Home » Tin tức » Mỹ thuật

Lùm xùm tranh giả - tranh thật

TUEsday - 19/07/2016 08:27
Liệu sau buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các nhà chuyên môn vào sáng nay (19/7), sự thật có sáng tỏ?
Bức tranh "Trừu tượng" họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971.

Bức tranh "Trừu tượng" họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971.

Những tranh luận chưa ngã ngũ
Không phải đợi đến khi họa sĩ Thành Chương – người khẳng định là “cha đẻ” bức tranh “Trừu tượng” bị tráo đổi thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ thì người ta mới chú ý đến triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương diễn ra từ ngày 10/7 - 21/7 tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, triển lãm đã gây xôn xao giới họa sĩ, giới sưu tập tranh bởi những nghi vấn về tranh thật – tranh giả. 

lum xum tranh gia - tranh that: bao gio moi nga ngu? hinh 1
Bức tranh sơn mài "Ba cô gái" của Dương Bích Liên tại triển lãm
 

Trong khi tất cả chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ, thì ông Jean-François Hubert (chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, người bán 17 bức tranh cho ông Chung) khẳng định: "Tất cả bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh thật". Đồng thời, ông Hubert cũng đưa ra đầy đủ hồ sơ gồm những văn bản, giấy chứng nhận của Nhà đấu giá Christie’s Hongkong rằng những bức tranh này là thật.
Chỉ đến khi họa sĩ Thành Chương vô tình phát hiện bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ trong triển lãm là của mình vẽ năm 1970-1971, thì câu chuyện lại trở nên kịch tính hơn. Trước phản ứng của họa sĩ Thành Chương, ông Hubert cung cấp cho báo chí bức ảnh bằng chứng để khẳng định đó là tranh Tạ Tỵ vẽ năm 1952. Tuy nhiên, bức ảnh ngay lập tức bị “bóc mẽ” là sản phẩm photoshop cẩu thả, vụng về.

lum xum tranh gia - tranh that: bao gio moi nga ngu? hinh 2
Bức ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và ảnh ông Hubert cung cấp (phải).
 
Liệu sự thật có sáng tỏ?
Hôm nay (19/7), Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” với thành phần tham dự là những họa sĩ uy tín, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và các đại diện của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Đặc biệt, họa sĩ Thành Chương – người khẳng định là “cha đẻ” thực sự của bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ trong bộ sưu tập cũng có mặt kèm theo những bằng chứng xác nhận điều đó.
Họa sĩ Thành Chương trước đó đã tìm thấy bản vẽ phác thảo bức tranh gốc của mình. Nhân vật trong bức tranh theo ông là nữ họa sĩ Kim Anh – một người bạn của Thành Chương thời đó hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cùng với bản vẽ phác thảo, ngày 18/7, nữ họa sĩ Kim Anh cũng đã gửi thư tới báo Thanh Niên, xác nhận mình là “nhân chứng của bức tranh đang tranh chấp. Tôi xin xác nhận bức đó 100% là chân dung của tôi do anh Thành Chương vẽ. Năm đó tôi 18 tuổi”.
Về phía chủ nhân của bộ sưu tập, ông Vũ Xuân Chung, khi 17 bức tranh được ông này mua về với số tiền lớn bị “tố” là tranh giả, thay vì lên tiếng phản bác, thanh minh hay thừa nhận… thì lại im lặng. Ngay cả khi họa sĩ Thành Chương muốn gặp trực tiếp để chia sẻ thông tin về bức tranh ký tên Tạ Ty, ông Chung cũng không ra mặt.

lum xum tranh gia - tranh that: bao gio moi nga ngu? hinh 3
Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (trái) và ông Jean-François Hubert.
 
Trước đó, ông Chung từng chia sẻ với báo chí, rằng ông rất xúc động và có chút tự hào khi mang những tác phẩm đã trải qua cuộc hành trình dài từ châu Á đến châu Âu trở về Việt Nam. Ông mong muốn có thêm nhiều nhà sưu tập cùng ông làm công việc này để công chúng trong nước không phải lặn lội ra nước ngoài mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam.
Thiết nghĩ, việc làm của ông Chung, mang tranh Việt từ nước ngoài về triển lãm trong nước thực sự có ý nghĩa, rất đáng khuyến khích. Nhưng nếu là tranh giả thì lại hoàn toàn phản tác dụng.
Lâu nay, vấn nạn tranh thật – tranh giả luôn ám ảnh nền mỹ thuật Việt Nam, khiến cho những nhà sưu tập nước ngoài dè dặt, nghi ngờ. Việc xác định tranh thật - tranh giả vẫn rất khó khăn vì Việt Nam chưa có một hội đồng thẩm định uy tín, nhà sưu tập cũng ko biết phải chứng minh như thế nào ngoài đưa ra những hồ sơ chứng thực của người bán. Hiện có thông tin cho rằng, ông Hubert không còn làm cho Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong. Vậy, câu hỏi đặt ra là những giấy tờ chứng nhận tranh thật của chuyên gia người Pháp này có thể tin tưởng hay không?
Kết luận cuối cùng của buổi họp thẩm định lại những bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức sáng 19/7, dư luận mong chờ sự thật sẽ được sáng tỏ,
***

Họa sĩ Thành Chương công bố phác thảo bức tranh bị tố đánh tráo

Họa sĩ Thành Chương cho biết, hiện ông vẫn đang tiếp tục tìm thêm bằng chứng để khẳng định sở hữu của mình cho bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ.
Liên quan đến vụ việc bức tranh mang tên “Trừu tượng” của họa sĩ Thành Chương bị đánh tráo thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ được treo ở triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương diễn ra ngày 10/7 vừa qua tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sáng nay (17/7), họa sĩ Thành Chương cho biết, ông đã tìm thấy bản phác thảo gốc của bức tranh này.

hoa si thanh chuong cong bo phac thao buc tranh bi to danh trao hinh 0
Họa sĩ Thành Chương công bố bản phác thảo bức tranh "Trừu tượng".
 

Đây là một chi tiết vô cùng quan trọng trong việc xác minh ai mới là chủ nhân thực sự của bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về”. Trước đó, trả lời PV VOV.VN, họa sĩ Thành Chương cho biết, người mẫu trong bức tranh này vẫn còn sống, là họa sĩ Kim Anh – một người bạn của ông. Hiện họa sĩ Kim Anh vẫn đang làm việc và sinh sống tại TP HCM. Họa sĩ Thành Chương cho biết, ông vẫn đang tiếp tục tìm thêm bằng chứng để khẳng định sở hữu của mình cho bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ.
Về phía chủ nhân bộ sưu tập 17 bức tranh tại triển lãm – ông Vũ Xuân Chung vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào. Trong khi đó, ông Jean-François Hubert chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, người thẩm định và khẳng định 17 bức tranh là thật mới đây gửi đến báo Tuổi trẻ một bức ảnh đen trắng chụp 4 ông: Nguyễn Bá Đạm, Thái Bá Vân, Bùi Xuân Phái và Trần Quý Thịnh tại Hà Nội 1972, trong ảnh có bức tranh của Tạ Tỵ được treo trên cánh cửa. Có lẽ, điều ông Hubert muốn chứng minh đó là tranh thật từ tranh đến chữ ký, đến tác giả. Tuy nhiên, ngay khi bức ảnh được công khai đã bị “tố” là sản phẩm photoshop cẩu thả, lộ liễu.
Trên trang về nghệ thuật xưa, cũng như nhiều nhà chuyên môn về nhiếp ảnh đều cho rằng đó là bức ảnh ghép, chỉ ra những điều vô lý khi một bức tranh quý lại treo trên cánh cửa ra vào, hay bức tranh sơn dầu trên toan lại mỏng như tờ giấy và không khớp với các cạnh của cánh cửa… Ngoài ra, ngay sau đó họa sĩ Lê Huy Tiếp đã nhận được tấm ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và phía sau, trên cánh cửa, không có bức tranh nào cả.

hoa si thanh chuong cong bo phac thao buc tranh bi to danh trao hinh 2
Bức ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái (Ảnh do HS Lê Huy Tiếp cung cấp)
 
Trước diễn biến này, họa sĩ Thành Chương cho rằng vấn đề không còn ở phía ông Vũ Xuân Chung nữa mà bắt nguồn từ ông Jean-François Hubert, khi ông ấy là người chứng thực cho 17 bức tranh, đồng thời lại cung cấp bức ảnh ghép cẩu thả bức tranh ký tên Tạ Tỵ. Nếu là tranh giả, tại sao một chuyên gia thẩm định danh tiếng lại có thể có đánh giá nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy. Hơn thế nữa, còn đưa ra bằng chứng là bức ảnh chụp năm 1972 ngay cả người không có chuyên môn cũng nhận ra là ảnh ghép?
“Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng vì liên quan đến chuyên gia quốc tế, không chỉ là việc thẩm định một bức tranh. Việc này gây hại cho những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập Việt Nam cũng như quốc tế. Lâu nay, mỹ thuật Việt Nam vốn bị mang tiếng là làm tranh giả bán ra thế giới. Nhưng sau chuyện này, câu hỏi được đặt ra là, liệu có phải người Việt Nam làm không, hay những chuyên gia quốc tế có liên quan…?”, họa sĩ Thành Chương nói.
Ngoài ra, họa sĩ Thành Chương cũng bày tỏ băn khoăn về thái độ khó hiểu của chủ nhân BST – ông Vũ Xuân Chung, khi 17 bức tranh được ông này mua về với số tiền lớn bị “tố” là tranh giả, thay vì lên tiếng phản bác, thanh minh hay thừa nhận… thì lại im lặng. Ngay cả khi họa sĩ Thành Chương muốn gặp trực tiếp để chia sẻ thông tin về bức tranh ký tên Tạ Ty, ông Chung cũng không ra mặt.

Họa sĩ Thành Chương suýt bị hành hung ở cuộc họp thẩm định tranh

Ông Vũ Xuân Chung đã có những hành động thiếu kiềm chế với họa sĩ Thành Chương trong cuộc họp thẩm định 17 bức tranh trong BST của mình.
Sáng nay 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có buổi họp đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” xung quanh những nghi án tranh giả - tranh thật gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Được biết, thành phần tham dự cuộc họp sáng nay có ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; ông Trịnh Xuân Yên, phó giám đốc Viện bảo tàng TPHCM; ông Lương Xuân Đoàn, phó chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam; bà Phan Gia Hương, điêu khắc gia, phó chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam tại TPHCM; Ông Huỳnh Văn Mười, chủ tịch hội Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Quách Phong... và đại diện Sở VHTT.

hoa si thanh chuong suyt bi hanh hung o cuoc hop tham dinh tranh hinh 0
 
 

Họa sĩ Thành Chương – người khẳng định là “cha đẻ” thực sự của bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ trong bộ sưu tập cũng có mặt tại cuộc họp. Tuy nhiên, chủ nhân của bộ sưu tập – ông Vũ Xuân Chung lại không đến dự cuộc họp ngay từ đầu.

 
 

Liên lạc với họa sĩ Thành Chương, PV VOV.VN được cho biết rằng đây là cuộc họp kín, báo chí không được tham dự và không khí cuộc họp diễn ra khá căng thẳng. Ông Vũ Xuân Chung sau đó cũng đã có mặt trong khoảng thời gian giải lao, nhưng lại có những hành động thiếu kiềm chế.

hoa si thanh chuong suyt bi hanh hung o cuoc hop tham dinh tranh hinh 2
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM
 

Theo lời bà Ngô Hương, vợ họa sĩ Thành Chương cũng có mặt trong cuộc họp, trong khoảng thời gian 10 phút nghỉ giải lao, vợ chồng bà xuống phòng tranh. Cùng đi với 2 người là 2 phóng viên của tờ New York Times vì quá quan tâm đến vụ việc đã bay từ Bangkok (Thái Lan) sang. Sau đó, ông Vũ Xuân Chung bất ngờ xuất hiện và dùng những lời lẽ không hay, lăng mạ, dọa hành hung họa sĩ Thành Chương. Ông Chung khẳng định đã mua tranh ở Paris (Pháp) với giá cao nên họa sĩ Thành Chương không được phép đụng vào bức tranh này.

hoa si thanh chuong suyt bi hanh hung o cuoc hop tham dinh tranh hinh 3
Ông Vũ Xuân Chung (áo tím) có những hành động thiếu kiềm chế với hoạ sĩ Thành Chương (áo đỏ) nhưng người đi cùng đã cản lại.
 
 
 
 
 


***
 

Bảo tàng Mỹ thuật xin lỗi công chúng, tạm giữ 17 tác phẩm để điều tra

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM kiến nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra.
Xung quanh những tranh cãi về tính xác thực của các tác phẩm tranh “Những tác phẩm từ châu Âu về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM từ ngày 10 tháng 7, chiều 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã có thông báo chính thức.

bao tang my thuat xin loi cong chung, tam giu 17 tac pham de dieu tra hinh 0
 
 
Triển lãm tranh với chủ đề “Những tác phẩm từ châu Âu về” thuộc sở hữu nhà sưu tập Vũ Xuân Chung khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vào ngày 10/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 21/7. Nhưng ngay sau khai mạc triển lãm, đã có rất nhiều ý kiến về tính nguyên gốc và chất lượng mỹ thuật của bộ sưu tập này. Hôm nay, sau khi họp với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM quyết định kiến nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra và chính thức đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, sớm có kết luận cho vấn đề này.
Bảo tàng này cũng xác định: trong số 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm thì có 15 bức là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện và 2 bức tranh là mạo danh chữ ký tác giả .
Qua sự việc này, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm diễn ra tại Bảo tàng khi các thông tin chưa đủ tính xác thực./.

(Theo VOV)
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh