Home » Tin tức » Văn

SỰ HY SINH CỦA HAI NỮ NGHỆ SỸ BẮC THÁI Ở TRƯỜNG SƠN

SUNday - 10/11/2013 09:03
Văn công biểu diễn ở Trường Sơn.

Văn công biểu diễn ở Trường Sơn.

Ngày quốc tế phụ nữ, tôi muốn viết tặng các chị, các em, các con, các cháu một cái gì đó thật xanh tươi, nhưng trái tim lại thôi thúc tôi phải viết những dòng đau buồn này, những mong làm mát được một chút vong linh người đã mất.
 

 SỰ HY SINH CỦA HAI NỮ NGHỆ SỸ BẮC THÁI Ở TRƯỜNG SƠN
 
           Ngày quốc tế phụ nữ, tôi muốn viết tặng các chị, các em, các con, các cháu một cái gì đó thật xanh tươi, nhưng trái tim lại thôi thúc tôi phải viết những dòng đau buồn này, những mong làm mát được một chút vong linh người đã mất.
          Tôi vừa được một vị tướng già gửi tặng cuốn " Trường Sơn - tượng đài bất tử", tập văn thơ của nhiều tác giả từng chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh năm xưa. Trong đó có hồi ức của nhà thơ Trọng Khoát, nguyên trưởng ban Văn hóa Văn nghệ bộ đội Trường Sơn "về những đội quân tuyên truyền văn hóa" có nhắc đến " đoàn văn công Bắc Thái hy sinh hai nữ nghệ sỹ trên đường phục vụ bị bom Mỹ đánh trúng mà nay vẫn chưa tìm thấy mộ".
          Đó là mùa khô 1971 - 1972, bất chấp đạn bom ác liệt, bất chấp nắng lửa Trường Sơn, nhiều đoàn văn công miền Bắc vẫn hăng hái vào chiến trường phục vụ bộ đội và nhân dân khi ấy đang mùa tiến công và nổi dậy. Binh trạm 35 chúng tôi chiến đấu ở lưu vực sông Sê Kông mà chúng tôi thường gọi là sông Bạc, vinh hạnh được đón anh chị em đoàn văn công Bắc Thái (tỉnh Bắc Thái nay tái lập thành hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên). Các anh chị lần lượt đi khắp các đơn vị, thăm hỏi, động viên chiến sỹ, thương binh bằng lời ca tiếng hát và bằng cả những vở kịch vui. Đặc biệt, hai nữ nghệ sỹ như hai đám mây lành làm mát cả chiến trường bằng những nụ cười tươi, bằng ánh mắt trìu mến, bằng giọng nói ngọt ngào của phụ nữ  mà đã lâu lắm, anh em chúng tôi, nhất là cánh lính già không được nhìn ngắm và nghe thấy. Tôi còn nhớ, một chị tên là Mai, một chị tên là Lựu, chị Lựu có chồng cũng là nghệ sỹ trong đoàn.
          Đại đội chúng tôi  chốt bên một con đường ngang nối giữa cây số 42 đường 22A với cây số 13 đường 22C. Ở hai đầu con đường đó , địch canh giữ và bắn phá ngày đêm bằng đủ loại máy bay và đủ loại bom đạn. Chúng tôi phải chia nhỏ đoàn nghệ sỹ, mỗi xe chở hai người mới đón được các anh chị về nơi đóng quân an toàn. Ở các đơn vị khác, các anh chị diễn ngay trên mặt đất, thậm chí trong nhà hầm, còn cánh xe chúng tôi chỉ cần hạ ván thành của bốn chiếc jil 130 rồi đấu đuôi lại với nhau từng đôi một, căng bạt làm hậu đài là có ngay một sân khấu đủ rộng cho các anh chị. Hai chiêc xe khác khung mui bịt bạt kín bưng làm phòng hóa trang. Các chiến sỹ ngồi dưới bóng cây rừng, những khuôn mặt hốc hác vì thức đêm và sốt rét, say sưa như uống từng lời ca tiếng hát. Mọi người cười nghiêng ngả khi xem hai vợ chồng chị Lựu diễn kịch, chị đóng vai mẹ, chồng chị đóng vai con...
          Sau khi biểu diễn, các anh chị còn đến từng chiếc xe, nơi chúng tôi đang chăm sóc, chuẩn bị tốt nhất cho chuyến hàng xuất kích khi mặt trời xuống núi, thăm hỏi từng người và hát cho chúng tôi nghe mãi không thôi.
          Đại đội có chàng lính mới tên là Sơn. Sơn có biệt hiệu là Con Gái bởi môi nó đỏ như máu, da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun. Là lính mới nên tay lái của Sơn chưa thành thục và chưa nhiều kinh nghiệm trận mạc, ban chỉ huy tạm cho cậu ta giúp anh em nuôi quân trong những ngày áp tết. Khỏi phải nói hai chị văn công quý Sơn như thế nào, trong mấy ngày ở lại đại đội, rảnh chút nào là các chị xuống tổ nuôi quân gặp Sơn, và Sơn cũng làm nũng các chị ra phết...
          Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang,  đã đến lúc chúng tôi phải đưa các anh chị đến biểu diễn ở đơn vị bạn ngoài cây số 0 đường 22C. Tổ nuôi quân được lệnh cử một đồng chí theo xe ra tiểu đoàn bắt lợn về cho anh em ăn tết, Sơn xung phong , nhân thể cùng ngồi một xe tiễn các chị văn công một chặng đường. Cả đại đội lưu luyến ra tận cửa rừng chia tay các chiến sỹ văn hóa, ai ai cũng cố gắng bắt tay suốt lượt mong có ngày gặp lại. Thế rồi giờ G đã điểm, những chiếc xe như những lùm cây từ từ chuyển bánh, đi lắc lư dập dình trong bình minh đen, vẫn lấp láy những ánh mắt nhìn theo trìu mến.
          Ngầm A42, con đường vượt qua suối Tà Rế, suối không rộng, nhưng đường xuống suối trống trơn không cách gì ngụy trang che mắt địch được. Địch cũng biết chỗ yếu này của ta nên không phút nào chúng rời con mắt cú vọ. Vào thời điểm đó, kỹ thuật trinh sát "đường mòn" của chúng đã đạt trình độ nghệ thuật, rada hồng ngoại đã thay thế ánh đèn dù ma quái mà kém hiệu quả, bom lade với độ chính xác gần như tuyệt đối đã  thay thế các loại  bom thông thường. Đối lại, nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chống ngăn chặn cũng đã tiến những bước nhảy vọt. Đi vài trăm mét, chúng tôi phải dừng lại nghe máy bay địch, toàn thân chiếc xe phải được phủ kín lá ngụy trang sao cho không một tia hồng ngoại nào có thể lọt được lên trời. Nhưng, như một định mệnh, địch đã phát hiện được đoàn xe, trớ trêu thay, chiếc xe bị lộ lại chính là chiếc xe chở Sơn và hai người con gái!Ở một nơi địa hình trống trải như bên bờ ngầm A42, lá ngụy trang đã trở nên vô hiệu, dù là trong màn đêm. Chiếc xe bị địch bắn hỏng ngay loạt đạn đầu.
           Không nghe được tiếng chỉ huy của người lái xe, hai nữ nghệ sỹ theo Sơn chui vội vào chiếc hầm kèo cách nơi xe đỗ vài bước chân. Chiếc AC130 như một hung thần xà xuống rất thấp, bất chấp pháo cao xạ dựng trên nền trời đen cả màn đạn lửa,  tiếng gầm của nó tưởng như có thể làm bay được cả đất đá bên đường. Nó vẽ những vòng tròn có tâm là chiếc xe xấu số và không ngừng nhả đạn. AC130 là máy bay vận tải sức chở 30 tấn được địch cải tiến thành máy bay cường kích với hỏa lực chủ yếu là đại bác 40 ly bắn bán liên thanh, có thể bay và bắn suốt đêm không nghỉ. Tuy vậy cũng phải mất đến hơn mười phút, chiếc xe gan góc mới chịu bùng cháy. Theo quy luật, chiếc AC130 ngừng phát hỏa, nhường chỗ cho F4 lao vào đánh bom sát thương bộ binh.
         Có lẽ tiếng đại bác chát chúa, khói đạn và khói xăng xộc vào hầm đã làm Sơn mắc phải sai lầm thứ hai, cậu ta dẫn hai chị thoát li căn hầm, nhằm tìm kiếm một căn hầm khác xa hơn, an toàn hơn. Nhưng không kịp nữa rồi, tiếng "con ép" rít như xé rách bầu trời, và tiếp đó là tiếng gầm dữ dội của hai trái bom phát quang...
          Khi chiến trường đã hoàn toàn im lặng, chúng tôi đưa ba người vẫn còn thoi thóp thở về trạm phẫu thuật bản Lôi, họ đã trút hơi thở cuối cùng tại đó. Chồng chị Lựu, trước khi vĩnh biệt người vợ thân yêu, còn cắt lại mái tóc dài của chị mang về làm kỷ niệm. Chúng tôi mai táng Sơn và hai chị tại cây số 2 đường 22C, bên đường mòn dẫn vào trạm phẫu, đầu quay về phía đường ô tô. Ba ngôi mộ nằm bên nhau, quấn quýt như mới chiều nay chị em còn quấn quýt.
          Sau tết, chúng tôi lật cánh sang tuyến đường 24 bên bờ hữu sông Sê Kông, trước khi đi, chúng tôi còn đến từ biệt họ. Thế rồi tình hình chiến trường phát triển nhanh chóng, chúng tôi lật cánh sang Đông Trường Sơn, rồi tiến vào giải phóng Tây Nguyên, rồi tiến về Sài Gòn... chẳng có dịp nào trở về nơi ấy.
           Sau chiến tranh, đội quy tập mồ liệt sỹ của trung đoàn tôi - lúc này là trung đoàn 536 - phụ trách khu vực bờ hữu Sê Kông, bờ tả, nơi Sơn và hai chị nằm, thuộc nhiệm vụ của trung đoàn 535 (tức binh trạm 35 trước đó). Theo ông Lương Thiện Chiến, hiện sống ở Thái Nguyên, một người bạn thân của tôi, thành viên đội quy tập, thì tất cả mọi liệt sỹ đều được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (bến Tắt - Quảng Trị), nếu các chị quê Bắc Thái sẽ được chôn cất ở khu Bắc Thái. 
           Tôi viết những dòng này dâng lên hương hồn các chị nhân ngày Quốc tế phụ nữ  8 tháng 3, và cũng thầm mong cung cấp một số thông tin về các chị với gia đình. Với tinh thần trách nhiệm của một người lính, tôi đã tham khảo ý kiến của các  ông Nguyễn Thái Lan, hiện ở Bắc Giang - nguyên tiểu đoàn phó, người chỉ huy giải quyết hậu quả trận đánh, và ông Nguyễn Đức Năm, hiện ở Bắc Ninh, người trực tiếp mai táng ba liệt sỹ. Nếu có bản đồ quân sự tỉnh Tà Ven Oọc - nay là tỉnh Sê Kông (Nam Lào) tỉ lệ 1/ 25000, chúng tôi có thể xác định được tọa độ nơi hung táng các liệt sỹ. Cầu cho linh hồn các chị được thanh thản, cầu cho đất nước mãi mãi thanh bình!
 

Author: Đặng Đặng

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh