Home » Tin tức » Gương mặt văn nghệ

THẾ MẠC LẶNG LẼ MỘT HỒN THƠ XỨ ĐOÀI

WEDnesday - 23/01/2019 07:54
Hà Nguyên Huyến - Nhà thơ Thế Mạc đã mất được 9 năm (2 -1 - 2010). 9 năm ấy Xứ Đoài nói riêng và làng thơ Việt Nam mất đi một giọng thơ rất riêng... 9 năm ấy, cứ vào dịp này, những ngày cuối năm ẩm ướt và giá lạnh, có lẽ không phải riêng tôi mà rất nhiều người yêu quý và trân trọng nhà thơ Thế Mạc không khỏi trạnh lòng mỗi lần nhớ đến ông. Chẳng cầm đậu lòng mình... hôm nay - vào một ngày như thế, tôi có một nén tâm hương tưởng nhớ người thầy, nhà thơ tài hoa một thời!
Nhà văn Hà Nguyên Huyến chúc mừng nhà thơ Thế Mạc nhân dịp cố nhà thơ tròn bảy mươi tuổi.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến chúc mừng nhà thơ Thế Mạc nhân dịp cố nhà thơ tròn bảy mươi tuổi.

Thế Mạc là một nhà giáo, điều này bạn bè và những người yêu mến ông có thể khẳng định một cách chắc chắn, thậm chí họ còn có thể nhớ ông lên lớp giờ đầu tiên ở trường nào sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng, lúc nào Thế Mạc là một nhà thơ thì có lẽ (không phải riêng ông mà rất nhiều người sáng tác khác) không ai dám đoan chắc với chính mình… Thế Mạc chỉ thực sự trở thành nhà thơ lúc ông ý thức được và viết: Khi tôi lìa khỏi rừng/ Được chặt ra một khúc/ Tình nhếnh nháng rỗng không/ Lòng tối tăm rạo rực. Môi em kề miệng đấy/ Thổi vào tôi mùa thu (Sáo- Nguồn). Chính đời sống đã ùa vào tâm hồn mà bản chất thi sỹ trời phú trong ông đã để thi ca cất cánh!

Thế Mạc tên thật là Kiều Thể, quê ông ở Xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất, một địa danh rất nổi tiếng của xứ Đoài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nghèo (Thân phụ của Nhà thơ Thế Mạc cũng là một người chọn đời với nghề dạy học), Thế Mạc được nuôi dưỡng và thừa kế một truyền thống hiếu học mà người khơi nguồn là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Cho tới thời cận đại, tên tuổi Nguyễn Tử Siêu với những tiểu thuyết lịch sử hoành tráng (có thể coi Tử Siêu là một trong những đại diện đầu tiên khai sinh ra tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam…), Thế Mạc đã có những khát vọng sáng tác ngay khi còn là chàng sinh viên trên giảng đường Đại học. Thành tựu Văn học đến với Thế Mạc khi ông còn rất trẻ. Ông kể: Ngày ấy, tất tả từ Tây Bắc (xung phong lên miền núi dạy học) về Thủ đô ông vô cùng hồi hộp, hôm nhận giải thưởng thơ ông còn nhớ bên cạnh mình là nhà thơ Ngô Văn Phú (người cùng được giải). Người trao giải là Nguyễn Bính và Xuân Diệu. Xuân Diệu đánh giá cao những bài thơ của Thế Mạc viết về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong những sáng tác ấy là bài thơ Chim sơn ca, (Giải thưởng báo Văn nghệ 1960). Cho đến tận hôm nay nhiều người yêu thơ vẫn không thể không nhắc đến bài thơ này khi nói về Thế Mạc.

Sau một thời gian dài cùng với nghề dạy học, Thế Mạc mang tuổi trẻ của mình đến nhiều vùng đất. Từ Tây Bắc xa xôi đến các bản Mường heo hút của tỉnh Hoà Bình. Hết miền núi lại xuống đồng bằng, ông trở về quê hương. Chính nơi đây ông đã để lại nhiều ấn tượng trong cuộc đời dạy học của mình. Rất nhiều thế hệ học trò đã thành đạt, trong số ấy có những người trở thành những cây bút quen thuộc trên văn đàn. Như một định mệnh, bước vào tuổi trung niên, không ai ngờ con người đã một thời rong ruổi ấy lại chọn thị xã Sơn Tây, một thị xã cổ kính và trầm buồn nằm ven núi Tản để tiếp tục công việc “trồng người” – Một công việc mà ngay cả đến những người thân nhất cũng chưa bao giờ nghe được ở ông một lời tâm sự. Nếu ai đó có hỏi, họ sẽ nhận được ở ông một nụ cười chứa chất nhiều hàm ý!

Thế Mạc chọn một con ngõ nhỏ nằm khuất lấp sau một dãy phố đẹp nhất thị xã, sống trong căn nhà nhỏ khiêm tốn nép mình sau ồn ào phố thị. Những năm Tám mươi của thế kỉ trước, đây là khoảng thời gian đất nước đứng trước nhiều khó khăn. Gia cảnh thanh bần trước một đàn con, tất cả đều nhìn vào đồng lương dạy học eo hẹp của hai vợ chồng ông. Mỗi dịp đầu hè, Thế Mạc dạy kèm cho học trò năm cuối chuẩn bị bước vào kì thi chọn nghề trong các trường chuyên nghiệp. Ngõ đã vắng lại sâu, tiếng thầy cứ vang vang khi bình Kiều, khi giảng về phong trào “Thơ mới”. Đặc biệt, đến Nam Cao ông dồn cả tâm huyết của mình vào bài giảng, hình như cả cuộc đời sư phạm, cả tình yêu văn chương ông dành cho những giờ lên lớp về văn tài này. Vậy mà hầu như suốt cả cuộc đời dạy học chưa thấy ông hỏi ai (kể cả những học trò đã trưởng thành) về chất lượng của những giờ lên lớp ấy! Năm này qua năm khác ông cứ nói về sự tha hoá của kiếp người, cứ nói về khát vọng sống lượng thiện, cứ nói về một tình yêu thương… Hết thế hệ này đến thế hệ khác cứ lần lượt ra đi (kể cả đi vào chiến trờng), một vài năm sau họ dần dần trở lại, chẳng ai nói với ai, mỗi ngày một đông thêm. Những mái tóc bắt đầu nhuốm màu sương gió bên cạnh những gương mặt non tơ, tất cả đều quây quần bên thầy mỗi lần có dịp, kính trọng thầy trong hai từ bình dị: “Thầy Thể”! Thầy Thể đã nghỉ hưu gần hai chục năm, rất nhiều thế hệ sau không được học thầy một giờ nào, khi đến thăm hoặc gặp gỡ vẫn… “Thầy Thể”. Những lúc vui vẻ ông thường nói đùa với họ rằng: “Tôi đã giải nghệ đã từ lâu lắm rồi!” Nói vậy chẳng biết Thế Mạc còn có nhớ đến câu thơ mà ông đã chắt lọc rất kĩ càng trong cuộc đời mới có được:

Giờ
Chùa đã ngập trong nước hồ
Tôi vẫn quì trên thềm đá ong còn lại
(Chùa chìm dưới hồ – Hồ)

Nguyễn Quang Thiều rất thích mấy câu thơ này, anh nói: Viết xong những câu trên Thế Mạc đã trở thành thi sĩ rồi! Những người dân xứ Đoài vẫn thường nói khi đi trên đường cái quan đoạn từ Sơn Tây đến Phủ Quảng (Quảng Oai). Khoảng giữa của đoạn này có một địa danh tên gọi Gốc Gạo Đôi. Chẳng là có một đôi gạo mấy trăm năm tuổi đứng cạnh nhau ngay ven đường, sừng sững giữa cánh đồng, ngạo nghễ vươn cành trong không gian bao la, vào dịp Tháng Ba hoa gạo nở đỏ rực một góc trời. Trải theo năm tháng dân gian thêu dệt vào đây biết bao huyền thoại. Từ những vụ cướp của rợn người đến những chuyện tình lứa đôi mùi mẫn… Dẫu sao đi nữa thì Gốc Gạo Đôi vẫn là một cái tên. Gần đây, để mở rộng đường giao thông, đôi gạo không còn nữa nhưng nếu như có ai hỏi một cách vô tình: “Ông đi đến đoạn nào thì mưa?” Người trả lời sẽ rất tự nhiên: “Đến gần Gốc Gạo Đôi”. Thì ra bao nhiêu năm nay cây gạo vẫn còn mãi trong lòng người. Những tưởng chùa đã chìm trong nước là ngôi chùa đã mất. Hoàn toàn không phải thế, giá trị đã được xác lập của một con người sẽ tồn tại mãi mãi.

Đồng hành với cuộc đời dạy học, một cuộc đời ông gắn bó nhiều năm và bỏ ra nhiều công sức nhưng lại ít thành công về mặt… hành chính! Thế Mạc còn có một cuộc đời thơ. Thế Mạc sáng tác bền bỉ, viết như là một phương thức để tồn tại. Đêm nằm nghe thác Hát hay là thèm khát/ Trái tim đi, hỡi em, ngột ngạt/ Ta đập mình vào đá mảnh bụi tung ra bỏng rát/ đừng nghĩ rằng tiếng quát, em ơi! Nhưng, điều này được ẩn sâu trong nhân cách một người thầy, một người thầy khiêm kiệm đến khắc kỉ. Đây là lí do để giải thích tại sao ông ít xuất hiện trên văn đàn trong khi bạn bè cùng trang lứa đã gặt hái được những thành công nhất định. Mỗi khi có dịp gặp gỡ với người Sơn Tây Ngô Quân Miện, Băng Sơn, Vân Long, Nguyễn Trác, Tô Thi Vân, Trần Quốc Thực… lại hỏi: Thế Mạc dạo này thế nào? Chẳng ai biết trả lời ra sao cả… Rồi tập thơ “Hồ” được xuất bản, sau khi đọc “Hồ” nhà văn Phượng Vũ nói: Lâu lắm lại thấy một tập thơ hay! Có thể nói “Hồ” là sự đột phá trong sáng tác của Thế Mạc, Thế Mạc là chính ông khi “Hồ” ra đời. Ông viết:

Cha lại đi trong sấm người trai Đông Chấn
Mẹ lại xa trong sóng rợn Tây Đoài

Bên cạnh việc đem lại một giọng điệu mới mẻ vào làng thơ, Xứ Đoài được Thế Mạc dựng lên qua tập thơ “Hồ” với dáng vẻ kì vĩ một Tản Viên Sơn Thánh, thẳm sâu trong đời sống tâm linh người Việt mà tầm vóc lịch sử đổ bóng lên mọi thời (Dương Kiều Minh). “Hồ” được UBTQLH Hội VHNT tặng giải A.
*
Thế Mạc là người “dụt dè” trong quan hệ hàng ngày, người mà ông thường xuyên qua lại là nhà văn Nguyễn Khắc Dực. Ông nói: Trước khi qua đời nhà văn Nguyễn Khắc Dực có dặn ông quan tâm đến Nguyễn Lương Ngọc, (một trong số những người con của ông Dực có duyên nợ với văn chương). Không may Ngọc sớm ra đi, chẳng biết có phải tình cảm dành cho Ngọc cũng là tình cảm nặng nợ với văn chương trên mảnh đất này mà Thế Mạc là người không tiếc công sức vun đắp, gây dựng cho rất nhiều thế hệ cầm bút ở thị xã Sơn Tây. Cả đời dạy học có khi không bao giờ làm tổ trưởng tổ Văn, không mấy khi sôi nổi trong các hoạt động xã hội… Vậy mà Thế Mạc đã nhiều năm làm chủ nhiệm câu lạc bộ VHNT thị xã Sơn Tây. Có lẽ đây sẽ là giai đoạn câu lạc bộ để lại nhiều ấn tượng nhất. Những ấn phẩm có tựa đề Sông Tích (tập hợp sáng tác của các thành viên câu lạc bộ) do ông chủ biên mãi mãi sẽ là kỉ niệm đẹp trong công chúng yêu thơ, sống mãi trong lòng bè bạn!

Năm 1998, nhân Sông Tích 3 được phép ấn hành vào dịp Tết, Thế Mạc ra một vế đối như một nét văn hoá truyền thống: Tích tháng tích năm qua một miền như cổ tích. Sông Tích tích tụ nhiều tài hoa văn nhân sông Tích (Sông Tích là dòng sông khởi nguồn từ núi Tản và chảy qua địa phận thị xã). Có rất nhiều vế đối lại rất hay, xin trích ra đây vế đối của ông Đỗ Doãn Quát: Hồ nhớ, hồ thương đã bao kẻ viết thơ Hồ. Say Hồ hồ dễ mấy ai như Thế Mạc say Hồ. 
Sau tập “Hồ” (1996) là tập “Nguồn” (1998), nói như nhà văn Khuất Quang Thuỵ: “Nguồn” là sự tiếp nối của “Hồ”, có lẽ là những gì tác giả còn băn khoăn do dự chưa in ở tập Hồ, vì thế ta bắt gặp nhiều ý tưởng của tập thơ trước…”. 
Có lẽ Khuất Quang Thuỵ đã đúng. Trước khi mang bản thảo đến nhà xuất bản, Thế Mạc đã phô tô ra nhiều bản và đưa cho một số bạn bè đọc để tham góp ý kiến. Chẳng biết có phải khi tập “Hồ” ra đời, mặc dù đã được TƯ LHHVHNT trao giải A (Giải thưởng hằng năm), Thế Mạc vẫn phải chịu rất nhiều sức ép về dư luận trong sáng tác (về phương pháp). Người thì cho rằng đó là một “khuynh hướng thơ… mù mịt, thách đố người đọc”. Người lại nói: Chẳng biết tác giả viết gì trong tập thơ này… Trải năm tháng thời gian “Hồ” đã khẳng định được vị trí trong lòng những người yêu văn chương, nghệ thuật. Thế mới biết độc giả của chúng ta một thời đã quá quen thuộc với thơ theo một xu hướng thẩm mỹ nhất định. Khó có thể chấp nhận được một phương pháp sáng tác (tiếp cận vấn đề) khác. Năng lực thẩm định tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân, bản thân tác phẩm chỉ là sự hoàn thiện đầy chủ quan của tác giả. Dẫu sao đi nữa, những ngày Xuân ngồi đọc thơ Thế Mạc cũng là một điều thú vị, đọc ông ta bắt gặp những câu đầy bất ngờ: 
Có bao nhiêu cốc vũ/ đã rắc trên đầu tôi/ Tóc bạc xanh cốc vũ/ Hà hơi mưa lại tiếp tục cuộc lên đường.

1Tôi đã được đi cùng với thi sỹ vào một ngày như thế. Một ngày mà đất trời như tích tụ bốn mùa cho một vòng luôn chuyển. Tất cả hồi hộp chờ đợi một sự xuất hiện lớn lao mà chỉ có Tự Nhiên mới đem lại những câu thơ ngẫu hứng như vậy:

Tóc bạc xanh cốc vũ
Những giấc mơ đòng đòng.

Đây là hai câu nguyên bản đầu tiên trước khi in thành văn bản tập “Nguồn”, những câu thơ không phải ai ở vào tuổi bảy mươi cũng có thể viết được.

Hà Nguyên Huyến

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh