PHƯỢNG VŨ (1937 - 2000) Quê quán: Phú Xuyên, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chủ tịch Hội VHNT Hà Tây. Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tác phẩm chính: Người anh hùng trên đồng cỏ; Núi chàng rể; Hoa hậu xứ Mường; Trước cửa thiền; Người mẹ và những đứa con; Năm người bạn; Vùng đất có những tên gọi mới.
ĐỒNG CỎ
Phượng Vũ
Khoảng giữa mùa xuân, kỹ sư chăn nuôi Liễu về nhận công tác ở nông trường Suối Bơn. Đấy là một thiếu nữ dịu dàng mà chỉ thoáng nhìn người ta đã thấy mến yêu rồi. Dáng người Liễu óng ả, khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt như lúc nào cũng có ánh mặt trời rọi vào. Mỗi khi Liễu ngước mắt nhìn ai, người ấy phải bàng hoàng lên bởi vẻ long lanh quyến rũ của đôi mắt.
Trạm nghiên cứu bò sữa và giống là nơi Liễu làm việc ở ngay xóm Bơn. Muốn về nông trường bộ Liễu phải đi mười cây số đường đồi thành thử Liễu cũng không tha thiết lắm với việc về cơ quan nông trường bộ. Niềm vui của cô là đồng cỏ và bầu trời đùng đục của mùa xuân, là đàn bò sữa đang lai tạo, hàng ngày ẩn hiện nhấp nhô trên đồng cỏ.
Vào những ngày tháng ba, trời lúc nào cũng xin xỉn màu chì nhưng lại ấm như có hơi người mẹ ấp ủ, Liễu mê mải làm việc trong trại bò. Lúc thì cô theo dõi lượng sữa của giống bò đen loang trắng, lúc cô xem xét lượng bơ trong sữa của bò Xin. Có lúc cô lại ngồi thừ ra trước một thứ bệnh vừa phát sinh ở đàn bò giống. Cô nhắc đến tên các viện sĩ trong ngành chăn nuôi và những kinh nghiệm nuôi bê của anh hùng Hồ Giáo để tìm ra cách nuôi bò tốt nhất. Cô thường gặp những công nhân chăn bò để hỏi về rất nhiều vấn đề mà cô chưa có dịp thấy. Nhưng không phải lúc nào cô cũng hỏi người khác mà đôi lúc cô cũng nói với người chung quanh về khoa học chăn nuôi, về đồng cỏ. Nhân viên trạm quý mến cô bởi tính cởi mở, vui chuyện và nhiều lúc tỏ ra dễ dàng khiêm tốn nữa.
Dần dần, công việc của Liễu bận rộn hơn. Cô bắt đầu đi xuống các đội chăn nuôi, đến các cơ sở nghiên cứu của nông trường. Sau mỗi chuyến đi ấy, cô thấy say mê nghề nghiệp của mình. Mỗi lần đi ra đồng cỏ, hễ thấy một màu sắc mới hiện ra là y như cô bị hút ngay vào đấy. Cô đi qua những cánh đồng cỏ voi, cỏ chỉ, cỏ lông đồi và những bãi cỏ đuôi chồn để tìm hiểu sản lượng, chất lượng cỏ. Cô vui mừng thấy nông trường có nhiều giống cỏ quý và hầu hết các giống cỏ đều có sức chịu đựng sự dẫm đạp của gia súc.
Những ngày đi nghiên cứu đồng cỏ thật thú vị. Liễu cùng với một công nhân chăn nuôi theo đàn bò đến một cánh đồng xa. Trong lúc đàn bò thỏa thích gặm cỏ thì Liễu và đồng chí công nhân đi lang thang khắp các đồi cỏ để tìm thêm những loại cỏ quý cần thiết cho việc chăn nuôi. Có những hôm Liễu mải mê tìm kiếm, ghi chép đến quên cả buổi chiều đang xuống. Đến nỗi có lần đồng chí trưởng trạm phải bảo “Không biết ở ngoài đồng cỏ có cái gì mà làm cô mê đến thế?” Lúc ấy Liễu chỉ cười rồi ngước đôi mắt trong lên nhìn trời. Bầu trời mùa xuân sau cơn mưa sao mà đẹp. Một dải mây ngà vàng rải nhẹ ra khắp nền trời phía đông. Những đám mây xốp chạy dài trùng điệp như một dãy núi và đồng cỏ mùa xuân mới duyên dáng chứ. Những đồi cỏ thấp cứ trải ra, mênh mông, trong những lúc ấy Liễu thấy mình thật sung sướng. Bởi vì sau một ngày làm việc tốt đẹp, lại được nhìn bầu trời trong sáng kia, tâm hồn cô sảng khoái lạ thường. Cô trở về nhà với một niềm vui tràn ngập.
Chỗ Liễu ở là một căn nhà cũ trong xóm Mộc, một xóm nhỏ nhưng đẹp, nằm gối đầu lên bờ con suối Me trong vắt. Liễu quí chỗ ở mới này với vẻ đơn sơ và sự yên tĩnh của nó. Căn nhà tuy hẹp nhưng sáng sủa, chung quanh có vườn cây. Liễu rất thích ở những nơi nào mà chỉ cần bước qua ngưỡng cửa là đã được tiếp xúc với thiên nhiên, nhất là được thấy ngay cái màu xanh rất êm của thảo mộc. Chủ nhà của Liễu là vợ chồng cụ Quý một công nhân chăn bò đã về hưu. Ông cụ chăn bò từ ngày vùng này hãy còn là đồn điền của Tây. Giá mà thày mẹ Liễu còn sống có lẽ cũng xấp xỉ tuổi với vợ chồng cụ Quý. Liễu tiếc là không còn nhớ mặt người cha thân yêu nữa, ngày cha chết Liễu còn nhỏ quá. Người mẹ hiền mà Liễu yêu thương vô hạn qua đời năm Liễu còn là sinh viên. Bây giờ tất cả lòng yêu thương của Liễu chỉ còn gửi vào một người anh trai là sĩ quan quân đội đang công tác ở trên Tây Bắc.
Liễu cũng không nhớ ngày cô từ biệt anh và lũ cháu nhỏ để trở về vùng xuôi học ở học viện nông nghiệp nữa nhưng cái buổi chiều hai anh em chia tay nhau Liễu không sao quên được. Đấy là một buổi chiều cuối thu, anh đưa Liễu đi theo một con đường ven rừng. Anh đã nói rất nhiều về người cha và chỉ đến lúc ấy Liễu mới hiểu rõ về lai lịch cái tên Liễu của mình. Cha Liễu vốn là một ông giáo, một ông giáo đã bạc đầu vì nghề và rất yêu văn học. Trong suốt mấy chục năm dạy học, ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những tập thơ Đường mà ông giữ gìn như vật báu. Ông mê thơ Đường bao nhiêu thì ông cũng yêu những cây liễu trong Đường thi như vậy. Khi đứa con gái út của ông ra đời, ông đã lấy cây liễu trong thơ Đường đặt tên cho con. Ông thầm ước mong đời của đứa con gái nhỏ sau sẽ được thanh thoát và đẹp đẽ như cây liễu.
Một cái tên thường gọi mang một kỷ niệm xa xôi như thế nên mỗi khi có người gọi đến tên mình Liễu lại bàng hoàng như chính cô vừa nghe thấy tiếng gọi của người cha yêu quý. Và mỗi khi nhớ đến cha cô lại cố gắng làm nhiều điều tốt đẹp sao cho xứng đáng với ý nguyện của người đã sinh ra cô. Cô yêu tất cả các thứ cây một phần cũng vì lẽ đó. Cái màu xanh êm ái của cây cối làm cho tâm hồn Liễu lúc nào cũng thanh thản. Cho nên, khi đến ở nhà ông cụ Quý, Liễu rất bằng lòng với chỗ ở mới của mình. Cô thầm cảm ơn người trưởng trạm, trong lúc bố trí cán bộ công nhân của trạm đi sơ tán đã ghép cô đến ở với vợ chồng người công nhân già này.
Chiều hôm ấy. Sau nửa tháng xuống công tác ở đội hai là đội chuyên nuôi bò sữa ở mãi ngoài bìa rừng, Liễu sung sướng trở về nhà. Chiếc xe bò chở sữa của đội đưa cô về tận đầu xóm. Ở trên xe nhảy xuống, Liễu đi thẳng ngay về xóm Mộc. Tới một quả đồi thấp, Liễu dừng lại và đi vào nhà. Ngôi nhà không có cổng thông thống trông ra đường. Phía trước nhà là những cây mít cổ thụ, bên trái nhà là một vườn cây, phần lớn là chuối tiêu. Một cây hoàng lan rất lớn rủ những cành mềm yếu xuống vườn. Hương thơm từ những cành hoa vàng tỏa ra phảng phất khắp khu nhà. Ông cụ Quý bảo rằng cây hoàng lan ấy là di tích độc nhất của cái đồn điền Tây ngày xưa còn sót lại. Liễu không chỉ thấy như thế. Quanh chỗ trạm nghiên cứu của cô và ngay cả khu vực sản xuất của đội hai mà cô vừa mới tới, Liễu còn tìm thấy rất nhiều loại cây trong đó có cả canh-ki-na, cà phê và nền móng của trại bò. Hắn là bọn thực dân ngày xưa đã định lập ở đây một đồn điền lớn.
Liễu nhè nhẹ đi vào trong sân. Hình như bước chân nện trên nền đất ẩm nặng hơn trên nền đất khô cứng nên đã làm cho chú chó vàng đang nằm tư lự ở đầu hè ngẩng lên. Cái vẫy đuôi của chú rõ ràng là lộ vẻ mừng rỡ. Chú chạy bổ xuống sân quẩn vào chân Liễu. Cô cầm chiếc nón đập khẽ vào lưng con vật y như ta nựng yêu một đứa trẻ ngoan. Liễu bước qua đầu hè ẩm mốc vì rêu vào nhà. Lúc này bóng tối đã trùm kín ngôi nhà. Liễu đánh diêm châm đèn, một thứ ánh sáng chập chờn hắt lên mấy bức tường. Qua làn ánh sáng mung lung ấy, Liễu thấy đồ đạc trong nhà vẫn y nguyên như hôm Liễu đi. Trên tường gian bên phải vẫn treo bức chân dung một thiếu phụ còn trẻ nhưng nét mặt hơi buồn. Đấy là bức vẽ gợi cảm xúc, chỉ thoáng nhìn người ta cũng thấy được khi vẽ nó họa sĩ đã phải cố nén cái thổn thức trong lòng mình. Đối diện với bức chân dung là một bức tranh lớn vẽ phong cảnh biển. Vào một buổi sớm mai, mấy con thiên nga trắng vươn dài cổ và sải cánh bay trên mặt biển xanh thẳm, bao la. Nhìn tư thế bay của chúng, Liễu hiểu rõ rằng mấy con thiên nga ấy sẽ bay rất cao, rất xa trên đôi cánh sung sức của chúng và trên nền trời vô tận. Ngay hôm mới đến, Liễu đã phải ngẩn người ra vì cái màu sắc rất êm của mặt biển và vẻ hùng vĩ của những con thiên nga đang bay. Liễu còn nhớ rõ, hôm mới tới, thấy Liễu đứng như mê đi trước bức tranh, ông cụ Quý đã rụt rè giải thích:
- Đấy là bức vẽ của thằng cháu nhà tôi. Nó là phi công nhưng lại thích vẽ cô ạ. Bức tranh kia là nó vẽ mẹ nó. Mẹ nó mất sau ngày được tin bố nó chết ở ngoài Côn Đảo. Mười mấy năm rồi mà nó vẫn nhớ mặt mẹ nó. Nó cặm cụi vẽ bức tranh ấy hàng tháng giời. Còn bức tranh kia, nghe đâu nó mang tận bên nước bạn về.
Ngoài hai bức vẽ lúc nào cũng ánh lên sự sống ra, Liễu còn thấy những mô hình máy bay và một chồng sách cũ đã ngả màu vàng mà có lẽ lâu lắm chủ nó chưa mó tới. Mấy thứ đồ vật ấy trước đây thiếu hẳn người trông nom, nhưng từ khi Liễu đến ở, chúng đã được cô săn sóc đến. Lúc thì là một cái nhìn âu yếm, lúc là một bàn tay vuốt ve. Cô yêu tất cả những gì mà trong sướng vui, trong đau khổ người ta đã tạo ra nó.
Vốn mang một tình cảm dễ gần như vậy, chỉ một tháng sau Liễu đã chiếm được lòng yêu của vợ chồng cụ chủ. Vợ chồng cụ Quý coi cô như một người thân. Chả thế mà những buổi tối đẹp trời, bà cụ Quý ngồi rủ rỉ nói chuyện với Liễu rất nhiều. Đấy là chuyện về người con trai của cụ hoạt động cách mạng bị địch bắt đầy đi Côn Đảo rồi chết ở ngoài ấy: Chuyện về người cháu trai độc nhất của cụ là phi công đã nhiều lần chiến đấu với máy bay giặc Mỹ. Mỗi lần nói chuyện về người cháu trai, giọng bà cụ dịu dàng và đầy nỗi yêu thương. Tuy chưa gặp người con trai ấy nhưng cứ ngắm bức tranh của anh, nhìn chồng sách anh mang từ nước ngoài về, Liễu bỗng thấy như đã có lần gặp anh ở một nơi nào rồi.
- Chả có lẽ, anh ấy là một phi công dũng cảm. Còn mình, mình chỉ là một người tầm thường.
Mỗi khi ngắm bức tranh. Liễu lại nghĩ thầm vậy. Sau một chuyến đi công tác, trở về căn nhà không phải của mình, Liễu không thấy lạ lùng mà trái lại cô còn thấy gần gũi. Tâm hồn cô như bị rằng rịt với tất cả những gì ở nơi đây. Nỗi trống trải mà bấy lâu cô âm thầm chịu đựng cũng tan đi trước vẻ ấm cúng của một gia đình. Liễu biết, người ta có thể thiếu rất nhiều nhưng không thể thiếu yêu thương. Có những đêm cô thao thức, cô nhớ anh, nhớ đàn cháu nhỏ và nghĩ đến ngày mai của mình. Ngày mai sẽ đến với cô như thế nào, cô cứ tưởng tượng ra và cô chắt chiu từng ước mơ nhỏ bé. Một người con trai đã sống ở ngôi nhà này, chiếc sân kia còn phảng phất về. Liệu anh có giống người mà bao lâu nay cô từng tưởng tượng không?
Liễu đứng trong căn nhà mờ tối ngắm bức tranh lâu lắm. Khi cô nhìn ra ngoài trời thì cảnh vật đã hoàn toàn bị bóng đêm ấp ủ rồi. Cô tới nằm bên chiếc giường tre kê cạnh cửa sổ nom ra vườn. Đêm mùa xuân trời long lanh sáng chứ không đen như người ta tưởng. Từ chiếc cửa sổ nhỏ, Liễu nhìn thấy cả một khoảng rất lớn của bầu trời đêm. Mấy ngôi sao ở phương bắc luôn nhấp nháy như những đôi mắt của trẻ thơ. Không khí mát rượi của đêm tháng ba thấm vào người khiến Liễu tỉnh táo. Cô ngồi dậy, vặn to ngọn đèn lên và cầm lấy một cuốn sách trong chồng sách của anh phi công giở ra đọc. Đó là cuốn vở ghi ngày anh còn học ở trường bổ túc công nông. Nét chữ rắn rỏi và cương nghị. Liễu chợt nghĩ đến câu của người thầy giáo cũ nói nét chữ thế hiện tâm tính con người và cô cứ thầm đoán ra tính tình của anh phi công. Hẳn là giờ đây anh đang bay những đường bay mạnh mẽ và cương quyết để đánh đuổi kẻ thù.
Liễu nhớ, có lần ông cụ Quý vui chuyện đã kể về những ngày thơ ấu lam lũ của anh. Anh đã đi chăn bò với ông từ ngày còn để tóc trái đào. Những ngày lang thang trên đồng cỏ nuôi bò cho chủ Tây, người cháy khét mùi nắng, anh thường ngồi dưới bóng những bụi sim mà nhìn lên bầu trời xanh thẳm rồi hỏi ông về các thứ mây. Ông lắc đầu không biết thì anh tỏ vẻ thất vọng nằm dài ra trên nền cỏ khô cháy mà nhìn mãi những con chim nhạn đang bay qua đồng cỏ, trên nền trời rất cao. Nghe chuyện ấy và nhìn bức tranh những con thiên nga đang sải cánh bay trên biển rộng, Liễu cũng đoán ra một phần nào khát vọng của anh. Và cô buồn buồn nghĩ đến mình. Cô đã bao giờ nghĩ đến một việc làm to tát để chuẩn bị cho những ước mơ của mình bay lên chưa?
Liễu nghĩ đến đấy thì ngừng lại. Bên ngoài vừa có tiếng chân người bước. Một âm thanh quen thuộc âm vang khắp nhà:
- Cô đã về.
Ông cụ Quý trong bộ quần áo xanh cũ từ ngoài bước vào nhà, tay cụ cầm một phong thư. Thấy Liễu, mắt cụ sáng lên, cụ bảo:
- Có cô ở nhà thật tốt quá. Anh nó vừa đánh giấy về. Mắt tôi chả nhìn thấy chữ gì, mà anh nó lại viết tháu…
Liễu sốt sắng cầm bức thư ông cụ nhờ đọc. Nhìn con dấu bưu điện Liễu biết bức thư đã vượt một chặng đường xa lắm.
Liễu toan xé bì lấy thư ra đọc thì ông cụ Quý bỗng bảo:
- Hãy khoan cô ạ. Đợi bà lão về nghe nhân thể. Bà lão mong thư nó đến mỏi cả mắt rồi. Không biết bà lão đi đâu mà bây giờ chưa thấy về. Tôi đi đun ấm nước uống cái đã.
Nói xong ông cụ xách cái ấm đun nước đi xuống bếp. Liễu vội vàng chạy ra bảo ông cụ:
- Cụ để cháu đun cho.
Ông cụ gạt phắt ngay đi:
- Thôi để lão. Cô đi xa về mệt cứ ngồi mà nghỉ? Lão chỉ đun thoắt một cái là xong ngay.
Liễu trở vào. Cô ngắm nghía bức thư đã hơi nhầu nát vì qua tay nhiều người chuyển. Tự dưng Liễu nhớ đến những bức thư của những người chưa quen biết gửi cho mình. Những thư ấy đều là thơ làm quen và khi đọc nó cô không hề xúc động. Liễu muốn được đọc những bức thư mà trong đó có thể soi được tâm hồn của người viết. Một bức thư chỉ cần chạm tới cô đã thấy run tay.
Liễu ngồi ngẫm nghĩ một lát, ông cụ Quý đã cầm chiếc đèn hoa kỳ từ dưới bếp lên. Ông cụ pha trà, rót ra mấy cái chén hạt mít rồi bảo:
- Cô xơi nước đi kẻo nguội. Ấy, từ ngày cô về đây nhà chỉ thuần nước vối. Hôm nọ đồng chí bí thư tỉnh ủy về chơi mới cho ít chè. Nghe đâu như là chè Mèo cơ đấy. Ừ, chè thơm lắm, cô uống thử xem có phải giống chè trên núi cao không nào? Có ngụm chè, nó cũng tỉnh người, cô ạ.
Ông cụ vừa uống vừa nói chuyện với Liễu. Giọng ông cụ đầm ấm như đang nói với người thân thiết trong gia đình. Cụ kể với Liễu rằng trong lúc cô đi vắng, đồng chí bí thư tỉnh ủy nhân đi thăm các đơn vị tên lửa đã rẽ vào thăm cụ. Đồng chí ấy trước kia cùng hoạt động với con trai cụ và đã có lần ở ẩn trong nhà này. Cụ đã bảo vệ đồng chí ấy để bây giờ đồng chí thành người lãnh đạo cả một tỉnh. Cụ rất vui khi gặp lại người thân xưa, tuy rằng đời cụ đã có những cái mất mát…
- Cô ạ! Cứ trông đồng chí ấy là tôi lại nhớ đến thằng cả nhà tôi. Ấy, nó cũng lành như thằng con nó bây giờ, còn mặt thì hai bố con nó giống nhau như đúc.
Rồi như chợt nhớ ra một điều gì, ông cụ bảo:
- À, cô có biết tình hình về cái máy bay của thằng Mỹ rơi chiều hôm qua ở phía đội hai không? Nghe nói cái máy bay ấy bị tên lửa ta bắn rơi phải không cô?
Liễu vội vàng nói:
- Cháu biết ạ. Chiếc máy bay ấy là do không quân ta bắn rơi cụ ạ. Lúc đang có trận không chiến, cháu ở ngoài đồng cỏ mà. Thành ra cháu thấy rất rõ. Chiếc máy bay Mỹ ấy bị một chiếc Mích của ta bắn rơi ngay từ lúc nó vừa nhô vào chỗ núi Lưỡi hái. Nó cố bay về phía rừng thì bị rơi ở khu vực đội Hai. Thằng Mỹ nhảy dù, rơi ngay xuống chuồng bò dê, thế là bị mấy công nhân vắt sữa bắt luôn. Thằng ấy là một thằng trung tá, cụ ạ.
Ông cụ cười khà khà:
- Trung tá mà chẳng chết à. Không biết anh phi công nào của ta đã bắn rơi thằng ấy. Ra là người mình cũng giỏi thật, cô nhỉ?
Ông cụ uống luôn mấy chén nước, vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên. Mỗi khi những chuyện như thế cụ Quý rất vui. Liễu biết, những lúc ấy ông cụ không khỏi nhớ tới người cháu trai và thầm nghĩ đến những chiến công của anh.
Đêm đó, Liễu đọc thư cho hai ông bà nghe xong thì đã khuya. Cô nằm mãi mà vẫn không thấy buồn ngủ. Cô cứ nôn nao nghĩ đến bức thư của anh phi công và những tình cảm của anh. Anh nói rằng đã nhiều lần anh bay trên vùng trời của nông trường. Anh nhìn rõ từng đồi cỏ, từng con suối. Có lần anh còn thấy cả đàn bò đang ăn trên đồng cỏ. Lúc ấy anh có cảm giác, những con bò sữa giống như những cánh hoa và đồng cỏ thì như một chiếc khăn quàng lụa rất đẹp. Anh nhớ đến ngôi nhà nhỏ trên đồi và cây hoàng lan. Anh nhớ cả đến buổi tối ngồi bên bếp lửa ăn những củ sắn tự tay bà nướng và con đường dốc đánh bậc xuống suối ở sau nhà, con đường mà hai ông cháu đã hì hục làm mất mấy ngày trước khi anh đi học xa… Đặc biệt là anh nhớ đến bức tranh có những con thiên nga đang bay trên biển rộng. Anh dặn đi dặn lại ông bà là cố giữ bức tranh ấy cho anh. Anh chưa về thăm nhà được vì đang đi chiến đấu. Anh đang bay vào miền trong để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc.
Mãi quá nửa đêm Liễu mới chợp mắt được một tí nhưng lại tỉnh dậy ngay bởi tiếng lào xào của vợ chồng cụ Quý. Hai ông bà già hình như cũng chưa ngủ đang còn thì thầm với nhau về chuyện người cháu trai. Không hiểu sao Liễu thấy lòng mình tự dưng xôn xao hẳn lên. Một cái gì không rõ rệt nhưng đẹp lắm đang nhích lại gần đến khiến cô bồn chồn. Trong tâm trí cô cứ chập chờn hiện lên những ý nghĩ đẹp đẽ về cuộc sống. Liễu cứ bâng khuâng nghĩ đến bóng dáng của những người trong gia đình này. Liễu có cảm giác như ngôi nhà ông cụ Quý chính là ngôi nhà yêu dấu Liễu đã cất tiếng chào đời, đã sống trong những ngày nhỏ dại và đêm nay Liễu là người đi xa mới trở về.
Tháng 10 - 1966
(Theo: Xứ Đoài Văn)