Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

BA BÀI VĂN - BA DÒNG VĂN HÓA TRONG MỘT THIÊN TÀI NGUYỄN TRÃI

TUEsday - 06/06/2017 18:02
Bài viết của Nguyễn Như Luân

Nguyễn Trãi

Bình Ngô đại cáo, Côn Sơn ca, Mộc cận
 là ba bài văn có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn. Ba bài văn phản ánh đầy đủ ba dòng văn hóa khác nhau trong tư tưởng ông.
Bình Ngô đại cáo thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa. Côn Sơn ca bắt nguồn từ cảm hứng sùng thượng thiên nhiên, thuận theo tự nhiên mà sống. Mộc cận là tiếng nói đốn ngộ lẽ sắc không. Cả ba dòng văn hóa đó chung tụ lại trong một con người Nguyễn Trãi đã không còn giữ bản sắc ban đầu mà phải chịu chi phối của thiên tài ông.
Nhân nghĩa không còn là một khái niệm luân lý đơn thuần. Nó đã trở thành một tư tưởng triết học, một phương châm chỉ đạo chiến lược quán xuyến trong mọi hành động của ông khi kháng chiến Bình Ngô cũng như khi xây dựng đất nước. Có thể nói đối với ông, nhân nghĩa đã thành một chủ nghĩa, một học thuyết nhân nghĩa - học thuyết nhân nghĩa của Ức Trai. Đó là điều mới mẻ vĩ đại nhất, hơn bất kỳ một đạo học gia, một lý thuyết gia nào trước ông.
Cảm hứng sùng thượng thiên nhiên, thuận theo tự nhiên mà sống không những đã bồi bổ cho ông tinh thần lạc quan vững chí trong những khi chưa gặp thời, mà còn quan trọng hơn là đã giúp ông có một cách nhìn thực tế, tìm cho ra quy luật vận động của sự vật để giành lấy thắng lợi.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị của dân tộc, số Nho gia thuần túy thời đại nào cũng có nhưng rất hiếm, ngay cả trong những thời cựu thịnh của Nho học vào những thế kỷ XV và XIX sau này, Nho học được tôn vinh như là quốc giáo. Có thể lý giải vấn đề này từ hai phía: một là từ điều kiện lịch sử và hai là từ khát vọng tìm hiểu vươn lên của con người.
Nho học vốn bảo thủ, quanh quẩn với cái nhìn lại quá khứ để từ đó tìm những kỷ cương luân lý trong quan hệ giữa vua tôi, cha con, chồng vợ. Cương thường là thể chế đạo đức luân lý đó. Nho học chỉ giải quyết những vấn đề luân lý thực tại, trong khi con người vốn đã có nhân tố muốn vươn lên, sau qua thực tiễn tích lũy kiến thức ngầm mang một khát vọng tìm hiểu, tiến bộ mãi trong nhận thức sự vật. Cho nên Nho học đơn thuần chỉ mang lại những thắng lợi không lâu dài. Đó là nói thắng lợi nếu có, còn thất bại thì nhiều. Còn trong thơ ca nghệ thuật, Nho học vì thế không chắp cánh cho tâm hồn, cho nên thường đơn điệu, không mấy sức sống. Hồng Đức quốc âm thi tập là một trong số thơ ca đó.
Lý thuyết của Phật và Lão đã đáp ứng cho nhu cầu mới đó của con người. Và, từ đó mà có khái niệm “Tam giáo đồng nguyên”. Ba dòng văn hóa Nho, Phật, Lão về nguồn gốc sâu xa thì chắc chắn đều phát sinh từ văn hóa dân tộc, từ những điều kiện lịch sử và kinh tế của dân tộc, cho nên chủ thuyết có khác nhau, nhưng cả ba cùng chung một mục đích làm cho con người sống hạnh phúc. Bởi thế trong quá trình diễn tiến, cả ba dòng văn hóa đó đã có những điểm tương đồng nhất định và đã có những bổ sung cho nhau. Và chính vì vậy mà cả ba đều dùng chung khái niệm đạo, vi, vô tâm, vô dục, hư, ảo, động, tĩnh, vô, hữu… (tất nhiên là một hàm của từ ngữ kia không hẳn là đồng nhất). Đó là lý do tại sao một dân tộc như dân tộc Việt, một con người như con người Nguyễn Trãi lại có thể dung hợp đồng thời cả ba dòng văn hóa đó.
Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải chung lưng đấu cật trong chiến đấu chống ngoại xâm và trong sản xuất chống thiên tai. Trong cuộc đấu tranh lâu dài trên hai mặt trận đó, dân tộc Việt đã sớm tạo ra cho mình một truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu lòng nhân ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần dân chủ bàn bạc việc công, tự do, phóng khoáng và lòng dũng cảm… Văn hóa dân gian, đặc biệt là trong ca dao, dân ca, tục ngữ, và cả trong những hình thức biểu diễn nghệ thuật chèo, tuồng, điêu khắc còn ghi lại đậm đà phong vị văn hóa ấy của dân tộc.
Trên cơ sở truyền thống văn hóa đó, dân tộc ta đã tiếp thu có chọn lọc và phê phán cả Nho học, Lão học và Thiền học để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc. Nói một cách khác, cả ba dòng văn hóa đó đã bị chi phối mạnh mẽ bởi truyền thống văn hóa dân tộc và đã trở thành một Nho giáo mới, một Đạo gia mới, một Thiền gia mới của Việt Nam, phục vụ cho lợi ích chính nghĩa của dân tộc mình.
Nhìn trên đại thể, Nho, Đạo hay Thiền Việt Nam, trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, chưa có ai xuất thế một cách đích thực. Hầu hết họ đều bám vào cuộc đời, sống giữa nhân quần xã hội mà hành động cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc mà Nguyễn Trãi là một trong số người tiêu biểu lỗi lạc nhất của thời đại, suốt đời chỉ lo nghĩ cho dân cho nước: “Bình sinh độc bảo tiên ưu niệm”.
II
Bây giờ xin đi vào tìm hiểu chi tiết từng bài một: Bài MỘC CẬN.
Trong một bài tham luận đọc ở Hội nghị khoa học kỷ niệm 525 năm Năm Nguyễn Trãi mất do Viện Triết học tổ chức tại Hội trường Thư viện Quốc gia vào tháng 9-1967, tôi có nói: “Trên cơ sở văn hóa truyền thống của dân tộc, giàu lòng thương nước yêu dân, Nguyễn Trãi ngoài tư tưởng Nho gia, còn tiếp thu các dòng tư tưỏng khác là Đạo gia và Thiền gia. Cả ba dòng tư tưởng đó trong một con người Nguyễn Trãi đã có những tư tưởng tích cực, biến lòng yêu nước thương dân của ông thành những sức mạnh to lớn đủ để đưa cuộc kháng chiến bình Ngô đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng “nền thái bình muôn thuở” cho Tổ quốc, cho nhân dân. Thơ ông nhiều bài mang đậm tư tưởng Thiền gia, trong số đó có bài Mộc cận (Hoa bông bụt) là một bài hoàn chỉnh, được sáng tác theo cảm hứng của tư tưởng Thiền học rất rõ”.
Mộc cận là một trong số 34 bài trong phần Hoa mộc môn của Quốc âm thi tập, gồm bốn câu:
Ánh nước hoa in một đóa hồng,
Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng.
Chiều mai nở chiều hôm rụng,
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.

Lý tưởng của nghệ thuật dân tộc, theo truyền thống, dù là thi ca, hội họa hay bất kỳ nghệ thuật nào, là phải gợi ý chứ không phải là khúc chiết. Nhà thơ thường muốn trao gửi, không phải điều mà nhà thơ diễn tả trực tiếp trong bài thơ, mà là điều nhà thơ muốn nói tới. Do đó phải đọc cho được cái ý ở ngoài lời.
Ở đây tác giả tả hoa bông bụt (mộc cận), nhưng thực ra không có câu chữ nào là đích thực tả về nó. Ta có thể thay đầu đề cho bất cứ một bông hoa nào khác mà không hại gì đến nội dung, đến cái ý tác giả muốn trao gửi. Tưởng cũng cần nói qua một đôi nét về bút pháp của thơ ông trong phần Hoa mộc môn của tập thơ Quốc âm.
Hoa mộc môn đủ các loại: mai, cúc, tùng, trúc, hoa đào, mẫu đơn, hoàng tinh, thiên tuế, cây chuối, mía, cây đa, hoa mộc, hoa nhài, hoa sen, hoa hòe, cây cam đường, cây dương, hoa Trường Yên (hoa nhạn lai hồng ở Trường Yên, Hoa Lư). Ba mươi tư bài thơ về bằng nấy môn loại, không một bài nào được sử dụng bút pháp tả thực. Đối với một loại cây, một loại hoa nào, ông hoặc khởi phát từ những đặc điểm phổ biến, quen thuộc, hoặc từ tên gọi của mỗi loại mà cấu tứ gửi gắm điều mình muốn nói ở ngoài những câu chữ cụ thể. Điều ông muốn nói thường là những điều tâm đắc sâu xa về nhân sinh, về lẽ tạo hóa.
Mộc cận cũng được sáng tác trong phong cách chung đó của Hoa mộc môn. Ở đây, nhân tên cây bông bụt mà ông nghĩ đến Phật (Bụt). Và, nghĩ đến Phật mà phát biểu về thuyết sắc không. Giác ngộ được thuyết sắc không với thái độ bình thản như một điều mới đốn ngộ: sự lạ cho hay tuyệt sắc không, thì bể khổ không còn, con người ta bao giờ cũng lạc quan, thư thái, vì cái Ngã hay Atman - nguồn gốc của mọi rối ren trong đời không còn.
Tác giả đã phô diễn điều đó như thế nào? Ở đây tác giả không phải đã tả một bông hoa, mà ông đã nói đến một cái bóng hoa lồng dưới nước: đó là một ảo ảnh.
Ánh nước hoa in một đóa hồng, trong đó cái thực chỉ được nói tới - hoa, và chỉ hiện ra như một cái bóng chiếu in ở trong nước. Nó ở đâu, như thế nào? Ta không biết. Một thế giới huyền ảo được mở ra, trong đó cái được nói tới là một cái giả (bóng) lồng trong một cái thực (nước). Cái giả là không. Cái thực là sắc. Nhưng cái không, có từ một cái thực (hoa), và cái sắc vốn là không. Ý nghĩa sắc không bắt đầu ngay từ đây, vì cái sắc (nước) vốn là không, nên đây tác giả viếtánh nước.
Tóm lại, trong câu đầu: Nước là thực mà nước được nói tới như giả, như một cái ảnh - ánh nước. Còn hoa là giả ảnh mà được nói tới như thực - một đóa hồng.
Từ đấy chuẩn bị cho ta nghĩ tới thuyết Thiền gia được gọi là nhị đế nghĩa (Théorie de la double vérité) để đón nhận chân lý cao cả sau đó. Ở đây ta có thể thay đổi một số từ ngữ: Thực bằng Hữu, và Giảbằng Vô. Nói chư pháp thật ra là vô. Trên bình diện đó, nói hữu là thế đế (vérité au sens ordinaire), nói vô là chân đế (vérité au sens supérieur) khi những người bình thường cho mọi vật là có thật, làhữu, chẳng biết gì về vô.
Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng. Khi là không, hoa chỉ là một giả ảnh, thì vẩn nhơ trong nước làm sao mà bám vào được. Ta có thể suy ra: khi con người đã nhận chân được cái bản thể vô và khôngcủa mình thì con người sẽ không bị dục vọng làm nhơ bẩn, lòng trong sáng như gương, sống thư thái, nhận biết chư pháp trong thực tại, vượt khỏi những cái hữu hạn của cảnh giới mình đang sống, và chính đó là Phật. Con người, và chỉ có con người mới có thể thành Phật. Mọi người đều mang trong mình khả năng trở thành một đức Phật nếu tâm họ muốn và nỗ lực.
Chiều mai nở chiều hôm rụng. Từ cái bóng hoa lồng dưới nước được nói tới trong hai câu đầu, đến đây trong câu 3, tác giả lại đưa ta lên nhìn nhận một sự thực hiển nhiên của cái thực là bông hoa mà ta vẫn không nhìn thấy, ý muốn gợi cho ta hiểu rằng: cái thực là bông hoa mà cũng là chư pháp hay sắc tướng, theo lý thuyết nhà Phật là không, và chư pháp trong cõi thế gian là biểu hiện của tâm, do đó là hư ảo và vô thường. Và, đời sống ngắn ngủi “sớm nở tối tàn” là điển hình cho sự vô thường đó.
Chiều mai nở chiều hôm rụng, gồm hai vế thuận nhau trong hình thức và nghịch nhau trong nội dung cũng gợi cho ta cái ý luân hồi sinh tử. Con người vì mê muội mà đem lòng tham luyến. Sự mê muội ấy gọi là avidya, được dịch là vô minh. Do vô minh mà có lòng tham luyến sự sống. Nó buộc chặt con người vào vòng sinh tử không bao giờ thoát ra được. Còn sự khát khao trở thành, thì vòng luân hồi vẫn tiếp tục, nó chỉ có thể ngừng khi nào sức mạnh điều khiển nó, sựkhát khao bị chặt đứt nhờ trí tuệ thấy rõ thực tại, chân lý, Niết Bàn.
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không, là một lời phát biểu điều tác giả tâm đắc về một chân lý của Phật mới được đốn ngộ. Sự lạ là tiếng than khi nhận biết, đắc ngộ được một điều gì. Chiều mai nở chiều hôm rụng của bông hoa được tác giả nhận biết làm cho tác giả lĩnh hội được thuyết sắc không. Hoa sớm nở tối tàn, thì có bao giờ, có giây phút nào cái hoa thực sự được tồn tại ? Như trên đã nói mọi vật đều là biểu hiện của tâm, cho nên là hư ảo và vô thường. Như vậy cũng có nghĩa là mọi vật luôn luôn trong sự biến hóa, luôn luôn đang sinh và luôn luôn đang diệt. Và, từ đó mà cũng là hư ảo, là không. Cho hay tuyệt sắc không, có nghĩa: mới biết tất thảy mọi vật trên thế gian xem như có dáng sắc thật đó mà kỳ thực chỉ là hư không. Kết quả vô minh không còn, vì lòng khát khao, tham luyến cũng dứt. Việc làm bây giờ không tạo được quản, thì quả của nghiệp trước được chồng chất phải hết, như vậy là thoát khỏi luân hồi, sinh tử đạt tới Niết Bàn.
Đến đây, về bố cục và dàn ý, ta có thể phác thành một lược đồ, đánh dấu bước tiến của nhận thức về Thiền: (Xem sơ đồ ).
1
A, B là hai cặp đối nghịch của câu 1 và câu 3, đồng thời cũng lànhững hiện tượng được nhận thấy. I, II là hai cặp đồng nhất được nói tới ở câu 2 và câu 4, đồng thời cũng là bản chất của các hiện tượng được nhận thức ở hai mức độ khác nhau: cảm tính và lý tính.
Với cặp đối nghịch A là nước/bóng, thực ảo lồng vào nhau. Cái thực có tính ảo, cái ảo lại có tính thực. Cái thực (nước) đựng cái ảo (đóa hồng) Thực, ảo cũng là hữu, vô dẫn ta đến nhận thức cặp I đồng nhất Bụt = lòng do cái thực nhìn thấy tác động trên cái ảo. Có thể nói cặp đồng nhất I là kết quả của cặp đối nghịch A. Bụt là lòng chỉ là nhận thức cảm tính, chưa phải là chân lý được nhận thức tự giác. Cần có một biến đổi về chất.
Tới cặp đối nghịch B giữa quá khứ/hiện tại, thì sự phân biệt đã trở nên rõ ràng, thực ảo không lồng vào nhau nữa. Từ đó dẫn đến sự đốn ngộ ở cặp đồng nhất II: sắc = không. Thực (hữu), ảo (vô) và sắc, không là đồng nhất và là chân lý được nhận thức do sự đốn ngộ là kết quả của cặp đối nghịc/B.
Bụt - lòng, sắc - không là những cặp đồng nhất và đều là bản chất theo giáo lý Thiền gia, và đồng thời cũng là điều tác giả muốn trao gửi.
Tư tưởng Thiền gia còn được ghi lại trong nhiều bài thơ khác của ông. Trong thơ chữ Hán, ta có thể đọc được:
Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn,
Hưu luận Phàm vong dữ Sở tồn (Thu dạ lữ cảm)
(Cuối cùng muôn việc đều hư ảo,
Thời đừng bàn chuyện Phàm mất với Sở còn)
Mạc ngoại hư danh thân thị huyễn,
Mộng trung phù tục sự kham phao 
(Lâm cảng dạ bạc)

(Danh hão để ngoài lòng, thân là ảo ảnh,
Đời phù sinh trong giấc mộng việc đáng quăng đi)
Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
Giác lai vạn sự tổng thành hư 
(Ngẫu thuật)

Đời người là cái thừa của một giấc mộng kê vàng,
Tỉnh ra muôn việc đều thành công cả)

Và, đây trong Quốc âm thi tập:
Đành hay thương hải đòi thì biến,
Đã biết nhân gian mọi sự không
 
(Thuật hứng)
Tào Khê rửa ngàn tầm suối,
Sạch chẳng còn một chút phàm 

(Thuật hứng)
Uổng sinh lẩn thẩn mỗ già,
Mọi sự đều nên thuấn nhược đa 

(Tự thán)
Ngoài ra, trong số 105 bài thơ chữ Hán có ngót 10 bài có liên quan đến Thiền, nào là: Tiên Du tự, Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự, Đề Ngọc Thanh quán, Đề Đông Sơn tự, Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn, Đề Nam Hoa thiền phòng… Đâu cũng nói lên quan hệ mật thiết của ông với tư tưởng Thiền gia.
Tư tưởng Thiền gia có nhiều lý thuyết về nhiều mặt. Bài Mộc cận đã trình bày và dẫn dắt người đạt đến thuyết sắc không là thuyết quan trọng nhất có tính chất khai trí, mở cửa cho ta đi vào tư tưởng triết học Thiền gia. Sắc không là lý thuyết phủ nhận sự hiện hữu của mọi vật trên thế gian, kể cả cái ta, con người của ta.
Lý thuyết Thiền gia về phương diện triết học cũng như về phương diện tôn giáo, là một lý thuyết độc nhất trong lịch sử đã phủ nhận sự hiện diện của một linh hồn - Ngã hay Atman. Theo giáo lý đó, ý tưởng về ngã là một niềm tin tưởng sai lạc, không có trong thực tại, và nó phát sinh những tin tưởng tai hại về tôi và của tôi, dục vọng, ích kỷ, vị ngã,… Nó là nguồn gốc của mọi rối ren trong đời. Từ sắc không đi đến lý thuyết vô ngã là kết quả tự nhiên, hay là hệ luận về sự phân tích ngũ uẩn và giáo lý duyên khởi mà vô minh là yếu tố đầu tiên.
Nhiều bài thơ khác của ông có nói đến hư huyễn, ảo ảnh, hư không, thuấn nhược đa,… là nhằm vào thuyết sắc không đó. Trong một bài tới, chúng ta sẽ phân tích, tìm hiểu Côn Sơn ca và Bình Ngô đại cáo.
(Theo Tạp chí Hán Nôm 1992)

 
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh