Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

BA BÀI THƠ CHỮ HÁN VỀ HÀ NỘI

TUEsday - 22/08/2017 12:06
Bài viết của Trương Chính và Đinh Xuân Lâm
Đoan Môn, thành Thăng Long ngày nay vẫn còn nguyên vẹn; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Đoan Môn, thành Thăng Long ngày nay vẫn còn nguyên vẹn; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Xin giới thiệu ba bài thơ hay bằng chữ Hán viết về cảnh và tình của Hà Nội xưa, ba bài thơ này trước đây chưa được công bố trên sách báo. Chúng tôi sưu tầm được trong cuốn Hồng Tiều thi tập, bản chép tay do cụ Phan Trọng Quảng là cháu nội của Phan Trọng Mưu, tác giả tập thơ, cung cấp. Phan Trọng Mưu (1853 - 1904), quê làng Đông Thái (nay là xã Châu Phong), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đậu Tiến sĩ năm 1879, ông ra làm quan ngoài Bắc, đến khi phong trào Cần vương chống Pháp xâm lược bùng nổ (1885), ông tham gia phong trào. Trong tờ dụ của Đồng Khánh ban cho Hoàng Kế Viêm có nhắc các quan cựu thần như Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Nguyễn Chư, Lê Mô Khải, Nguyễn Nguyên Thành, Phan Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nha, Ngô Xuân Quýnh nếu ai về thú thì được phục nguyên chức… Song ông cùng bạn đồng liêu nhất thiết không chịu. Sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt (1888), rồi Phan Đình Phùng mất (1895), phong trào thất bại, ông chuyên tâm dạy học cho đến khi mất.
Bài 1:
Phiên âm:
Thăng Long thành hoài cổ
Thử địa phồn hoa kỷ độ kinh,
Niên niên hồi thủ bất thăng tình.
Ngưu Hồ(1) dĩ biến tam triều cuộc,
Long Đổ(2) không dư bách chiến thành,
Nùng Lĩnh phù vân kim cổ sắc,
Nhị Hà lưu thủy khấp ca thanh.
Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại,
Ưng vị giang sơn tẩy bất bình.

Tạm dịch:
THÀNH THĂNG LONG, NHỚ XƯA 
Chốn này trải mấy độ phồn hoa,
Càng gẫm càng thêm nỗi xót xa.
Long Đổ thành trơ trăm trận đánh,
Ngưu Hồ sóng vỗ mấy triều qua.
Núi Nùng mây vẽ mầu kim cổ,
Sông Nhị dòng trôi tiếng khóc ca.
Cướp giáo bắt thù ai đó tá?
Nên vì non nước tuốt gươm ra!

Bài 2:
Phiên âm:
Đề Nhị Trưng miếu(3)
Khả lân lục thập ngũ dư thành,
Tận hạ quân giai tỉ muội binh.
Huyết chiến quyết thù phu chúa nghĩa,
Hùng tâm bất quý nữ vương danh.
Đồng tiêu(4) cố quốc tình vô hạn,
Thạch hóa(5) kim thân hận vị bình.
Vượng khí do tồn thiên cổ tại,
Tu mi hồi thủ lệ không linh.

Tạm dịch:
ĐỀ ĐỀN HAI BÀ TRƯNG
Tiếc thay sáu chục lẻ năm thành,
Đều thuộc Hai Bà đóng nghĩa binh.
Huyết chiến trả thù chồng nghĩa liệt,
Hùng tâm rõ mặt đáng trung trinh.
Cột đồng nước cũ tình vô hạn,
Tượng đá khôn khuây hận chửa bình.
Linh khí vẫn còn trơ vạn thuở,
Râu mày ngoảnh lại luống buồn tênh.

Bài 3:
Phiên âm:
Đề lý bát đế tự(6)
Diệp lạc bình tàn sự dĩ liêu,
Đặc lưu cổ miếu ỷ thiều nghiêu.
Hàn sơn thụ mật tàng triêu điểu,
Cô tháp vân thâm ngọa ngọ tiều.
Kim tượng hữu duyên lưu tĩnh địa,
Thạch bi vô tự nhận tiền triều.
Khả lân bát đế giang sơn tự,
Phân phó nhàn tăng quản tịch liêu.

Tạm dịch:
ĐỀ ĐỀN LÝ BÁT ĐẾ
Lá rụng bèo tan chuyện đã lâu,
Duy còn miếu cổ đứng cheo leo.
Cây dầy núi lạnh chim mai đậu,
Tháp vắng mây che tiều ngủ khoèo.
Tượng Phật may sao còn lại đấy,
Bia không đề chữ biết triều nào.
Khá thương tám vị thờ nơi ấy,
Phó mặc sư nhàn chốn quạnh hiu.

CHÚ THÍCH
Hồ Trâu (tức Hồ Tây) gắn liền với truyền thuyết con trâu vàng tìm mẹ.
Rốn Rồng, theo thuyết phong thùy xưa, thành Thăng Long đặt vào rốn một con rồng.
Đền thờ Hai Bà ở làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì (nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Cột đồng Mã Viện (đời Hán) chôn ở vùng biên giới, sau khi đánh bại nghĩa quân Hai Bà, để ghi chiến công của mình.
Theo truyền thuyết, Hai Bà khi thua trận đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn và đã hóa thành đá.
Đền Lý bát đế (thờ tám vị vua đời Lý) ở xã Cổ Pháp (Đình Bảng), huyện Từ Sơn (nay là Viên Sơn) tỉnh Bắc Ninh.
1

TB


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
vô vi - 02/10/2017 20:31
Bài 1:
升龍城懷古
此地繁華幾度經
年年回首不勝情
牛湖已變三朝局
龍肚空餘百戰城
濃嶺浮雲今古色
珥河流水泣歌聲
擒胡奪槊人何在
應為江山洗不平
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh