Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

BẢN ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ IN VÁN GỖ CỦA PHẠM CÔNG TRỨ

SUNday - 21/12/2014 10:49
Hình minh họa

Hình minh họa

Bài viết này gồm hai phần: Phần một, giới thiệu sách, xác định tác giả và niên đại; Phần hai, những tư liệu mới do bản PHẠM CÔNG TRỨ đem lại.
GIỚI THIỆU SÁCH, XÁC ĐỊNH TÁC GIẢ VÀ NIÊN ĐẠI

Trong khi đi tìm các dị bản của bộ Đại Việt sử ký tục biên chép sử biên niên về giai đoạn cuối thời Lê (từ 1676 đến 1789)(1), chúng tôi đã tìm thấy ở gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên (cố Bộ trưởng Bộ giáo dục Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ) một cuốn Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên in ván gỗ, giấy cũ đã ngả màu và đã bị mủn nát một phần nề dưới, lém vào một số chữ... Được phép của gia đình cụ, chúng tôi đã nghiên cứu, photocopy lại, và khôi phục được một số chữ bị mờ, bị mất do giấy nát. Kết quả giám định cho thấy đây là đoạn cuối của bộ Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm Phạm Công Trứ biên soạn, đã khắc in ra, theo lời tựa đề, vào năm Cảnh Trị thứ 3 (1665)(2).
Dưới đây chúng tôi xin trình bày vắn tắt những căn cứ và kết quả nghiên cứu giám định đó.
A. Hình thức và nội dung của sách:
1. Hình thức: Tên sách ở gáy bìa ngoài: Việt sử tục biên (bìa phất cậy, nhưng mới làm lại, tên sách cũng mới được viết lại gần đây).
- Tên sách ở dòng đầu quyển 20 và 21 (được in cùng lúc với toàn sách):Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên quyển chi nhị thập... nhị thập nhất (xin xem ảnh chụp in kèm).
- Số tờ: quyển 20 có 23 tờ; quyển 21 có 26 tờ, kể cả tờ số 18 của quyển 22 đóng lộn vào vị trí ấy của quyển 21. Như vậy là: quyển 21 thiếu 1 tờ, quyển 22 có 1 tờ độc nhất mang số 18.
- Khổ giấy đã gấp: 17x28cm. Khung in 14x21cm
- Mỗi tờ 2tr, tr.9 dòng, dòng 18-19 chữ.
- Dạng chữ: thuộc dạng chữ khắc in đời Lê, phong cách Liễu chàng(3).
2. Nội dung: Cả hai quyển chép sử theo lối biên niên, giống như Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) do nhóm Lê Hi tập đại thành mà ta đã biết. Giai đoạn phản ánh của 2 quyển này là: Q.20 triều vua Lê Kính Tông (1600 - 1619), Q.21 triều vua Lê Thần Tông ở ngôi lần thứ nhất (1620 - 1643). Nếu không bị thiếu quyển 22 và quyển 23 thì sử liệu sẽ có đủ đến hết năm 1662 là năm cuối của đời Lê Thần Tông.
So với bộ ĐVSKTT do Lê Hi tập đại thành thì hai quyển 20 và 21 ở sách này chỉ tương ứng với nửa đầu của quyển 18, bản Lê Hi.
B. Những căn cứ chứng tỏ rằng bản mới phát hiện được ở gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên (dưới đây gọi là bản NVH) là một phần của bản Phạm Công Trứ.
I. Tên sách, bố cục, nội dung của bản NVH đúng với lời tựa của Phạm Công Trứ.
Lời tựa của Phạm Công Trứ(4) cho biết:
1. Toàn thể bộ sách do nhóm ông làm, kể cả phần sửa lại sử cũ của các tác giả đi trước, kể cả phần nhóm ông mới chép thêm bao gồm từ thời Hồng Bàng (năm 2879 TCN) đến hết đời vua Lê Thần Tông (1662) cộng 23 quyển.
2. Riêng phần do nhóm ông mới chép thêm, là sử từ thời Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông (từ 1533 đến 1662) được đặt tên là Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên(5).
Vậy mà bản NVH cũng mang tên là Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên,đánh số quyển 20, 21 và có một tờ ở quyển số 22. Nội dung chép sử từ Lê Kính Tông đến Lê Thần Tông (bao gồm: năm dương lịch từ 1600 đến 1656 - theo như tờ 18 quyển 22). Đoạn trước 1600 và sau 1656 thì bị mất. Đoạn sau 1656 bị mất đó, ước chừng vừa một quyển số 23 nữa.
Như vậy, nếu ta coi lời tựa của Phạm Công Trứ giống như một bản “thiết kế” thì bản NVH có kết cấu hiện trạng phù hợp với thiết kế đó.
II. Một số chi tiết nằm trong bản Lê Hi(6) cũng chứng tỏ rằng bản NVH chính là bản Phạm Công Trứ
1. Trong bài tựa, Lê Hi nói: Ông được giao “khảo đính sử cũ” để biên soạn ra bộ quốc sử mới. Tuy không nói rõ tên sử cũ là cuốn nào, nhưng ông lại nhắc tên các sử gia đời trước, và trong sách của mình, phần cuối ông vẫn giữ tên sách là “Bản kỷ tục biên”. Vậy nếu phân tích từng đoạn sử do ai chép (như GS. Phan Huy Lê đã làm ở trang 37, bản dịch Tập 1 sách ĐVSKTT) thì ta thấy đoạn sử từ 1600 đến 1656 thuộc đoạn Phạm Công Trứ chép mới, chứ không phải chỉnh lý của người trước. Vậy bản “sử cũ” mà Lê Hi khảo đính (đoạn từ 1600 đến 1656) chỉ duy nhất là bản Phạm Công Trứ đã được in ra.
2. Phương pháp ghi chép, cách phản ánh các sự kiện ở bản Lê Hi giống với bản NVH:
Cũng là biên niên sử, tuân theo nghiêm ngặt trật tự thời gian. Cách viết “đài”, cách ghi năm can chi, niên hiệu giống nhau. Cùng đề cao Lê Trịnh, phê phán Mạc, Nguyễn. Sự giống nhau giữa hai bản (NVH và Lê Hi) làm cho ta có cảm tưởng chung là tổng lượng thông tin về cùng giai đoạn phản ánh ở hai bản là tương đương nhau (về các việc chính).
Đặc biết cách “viết đài” của sách này (để miếu hiệu các chúa Trịnh cao ngang với miếu hiệu các vua Lê ở ngay đầu quyển 20 và 21) chứng tỏ nó được khắc thời Lê Trịnh, chứ không phải dưới thời Tây Sơn hay thời Nguyễn.
3. Đã gọi là “khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa”. Vậy tất nhiên bản Lê Hi có khác với “sử cũ”. So sánh bản NVH với Lê Hi ta thấy có một số chỗ khác nhau. Nhưng sự khác nhau đó có mấy đặc điểm sau:
a. Một số điều bản NVH sai (so với chân lý), còn bản Lê Hi đúng. Đó là các chi tiết về lịch pháp thiên văn (ví dụ bản NVH chép ngày rằm tháng 5 năm Quý Sửu (1613 có nhật thực, thì Lê Hi chép là nguyệt thực(7). Điều này chứng tỏ rằng bản Lê Hi đã sửa sai và bản NVH chưa được sửa.
b. Bản NVH dung lượng chữ và số “đầu việc” có nhiều hơn bản Lê Hi. Điều này chứng tỏ bản NVH có trước còn bản Lê Hi có sau(8). Vì hai lẽ:
- Thứ nhất là sự “cô gọn”: ở bản Lê Hi, lời văn nhiều khi được “cô gọn” hơn ở bản NVH (cùng một sự việc, nhưng bản NVH chép rải ra nhiều đoạn, vì các chi tiết diễn ra trong thời gian dài, xen kẽ với các việc khác). Người chép sau thường sắp xếp và thu lại cho gọn(9).
- Thứ hai là sự cắt bỏ hẳn một số đầu việc (gián hoặc cũng có một số đầu việc, bản NVH không chép, mà bản Lê Hi có chép thêm. Nhưng tựu chung, số thêm thì ít, còn số bớt thì rất nhiều).
Hai hiện tượng cô gọn và cắt bỏ là thao tác thông thường của người biên soạn sau.
Nhưng đó là những việc biệt lập. Còn những sự việc có liên quan hô ứng đến sử văn của đoạn khác, nếu cắt bỏ không khéo thì lại sinh ra mâu thuẫn, khó hiểu.
Chúng tôi xin nêu hai dẫn chứng sau đây:
a. Năm Tân Sửu (1601), bản Lê Hi chép việc Trịnh Tùng đem quân đi đánh Nguỵ Nam Dương hầu nhà Mạc. Cuối cùng đã bêu đầu Nam quận công và bắt được em Nam quận. Người đọc không hiểu được quan hệ giữa hai danh hiệu nhân vật Nam Dương hầu và Nam quận là như thế nào... Khi đưa đoạn số 13 năm Canh Tý (1600) ở bản NVH đặt vào cạnh đó (đoạn này nói rõ “con Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu, Nguyễn Nhậm tự xưng là Nam quận công...” ) thì sự việc sáng rõ ngay.
b. Năm Quý Hợi (1623) bản Lê Hi chép việc Trịnh Xuân (con Trịnh Tùng) nổi loạn, đem quân tấn công vương phủ rồi đốt phá Kinh thành Thăng Long, khiến Trịnh Tùng phải chạy ra Hồng Mai, rồi sau chết ở Thanh Xuân... Người đọc không thể hiểu được tại sao lại như thế. Vì trước đó chính bản Lê Hi chép vào năm Kỷ Mùi (1619), sau khi ám sát hụt cha đẻ là Trịnh Tùng thì Trịnh Xuân đã bị phát hiện, bị bắt giam, bị tước hết binh quyền, chờ xét xử... Thế thì làm sao còn có khả năng gây ra vụ việc năm 1623?
Đọc lại bản NVH ta lại thấy có hai đoạn mà bản Lê Hi lược bỏ: đó là vào năm Canh Thân (1620) Trịnh Tùng đã tha tội cho Trịnh Xuân, trả lại nguyên chức tước; và năm Tân Dậu (1621) lại sai Trịnh Xuân đi đánh Cao Bằng. Lúc đó Trịnh Xuân đã hục hặc tranh công với anh là Trịnh Tráng... Do đó, đến năm 1623 khi Trịnh Tùng ốm nặng, muốn truyền ngôi chúa cho Trịnh Tráng, thì nổ ra vụ bạo loạn của Trịnh Xuân, thật là hợp lôgíc.
Qua hai dẫn chứng trên, ta thấy Lê Hi đã lược bỏ một số chi tiết mà không chú thích nên gây ra sự thiếu hoàn chỉnh, thiếu nhất quán, khó hiểu. Nếu ta đem các chi tiết đó ở bản NVH mà “lắp vào đúng chỗ” thì bản Lê Hi trở nên hoàn chỉnh, rõ ràng.
Điều này lại chứng minh rằng Lê Hi đã trực tiếp lấy ý và trích văn ở bản NVH.
Tóm lại:
1. Xét về hình thức văn bản, bản NVH là bản được khắc in đời Lê. Theo sử biên niên, đời Lê chỉ khắc in có hai bản ĐVSKTT: Một là bản của Phạm Công Trứ, được khắc in đầu tiên năm 1665 mới in được khoảng 5, 6 phần 10. Hai là bản Lê Hi được khắc in toàn bộ năm 1697. Bản NVH là bản in đời Lê, lại khác bản Lê Hi, vậy chỉ có thể là bản Phạm Công Trứ.
2. Xét về cơ cấu, tên sách., số quyển thì bản NVH phù hợp với lời đề tựa của Phạm Công Trứ là người đã làm ra nó (bài tựa còn lưu lại sớm nhất ở bản Lê Hi).
3. So sánh hai bản cho ta thấy:
a. Lê Hi đã chỉnh lý bản Phạm Công Trứ (để làm ra bản của mình).
b. Bản NVH là bản in của bản Phạm Công Trứ, loại văn bản mà Lê Hi đã từng đem ra chỉnh lý, sửa chữa.
Những căn trên cho phép ta kết luận rằng bản NVH là một phần của bản Phạm Công Trứ. Còn được bảo lưu đến nay.

NHỮNG TƯ LIỆU MỚI DO BẢN PHẠM CÔNG TRỨ ĐEM LẠI

Nhờ so sánh kỹ bản Phạm Công Trứ với bản Lê Hi, chúng tôi đã thấy được những sử liệu mà Lê Hi lược bỏ hẳn, hoặc chép sơ lược, xin nêu sơ qua ra đây để độc giả tiện sử dụng và kiểm tra (chúng tôi chỉ nêu năm và số đầu việc theo thứ tự đã ghi ở bản dịch - phần phụ lục).
1. Những trận đánh với nhà Nguyễn ở Thuận Quảng.
- Năm Đinh Mão 1627, việc số 1, 2.
- Năm Quý Dậu 1633, việc số 4, 11, 12.
- Năm Giáp Tuất 1634, việc số 1, 2.
- Năm Canh Thìn 1640, việc số 3.
- Năm Quý Mùi 1643, việc số 1, 9.
2. Những trận đánh nhà Mạc ở Cao Bằng:
- Năm Tân Dậu 1621, việc số 4.
- Năm Mậu Dần 1638, việc số 5.
- Năm Kỷ Mão 1639, việc số 3, 5, 6.
- Năm Quý Mùi 1643, việc số 7.
3. Những cuộc bổ nhiệm quan chức, thăng phong, ghi công cho quan lại, bản Lê Hi bỏ đi (chúng tôi nêu sơ lược tên người, không nói rõ chi tiết thăng bổ ra sao - xin độc giả tự xem ở 2 bản).
- Năm Canh Tý 1600: việc số 4, 7, 12, 25, liên quan đến Bùi Khắc Nhất, Lê Bách, Lương Trí và nhiều người khác.
- Năm Nhâm Dần 1602: việc số 2, 7, 9: Nguyễn Khải, Lê Trạc Tú...
- Năm Giáp Thìn 1604: việc số 2: Ngô Trí Hòa...
- Năm Bính Ngọ 1606: số 3: con Hoàng Đình ái...
- Năm Mậu Thân 1608: sổ 3: Ngô Trí Hòa...
- Năm Canh Tuất 1610: số 3: Nguyễn Thực.
- Năm Tân Hợi 1611: số 1: Hà Mỹ Hiền.
- Năm Nhâm Tý 1612: số 1: Trịnh Tráng.
- Năm Bính Thìn 1616: số 5: Trịnh Lâm.
- Năm Đinh Tỵ 1617: số 4: Trịnh Vĩnh Thiệu.
- Năm Mậu Ngọ 1618: số 13: Nguyễn Danh Thế...
- Năm Canh Thân 1620: số 3: Lê Dật Tứ..
- Năm Quý Hợi 1623: số 11, 12, 13, 14: Trịnh Vân, Ngô Trí Hòa...
- Năm ất Sửu 1625: số 6: Nguyễn Gia, Nguyễn Duy Thì...
- Năm Bính Dần 1626: số 1, 2, 3...: Nguyễn Danh Thế, Trịnh Đỗ.
- Năm Đinh Mão 1627: số 5, 10, 11: Nguyễn Thực...
- Năm Kỷ Tỵ 1629: số 4: nhiều người.
- Năm Tân Mùi 1631: số 18: Nguyễn Thực.
- Năm Giáp Tuất 1634: số 6, 7: Đinh Thế Diên, Nguyễn Thực.
- Năm Mậu Dần 1638: số 3: Trần Hữu Lễ.
(Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ nêu năm dương lịch, không nêu can chi, trừ trường hợp thật cần)
4. Những dịp ra đời hay từ trần của vua chúa và các quan to.
- Trịnh Tạc ra đời năm: 1606 (số 2)
- Vua Thần Tông Lê Duy Kỳ ra đời: 1607 (số 3)
- Nguyễn Hoàng mất: 1613 (số 4)
- Hoàng Đình ái mất: 1608 (số 2)
- Phùng Khắc Khoan mất: 1613 (số 7)
- Bùi Bỉnh Uyên mất: 1614 (số 1)
- Nguyễn Phúc Hải mất: 1616 (số 7)
- Trịnh Lâm mất: 1619 (số 6)
- Ngô Trí Hòa mất: 1625 (số 5)
- Nguyễn Lễ mất: 1625 (số 7)
- Lưu Đình Chất mất: 1627 (số 3)
- Trịnh Lâm được truy tặng: 1630 (số 11)
- Mạc Kính Khoan mất: 1638 (số 1)
- Trịnh Vân mất: 1642 (số 2)
- Doãn Hy mất: 1643 (số 8a)
- Trần Hữu Lễ mất: 1643 ( ố 14)
- Bùi Sĩ Lâm mất: 1643 (số 15)
5. Nhờ bản Phạm Công Trứ mà ta xác định đúng một địa điểm xảy ra một trận đánh lớn giữa quân Lê Trịnh với quân Mạc: năm 1600 (số 17) nhà Trịnh “sai quân đánh úp, phá được ngụy Tây đạo là Nhai quận công, Cao quân công ở Nhật Chiêu thuộc Bạch Hạc (Bạch Hạc chi Nhật Chiêu) bắt được 40 chiếc thuyền và 7 con voi”. Bản Lê Hi bỏ chữ “Bạch Hạc chi”, chỉ chép “Nhật Chiêu” khiến ta dễ hiểu lầm, vì ở ngay cửa ô Yên Phụ ở Thăng Long cũng có địa danh Nhật Chiêu.
6. Một số chính sách thuế phú quan trọng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, bản Phạm Công Trứ có chép mà Lê Hi lược bỏ, đó là quy định về tiền và gạo các tổng xã phải nộp cho nhà vua, nhà chúa mỗi dịp lễ sắm tết, lễ cơm mới v.v.. mỗi xã bao nhiêu. Các hạng dân thường cho đến sinh đồ, tướng thần, xã trưởng, hạng lão, thông lại, nhà sư, giáo phường, giáo sinh, lão nhiêu, đàn bà góa phải nộp bao nhiêu. Thuế thân của từng hạng trên thu bao nhiêu. Thuế ruộng công, ruộng tư, đất bãi dâu, đầm ao, thuế ở điện (do nhà nước quản lý)... tổ chức thu nộp như thế nào. Phạm Công Trứ đưa cả vào mục “định bình trị quy mô” ở năm ất Sửu 1625 (mà chúng tôi đánh số 3).
7. Quy định về chế độ làm việc của bách quan ở triều đường (tức là bên cung vua, mà sách cũng gọi là Nội điện) và phủ đường (tức phủ chúa Trịnh) được chép khá tỉ mỉ vào năm Tân Mùi 1631 (việc số 13). Xem đây ta có thể hình dung được phần nào chế độ làm theo việc theo sự chỉ huy của “hai cái đầu” dưới thời vua Lê chúa Trịnh.
8. Quy định về đánh giá xét hạch quan lại tham hay liêm, mẫn cán hay chây lười để thăng, truất; Cấm quan lại nhiễu dân, tự tiện bắt giam và đánh người... được Phạm Công Trứ ghi đủ ở năm Tân Mùi (1631) (việc số 14, 15), còn Lê Hi thì lược bỏ.
Thu nhặt thêm được chi tiết vừa kể ở các mục trên, và những chi tiết về bổ nhiệm quan lại (mà bản Lê Hi lược bỏ khá nhiều) ta có thể có được một số tư liệu giúp hiểu rõ hơn tình hình lại trị trong giai đoạn ấy.
9. Về đối ngoại: ta thấy được đầy đủ hơn số lần triều đình Lê Trịnh sai sứ sang nhà Minh mang lễ cống hàng năm. Còn nhà Minh, đối với họ Lê họ Trịnh cũng có một sự thay đổi trong cách đối xử. Hai lần họ Trịnh sai người sang xin phong vương nhưng nhà Minh từ chối không cho (năm Bính Tý 1636, số 1, và năm Kỷ Mão 1639, số 4a). Rồi nhà Minh lại quy định lệnh mới là: sứ nhà Minh chỉ đưa sắc thư sang tới cửa Nam quan, còn quan của Lê Trịnh phải lên tận đó mà lĩnh sắc thư, chứ sứ thần không sang tới Thăng Long, lệ đó thi hành từ năm ất Mão 1615 (việc số 4)... Những chi tiết về ngoại giao này khá quan trọng, nhưng Lê Hi cũng lược bỏ.
10. Về tình hình nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến Lê Trịnh, Nguyễn, Mạc:
Thời Lê “trung hưng” mà ta đang xem xét là thời kỳ đất nước bị sâu xé bởi các tập đoàn phong kiến. Trong đó giai đoạn lịch sử mà Phạm Công Trứ biên chép ở quyển 20 và 21 là giai đoạn tắt dần của cuộc chiến tranh Lê - Mạc, và mở đầu của cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn; và cũng lớn dần cái mâu thuẫn nội tại Lê - Trịnh. Đọc các nguồn sử liệu khác cũng có thể cho ta cái nhìn chung như thế. Nhưng từng sự kiện cụ thể, nếu có sử liệu tin cậy soi sáng thêm, thì ta hiểu rõ hơn về động cơ, lý do của mỗi sự biến động lịch sử cụ thể. ở đây xin nêu một vài sự kiện, tư liệu mới do bản Phạm Công Trứ đem lại:
a. Về quan hệ Trịnh - Nguyễn trong giai đoạn này: Mâu thuẫn đã có nhưng chưa gay gắt: Nguyễn Hoàng bỏ trốn về Nam, gây cho phe Lê Trịnh một tổn thất lớn về lực lượng, “làm cho lòng người dao động”. Họ Trịnh phải đưa vua Lê từ Thăng Long về Thanh Hóa để cố thủ. Dòng dõi nhà Mạc trước đã phải chạy về Cao Bằng, lúc này có cơ hội lấn xuống “lấp lỗ trống” ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy Nguyễn Hoàng về Nam nhưng chỗ đứng ở đó chưa vững nên vẫn giữ quan hệ lệ thuộc với họ Lê họ Trịnh: Hoàng để ba người con ở lại làm “con tin”, được họ Trịnh trọng dụng. Hoàng gả con gái cho Trịnh Tráng (Tên là Nguyễn Thị Ngọc Tú). Tú đẻ ra Trịnh Kiều lúc đó được Tráng cho là tiết chế (tổng tư lệnh). Tú cũng sinh ra Trịnh Thị Ngọc Trúc là hoàng hậu của Lê Thần Tông (ông này ở ngôi hai lần, lâu tới 38 năm). Với quan hệ hôn nhân chằng chịt như thế, lúc này họ Trịnh chưa thể thẳng tay với họ Nguyễn. Chỉ sau khi Nguyễn Hoàng chết, Nguyễn Phúc Nguyên (là con Nguyễn Hoàng) suýt bị hai người em định làm nội ứng cho họ Trịnh lật đổ, bấy giờ quan hệ Trịnh - Nguyễn mới trở nên căng thẳng. Cộng thêm một Đào Duy Từ có tài, bất đắc dĩ trốn vào Nam tăng cường ý chí cát cứ cho Nguyễn Phúc Nguyên. Đào Duy Từ giúp Nguyễn Phúc Nguyên xây thành đắp lũy chia cắt non sông, gây ra cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn” suốt mấy trăm năm... Những chi tiết về Nguyễn Thị Ngọc Tú có thể thấy chép ở năm Canh Ngọ 1630(1) cũng đoạn ấy cho ta biết thêm về vua Lê Thần Tông và Trịnh Thị Ngọc Trúc là hoàng hậu của vua ấy: Bà Trúc trước đã có chồng là Lê Trụ, người bác họ vua, can tội bắc thang trèo vào nội điện mưu việc phản nghịch, phải hạ ngục và chết trong ngục. Bà đã sinh 4 con với Lê Trụ. Sau khi Lê Trụ chết, Chúa Trịnh Tráng là bố đẻ bà, đem gả bà cho vua Lê Thần Tông. Quan tể phụ can ngăn nhưng vua không nghe, cứ lấy bà... Những sự việc trên, Lê Hi lược bỏ cả, nhưng Phạm Công Trứ ghi đủ, như thế mới làm cho ta hiểu được lời sử thần Lê Hi phê bình vua Lê Thần Tông là “chốn cung vi chẳng còn chế độ, đó là chỗ kém!”... còn Phạm Công Trứ thì lại nhìn dưới góc độ khác, nên ca ngợi vua này là “đối với nhà Chúa rất là hòa mục, ung dung hưởng lộc trời dài lâu...há chẳng tốt sao?”. Qua đây ta cũng biết rõ thêm Lê Trụ bị tội gì, chứ bản thân Lê Hi chỉ chép: “Khi ấy Lê Trụ bị giam trong ngục” thì câu chuyện dường như chưa hợp tình hợp lý lắm. Việc Lê Trụ chưa ngấp nghé ngôi vua có thể xem thấy ở năm Kỷ Mùi (1619) (việc số 4), việc này Lê Hi cũng lược bỏ.
b. Dòng dõi nhà Mạc:
Tuy nhiều lần thua to, vẫn dựa vào nhà Minh, chiếm giữ đất Cao Bằng, tạo thành cái thế rình rập ở phía Bắc, hễ quân Lê - Trịnh sơ hở là tràn xuống, khiến cho họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn phải mất nhiều công sức đánh dẹp. Nhưng cũng có lúc họ Mạc bị kiệt quệ nguy khốn. Lẽ ra họ Trịnh có thể diệt hết được du đãng nhà Mạc. Thế nhưng họ Trịnh lại phải chiêu hàng, phong cho Mạc Kính Quan tước Thông Quốc công, cho trú ở Cao Bằng, đó là vào năm Giáp Tý 1624 (việc số 3)... Trong chiến dịch do Trịnh Kiều chỉ huy tấn công vào Cao Bằng từ hai phía, tháng 11 năm 1624, Trịnh Kiều giành thắng lớn, bắt sống được Mạc Kính Quan đem về Kinh đô giết chết. Nhưng gần cuối chiến dịch thì tướng Nguyễn Khắc là cháu nội Nguyễn Hoàng đã bỏ về nên cánh quân Thái Nguyên phải rút, Trịnh Kiều phải bãi binh nửa chừng... Một nguyên nhân làm cho dòng dõi họ Mạc còn tồn tại kéo dài rõ ràng là do mâu thuẫn nội bộ Trịnh - Nguyễn. Đó là một ý mới do sử liệu Phạm Công Trứ ghi lại.
c. Nội bộ Lê và Trịnh:
Hai lần nổi loạn của Trịnh Xuân con trai Trịnh Tùng vào năm 1619 và 1623 đã gây ra những tổn thất lớn cho triều đình Lê Trịnh, khiến lực lượng và khí thế của họ yếu hẳn đi, họ phải lánh về Thanh Hóa, cũng giống như lúc Nguyễn Hoàng bỏ trốn. Họ Mạc thừa cơ tràn xuống đồng bằng. Điều đó các đoạn trên đã có nói qua. ở đây cần nói thêm là: những chi tiết mà bản Phạm Công Trứ ghi chép giúp ta hiểu rõ từng sự kiện xảy ra thực như thế nào. Bản Phạm Công Trứ chép: "Trong cuộc nổi loạn lần thứ nhất vào năm 1619, Xuân có liên kết với vua Lê Kính Tông là con rể Trịnh Tùng, Xuân sai quân mai phục ở ngã ba đón đường lúc Trịnh Tùng đi xem đua thuyền về, bắn đúng vào con voi do ông cưỡi. Nhưng may mắn hôm đó Trịnh Tùng lại thay đổi thói quen, cho voi và nghị trượng trở về trước, còn mình thì ngồi kiệu đi sau, nhờ thế mà thoát nạn... Sau đó điều tra ra sự việc, Trịnh Tùng biết vua Lê Kính Tông có dự mưu này, nhưng Trịnh Tùng chỉ tố cáo điều đó trước cuộc họp của bá quan. Mọi người đồng ý phế truất vua, và chưa nỡ giết vua. Nhưng rõ vua xấu hổ tự thắt cổ chết. Sau đó triều đình chưa vội đặt tên thụy, mà tạm gọi là Giản Huy đế, tang lễ vua cũng bị cắt giảm... Những việc đó, cùng sự việc con gái Trịnh Tùng kêu khóc, xin lập chính con của bà và vua Lê Kính Tông tức Thần Tông lên ngôi, với lý do “bố nó có tội chứ con có tội gì”. Và Trịnh Tùng chấp nhận, tỏ ra hợp lý và gần sự thực. Sự việc này Lê Hi tóm gọn chỉ còn khoảng một phần ba số chữ, và nói chính Trịnh Tùng ép vua thắt cổ, như vậy có hơi khác.
Cuộc bạo loạn lần thứ hai của Trịnh Xuân có mầm mống từ sự tranh công với anh ruột là Trịnh Tráng trong chiến dịch đi đánh Cao Bằng năm 1620 (chỉ bản Phạm Công Trứ chết ) đã nói ở trên. ở đay xin nêu thêm một số tình tiết mà bản Phạm Công Trứ chép đầy đủ hơn bản Lê Hi. Đó là: khi quân của Xuân vào phá phủ thì Trịnh Tùng đang ốm nặng, ông vẫn gắng ngồi dậy, lấy giáo đâm loạn quân, mọi người sợ, chạy giạt ra. Ông lên võng ra cửa phủ, gặp Xuân, ông còn quát mắng. Xuân rút quân ra, nhưng lại cho quân cướp phá và cướp đô thành... Rồi đến đoạn sau, khi mọi người dụ được Xuân vào, nói dối là để trao binh quyền, ở nơi tạm trú tại Hồng Mai, Trịnh Tùng mắng nhiếc Trịnh Xuân, nhưng chưa nỡ giết. Chỉ sai quân cùm lại, để đợi giao luận tội. Nhưng lập tức Trịnh Đỗ sai võ sĩ chặt chân Trịnh Xuân cho chết đi. Điều này cũng khác với bản Lê Hi (nói Trịnh Tùng bảo Sĩ Lâm sai người chặt chân cho Xuân chết)... Sau đó bản Phạm Công Trứ còn chép đầy đủ danh sách 19 người con của Trịnh Tùng. Những chi tiết đó tỏ ra bản Phạm Công Trứ chép việc kỹ và phong phú hơn bản Lê Hi. Và do đó, nó cũng chứng tỏ rằng người chép sử trước sống gần thời kỳ xảy ra sự việc hơn.
Xét thấy đây là một bản sách in Đại Việt sử ký toàn thư cổ nhất; và như trên cho thấy, chỉ trong khoảng vài chục trang, mà bản sách đã cho ta thêm nhiều sử liệu quý giá như vậy, cho nên chúng tôi thấy cần công bố cả bản chữ Hán để bảo tồn theo lối nhân bản, và dịch ra để nhiều nhà nghiên cứu có dịp so sánh, tìm hiểu, thấy rõ cách các nhà sử học xưa của ta đã kế thừa, chỉnh lý, biên soạn sử đời trước như thế nào. Nhân dịp này chúng tôi cũng tỏ lòng cảm ơn gia đình cụ Nguyễn Văn Huyên đã cho chúng tôi được nghiên cứu, sao chụp để công bố và đưa tài liệu mới sưu tầm được vào kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
CHÚ THÍCH
(1) Có bản dịch của Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng, tập 1 đã được Nxb. KHXH xuất bản năm 1982 dưới nhan đề Đại Việt sử ký toàn thư phần tiếp.
(2) Phạm Công Trứ (1599 - 1675), đỗ Tiến sĩ năm 1628, làm quan đến Tể tướng, chủ biên cuốn Đại Việt sử ký toàn thư chép việc từ đời Hồng Bàng đến hết đời Lê Thần Tông (năm 1662). Sách gồm 23 quyển được khắc in năm 1665. Nay “đã mất”.
(3) Chúng tôi căn cứ trên sự so sánh các chữ dị dạng ở bản ĐVSKTT niên hiệu Chính Hòa với các sách khác, khắc in đời Nguyễn. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ có chuyên luận riêng.
(4) Xem ĐVSKTT, Sđd, bản dịch tập 1, tr.78.
(5) Việc này cũng được Lê Hi xác nhận lại trong lời tựa cả ông (Xem Sđd, tr.74 đoạn nói về việc làm của Phạm Công Trứ. Đại ý như sau... a) Phạm Công Trứ chép thêm từ Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông (1533 - 1662), đặt tên là “Bản kỷ tục biên” b) Đã khắc in ra (mười phần mới khắc in được 5, 6).
(6) Lê Hi (sinh năm 1648 mất năm 1702) đỗ Tiến sĩ năm 1667. Có đi sứ, làm quan tới Thượng thư bộ binh; tập đại thành Bộ ĐVSKTT chép việc từ Hồng Bàng đến Gia Tông (1675) khắc in năm 1697, nay vẫn còn truyền bản.
(7) Theo cách tính của âm lịch thì ngày giữa tháng chỉ có thể có nguyệt thực còn nhật thực chỉ có thể xảy ra đầu tháng hay cuối tháng.
(8) Thống kê sơ lược cho thấy bản NVH có khoảng 15.500 chữ, với 291 “đầu việt”; còn bản Lê Hi, giai đoạn tương ứng chỉ có khoảng 11.600 chữ, với 198 “đầu việc”.
(9) Xem việc năm 1633: chúa Trịnh đem quân đi đánh Thuận Quảng. Bản NVH chép làm 5 đoạn, cộng hàng trăm chữ. Bản Lê Hi chỉ có một câu. Hoặc việc viên Hiến sát phó sứ Thanh Hoa trở về với triều đình Lê Trịnh năm 1631, cũng thấy bản Lê Hi chép gọn như vậy./.

Ngô Thế Long
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh