Home » Tin tức » Văn

MÙA SƯƠNG

WEDnesday - 09/04/2014 09:38
MÙA SƯƠNG

MÙA SƯƠNG

Không chỉ đến tiết heo may trải đồng, mà trước đó khi những trái bàng quế vàng ngầy ngậy lặng lẽ rơi xuống mặt cỏ tía, chỉ một chút xao động cũng đủ làm cho những chùm hoa thạch thảo run rẩy mà bung ra cái màu hoa trắng tinh. ấy là mùa sương rơi,nhìn mới mung lung huyền ảo làm sao, nó bảng lảng quanh năm và chỉ thực sự gom lại vào mùa se lạnh. Những hạt bụi li ti ấy kết thành màn mênh mông nhìn được mà không đong đếm được; nó lẫn vào tai tóc, quần áo, cuốn lấy chân lấy vai mà bàn tay gỡ ra không được. Nó trắng như bông tuyết, trắng như sữa pha, như bờ vai trinh nữ hay như màu áo trắng học trò... Chịu thôi, nó mung lung huyền ảo thế, gọi tên màu đâu được, thật khổ cho cái mộng đa đoan muốn làm thi sỹ lại bất lực trước cái huyền vi của đạo thơ.
Sương ở đồng bằng ngàn ngạt như khói, nó làm mờ nhoè những vạt lúa nương dâu và con sông mùa nước nổi. Người đi trong sương như đi giữa khoảng không, ô tô, xe máy đi phải khép cửa ga, phát ra ánh đèn đỏ quạch, nhưng đôi chỗ vẫn lộ ra những khoảng sáng. Sương chẳng làm mờ nhoè dáng con gái đạp xe đạp đi chợ sớm. Các cô buộc những chiếc khăn, khăn vải hoa lên mái tóc với quần áo đủ màu, vừa đi vừa nói chuyện râm ran hoà với tiếng bánh xe lăn trên mặt đường nhựa, chỉ nghe thế đã cảm nhận ra cả một nền văn hoá đồng bằng.
Nhưng sương ấy gieo vào thành phố không có ý nghĩa gì mấy. Người ta cần thông thoáng mặt đường không gây ùn tắc giao thông, chỉ có dòng người dòng xe kia mới làm nên sinh khí của thành phố.
Ở rừng núi lại quá trầm mặc thâm u, sương ngủ vùi trong cây, trong lô xô vách đá, lấp đầy thung khe, chỉ tiếng gió u u và tiếng nước suối đổ bên vách đá là làm nên sự ngưng đọng hoang sơ muôn thuở của rừng già.
Thi vị nhất có lẽ là mùa sương quê tôi, một vùng trung du nằm trên bậc thềm phù sa sông cổ dưới chân núi Ba Vì huyền thoại. Sương khói ở đây u linh cùng cổ tích nhất là vào mùa lễ hội, nó cứ ùa ra mà níu lấy chân người. Bắt đầu từ đường 32 rẽ vào trục đường toả hình nanh sấu đi vào các xóm ngõ. Kia là những mảng tường đá ong rung rúc thời gian nắng mưa xoay ổ, kia là mái đình cổ kính rêu phong... chỗ nào cũng phần phật cờ bay và âm vang trống hội. Tiếng chuông chùa Mía rùng rùng như dính vào nhau. Gặp những cô gái Đông Sàng chẳng biết vì son phấn hay vì ánh lửa hắt ra từ các lò nấu kẹo mà môi má cô nào cô ấy cứ đỏ thắm lên. Có dịp vòng vo qua các xóm ngõ trong lãng đãng sương giăng, hình dáng các cô ngồi trước cửa nhà bếp ngiêng vai cắt kẹo, tiếng kéo ròn rã và dứt khoát ngỡ như nhịp phách của các ca nương đang điểm cho câu "Hồng hồng tuyết tuyết". Nếu các cô gái làng Mông Phụ e ấp yếm đào che nụ tầm xuân, kín đáo ngồi dệt vải ở đầu hồi nhà, trong sương mờ giăng giăng kín những bậc thềm, chỉ nghe tiếng thoi đưa và hoa cau toả hương bâng khuâng trên vuông sân nhà cổ, thì con gái Cam Lâm lại hồn nhiên và lãng mạn hơn nhiều. Cứ mỗi sáng, các cô gọi nhau lên đồi hái chè nhí nhảnh vui tươi xoè những ngón búp măng vờn lên những tán cây chè như múa. Các cô hái chè mà như hái cả chùm sương, hái cả mưa nắng trên vùng đồi khô cằn sỏi đá, hẳn vì thế nên cây chè Cam Lâm quyện mùi sương gió, với tình người nên trở thành thứ nước giải khát thơm ngon mát bổ trở thành đặc sản của làng đồi, "Nước giếng Nghè, chè Cam Lâm" đi vào ca dao là phải. Có nhà thơ nào đó đã đem lòng cảm khái:
 " Ấm đất nung nước giếng nghè chè hãm
Cha hả hê tay vỗ miệng điếu cày
Ta lơ mơ như một chàng thi sỹ
Chè Cam Lâm thoạt uống đã say"
 
Tôi có công việc thường phải đi vào lúc sáng sớm, nhìn cảnh vật mơ hồ chìm trong sương như bức tranh lụa. Một không gian tĩnh lặng thoáng đãng và tinh khiết lạ thường. Người cảm thấy nhẹ nhõm, bước một như bước hai tựa hồ sau lưng mình có cánh đang bay lên hít thở không khí trong sạch của vùng đồi. Nhất là lúc gặp nhiều người đi bộ thể dục buổi sáng sớm, già thì quần áo ngủ, trẻ mặc quần ngố áo phông nhiều người vừa đi vừa vươn vai hít thở, có người ngồi thiền bên bờ sông Tích. Cái tĩnh và cái động hoà nhau trong một chuyển động nhịp nhàng, tưởng đơn giản nhưng là sự thay đổi lớn của cuộc sống có nhiều ngưng đọng của cư dân làng cổ. Cảnh này mấy năm trước chỉ có thể nhìn thấy ở các khu dân cư đô thị, mỗi lần qua Sơn Tây thấy người đi  bộ thể dục quanh thành cổ, nhìn họ ai cũng  nhanh nhẹn mạnh khoẻ, nét mặt ngời sáng tươi vui, tôi cứ ước làng quê mình con người cũng hướng về các hoạt động như thế. Một xã hội văn minh tiến bộ là một xã hội mà con người hướng về văn hoá thể thao, nó làm cho dân cường nước mạnh. Giờ thì ở quê tôi cuộc sống đã khác hẳn. Sáng sáng, từ lúc trời còn mù sương tiếng người đã ý ới gọi nhau đi bộ thể dục. Chỉ nhìn qua hoạt động ấy đã  thấy đời sống vật chất tinh thần của dân chúng đã được cải thiện và mặt bằng dân trí đã nâng lên. Tôi cũng tích cực tham gia đi bộ thể dục, đi mãi thành thói quen, chứng đau lưng thấp khớp tự nhiên khỏi dần, quả là cách chữa bệnh không mất tiền mua thuốc mà khỏi, thêm vào đấy thấy lòng vui vẻ thư thái hẳn lên. Còn những ai mang tâm hồn thi sỹ, thì khói sương là món quà tặng quý nhất để cảm xúc bay bổng giữa bầu trời thi ca .
Khéo đa tình thế khói sương
Dìu vai nhau bước trong hương gió lành
Nhìn dòng thác trắng long lanh
Ngỡ đang bạc tóc lại xanh mái đầu.
 
Khải Hưng
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh