành công.
Cả hai người đều hết sức ngỡ ngàng về sự uyên thâm của thầy đồ. Họ lại quỳ xuống, chắp tay vái lia lịa:
- Dạ thưa thầy, trên đời chả ai hiểu được như thầy. Gặp được thầy quả là hồng phúc của chúng con.
Thầy đồ tiếp:
- Thấy hai con có tâm, ham học hỏi lại thật thà ta lấy làm cảm động. Bây giờ nhiều kẻ làm được vài câu văn vần cứ vỗ ngực bồm bộp, tưởng đã là nhà thơ lớn, chẳng chịu nghe ai bảo ban, dương dương tự đắc. Lâu lắm ta mới gặp được người có tâm với thơ và thật thà, cầu tiến như các con nên nay ta sẽ nói hết để mong các con học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích.
Hai người chắp tay khấu đầu:
- Dạ, đa tạ, đa tạ thầy đã hết lòng chỉ bảo !
Thầy đồ tiếp
- Các nhà thơ lớn thường nói làm một bài thơ có nghĩa là tác giả đã dẫn độc giả đến khám phá một khu động tiên kỳ ảo lung linh của ngôn từ và ý tưởng. Nhưng chỉ nên dẫn đến cửa trao chìa khoá cho họ chứ đừng dẫn họ đến tận từng ngóc ngách . Có thế bài thơ mới cô đọng, súc tích mà hàm ý mênh mông. Độc giả nào có tài thì xem được nhiều, gặt hái lắm. Thậm chí nhiều độc giả còn khám phá ra những ý tưởng mới mà kể cả tác giả cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Bài thơ con cóc của cha các con viết đúng như thế đấy. Bây giờ thầy dẫn các con khám phá bài thơ với những ý tưởng ở tầm vĩ mô nhé!
Sự chú ý đến say mê trước lời giảng, biểu hiện trên nét mặt và cử chỉ của hai người làm thầy đồ thêm hưng phấn:
- Con cóc trong hang - là một tất yếu, con cóc nhảy ra là một tất yếu nữa. Con cóc ngồi đấy là một tất yếu. Con cóc nhảy đi lại thêm một tất yếu nữa. Bởi cóc không như thế thì cóc chết à? Có mấy câu thơ mà lặp lại bốn lần cái tất yếu , đó là chân lý của cuộc sống sinh tồn của muôn loài. Thật là tuyệt vời, tác giả đã khéo léo khái quát hoá mọi tiếu trình của lịch sử kể cả thiên nhiên và nhân loại. Cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi không ai cưỡng nổi, chẳng hạn như thời gian hết sáng đến tối, hết ngày nay đến ngày mai. Hay như thời tiết hết mưa đến nắng, hết nắng lại đến mưa, tuần tự như tiến, cóc ngồi chán lại nhảy đi, nhảy đi chán lại ngồi. Lịch sử loài người mới mãi thành cũ, cũ mãi lại thay mới. Như vậy chỉ bằng cách sử dụng điệp ngữ bài thơ đã gợi cho người đọc những trường liên tưởng thật phong phú. Đây là bài thơ độc nhất vô nhị trên thế gian này kể cả từ xưa tới nay, chỉ cần dùng các điệp từ, điệp ngữ mà gợi mở được những ý tưởng lớn, có tính khái quát cao. Đồng thời bài thơ rất cô đọng, chỉ có năm cụm từ: trong đó có hai cụm từ “trong hang” và “nhảy đi” là không điệp lại, còn đại từ “con cóc” được láy lại sáu lần mà vẫn không thừa. Các cụm từ “nhảy ra” và “ngồi đấy” được láy lại hai lần chỉ vừa đủ để diễn tả những bước nhảy vững vàng tự tin, thể hiện được bản lĩnh của loài cóc. Đố ai thêm được từ nào hay bớt đi từ nào mà ý tứ của bài thơ không thay đổi. Quả là một bài thơ hay, một bài thơ hay …
Khi thầy đồ thuyết trình xong, uống cạn một ly rượu nữa mà Trịnh Hấp và Bùi Cần vẫn há hốc mồm đứng như trời trồng trước mặt thầy.
***
Sau khi lạy tạ thầy đồ, hai người cáo thầy xin trở về dương thế. Vừa lên đến mặt đất họ thấy một xe thùng chở đầy rác đi qua. Cả hai bừng tỉnh chả ai bảo ai họ cùng vứt cái ca táp đựng đầy thơ vào thùng xe. Họ thấy những bài thơ họ làm trước kia chẳng bài nào hay, còn thua xa thơ con cóc của cha mình. Về đến nhà họ cùng thắp nhang lên bàn thờ của cha mà than rằng:
- Trời ơi! Có ý thơ hay nhất trần gian thì cha đã viết ra rồi, chúng con làm sao đủ tài làm bài thơ nào hay như thế nữa. Vả lại có một người biết được thơ hay thì cũng đã chết rồi ,vậy chúng con còn lao tâm khổ tứ làm chi cho uổng!
Từ đó dân làng thấy hai người không bao giờ làm thơ nữa. Họ toàn tâm toàn ý cho viêc cày cuốc ruộng vườn nên chẳng mấy chốc mà trở nên giàu có.
Trần Kế Hoàn