Home » Tin tức » Gương mặt văn nghệ

TÀO MẠT VÀ VỞ CHÈO BỘ BA BÀI CA GIỮ NƯỚC

FRIday - 23/10/2015 05:51
Chân dung Tào Mạt

Chân dung Tào Mạt

Chân dung văn học
 
TÀO MẠT VÀ VỞ CHÈO BỘ BA BÀI CA GIỮ NƯỚC
 
Tôi đã từng đánh cờ với Tào Mạt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tạp chí thời ấy, vốn cũng là một lò cờ tướng, các danh thủ ở nơi khác cũng hay đến đọ sức hơn thua. Lúc ấy, Tào Mạt hay đến phòng Văn nghệ quân đội, mà phòng VNQĐ thì ở chung nhà số 4 Lý Nam Đế với Tạp chí. Hồi ấy Trọng Oanh và Đăng Thục (tên thật của Tào Mạt), cũng là những tay đánh cờ có hạng. Nguyễn Trọng Oanh đi chiến trường B rồi, nên ai đánh với Đăng Thục cũng chờn. Bữa ấy, Tào Mạt đang ở thế thượng phong, nhưng đi lạc một nước, nên chịu hòa với tôi... Đánh cờ cũng hay ham. Nhưng Tào Mạt chỉ đánh một ván rồi thôi không đánh nữa. Chúng tôi ngồi uống trà, nói chuyện. Chuyện rong ruổi từ đông sang tây, từ Nho sang Phật, từ thơ sang chèo... Tào Mạt vừa nói vừa hỏi, hỏi rồi lại bàn, lại giải thích, lại hỏi...
Cái vóc dáng những xương cùng xẩu đầy góc cạnh, lắm lúc tôi thầm nghĩ, ông này mà cho mặc võ phục, cầm long đao, để râu rậm, thì khác gì hộ pháp canh chùa... Gương mặt quắc thước nhưng hơi hốc hác. Người thì đăm chiêu lúc nào cũng như đang suy nghĩ điều gì khắc khoải lắm.
Tào Mạt, tướng trông có vẻ dữ, nhưng lại rất đôn hậu. Cái bút danh, mà ai cũng gọi, coi như tên thật, nghe như là tên tướng Trung Quốc... Tất nhiên tên người Việt thì khá nhiều tên lấy từ chữ Hán, nhưng đã được Việt hóa, còn cái tên Tào Mạt, quả là đặc sệt Trung Quốc.
Đúng như thế. Tào Mạt là một nhân vật chỉ được nhắc đến một lần, với một sự kiện cũng khá đặc biệt ở thời Đông Chu liệt quốc. Đó là trong buổi hội thề giữa vua nước Tề và vua nước Lỗ. Tề mạnh, Lỗ yếu, mà nước mạnh vốn hay coi thường nước yếu, dù trong một liên minh quân sự... Vua Tề ngang ngược cậy thần thế, lấn át. Vua Lỗ khiêm nhường, biết phận, nhịn nhục... Là một mưu thần được đi theo phò tá, thấy vua bị làm nhục trước mọi người, Tào Mạt hầm hầm nổi giận, một tay nắm chặt vạt áo vua Tề, tay rút gươm ra, lớn tiếng trách mắng vua Tề không biết giữ lễ thẳng thắn trách và bảo vua Tề bỏ thói trịch thượng, lên mặt kẻ cả đi...
Vua Tề vừa sợ vừa phục viên mưu thần đầy dũng khí ấy, hạ mình xin lỗi vua Lỗ, sau đó còn đem trả cả đất đai mà nước Tề đã lấn chiếm của nước Lỗ...
Có lẽ thích cái khí phách của Tào Mạt, mà Nguyễn Đăng Thục lấy cái tên đó làm bút danh của mình...
Dạo ấy, Tào Mạt thường hay sinh hoạt với Hội Sân khấu. Tôi được biết, ông rất mê chèo, mê kịch và cũng thường giao du với các tác gia sân khấu hơn là cánh nhà văn, nhà thơ. Ở phòng Văn nghệ quân đội người ta cũng thấy Tào Mạt thường đi chơi với Hoài Giao, Đồng Văn Thuyết...
Tào Mạt quảng giao, thấy những ai có tài năng, học vấn, đều tự đến kết thân. Thực ra, là ông tìm đến để học họ... Tự học vốn đã thành nếp của Tào Mạt... Ông âm thầm tự học lấy nghệ thuật viết chèo, viết kịch, tự học chữ Hán. Ông rất ham đọc sách, và cũng mê lý luận.
Có nhiều buổi Tào Mạt ngồi trao đổi hỏi han, tranh luận về những điều mình đang muốn học, muốn biết, không chán. Tào Mạt tuyệt không bao giờ nói về mình. Với ông dường như lúc nào cũng suy nghĩ và cố gắng học thêm những điều cần học... Và sau đó là lặng lẽ viết. Khi đã để tâm học điều gì Tào Mạt quyết học cho đến nơi đến chốn chứ không học để khoe kiến thức để lòe đời. Chẳng hạn như học về chèo, không những ông truy tìm những lý luận cơ bản về các làn điệu, mà còn có thể hát được những làn điệu ấy... Không những ông học đến mối liên quan khăng khít của các yếu tố trong một vở chèo khi dàn dựng, mà ông còn tìm hiểu kỹ lưỡng lịch sử chèo, những bước cách tân của chèo... Đặc biệt, cái món sở trường "hề chèo" thì Tào Mạt đắm mình tìm hiểu và nghiên cứu.
Thời của ông, các "đại gia" sân khấu khá đông đảo: Nào Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Lộng Chương, Trần Hoạt, Lưu Quang Thuận... Các nhà nghiên cứu thì có Trần Việt Ngữ, Đình Quang, Hà Văn Cầu...
Đến cả cái môn thư pháp, theo người ta kể lại, thuở bé, Tào Mạt theo ông bố vốn làm gia nhân của nhà quan, giúp bố lau sập gụ, tủ chè, nhờ đó mà làm quen với những hoành  phi câu đối, để tự học chữ Hán, rồi từ đó tạo ra được một thư pháp của Tào Mạt. Những năm chống Mỹ, cứu nước, có hai nhà thư pháp, đi cho chữ khắp bạn bè, có lúc viết ngay bên bàn rượu, bàn cà phê, bàn trà, đó là Hoàng Trung Thông và Tào Mạt. Và, cả hai viết đều đẹp đều có cá tính.
Tất cả đều là tự học. Tào Mạt tự học suốt đời, không lúc nào ngưng nghỉ.
Vốn chữ Hán của Tào Mạt, tuy tự học, nhưng cũng khá dày dặn. Tào Mạt viết kịch, viết chèo, không làm thơ trữ tình, nhưng lại rất hay làm thơ chữ Hán tặng những người ông mến mộ hoặc bè bạn. Ông làm thơ tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, bà Quách Thị Hồ, nhà văn Nam Cao và nhiều người khác nữa. Làm rất nhanh, sau đó, tự viết chữ Hán rồi đem tặng. Giá bây giờ đem sưu tập lại tất cả những bức thư pháp của Tào Mạt, sẽ được một tập thơ Vịnh những người nổi tiếng, những văn nghệ sĩ quen biết. Nhiều bài viết ứng chiếu ngay tại chỗ mà ý, mà lời đều khá chỉnh... Tôi có lưu giữ được mấy bài như bài thơ viết nhân đám tang giáo sư Đặng Thai Mai.
Điếu Đặng Thai Mai lão sư
Danh chấn văn đàn đại lão sư
Khai lưu dẫn lộ hữu di thư
Băng tâm ngọc phách ưng trường tại
Thụ giáo nhân năng ngộ lục như

Xin dịch là:
Viếng giáo sư Đặng Thai Mai
Giáo sư danh chấn văn đàn
Di thư mở lối dẫn đường còn đây
Lòng băng, phách ngọc sáng ngời,
Lời hay lẽ phải truyền đời dài lâu...

Bài tặng Nam Cao, nguyên văn viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm nhà văn như sau:
Nam Cao sinh nhật
Tiên sinh thất thập thượng niên thanh,
Nhất thế vi văn vô hạn tình
Nhược kiến kim thiên tân cảnh tượng
Anh hồn tất cổ sắt, xuy sinh...

Xin dịch là:
Nhân ngày sinh Nam Cao
Bảy mươi tuổi vẫn trẻ trung
Một đời văn ấy mênh mông là tình
Quê hương mới, ví được nhìn
Anh hồn hẳn cũng rung ngân nhạc đời.

Năm nghệ sĩ nhân dân ca trù Quách Thị Hồ 78 tuổi, Tào Mạt làm thơ tặng:
Trang tặng Quách Thị Hồ nghệ sĩ
Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương,
Hà Mô lục tuế trại Thu Nương,
Ca trường lạc hội mai tiêu phẩm
Thất bát hồ cầm hựu nhất chương

Xin dịch là:
Trân trọng tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ
Bắc cách, Nam phong,
cung dữ thương
(1)
Hà Mô(2) sáu tuổi sánh Thu Nương
(3)
Ca tàn, hội vãn hương mai ngát,
Bảy tám hồ cầm lại một chương...

Nhưng sự nghiệp của Tào Mạt để lại cho đời thì lại là những vở chèo... Tào Mạt viết cả chèo, lẫn kịch, nhưng những vở chèo được nhiều người biết hơn cả.
Ngay những năm đầu cuộc chiến giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, tôi về làm biên tập báo Văn nghệ, nhận được bản thảo Đường về trận địa của Tào Mạt. Đó là một hoạt cảnh chèo rất sinh động, lời rất nhuyễn. Nhân vật rất ít tiện cho các đội văn công xung kích diễn phục vụ các chiến sĩ ở ngay trên trận địa.
Vở chèo ngắn này Tào Mạt viết chung với Hoài Giao, sau khi được đăng trên báo Văn nghệ, thì được biến thành tiết mục diễn ở nhiều trận địa trên tuyến lửa và ở hậu phương. Một tác phẩm ca ngợi bộ đội và dân chúng kịp thời, với những lời ca trữ tình, chân tình, đằm thắm, rất được hoan nghênh...
Tào Mạt cũng là người xông xáo say đi, say viết. Sau Đường về trận địa, ông thâm nhập tuyến đường Trường Sơn bom đạn khá dữ dội, và khi về viết ngay được một vở ca kịch ngắn Anh lái xe và cô chống lầy. Bởi sống ở ngay thực địa với công binh, với thanh niên xung phong, nên vở diễn đầy cảnh sôi nổi, hừng hừng khí thế chiến đấu mùi bom đạn, cảnh đất đá, khói lửa được viết với những hình ảnh khá sinh động, hấp dẫn. Tính cách trẻ trung của lớp trẻ, lực lượng chủ chốt của bảo đảm giao thông tuyến lửa, giữa những giây phút ác liệt vẫn vô cùng lạc quan. Tào Mạt đã nắm bắt được từ nghệ thuật ca kịch, để dựng được những phân cảnh, những ngôn ngữ đối thoại trong ca kịch khá sống động. Đây là đoạn cô gái thanh niên xung phong ra xưng danh:
Chị em ơi kể từ ngày tôi đây xuất giá...
Tiếng đế: Xuất giá là lấy chồng. Lấy chồng sớm thế?
Cô chống lầy: (Tỉnh bơ) Thử đọc ngược lại xem nào?
Tiếng đế: Lấy chồng - Đọc ngược là chống lầy. Đi thanh niên xung phong chống lầy rồi.
Cô chống lầy: (hát)
Cho nên tôi chửa lấy chồng
Đi chống lầy, cho nên tôi chửa lấy chồng
Hẹn ngày thống nhất cũng không muộn nào.
Hát rằng xương trắng, máu đào,
Tấm lòng yêu nước gửi vào lối xe
Bao giờ giặc Mỹ cút về
Chống lầy lấy ngược sẽ đi lấy chồng
Có ai thương tôi thì hãy để trong lòng...
Những "miếng" chèo như trên diễn viên thể hiện khá dễ, bởi chất chèo, chất lạc quan, nghịch ngợm của chèo cổ đã được vận dụng rất ngọt ngào vào đề tài mới, dễ hát, diễn viên tha hồ trổ ngón. Vở ca kịch này cũng được công diễn phục vụ nhiều lần ở tuyến lửa và ở hậu phương và rất được hoan nghênh...
Những vở trên, dẫu gây được tiếng vang, nhưng vẫn là những tiết mục phục vụ kịp thời, với đề tài nóng hổi. Phải đến Bộ ba chèo Bài ca giữ nước, gồm các vở Lý Thánh Tông chọn người tài; Ỷ Lan coi việc nước; Lý Nhân Tông học làm vua, thì tài năng sáng tạo, viết chèo của Tào Mạt mới thật sự tập trung. Đó là một tác phẩm chèo xuất sắc, ghi lại được dấu ấn với thời gian.
Về đề tài vở chèo đã lấy từ trong lịch sử dễ thích hợp với thể loại mà tác giả lựa chọn. Chủ đề của vở chèo bộ ba liên hoàn này, phản ánh một thời kỳ lịch sử sống động ở thời Lý, giữa những năm Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông trị vì đất nước, nhất là những năm tháng Ỷ Lan thay Thánh Tông nhiếp chính khi chồng đi đánh giặc Chiêm Thành và giúp con trai là Lý Nhân Tông, lúc còn nhỏ để trị nước.
Chiến công, chiến tích, thì lịch sử đã ghi lại rõ ràng, nhưng, diễn biến của lịch sử thì đâu có phải xuôi chèo mát mái... Bên trong còn có nhiều những mâu thuẫn nội bộ, giữa bên trung, bên nịnh, giữa quan tốt và quan tham, giữa những tấm lòng hết lòng vì dân vì nước và những kẻ chỉ quẩn quanh với quyền lợi cá nhân, với danh lợi, quyền lực... Khai thác đề tài lịch sử, đồng thời cũng để bộc lộ tâm can trung thực, những quan niệm của mình với đời nay, đó là ý đồ chân tình của Tào Mạt.
Ông đã dồn tâm huyết cho tác phẩm này, đã huy động tất cả những điều sở nguyện, sở đắc vào nhân vật, vào lời hát.
Những nhân vật trong vở chèo bộ ba này đều được tính toán kỹ lưỡng. Nhân vật chính diện bao gồm: Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Thánh Tông... Còn các nhân vật phản diện là: Hoàng hậu Thượng Dương, Lê Văn Thịnh...
Các nhân vật hư cấu thường ở trong đám thường dân như: Cô Trích, hề Hoạn, hề Nhỡ, hề Con, trưởng lão; phản diện gồm có Tri Châu, Thị Lộc, tên gian Tống, tên Đại Lý... Ưng, Khuyển v.v...
Bộ ba Bài ca giữ nước ngoài việc ca ngợi những thành quả dựng nước, giữ nước của hai triều vua Lý, còn nhằm mượn những xung đột nội bộ của triều đình đương thời, những mâu thuẫn quyền lợi giữa triều đình và dân chúng, giữa quyền hành và trách nhiệm, giữa âm mưu và tài trí, v.v... cũng nhằm đi sâu vào những vấn đề thường lặp đi lặp lại ở mọi thời đại này. Mà, ý nghĩa giữa lịch sử và hiện đại  đã được đề cập và cũng chính là điều hấp dẫn người xem...
Về mặt lịch sử, tác giả đã tôn trọng những sự kiện đã ghi trong sử sách, nhưng cũng có những chỗ tồn nghi của lịch sử, thì Tào Mạt, đã có những dụng ý riêng của mình, nhất là đối với hai nhân vật lịch sử có thật là hoàng hậu Thượng Dương và Lê Văn Thịnh, và chính chỗ có thể tranh luận ở tác phẩm, cũng từ hai nhân vật này.
Nhìn chung kịch bản đã được viết công phu, tâm huyết. Có những đoạn thoại, chính là những điều tác giả gửi gắm với đời. Ngôn từ, bài học đạo đức, tính triết lý, được Tào Mạt trau chuốt thành lời ca, qua lời của Ỷ Lan khi thổ lộ với thái sư Lý Đạo Thành:
Muôn sông về biển Đông là đua chảy vạn dòng
Các sao chầu về hướng Bắc là nghìn xưa đồng lòng
Gốc ở đạo Phật là ở chữ giác
Là người hữu hình nên ai đều muốn biết
Muốn biết vì sao mà có núi có sông
Muốn biết vì sao mà có giống có dòng
Muốn biết vì sao có hoa có lá
Muốn biết vì sao trồng cây có quả
Bởi thế Phật là nghìn mắt nghìn tay,

Cháu chưa biết có phải Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nhưng cháu thấy mọi việc ở đời đều nhờ bàn tay, con mắt. Con mắt bàn tay làm cho vải vóc đầy nhà, lúa ngô đầy đất
Còn như chữ giác phải nhờ ở muôn người:
(đọc kệ) Núi lớn do tích từng hạt bụi
Biển sâu nhờ hợp mọi dòng con
Bàn tay biến cải nước non
Làm nên mọi vẻ vuông tròn gần xa...

Vở diễn với lối văn kịch bản đầy hàm súc trí tuệ; tác phẩm khi lên sàn diễn lại được các diễn viên nhấn nha, truyền đạt bằng nghệ thuật, nên đã có nhiều hiệu quả. Bên cạnh những kiến thức, văn hóa mà Tào Mạt tự học, tự tích lũy được, ông còn soạn vở theo lối dân gian, qua ca dao, dân ca, dân giao, đồng dao... Chất trí tuệ và chất dân gian được sử dụng hài hòa và đắc vị, nên giá trị của kịch bản càng cao.
Thành công lớn ở tác phẩm này của Tào Mạt chính là ở vai Hề Hoạn. Trong các vở chèo cổ, các nhân vật hề với đủ các loại, chỉ là những pha, những vai phụ, làm rôm rả tích trò một lúc rồi lui vào hội trường. Nhưng ở Bài ca giữ nước, Hề Hoạn đã trở thành một nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Hề Hoạn là một nhân vật nhân danh chính nghĩa, nhân danh chính phái, là người đại biểu cho dân chúng, suốt đời đấu tranh cho lẽ phải, cho lẽ công bằng, hết lòng vì dân vì nước... Hề Hoạn, thường là cái gai cho tà phái, và có khi là gai cả với người chính phái, bởi hề dám nói thẳng tuột ra những điều sai, những lỗi lầm của họ... Cũng vì thế mà Lê Văn Thịnh đã chôn sống Hề Hoạn. Và màn chôn sống Hề Hoạn của Tào Mạt được đạo diễn dàn dựng công phu, đã rất ấn tượng và cũng là những hào quang cuối cùng tỏa rạng trên sân khấu chèo... Đó là công của Tào Mạt với chèo.
Bộ ba chèo Bài ca giữ nước, nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm xuất sắc trong lịch sử chèo Việt Nam.
Tào Mạt sau này bị bệnh hiểm nghèo. Nằm trên giường bệnh, ốm o, gầy rạc, vẫn còn đọc sách Phật, đọc tác phẩm bằng Hán văn, và vẫn nổi sung lên khi bạn bè vô tình nói đến những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở ngoài đời...
Với bộ ba chèo Bài ca giữ nước, Tào Mạt được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh... Ông thật xứng đáng hưởng vinh dự với thành quả của mình.
-------------------------
(1) Tên điệu hát và ký xướng âm của phương Đông.
(2) Nơi có xóm ca lâu nổi tiếng của Trung Hoa.
(3) Ca nữ nổi tiếng đời Đường.
 
 
 
(Theo Văn nghệ)
 
 
 
 
 

Source: www.nhandan.com.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh