Home » Tin tức » Gương mặt văn nghệ

NSND Tào Mạt - “Vua chèo” đất Bắc

WEDnesday - 10/09/2014 03:26
NSND Tào Mạt

NSND Tào Mạt

Tên tuổi của NSND Tào Mạt không chỉ nổi tiếng trên đất chèo xứ Bắc. Bộ ba Bài ca giữ nước đã khẳng định tài năng của ông, đưa ông vào hàng những người viết kịch bản chèo hay nhất Việt Nam.
 
 

NSND TÀO MẠT - "VUA CHÈO ĐẤT BẮC"

 

Tên tuổi của NSND Tào Mạt không chỉ nổi tiếng trên đất chèo xứ Bắc. Bộ ba Bài ca giữ nước đã khẳng định tài năng của ông, đưa ông vào hàng những người viết kịch bản chèo hay nhất Việt Nam.


 
 
1
Một nhân vật lớn của làng sân khấu với không ít lận đận
 
Tào Mạt (1930-1993), tên thật là Nguyễn Duy Thục, sinh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Với tư cách là nhà văn sân khấu, ông đã cho in hơn 20 vở kịch, chèo, trong đó có nhiều vở đã dàn dựng thành công trên sân khấu, tạo hiệu quả xã hội, gây được ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ trong công chúng, đặc biệt là bộ ba chèo lịch sử "Bài ca giữ nước".
 
Bộ chèo "Bài ca giữ nước" gồm 3 phần liên hoàn: Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính, Lý Nhân Tông học làm vua là tác phẩm tiêu biểu của ông. Ba vở chèo kế tiếp nhau kể về một chặng đường lịch sử Việt Nam ở triều đại nhà Lý với sự xuất hiện các nhân vật chủ chốt của quốc gia lúc bấy giờ cùng với sự kiện lớn nhất.
 
Theo PTS Trần Đình Ngôn, bằng sự kết hợp tổng lực của trí tuệ, tâm huyết tài năng, Tào Mạt đã tạo nên những hình tượng sinh động, đạt tới giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức rung động lòng người và tác động xã hội sâu sắc, có thể coi là tác phẩm tiêu biểu nhất cho sân khấu chèo trong ba thập niên gần đây. Ông đã kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại trong hình thức nghệ thuật, bảo đảm sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, tạo cho tác phẩm những giá trị cao trên cả ba mặt : triết học, nghệ thuật và nhân văn.
 
Ấy nhưng khi Lý Nhân Tông học làm vua ra đời, gây tiếng vang lớn và trong một hội diễn ở Nghệ An, các vị giám khảo đều nhất loạt cho điểm 10 thì đồng thời nó cũng nhận được những phản ứng tiêu cực của một số vị “tai to mặt lớn”. Vở diễn chìm đi một thời gian khá dài.
 
Vở diễn đả kích trực diện thói hư, tật xấu của các quan bề trên, đặc biệt là nạn tham nhũng hoành hành, là tiếng chuông gióng lên khá sớm với một vấn đề “nóng” và còn mới mẻ ở thời điểm ấy. Quan tri châu lấy kho thóc phát chẩn cứu đói cho dân tuồn ra cho lái buôn bị nhiếp chính Ỷ Lan vạch mặt được cho là có ý “ám chỉ”. Cảnh ông hề già đòi chuốc rượu say để được chôn sống cũng gây “sốc” đối với không ít người ở thời điểm đó. Cái chết của hề chèo dường như được ông gửi gắm nhiều ẩn ức nội tâm chưa thể giãi bày.
 
Thế là Tào Mạt bị “chỉnh đốn”. Ông rơi vào trạng thái trầm cảm. Gia đình đưa ông về quê để tĩnh tâm. Buổi chiều, ông tha thẩn ra ruộng rau muống hái rau làm thú vui. Vợ con ông phải “nói khó” với những người trồng rau để họ không quở trách ông. Nhưng vợ ông, bà Trần Thị Bát, tiết lộ rằng, đó là một cách “ở ẩn” của ông, vì càng lặng lẽ, cảm hứng sáng tạo của ông càng dâng lên mãnh liệt. Ông tiếp tục ấp ủ những vở diễn mới cho đến khi ngã bệnh và ra đi ở tuổi 63.
 
1
 
Trong ký ức người vợ
 
Tào Mạt trong ký ức của người vợ là những câu chuyện buồn, vui xen lẫn và chất chứa không ít nỗi niềm đắng đót. Khi ông sống trong khu tập thể quân đội trên phố Lý Nam Đế, bà và các con ở Nam Định.
 
Ông có tính hay quên. Mỗi lần phơi quần áo, ông mải việc, chiều tối không đem đồ vào nhà nên thường bị lấy cắp. Một lần ông được mời về Nam Định, quê vợ để nói chuyện về nghệ thuật chèo. Sau khi diễn thuyết, ông bước xuống mới lộ ra chiếc quần với hai mảng vá to tướng bên mông...
 
Một lần, bà cô của Tào Mạt từ xa đến chơi. Sau bữa ăn, Tào Mạt cầm sách đọc theo thói quen. Bà cô là người hay chuyện. Sau khi nói một thôi một hồi, thấy Tào Mạt vẫn chăm chăm vào sách, bà nổi đoá xông đến bạt tai rồi mắng mỏ: cô vượt đường sá xa xôi đến thăm gia đình cháu không phải để ăn bữa cơm rồi về, nhé...
 
Tào Mạt ôn tồn nói với cô: “Cô ơi, cô thấy cháu đọc sách trong khi nói chuyện với cô, cô đánh cháu là đúng rồi. Nhưng trước khi đánh cháu, cô hỏi cháu xem cháu có nghe cô nói không”. Thế rồi Tào Mạt nói vanh vách lời cô vừa nói. Cô nghe đến đâu nước mắt chảy đến đó vì hiểu nhầm cháu....
 
Tào Mạt là người thểu thảo. Có lần, ông nhận được khoản lương 100 đồng. Thấy có người bạn đang rơi vào túng bẫn, ông đem cả tháng lương cho hết trong khi, vợ con ông cũng nào có dư dật. Kịch bản một vở chèo đứng tên ông và một người bạn được nhuận bút 400 đồng, ông cho người bạn nhận tất cả số tiền này. Mà thời ấy, cátsê của các nhà biên kịch và đạo diễn còn rất hẻo...
 
Những ngày trên giường bệnh, Tào Mạt vẫn thèm ăn những món quen thuộc của quê hương. Bà Bát được ông hướng dẫn chi tiết công thức và cách chế biến món thịt lợn nấu theo kiểu giả cầy. Tiết lợn được hoà trộn vào thịt tạo màu và độ sóng sánh trông rất hấp dẫn, là đặc sản chỉ có ở vùng quê xứ Đoài, ăn với bánh đúc và được nhiều bà con đi xa mỗi lần nhớ về đều tấm tắc khen.
 
Về xã Hữu Bằng, người thân còn kể lại mối tình đầu của ông với một cô gái trong làng. Hai người không nên duyên nhưng ông còn lưu luyến hình ảnh người xưa và người ta đồn, mối tình ấy phảng phất trong những nhân vật trong vở Bài ca giữ nước..
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Bát mừng vui kể rằng, những vở diễn của ông được các đoàn trong Nam, ngoài Bắc tiếp tục dàn dựng sau khi ông qua đời. Các đơn vị dựng vở nhớ đến ông nên qua nhà thắp hương và gửi chút ít tiền bản quyền cho gia đình. Tuy nhiên, có lần bà được xem vở cải lương Nhiếp chính Ỷ Lan trên sóng truyền hình do một đơn vị phía Nam dàn dựng, nhưng gia đình bà không hay biết...

Nguồn Báo Văn Hóa

 

 

Author: Báo Văn Hóa

Source: vntimes.com.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh