Home » Tin tức » Văn

HẠC TRẮNG

FRIday - 19/09/2014 22:12
Nhà văn Hà Nguyên Huyến

Nhà văn Hà Nguyên Huyến

NHÀ VĂN HÀ NGUYÊN HUYẾN Tên thật: Hà Nguyên Huyến Năm sinh: 1958 Nơi sinh: Hà Tây Thể loại: Truyện Các tác phẩm: Lá thuốc dấu (1999) Thung mơ (2000) Tiếng đất (2002) Đất qua lửa (2004) Nơi bắt đầu tuổi thơ. Giải thưởng văn chương: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1998-2000. Giải thưởng cuộc thi sáng tác Văn học cho thiếu niên nhi đồng – Nxb Trẻ. Giải thưởng văn học Nguyễn Trãi - Hội VHNT Hà Tây Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Hội VHNT Hà Tây, 2001
 
 
HẠC TRẮNG
 
 
Hà Nguyên Huyến
 
 
 
Ngày phục viên, vợ chồng Vọng đưa nhau về quê. Về làm dâu quê chồng ở một vùng trung du, chị ngỡ ngàng trước núi đồi, cỏ cây và nhất là dòng sông cuồn cuộn chảy. Chị chóng mặt nhức đầu trước sức nước lúc nào cũng như réo sôi lên, dòng sông uốn lượn ngoằn ngoèo giữa cái thế đất sừng sững bất ngờ đâm ngang như muốn chặn đứng dòng chảy. Chị bảo anh: "Quê em dòng sông bốn mùa ăm ắp, nước lững thững hiền hòa theo mương thủy lợi tưới mát cho cánh đồng thẳng cánh cò bay. Quê anh - chị lắc đầu - biết làm sao sống nổi". Anh nhìn chị, cái nhìn chan chứa và đầy nghị lực. Anh đặt thằng Viễn xuống, nó bò lổm ngổm trên vạt cỏ, rồi đưa tay giật một bông hoa bướm vàng rười rượi. Nó ngẩng nhìn anh chị toét miệng cười. Anh bảo chị: "Có người có ta, lo gì". Lúc ngoảnh lại thằng Viễn chui tọt vào một bụi cây ven đường, lôi được nó ra, tóc nó mắc đầy những chùm ké dại. Chị gỡ ké, có chỗ tóc và ké kết thành cục không tài nào gỡ nổi, cắt tóc của con mà nước mắt chị lưng tròng.
 
Nhìn hai mẹ con, anh cũng thấy ngùi ngùi. Anh phóng tầm mắt nhìn ra sông, nơi ngã ba sông mênh mang, mịt mờ sương khói. Trước khi hợp lại hai dòng chảy vuốt cho thế đất nơi "đầu sóng ngọn gió" này nhọn hoắt. Nhìn xa dải đất như một mảng rừng nguyên sinh còn sót lại xanh um một mầu giữa trời và nước. Mùa mưa bão, nước từ các triền đồi, triền núi dốc cả về đây, chồm lên hoang dại như muốn nhận chìm mũi đất. Mùa khô, trời yên nước lặng hai dòng sông bắt nguồn từ hai dãy núi tạo thành hai dòng trong đục: dòng biếc, dòng đào. Từ trên cao nhìn xuống hai dòng sông tựa như hai dải lụa bồng bềnh trên mặt đất, mềm mại giữa các lũng đồi. Người xưa tương truyền rằng: Đây là nơi thủy tụ, nơi tạo sinh khí thiêng liêng cho sông núi. Chẳng biết có phải vì thế mà tiền nhân đã dựng một ngôi đền giữa bãi. Bao năm rồi, dãi dầu mưa nắng gội, trong đền duy nhất còn sót lại một chiếc cồng khù to bằng cái nong vựa. Nghe nói bộ cồng này còn chín chiếc con, đó là những chiếc chiêng năm loạn lạc bị thất tán vào trong dân gian nay chẳng biết có ai còn giữ được. Đó là những bảo vật mà người xưa chế tác rất công phu. Nay chỉ còn chiếc cồng khù. Cồng khù là cồng mẹ, giữ "chịch" trong giàn cồng lễ.
 
Vốn là một "thanh niên xung phong", chị nhanh chóng thích nghi với cuộc sống làng Ghềnh. Sáng sáng nhìn chị tra cán tre vào chuôi dao quắm phát đồi anh thấy yên tâm hơn. Một hôm anh bảo chị: "Tôi phải ra sông thôi mình ạ!". Chị lườm anh rồi mỉm cười bảo: "Mặc ông, ông làm gì thì làm" . Anh dồn mấy tháng phụ cấp của hai vợ chồng ngược rừng. Hơn một tháng sau anh cùng với cái mảng toàn tre, nứa, bương, luồng dềnh dàng về bến sông nhà. Anh hì hục ghép, làm một cái vó bè thả trên sông. Hay chuyện, người chú ruột ra tận bờ sông bảo: "Biết thế này, tao đốt quách cái nhà đi cho mày khỏi về, cho bõ công tao gìn giữ những năm mày vắng nhà. Mấy đời rồi mày có biết không? Chỉ đến mày mới được bước chân ra khỏi cổng làng. Những tưởng mày khá, tìm cách mà ngẩng mặt với thiên hạ cho cả họ được nhờ. Ai ngờ mày mê muội đâm đầu quay về làng, hay cái lời nói kia là thứ bùa ngải trói buộc mày. Mồ mả đất cát kém cỏi đã đến lúc ngơi nghỉ thật". Ông chú bỏ đi, tiếng ho sù sụ của ông như bào lòng Vọng.
 
Đêm đó anh ngồi trên bè uống rượu suông. Chuyện cũ trong gia đình nhoi nhói gợi lại, từ tuổi hoa niên anh vẫn được nghe kể lại rằng:
 
Cụ ngũ đại nhà anh là một vị quan thanh liêm. Nhà vua biết tiếng triệu về kinh thành làm Thượng thư Bộ Hình. Nhưng triều đình vào lúc tham nhũng như giặc, bọn gian thần âm thầm bày mưu tính kế, tìm mọi cách để hãm hại cụ. Một lần, nhân có việc đại tang mẹ, cụ Thượng vào tâu với nhà vua xin về quê chịu tang, nhà vua đồng ý. Trước khi đi có mấy vị quan đồng liêu tỏ ý thân tình, sai thợ ghép sẵn một cỗ hậu sự bằng gỗ thông Ngọc Am, gọi là "lễ viếng". Rồi sai lính hộ tống về tận quê nhà. Xong việc trở lại triều, cụ Thượng nghe tin đồn về mình biết là mắc mưu gian. Cụ đã lấy gỗ của triều đình để "Dụng công vi tư" (lấy của công làm của riêng). Nhà vua cho gọi cụ vào truyền: "Khanh là người giữ phép nước ắt phải biết lề luật, cho được tự xử". Cụ Thượng xin lấy cái chết để phép nước được nghiêm. Nhà vua tiếc tài cho được toàn tính mệnh, chỉ cách quan biếm chức cho về quê nhà và "châu phê": vào gia phả: "Tam đại bất đắc ứng thí" (Ba đời không được thi cử) .
 
Cụ Thượng về quê buồn bã chẳng thiết gì ăn uống, chơi bời gì. Cụ cất một cái vó bè âm thầm sống trên dòng sông quê. Mấy tháng sau, có một người đội ân sâu với cụ, lặn lội từ trong Kinh ra tận nơi bảo: "Quê cụ có một thứ bảo vật mà khắp nơi trên đất nước này không đâu có. Nhà vua đang cần lễ vật để đi sứ, cụ cứ dâng lên nhà vua, thế nào nhà vua cũng ân xá cho, giải đi cái lời nguyền mà con cháu phải gánh chịu oan uổng...". Cụ một mực lắc đầu.
 
Cái vật quý mà người khách bàn với cụ đó là đàn hạc trắng. Đàn hạc trắng bay về mũi đất ngã ba sông đã mấy mươi năm. Rất lạ kỳ! Cái ngày ấy, ngày cụ vinh quy bái tổ cũng là ngày đàn hạc trắng bay về. Mấy người bạn đồng môn thông tuệ nho, y, lý, số bảo cụ: "Đất lành chim đậu, bạch hạc là điềm báo đất này kết phát, thiên hạ vào lúc thái bình đây". Trước khi "xuất gia" về Kinh, cụ dặn con cháu và dân làng giữ gìn đàn hạc cho kỹ lưỡng...
 
Cuối năm đó cụ chết, hôm ấy nửa đêm đàn hạc cất tiếng kêu hoảng hốt. Sáng ra chúng nhất loạt vỗ cánh, như những mũi tên bay vút lên bầu trời. Tiếng kêu thảng thốt ai oán rơi rụng xuống mặt sông cuộn sóng. Từ bấy đến nay chẳng bao giờ thấy đàn chim quý ấy bay về đất này nữa. Những đời sau, con cháu cụ Thượng hay chữ nổi tiếng một vùng. Học trò của các cụ nhiều người đã trở thành ông Nghè, ông Cống, nhưng các cụ chỉ là những thầy đồ dạy học và người cày ruộng. Câu chuyện về cụ Thượng và đàn hạc trắng ở làng Ghềnh lưu truyền mãi như là huyền thoại... 
 
Anh Vọng cứ lặng lẽ làm theo ý định của mình mặc cho người chú nói ra nói vào. Sáng sáng chị ra bờ sông nhận từ tay anh mớ tôm, mớ tép mang ra chợ. Rồi anh Vọng vào làng trình với ủy ban, xin được trồng tre dọc bờ sông. Lúc ấy anh cũng chỉ nghĩ cho đất khỏi lở, tre mà lên tốt, dày, chặt tỉa sẽ có tiền.
 
Người làng Ghềnh cho việc anh Vọng làm là viển vông. Mặc, Vọng cứ cần mẫn làm công việc của mình. "Kiến tha lâu đầy tổ", nhãng đi có vài năm trời mà cả một triền đê xanh mầu tre ấm búi. Cũng năm đó cò về. Lúc đầu chấp chới một vài đôi, mấy năm sau cò đỗ trắng cả bờ sông, no mồi chúng bay ra cánh bãi mũi đất, co chân xù lông ngủ gật. Cánh bãi an toàn như là thế giới của riêng chúng! Đêm đêm cò bay về ngủ cong cả ngọn tre, ỉa cứt trắng toát, lá cây trong vườn ngoài bãi như là bị nhuộm bằng vôi vậy.
 
Lúc ấy, cả làng Ghềnh lại học theo cách làm của anh Vọng. Nhà nào cũng trồng tre, ở đất vườn, họ bảo: "Ngắn ngày, chắc ăn lại giữ được đất, được làng...". Làng Ghềnh um tùm, tre mọc như rừng. Cò và cơ man các loài chim nước bay về. Cuối năm, vào cữ tháng mười ta, từ trên vó bè Vọng quan sát thấy một đàn chim lạ từ phương Bắc bay về. Xa xa chúng bay giăng hàng như một sợi dây, đến gần mũi ngã ba sông, chúng chuyển đội hình bay theo kiểu chữ "vờ" nhọn hoắt: Đến giữa bãi nơi rậm rạp nhất, chúng bay nối đuôi nhau thành một vòng tròn. Đàn chim quần đảo mấy chục lượt trên bầu trời rồi nhất tề đáp xuống. Vọng hồi hộp theo dõi những bóng chim khuất dần trong lau lách.
 
Vọng tợp một ngụm nước mắm cốt, nhoài người xuống nước, cái lạnh đầu đông thấm vào da thịt, anh cảm thấy mình đã có tuổi. Trườn êm trong bồi non, đầu anh ngụy trang bằng một khóm bèo lục bình, anh như lẫn vào thiên nhiên. Cái mùi nằng nặng của con người là không loài chim nào chịu đựng được. Anh lại gần và xuýt buột miệng kêu lên: "Chim hạc, bạch hạc". Vừa đủ chín con. Anh như bị chôn cứng trong bùn vì ngạc nhiên. Loài chim mà anh chỉ được nghe như trong truyền thuyết giờ chỉ cách gang tấc. Toàn thân trắng toát, lông sạch như có ánh xà cừ ngũ sắc. Theo từng chuyển động của thân thể mà mầu sắc lúc ẩn, lúc hiện, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ kia. Toàn thân chim như được giát ngàn vạn viên bạch ngọc vô hình. Cái đài các, kiêu sa mà trời ban cho loài chim này trước mắt Vọng mơ hồ như có thật. Lúc đàn chim tụ lại muôn hồng nghìn tía lung linh tưởng có thể cầm lấy được. Lúc đàn chim giãn ra khối mầu như tan ra vụt biến, theo những tiếng rúc gọi nhau long lanh như từng viên ngọc rơi rụng xuống mặt nước. Hai cái chân lênh khênh đen bóng những vẩy sừng, lớp nọ nối lên lớp kia như ngói mũi lợp dày, vai cắn vai ba đường thẳng tắp. Cái cổ dài, đầu vươn cao ngạo nghễ. Cái mỏ vàng óng đanh thép như một tháp bút bằng ngà... Vọng lẩm bẩm: "Đây là đàn chim linh quý, nó đã bỏ đất này đi cả trăm năm rồi!". Một cái gì đó làm anh bồn chồn rung chuyển. Lặng lẽ Vọng bơi trở lại bè. Những ngày sau anh âm thầm theo dõi và bảo vệ bầy chim quý, lòng hy vọng sự hồi sinh trên mảnh đất này.
° ° °
Tiếng đồn về rừng cò lan rộng một vùng, lúc đầu một vài người hiếu kỳ tìm đến để thỏa mãn trí tò mò. Sau đó khách nườm nượp đổ về, khi đã chứng kiến tận mắt họ kinh ngạc thốt lên: "Đây là vùng đất từ thời hồng hoang nguyên thủy còn sót lại...".
 
Làng Ghềnh nhờ vào du khách khấm khá dần lên. Dân làng cũng ý thức được nguồn lợi này, họ bảo nhau giữ gìn. Cả một sống đất dài mượt mà xanh trong một vùng môi sinh mới hồi phục. Một đoàn cán bộ sinh học về làng Ghềnh khảo sát đất bãi mãi. Rồi họ quyết định thành lập một "Trạm nghiên cứu các loài chim hoang dã". Vọng được họ mời tham dự, anh rất mãn nguyện. Với anh đời sống của muôn loài sinh vật là những bí ẩn đầy lý thú. Mặt khác từ trong sâu xa anh muốn bảo vệ sự sống của đàn chim này. Nhất là đàn chim hạc.
 
Công việc của trạm rất đơn giản: quan sát, ghi chép, phân loại và "đeo vòng" vào chân chúng mỗi một mùa chim về. Thằng Viễn đã lớn, những lúc rảnh rỗi nó làm cùng anh rất say mê. Trong đám trẻ mục đồng có thằng Vĩ, kém thằng Viễn vài tuổi, nó là con một người trong làng. Bố nó bị bệnh chết, mẹ nó nắm nối với một người ở bên kia sông, đi từ lúc nó còn lẫm chẫm mà chưa thấy về làng. Nó lớn lên với người chú rể. Nhà chú nó cũng nghèo lắm, nó phải đi hót phân trâu để đổi lấy miếng ăn. Nó thường lân la xuống bè, rất thích thú với bầy chim.
 
Lần đầu tiên đeo vòng vào chân một con chim bồ nông, trước khi thả nó ra, anh Vọng ngẩn ngơ tự hỏi mình: Nó sẽ bay về đâu? ở đấy có an toàn với nó không? Cuộc sống hoang dã với những quy luật tàn bạo của răng nanh và móng vuốt... Rồi những họng súng săn đang chờ đợi nó! Động lòng trắc ẩn, những cái vòng tiếp theo anh bí mật ký hiệu trên đó một dấu vết của riêng mình. Điều này chỉ có anh và thằng Viễn biết. Năm sau mùa chim bồ nông bay về mũi đất, anh Vọng bắt lại được những con chim cũ. Anh vô cùng mừng rỡ, thấy ở chân chim có thêm hai cái vòng nữa, một cái ở miền nam đất nước, một cái ở mãi bờ biển Australia xa xôi: Anh Vọng rất xúc động, vậy là suốt một chặng đường dài chim bay, vẫn còn những trạm an toàn cho đàn chim hạ cánh. Họ cũng như anh, âm thầm theo dõi những đàn chim di cư.
 
Thời gian cứ trôi đi. Càng say mê với công việc, anh càng cảm thấy mình bất lực. Ngoài những hiểu biết đơn giản và bảo vệ đàn chim một cách cơ học, anh không còn cách nào khác. Từ trong thâm tâm anh muốn có những hiểu biết, kiến thức khoa học để duy trì và phát triển đàn chim. Anh thật sự tiếc cho sự học hành dở dang của mình, nếu như không có chiến tranh...
 
Một câu hỏi cứ xoáy vào lòng anh: "Làm thế nào để nuôi thằng Viễn ăn học suốt năm năm đại học được bây giờ?". Anh chị vấp phải một bài toán hóc búa. Nếu có dồn phụ cấp của cả hai vợ chồng, cũng không đủ chi dùng cho con trong một tháng. Chặt tre ư? Không thể phá tan sự bình lặng của đất làng. Có thể chỉ một thay đổi nhỏ của môi trường đàn chim sẽ bay đi. Anh rùng mình khi nghĩ đến điều đó... Vả chăng, đó cũng chẳng phải là kế lâu dài. May thay, vợ anh tìm được việc làm tại một cơ sở sản xuất tư nhân ở ngay gần trường thằng Viễn học. Cũng lại là chỗ bạn bè đồng ngũ giúp nhau. Thế là mẹ con thằng Viễn vừa có chỗ ở, chỗ làm. Chị hứa với anh sẽ nuôi con ăn học nên người, chị bùi ngùi thương anh ở một mình vò võ nơi bến sông...
 
Vọng là người ít nói, khi vợ đưa con về Hà Nội học, anh càng trở lên lầm lỳ hơn. Trên gương mặt anh thoáng hiện những nét ưu tư. Hàng ngày nếu không có những đồ vó bè nhịp nhàng cất lên mặt nước, thì dân làng Ghềnh cũng không còn biết anh Vọng vẫn tồn tại trên cõi đời này.
 
Thằng Vĩ năng xuống bè hơn. Một hôm anh bảo nó: "Mày xuống đây ở hẳn với tao cho vui, thiếu gì việc". Nó bẽn lẽn cười, gương mặt hồng lên những nốt nhang của tuổi đang lớn.
° ° °
Thấm thoát đã năm năm trôi qua, mẹ con thằng Viễn từ thành phố trở về, trên mặt chị hằn lên những nét dãi dầu nhưng ngời lên niềm hy vọng. Những ngày sau đó thằng Viễn chạy rạc cẳng tìm việc làm mà không đâu nhận. 
 
Một hôm nó chỉ vào đàn hạc:
 
- Con biết một người buôn chim thú quý ra nước ngoài: Nếu bố đồng ý... con sẽ có tiền để xin việc làm.
 
- Không được, không thể làm thế được!
 
Giận dữ, anh Vọng vớ lấy cái điếu cày, lủi thủi đi về làng. Cuối tháng bảy gió se se lạnh, lá tre rụng xào xạc dưới chân. Trời xâm xẩm tối. Những mảnh vỏ trứng sau vụ cò nở cứ sáng lên trên nền đường vào xóm. Tít trên vòm lá lũ cò tranh giành nhau đỗ, kêu nháo nhác loạn xạ. Trằn trọc suốt đêm không ngủ được câu chuyện hồi chiều giữa hai bố con như miết vào lòng, thít vào da thịt. Thằng Viễn bảo:
 
- Không phải là của bố, "Chim trời, cá biển" biết thế nào cho vừa, cho đủ, ai hơi đâu mà giữ. - Giọng nó nghẹn lại, hai mắt nó rưng rưng sáng rực - Vẫn biết bố vì một mục đích tốt đẹp và cao thượng. Nhưng có ai thông cảm và xót thương cho hoàn cảnh nhà mình đâu! Người ta đang bán tất tận tật, miễn là có tiền. - Rồi nó đổi giọng - Bố có thương con không, bố tạo tiền đề cho con đi. Bố mẹ có quyền đòi hỏi cho mình vì những năm tháng ở chiến trường. Nếu bố mẹ chối từ con phải được hưởng điều đó chứ...
 
Anh có tiếc gì con, đến cả phần danh dự cá nhân chị cũng phải nén lại, cam chịu về thành phố làm thuê, làm mướn nuôi con nên người. Nhưng đàn hạc... Mất nó thì đất làng anh sẽ vô phúc một lần nữa...
 
Đêm tàn, cánh hạc chấp chới vỗ trên không trung, tiếng kêu văng vẳng xa gần. Anh không thể nằm yên được, bật dậy anh đi ra bè... Hình như anh đã già rồi. Anh Vọng ngày nào giờ trở thành ông Vọng. Trời đã tang tảng sáng, xuống bè ông Vọng ngơ ngác tìm con, trong lều lạnh lẽo và hoang vắng. Cái vó bè chênh vênh trên mặt nước từ đêm qua chưa được hạ xuống. Ra phía đầu mảng ông Vọng chụm tay gọi ra bốn phía: "Viễn ơi!... Ơi Viễn!...". Tiếng ông vang vọng mặt nước lặng như tờ, chẳng tiếng người đáp lại, chỉ có tiếng chim xao xác giật mình.
 
Bỗng ngoài mũi đất có tiếng chim kêu hoảng hốt, ông Vọng giật mình dụi mắt. Trời đã sáng rõ, trong giàn giạt gió lau lách và năn lác rạp cả xuống. Đàn hạc sải những đôi chân dài, nhất loạt vỗ cánh bay vút lên trời, vừa bay vừa kêu, tiếng kêu lả tả rụng xuống mặt sông. Đàn hạc nối đuôi nhau quần đảo trên trời. Ông Vọng đếm, chỉ còn có bảy con. Trời đất ơi! Thằng Viễn đã làm chuyện động trời. Ông lao mình xuống sông sải những sải dài ra mũi đất. Ông chạy vào đền, rút vội chiếc vỗ sàm vung cánh tay lực lưỡng nện xuống mặt chiếc cồng Khù. Tiếng cồng cái trầm đục âm âm như từ lòng đất phát ra, lan tỏa trên mặt sông, luồn vào lau lách, lần trong bờ tre mái rạ. Tiếng nọ nối tiếng kia, lúc nhanh thôi thúc rộn rã, lúc chậm khẩn khoản thiết tha. Tiếng cồng Khù vang vọng một vùng rồi dội trở lại như tiếng của ngàn xưa... Dân làng thấy động kéo nhau ra cả bờ sông, có người quỳ xuống run run làm lễ. Rồi từ đầu làng đến cuối làng đột ngột vang lên những tiếng chiêng con, tiếng thanh, tiếng bổng đủ mọi âm sắc hòa quyện vào nhau thành một bản tấu cồng trang trọng như một ngày hội lễ. Có lẽ mấy trăm năm nay làng Ghềnh lại có một ngày như thế.
 
Trên trời đàn hạc như bị tiếng cồng thôi miên, chúng khép dần vòng lượn sà xuống dần. Vừa chạm phải mặt đất bất thần chúng lại bốc ngược lên. Cả làng Ghềnh nín thở... Nhưng sải cánh chúng như bị tiếng cồng vít xuống, chúng nghiêng cánh rồi hạ ngay giữa bãi. Cả làng thở phào, những tiếng chiêng dần dần im tiếng. Trong đền ông Vọng thả nhịp chậm lại, nhỏ dần rồi tiếng cồng Khù tan biến vào sương khói.
 
Thằng Viễn bỏ nhà ra đi với đôi hạc trắng. Vợ ông nức nở, lặn lội, vật vã mấy ngày trời rồi ốm liệt giường. Bà đổ bệnh, vết thương cũ tái phát và qua đời vào mấy tháng sau đó. Ông Vọng chỉ còn là cái bóng âm thầm trên cái vó bè lênh đênh giữa dòng sông. Cũng may có thằng Vĩ chập tuổi thành niên đỡ đần, gần gũi nên cuộc sống của ông cũng vơi bớt phần nào. Ông vẫn đeo vòng vào chân các loài chim, như một thói quen của ông gửi vào đó dấu vết của riêng mình. Đã mấy năm mà đàn hạc không hề sinh nở. Ông rất băn khoăn nhưng không lý giải được. Ông lo lắng đến ngày nào đó đàn chim này sẽ tuyệt diệt. Và cả ông nữa...
 
Đàn chim đến, đàn chim lại đi. Đàn chim đi, đàn chim lại về.
 
Mấy năm sau, trong một lần thay vòng định kỳ cho đàn hạc, ông thấy xuất hiện những chiếc vòng lạ, ông xem xét kỹ lưỡng, trong lòng nghi nghi hoặc hoặc... Chẳng nói với ai, ông vẫn âm thầm làm việc và hoàn thành như một trọng trách thiêng liêng. Một hôm người chú lâm bệnh, biết mình tuổi đã cao, khó mà qua được. Người chú cho gọi ông Vọng vào bảo: "Bỏ con chỉ có loài cầm thú, nhà này duy nhất chỉ có mày...". Nói rồi người chú tắt hơi. Vẻ mặt giận dữ suốt từ ngày ông về đến chết vẫn chưa giãn ra được. Ông Vọng nghẹn ngào: "Tuổi trẻ có con đường riêng của nó, mong chú hãy hiểu và thông cảm cho nỗi lòng cháu". Quá xúc động và tủi hờn, ông Vọng khóc ngất đi.
 
Thằng Viễn đột ngột trở về, da nó rám nắng, thoạt nhìn có vẻ phong trần nhưng chững chạc. Nó chạy một mạch ra bờ sông, sầm sầm lao xuống bè. Thằng Vĩ ngồi một mình thẫn thờ. Con bè cô đơn trên sông nước hoang vắng. Thằng Viễn linh cảm đến một điều chẳng lành.
 
- Vĩ... bố anh...?
 
- Vâng - Vĩ nghẹn ngào - Em chẳng biết anh ở đâu mà tìm...
 
Một năm về trước khoảng nửa đêm về sáng, không gian ba bên bốn bề im phăng phắc, chỉ có tiếng cuốc ven bờ khắc khoải cầm canh. Bỗng trên mũi đất, chim cò giật mình rộ lên. Ông Vọng bật dậy linh tính báo cho ông biết có chuyện... Ông lao mình xuống dòng sông, trườn trong nước, hướng về phía đàn hạc. Thấy động bọn săn trộm bỏ chạy. Thằng Vĩ đến nơi tìm không thấy ông Vọng đâu. Nó cất tiếng gọi, chỉ có tiếng của nó dội lại rờn rợn. Nghe tiếng kêu của thằng Vĩ dân làng đổ ra đất mũi. Họ thả thuyền đi tìm, gần sáng mới thấy xác ông tím ngắt dạt vào đúng mảng vó bè. Có người bảo: "Ông Vọng bị cảm lạnh, chuột rút cứng các cơ, đó là hậu quả của việc cố gắng quá sức". Có người lại bảo: "Ông bị đánh bất ngờ vào chỗ phạm".
 
Thằng Vĩ đặt ông Vọng nằm giữa cánh bãi mũi đất ngã ba sông. Nó bảo: "Đó là sở nguyện mà rất nhiều lần ông Vọng đã tâm sự". Hôm đưa đám nhìn nó để tang sô "thít ngang" nằm phủ phục ai cũng mủi lòng. Xong việc, mọi người lên bờ để chuẩn bị về nhà, bỗng giật mình ngơ ngác quay đầu nhìn lại. Trong cái mênh mông trời nước ngã ba sông, các loài chim nước ở đâu kéo về. Chao đảo nháo nhác ngoài đất mũi. Rồi chúng nhất loạt đỗ xuống, mầu lông trắng toát một vùng. Các cụ già chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng ấy, lặng lẽ thành kính thắp hương cúi đầu vái vọng ra mũi đất.
 
Nghe xong chuyện, thằng Viễn òa khóc, tiếng khóc ầng ậc từ trong sâu thẳm của chàng trai đang độ sức lực. Hai đứa chèo thuyền ra nơi đặt mộ, tìm mãi mà chẳng thấy chỗ ông Vọng nằm. Mới có hơn một năm mà sa bồi tràn về lấp kín cả. Thằng Viễn đành cắm những nén nhang xuống giữa bãi rồi quay về. Một vùng năn lác ngần ngật xanh trong gió chiều lồng lộng. Nó ngồi trên lòng bè, nước mắt chảy ngắn dài. Bỗng chốc cái đêm bỏ cha mẹ, bỏ làng ra đi với đồi hạc trắng lại hiện về... Viễn đã bắt một đôi hạc rồi trốn nhà mang lên sát biên giới... Khách là một người rất cẩn thận, bảo: "Cậu phải nuôi đôi chim này đúng một tuần trăng, nếu không có biến động gì thì mới giao tiền". Viễn rất bực, song trước món tiền quá lớn và đang rất cần Viễn đành chấp nhận. Hơn nữa là một bác sĩ thú y, nó tin vào khả năng mình, nghĩ sau này nhất định nó sẽ cho đàn chim này sinh nở trong điều kiện nhân tạo. Viễn nhốt đôi chim vào một cái chuồng sắt. Mấy ngày đầu đôi hạc ăn uống rời rạc, sải cánh soãi ra nhưng không bay được lại buông xuống rũ rượi. Viễn tiêm các loại thuốc, đôi chim ăn uống bình thường. Gần một tháng trôi qua, Viễn khấp khởi mừng thầm. Chỉ còn một đêm nữa, đêm nay, đó là một đêm rằm trăng sáng vằng vặc, những miếng trăng lọt qua mái lều lổ đổ dát trên nền chuồng đôi hạc. Đôi hạc cất tiếng kêu, nửa đêm chúng rũ cánh phành phạch... Viễn nhìn vào, đôi hạc ngẩng đầu, mỏ bói bói vào ánh trăng, hình như đôi hạc nhớ bầu trời. Viễn mệt mỏi thiếp đi, lòng chập chờn những hình ảnh về quê hương và những người thân của mình...
 
Đến hẹn. Sáng hôm sau, chủ khách bước vào lều, cả hai cùng giật mình trước một cảnh tượng hãi hùng. Đôi hạc đứng dựa vào nhau, hai cái cổ vắt lên thanh cầu bắc ngang chuồng sắt, rồi buông thõng xuống, mềm oặt như một cái dọc rau sơn hà phơi nắng. Cái mỏ mầu ngà voi bạc phếch, lạnh lẽo ngậm chặt. Viễn bàng hoàng, hai con hạc đã cắn đứt lưỡi chết tự lúc nào... Viễn ôm đầu bỏ chạy. Vẻ mặt thất thần như kẻ phạm tội, ăn năn vì có lỗi với tiền nhân. Lần đầu tiên Viễn thấm thía câu ngạn ngữ: "Đất lành chim đậu"...
 
Không dám về nhà, Viễn tìm về trường. Biết ngoài đảo cũng có một đàn chim lạ mới xuất hiện Viễn xin ra đảo. Nó đã nhận ra bảy con hạc của xứ sở mình. Cậu lại đeo vòng vào chân chim. Như một thói quen, cậu lại ký hiệu vào đó dấu vết của riêng mình... Lúc này thằng Vĩ mới chợt hiểu thông qua cái vòng mà xa xôi nghìn trùng cha con ông Vọng vẫn nhận được tin nhau...
 
... Ba năm sau ngày ông Vọng mất, hạc bay về mũi đất ngã ba sông nhiều lắm. Khi tháo những chiếc vòng cũ ra đeo vòng mới vào chân chim, cũng như ông Vọng ngày trước thằng Vĩ biết ở một hòn đảo tít ngoài khơi, Viễn đã thành công trong việc tạo môi trường cho loài chim quý hiếm nhưng rất khó tính này sinh sôi, phát triển. Vĩ càng tận tình với công việc nó đang làm... Nó chắc ông Vọng cũng mát lòng nơi chín suối.
 
Đàn bạch hạc đông đúc lại rủ nhau ra bãi cát sát mép nước. Chúng tắm táp, soi bóng xuống nắng chiều ong óng. Những viên sỏi cuộn tròn xoe dưới chân chúng bắt nắng như những cục vàng mười lăn lóc. Rồi chúng rúc đầu vào ức, tự vặt những chiếc lông của mình, những chiếc lông trắng muốt xốp như mây bồng bềnh trên mặt nước. Nước sông dồn chúng lại nhè nhẹ cuốn đi. Trên mặt sông thoảng có một dải lụa bạch lững thững trôi về xuôi...
Xuân, '99
H.N.H
 
 

Author: Hà Nguyên Huyến

Source: vietmessenger.com

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh