Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

BẢN ĐỒ CỔ VIỆT NAM

SUNday - 20/09/2015 20:38
Khái niệm "bản đồ cổ" ở đây được hiểu như là loại bản đồ vẽ theo lối truyền thống, trước khi khoa bản đồ học chính thức thành lập.
Một bản đồ cổ “Carte de l'Asia” do Homann Heirs vẽ năm 1744

Một bản đồ cổ “Carte de l'Asia” do Homann Heirs vẽ năm 1744

Bài viết này là kết quả của việc kiểm kê, phân loại, từ đó nêu lên một vài nhận xét về những tấm bản đồ cổ Việt Nam hiện sưu tầm được không ngoài mục đích góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử bản đồ nước ta.
I. Các nguồn tư liệu.
Chúng ta hiện có bao nhiêu bản đồ cổ? Thoạt nhìn vào cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, ta thấy hơi thất vọng: 1 cuốnThiên tải nhàn đàm với 44 tờ bản đồ; 1 cuốn Bản quốc dư đồ với 48 bản đồ; 1 cuốn Bản quốc dư đồ bị lãm với 2 bản đồ; và 1 cuốn Bản quốc dư địa đồ lược với 1 bản đồ (Xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm,t.1, Thư viện Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 1970, phần Địa lý, tr.317-384). Chỉ có chừng ấy thôi ư, một đất nước mấy nghìn năm văn hiến?
Thực ra, tình hình không đến nỗi bi đát như vậy. Qua điều tra sợ bộ, đã có thể phát hiện hơn mấy mươi cuốn sách với hàng nghìn trang bản đồ, chỉ tính riêng trong phạm vi kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nếu kể cả số sách có mang bản đồ cổ Việt Nam hiện tản lạc ở nước ngoài, như tại Pháp chẳng hạn, một nước từng thiết lập Học viện Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội từ đầu thế kỷ, thì khối lượng bản đồ vẽ theo lối truyền thống còn phong phú hơn nhiều.
Hãy xem bảng thống kê sau đây về các nguồn tư liệu có ở Viện Hán Nôm và ở Pháp, trong đó phần lớn là các tập atlas, và trữ lượng bản đồ thuộc từng nguồn.
1
TT Tên sách Ký hiệu i, m Tác giả Niên đại Số lượng bản đồ Đặc điểm
Cả nước Địa phương
1 An Nam hình thắng đồ A.3034 m (viết tay) 1 đời Lê 1 nhiều trang liên hoàn Bđ.cả nước; Bđ.Trung Đô (Thăng Long); Bđ.13 thừa tuyên; Bđ.thủy bộ từ Thăng Long đi
2 An Nam quốc Trung Đô tính thập tam thừa tuyên hình thế A.2531 m 1 đời Lê (1490?) 1 15 Chiêm Thành; Bđ. đi sứ từ Thăng Long đến Yên Kinh.
Bđ. Thăng Long; Bđ.13 Thừa tuyên; Bđ.toàn quốc; Bđ. Tam chi
3 An Nam thông quốc bản đồ VHv.1358/2 m 1 đời Lê (có thơ Thiệu Trị) 0 104 trang vẽ liên hoàn Màu. Đường thủy, bộ từ Bắc vào Nam; từ Thăng Long đi Chiêm Thành, Cao Miên
4 Bản đồ các hải cảng (Portulan) Paris.BN.G
FF.3677
m 1 1 24 Màu.24 hải cảng VN, trong một tập Bđ. hải cảng nhiều nước.
5 Bản quốc dư địa đồ lược Việt Nam địa đồ, quốc hiệu, sơn thủy, bảo hóa cựu lục) A.2584 m 1 đời Nguyễn 1 0 Bản đồ cả nước, có ghi tên các tỉnh, núi lớn, sông lớn.
6 Bản quốc dư đồ A.1106 m 1 đời Nguyễn 1 1+28+18 Bđ cả nước. Bđ Đông Nam Á; Bđ 28 tỉnh; Bđ. phủ, huyện.
7 Bản quốc dư đồ bị lãm (= Bản quốc dư đồ sơn xuyên địa thế vị trí sản vật điền thổ bị lãm) A.2026 m 1 đời Nguyễn (1841) 0 2 Bđ 16 tỉnh Miền Bắc.
Bđ 14 tỉnh miền Nam.
8 Bắc hành đồ bản A.821 m 1 đời Lê 0 186 trang vẽ liên hoàn Màu: đen, đỏ, xanh. Đường đi từ Thăng Long đến Yên Kinh.
9 Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ A.590 m Sử quán triều Nguyễn đời Nguyễn (1861) 0 50 Màu: đen, đỏ. Bđ các tỉnh, phủ từ Thanh Hóa ra Bắc
10 Bắc sứ đồ tập Paris.SA. HM 2182 m 1 ? 0 185 trang bản đồ liên hoàn Bđ đường đi sứ Trung Quốc
11 Bắc sứ trình đồ A.3035 m 1 ? 0 188 trang
Bđ.liên hoàn
Màu: đen, đỏ. Đường đi sứ từ đài Chiêu Đức (bên kia Hữu Nghị quan) đến Yên Kinh.
12 Đại Nam cương giới hội biên Paris.SA.
MS b.30
m Hoàng Hữu Xứng, Nguyễn Hữu Độ v.v. đời Nguyễn (1886) 1 188 trang Bđ.
liên hoàn
Bđ phủ Thừa Thiên; Bđ các tỉnh.
13 Đại Nam nhất thống chí A.853/1-8 i (in) Cao Xuân Dục v.v.. đời nguyễn (1909) 1 16 Bđ. Kinh sư; Bđ.toàn kỳ;
Bđ các tỉnh
14 Đại Nam nhất thống chí A.69/1-12 v.v.. m Quốc sử quán đời Nguyễn 1 31 Màu. Thành trì ở các tỉnh (tỉnh lỵ)
15 Đại Nam nhất thống dư đồ A.3142,
A.1600
m Quốc sử quán đời Nguyễn (1861) 1 75 Bđ.toàn quốc; Bđ các tỉnh, phủ.
16 Đại Nam toàn đồ A.2959 m 1 đời Nguyễn 1 29 Màu: xanh, đỏ, đen. Bđ cả nước; Bđ 32 tỉnh
17 Địa chí A.343 m 1 đời Nguyễn
(?)
0 38 trang
Bđ liên hoàn
Đường bộ, đường thủy từ Quảng Đức (Hà Nội) đi Nha Trang.
18 Địa đồ A.589 m 1 đời Nguyễn 1 8 Bđ cả nước; Bđ phủ Vĩnh Tường; Bđ phủ Thừa thiên; Bđ trấn thành Quảng Bình; Bđ.Kinh thành.
19 Đồng Khánh địa dư chí lược (=Đồng Khánh địa dư chí) A.537/1-24 m Quan chức các tỉnh thời Đồng Khánh đời Nguyễn 1 Tất cả các tỉnh, phủ, huyện Màu Bđ cỡ lớn (… 2 trang sách), vẽ trên lụa.
20 Gia Cốc xã bản đồ A.1895 m 1 đời Nguyễn
(1841)
0 1 Bđ xã Gia Cốc, Gia Lâm, Hà Nội
21 Giao Châu chí Paris.SA.
HM 2240
m 1 đời Lê 1 1 Thiên Nam tứ chí lộ đồ. Trung Đô. Thập tam xứ phủ huyện châu tổng lục. Trung Đồ chí Nghệ An La Hà đồ nhật ký tổng lục.
22 Giao Châu dư địa chí VHt.30
A.2716
m Trương Phụ (?)
Mộc Thạnh (?)
đời Lê (theo Đàm Nghĩa An 1810) 1 nhiều trang Bđ Giao Châu. Các nước lân cận. Thành Thăng Long.13 xứ. Đường thủy bộ từ Thăng Long đến Cao Miên.
23 Hoàng Hoa đồ phả A.1579 m Ngô Thì Nhậm đời Tây Sơn 0 156 trang Bđ liên hoàn Phong cảnh dọc đường từ Thăng Long đến Yên Kinh
24 Hồng Đức bản đồ ( = Nam Việt bản đồ; Đại Nam bản đồ) VHb.41, A.2499, A.1603 v.v.. m 1 Đời Lê (sau Hồng Đức) 1 1+13 Theo cụ Lê Thước, đây là Bđ vẽ sau niên hiệu Hồng Đức (Yên Bang - Yên Quảng; Tân Bình Tiên Bình; Vuơng Phủ - Trung Đô.
25 Kiền khôn nhất lãm A.414, v.v.. m Phạm Đình Hổ đồ lại đời Nguyễn 1 87 Cả nước.Thăng Long.13 thừa tuyên. Đường đi từ Thăng Long đến Yên Kinh. Các nước Xiêm La, Miến Điện, Ai Lao, Cao Miên. Tỉnh Cao Bằng, Sông ngòi, đê điều miền Bắc.
26 Kiêu Kỵ xã bản đồ A.1896 m 1 đời Nguyễn (1820) 0 1 Bđ xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
27 Nam Bắc Kỳ hội đồ A.95 m 1 đời Nguyễn 1 13+26 Bđ cả nước. 13 tỉnh từ Quảng Bình trở vào. Các đạo, phủ, huyện trực thuộc các tỉnh trên.
28 Nam quốc địa dư VHv.2742 m Đặng Xuân Bảng (1828-1910) đời Nguyễn 1 2 Bđ toàn quốc. Bđ Bắc Kỳ. Bđ Nam Định
29 Nam quốc địa dư chí lược VHv.1723 i Lê Doãn Thăng đời Nguyễn (1919) 2 5  
30 Nam Việt địa dư trích lục A.2139 m 1 đời Nguyễn 1 0 Bđ cả nước, có ghi tên các tỉnh. Núi lớn. 3 sông lớn: Nhĩ Hà, Sông Gianh, Cửu Long.
31 Như Thanh đồ A.3113 m Phạm Văn Trữ đời Nguyễn
(1882)
0 42 trang liên hoàn Bđ đi sứ TQ, từ Nam Quan đến Yên Kinh.
32 Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên (= Quỳnh Đôi hương biên) VHv.1379 m Hồ Phi Hội đời Lê (?) 0 1 Bản đồ sông, núi, làng Quỳnh Đôi.
33 Sơn Tây dư đồ VHv.1366 m 1 đời Nguyễn 0 3 Bđ phủ Vĩnh Tường. Bđ phủ Lâm Thao. Bđ phủ Đoan Hùng
34 Sơn Tây Thụy Khuê xã bản đồ A.2964 m 1 đời Nguyễn 0 1 Bđ cỡ lớn, vẽ trên giấy bóng mờ.
35 Sứ trình đồ VHv.1378 m 1 đời Nguyễn (?) 0 96 trang liên hoàn Màu. Bđ đi sứ TQ, từ Chiêu Đức đài đến phủ Hà Gian (TQ)
36 Sứ trình đồ bản A.1399 m 1 đời Nguyễn (?) 0 160 trang liên hoàn Bđ đi sứ TQ, từ Hà Nội đến Yên Kinh.
37 Sứ trình đồ họa Paris.SA. HM.2196 m 1 đời Nguyễn (?)     Bđ đi sứ TQ, từ Lạng Sơn đến Yên Kinh
38 Sứ trình quát yếu biên VHv.1732 m Lý Văn Phức đời Nguyễn (1841) 0 164 trang liên hoàn Màu: đen, xanh, đỏ, vàng. Bđ đi sứ TQ, từ Nam Quan đến Yên Kinh.
39 Thanh Hóa tỉnh đồ bản VHv.1364 m 1 đời Nguyễn 0 67 tổng 1 châu Bđ các tổng, châu thuộc tỉnh Thanh Hóa.
40 Thiên hạ bản đồ A.2628 m 1 đời Lê 0 76 trang liên hoàn - Toản tập An Nam lộ (40 tr.Bđ, từ Tam Chi đến Thạch Bi). - Từ Phụng Thiên đi Khâm Châu, Niệm Châu (12 tr.Bđ). - Từ Phụng Thiên đi Quảng Tây (9tr.Bđ). - Từ Phụng Thiên đi Bắc Quan môn (15 tr.Bđ).
41 Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn A.1362 m 1 đời Lê 0 1 Bản đồ Chiêm Thành
42 Thiên Nam lộ đồ A.1081 m Nhữ Ngọc Hoàn đời Lê (1771) 1 104 trang Bđ liên hoàn Bđ Trung Đô; Bđ 13 thừa tuyên. Bđ 4 trục đường lớn từ Trung Đô đi Chiêm Thành; đi Châu Khâm, đi Quảng Tây, đi Nam Quan.
43 Thiên Nam tứ chí lộ đồ thủ A.73 m Đỗ Bá Thị, tên chữ là Công Đạo soạn. Phạm Đình Hổ biên tập. đời Lê 5 73 trang Bđ vẽ liên hoàn Bđ đường bể đi từ Thăng Long đến Bố Chính, La Hà. Đường thủy từ Thăng Long đến Nghệ An. Đường biển từ biên tập Cửa lạc đến Chiêm Thành (Phố Trì).
44 Thiên tải nhàm đàm A.584 v.v.. m Đàm Nghĩa Am biên tập đời Nguyễn
(1810)
1 1 Giao Châu địa dư chí. Thiên Nam hình thắng lươc thuyết.
45 Thủy lục trình đồ Paris.SA. 
MS b.19
m 1 đời Nguyễn 1 1 Bđ thủy, bộ từ Kinh đô (Huế) đến các địa phương trong nước (Vào Nam: 73 trạm; ra Bắc: 70 trạm)
46 Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản Paris. EFEO VIET/A.
Géo.4
m Phạm Đình Hổ đời Lê đời Nguyễn (1839) 2 1 Màu.Bđ cả nước. Bđ Thăng Long. Bđ 13 Thừa tuyên. Một số Bđ vẽ thêm.
47 Toản tập Thiên Nam địa đồ A.1174 m 1 đời Lê 0 75 trang Bđ liên hoàn Bđ từ Kinh Thành (Thăng Long) qua Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An tới Chiêm Thành. Từ Long Thành (Thăng Long) tới các tỉnh phía Đông, phía Tây, phía Bắc.
48 Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư Paris.SA. 
HM 2241
i 1 đời Lê (sao lại 1741) 1 1 Bđ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thuận Hóa, Quảng Nam.
49 Yên thiều nhật trình A.2381 m 1 đời Nguyễn (?) 0 163 trang Bđ liên hoàn Màu. Bđ đi sứ, từ đài Chiêu Đức đến Tứ dịch công quán (Bắc Kinh).
1 1
Qua bảng thống kê trên, có thể thấy Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tàng trữ 27 tập Atlas (1. An Nam hình thắng đồ; 2. An Nam quốc Trung đô tính thập tam thừa tuyên hình thế đồ họa; 3. An Nam thông quốc bản đồ; 4. Bản quốc dư đồ; 5. Bắc hành đồ bản; 6. Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ; 7. Bắc sứ trình đồ; 8. Đại Nam thống nhất dư đồ; 9. Đại Nam toàn đồ; 10. Địa chí; 11. Địa đồ; 12. Giao Châu dư địa chí; 13. Hoàng hoa đồ phả; 14. Hồng Đức bản đồ; 15. Kiền khôn nhất lãm; 16. Nam Bắc Kỳ hội đồ; 17. Như thanh đồ; 18. Sứ trình đồ; 19. Sứ trình đồ bản; 20. Sứ trình quát yếu biên; 21. Thanh Hóa tỉnh đồ bản; 22. Thiên hạ bản đồ; 23. Thiên Nam lộ đồ; 24. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư; 25. Thiên tải nhàn đàm; 26. Toản tập Thiên Nam địa đồ và 27. Yên thiều nhật trình) và 14 bộ hoặc cuốn sách có xen kẽ bản đồ (1. Bản quốc dư địa đồ lược; 2. Bản quốc dư đồ bị lãm; 3. Đại Nam nhất thống chí; 4. Đại Nam nhất thống chí (bis); 5. Đồng khánh địa dư chí lược; 6. Gia Cốc xã bản đồ; 7. Kiêu Kỵ xã bản đồ; 8. Nam quốc địa dư; 9. Nam quốc địa dư chí lược; 10. Nam Việt địa dư trích lục; 11. Quỳnh Đôi hương biên; 12. Sơn Tây dư đồ; 13. Sơn Tây Thụy Khuê xã bản đồ; 14. Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn). Ở Pháp có 8 tập Atlas thuộc các Phòng Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia Paris (Bản đồ các hải cảng), Thư viện Học viện Viễn đông Bác cổ (Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản), Thư viện Hiệp hội châu Á, sách do gia đình H.Maspéro cung hiến (Bắc sứ đồ tập; Giao Châu chí; Sứ trình đồ họa; Toản tập Thiên Nam lộ đồ thư) và các nguồn khác (Đại Nam cương giới hội biên; Thủy lục trình đồ), trong đó, trừ tập Bản đồ các hải cảng do người nước ngoài vẽ, số còn lại đều do người Việt Nam vẽ.
Trong các nguồn tư liệu vừa kể, có 14 tác phẩm thuộc đời Lê, 1 tác phẩm thuộc đời Tây Sơn, 30 tác phẩm thuộc đời Nguyễn, và 4 tác phẩm chưa rõ niên đại.
Về tác giả, trừ một số ít sách có ghi tên người vẽ hoặc biên tập thuộc đời Lê như Nhữ Ngọc Hoàn, Đỗ Công Đạo; thuộc đời Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm; thuộc đời Nguyễn như Đàm Nghĩa Am, Lý Văn Phức, Phạm Đình Hổ, Đặng Xuân Bảng, Phạm Văn Trữ, Hoàng Hữu Xứng, Cao Xuân Dục, Lê Doãn Thăng... còn thì hầu hết đều khuyết danh.
Về loại hình văn bản, sách in chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số sách viết tay (3/46).
Về phương diện đăng tải, các bản đồ chủ yếu được vẽ trên giấy bản, một số ít vẽ trên lụa (Đại Nam nhất thống chí A.69/1-12) hoặc trên giấy bóng mờ (Sơn Tây Thụy Khuê xã bản đồ).
Về mực vẽ, có một số bản đồ màu, như An Nam thông quốc bản đồ, Bản đồ các hải cảng, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí lược, Sứ trình đồ, Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản, Yên Thiều nhật trình, Bắc Kỳ đồ bản (đen, đỏ), Bắc sứ trình đồ (đen, đỏ), Bắc hành đồ bản (đen, đỏ, xanh), Đại Nam toàn đồ (đen, đỏ, xanh), Sứ trình quát yếu biên (đen, đỏ, xanh, vàng).
II. Chủng loại bản đồ
Những bản đồ vẽ theo lối truyền thống của ta không những phong phú về số lượng, mà còn đa dạng về chủng loại.
Nếu xét từ cấp độ thông tin, có bản đồ khu vực, bản đồ cả nước, và bản đồ địa phương.
Bản đồ khu vực ở đây tức bản đồ Đông Nam Á (trong Giao Châu chí, Bản quốc dư đồ, Kiền khôn nhất lãm), bao quát một vùng đất khá rộng, gồm Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Tây Inđônêsia, Đông Ấn Độ và Nam Trung Quốc. Trên bản đồ có ghi những con sông lớn, những hòn đảo lớn, những vùng biển quan trọng.
Cũng thuộc cấp khu vực, còn có bản đồ giao thông liên quốc gia và bản đồ cấu tạo địa hình thuộc vùng Bắc Việt Nam - Nam Trung Quốc. Về đường giao thông liên quốc gia, có thể kể những bản đồ vẽ đường đi từ Hà Nội đến Cao Miên (An Nam thông quốc bản đồ, Giao Châu dư địa chí), từ Hà Nội đi Khâm Châu, Niệm Châu, Quảng Tây (Thiên hạ bản đồ, Thiên Nam lộ đồ), từ Việt Nam đi Bắc Kinh (Bắc hành đồ bản, Bắc sứ trình đồ, Hoàng Hoa đồ phả, Như Thanh đồ..). Về cấu tạo địa hình, có bản đồ "Tam chi" (Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, An Nam quốc Trung Đô tính thập tam thừa tuyên hình thế đồ họa), phác thảo những nếp nhăn lớn trên bề mặt mảng địa cầu Nam Trung Quốc - Bắc Việt Nam. Ta hãy đọc đoạn văn thuyết minh cho bản đồ "Tam chi": "Đất An Nam nằm về phía Nam Trung Quốc, men theo biển hướng về Đông, hình giống như đai áo, trên rộng, dưới hẹp. Mạch đất khởi phát từ Côn Luân, lấy Hắc Thủy của Vân Nam làm giới tuyến. Khi tới Ngũ Linh, địa mạch tách ra làm 3 nhánh đi vào nước ta (...). Nhánh trung tâm đột ngột nhô lên, từ Quảng Tây, Tiểu Côn nhằm hướng Thiếu Tổ băng tới, muôn dặm quanh co, bỗng vươn mình thành dãy Tam Đảo, rồi tỏa rộng ra. Ấy là miền đất Thái Nguyên, Kinh Bắc, Tiếp Sơn Nam, Hải Dương. Nhánh bên ta trước hết thu mình lại thành một vùng núi che chắn, ngoằn ngoèo, xoắn xít, rồi cuồn cuộn ruỗi dài đến Khâm Châu, Niệm Châu, khoá trái cửa thành. Chợt một ngọn vút cao tận mây, gọi là "đỉnh sao" chênh vênh, "thành xây" chất ngất. Nào núi Yên Tử, nào đỉnh Khiên Phụ, chạy sang Tây đến núi Cổ Phao và dừng lại ở sông Lục Đầu uốn khúc. Ấy là miền đất Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương. Nhánh bên hữu rẽ qua núi Tháp Thiên của Ai Lao, trùng trùng điệp điệp, thác đổ ầm ầm, nhấp nhô muôn dặm, đến nước Chiêm Thành, trở nên thành quách. Trong nhánh này, các núi Tản Viên, La Tượng xúm xít, nước trăm sông dồn đổ về. Ấy là miền đất Tuyên Quang, Hưng Hòa, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam".
Nếu xét từ đối tượng phục vụ, lại có thể chia các bản đồ trên thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm các bản đồ hình thế, dùng cho việc quản lý hành chính hoặc học tập, như Bản quốc dư đồ, Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ... Ở loại bản đồ này, người vẽ thường quan tâm đến các chi tiết như cương vực, ranh giới các tỉnh, phủ, huyện, sông, biển, núi, thành trì, nơi đô hội...
Nhóm thứ hai gồm các bản đồ đường giao thông, nhằm hướng dẫn người đi đường, hoặc phục vụ cho các hoạt động quân sự, như Thiên tải nhàn đàm, Thủy lục trình đồ... Ở loại bản đồ này, người vẽ thường ghi tên các trạm đường, độ dài từng cung đường, các cửa sông, cửa biển, đặc biệt là những nơi "hùm beo đi thành bầy", vùng núi "mỗi năm dụ được tới 40 thớt voi", chùa tháp "mỗi năm vào độ tháng tư, cá về đây triều hội" (Thiên tải nhàn đàm), cùng tình hình phố chợ, thôn xóm dọc đường đi, những thông tin không bao giờ thừa đối với người vào Nam ra Bắc. Các nhà quân sự cũng cần biết "những miền đất hiểm trở, xa xôi, không dễ chinh phục", trong khi "số trời phân hợp thất thường", có một tấm bản đồ giúp vào việc "trù biên" (lo liệu việc biên giới) là hết sức quan trọng (Nam hành trình lục, trong Giao Châu dư địa chí).
Nhóm thứ ba gồm các bản đồ giao thương (như Bản đồ các hải cảng),bản đồ du lịch (như Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư...), bản đồ đi sứ (nhưHoàng Hoa đồ phả, Yên Thiên Nhật trình...). Khác với 2 loại trên, loại thứ ba này đi giữa "bản đồ", hiểu theo nghĩa nghiêm túc của nó, với "tranh vẽ". Làm sao gây cho người xem nhiều hồi hộp, hứng thú và niềm khao khat được đến tận nơi tận chỗ trên từng địa điểm của đồ bản, đấy là mục tiêu mà tác giả nhe nhắm. Cho nên không có gì là lạ khi thấy trên bản đồ hiện lên những cảng khẩu tấp nập đông vui, những tòa kiến trúc nguy nga lộng lẫy, những làng quê, phố chợ, chùa tháp... ẩn hiện giữa nước biếc non xanh, có kèm theo những sự tích, những vần thơ đề vịnh của nhiều danh sĩ... Tóm lại, làm cho người xem bản đồ đạt tới hiệu ứng "ngọa du", tức dẫu nằm một chỗ, mà vẫn cảm thấy như chính mình đang đi tham quan du lịch trên thực địa (Thiên Nam tứ chí lộ đồ dẫn).
III. Đôi điều nhận xét
1. Về nội dung: các bản đồ vẽ theo lối truyền thống trên đại thể không cách bức lắm với bản đồ hiện đại. Có cương vực, bờ cõi, đơn vị hành chính; có núi, sông, biển, hải đảo; có động vật, thực vật; có trục lộ giao thông, trạm đường, bến cảng... tóm lại, một phác họa tuy còn đơn giản, về mô hình môi trường sống. So với 5 yếu tố cấu thành môi trường địa lý hiện đại - khí quyển, sinh quyển, thủy quyển, thạch quyển, địa quyển - thì còn thiếu mỗi một "khí quyển". Nhưng thay vào đó là quan niệm về "tinh dã" có thể hiểu như "vùng trời", theo nghĩa "đất nào sao ấy"; và thuyết "phong thủy", "ngũ hành", một thứ quan niệm về môi trường mang tính duy vật thô sơ. Ở đây có mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới cần được tiếp tục nghiên cứu.
2. Về cách trình bày, có mấy điểm đáng chú ý
Trước hết là cách xác định tọa độ. Hầu hết các bản đồ vẽ theo lối truyền thống đều bị chi phối bởi quan niệm "tam tài" và "5 phương 8 hướng", do vậy phía trên của bản đồ không cứ phải là hướng Bắc, dù người phương Đông chúng ta sớm phát hiện tầm quan trọng của "Bắc thần" tức sao Bắc đẩu trong việc định vị. "Tam tài" - Thiên, Địa, Nhân - đặt con người vào trung tâm vũ trụ. Nếu các sao đều xoay quanh Bắc đẩu, thì môi trường sống phải phục vụ con người, đất nước phải coi trọng thủ đô, địa phương hướng về các lỵ sở... Thủ đô, lỵ sở, các trục đường nối liền thủ đô với lỵ sở... do vậy đã trở thành tâm điểm hoặc đầu mối của phần lớn các bản đồ. Còn hướng trên của bản đồ có thể là Đông, là Tây, là Nam, hay là Bắc, cái đó dường như không hệ trọng. "5 phương 8 hướng" - Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung ương và Đ, T, N, B, ĐN, TN, ĐB, TB - đã đưa tới những tấm bản đồ thậm chí hương trên là phương hướng phụ (bàng phương) chứ không phải phương hướng chính (chính phương). Có thể thấy quan niệm "tam tài" và "5 phương 8 hướng" đã tạo ra ở các bản đồ cổ một kiểu định tọa độ khá đặc biệt.
Thứ hai là lối vẽ theo đơn nguyên và lối vẽ liên hoàn. Lối vẽ theo đơn nguyên dành cho loại bản đồ hình thế hoặc hành chính. Lối vẽ liên hoàn dành cho loại bản đồ đường đi hoặc giao thông nói chung.
Thứ ba, kích thước thể hiện trên bản đồ hoàn toàn do ước phỏng. Các khoảng cách thường được đo bằng ngày đường; vị trí các địa điểm thường được xác định bằng trật tự không gian. Một số bản đồ chỉ có ý nghĩa về nơi chốn mà không liên quan gì tới địa hình cả.
Thứ tư, bên cạnh nhiều bản đồ vẽ theo kiểu nhìn từ trên xuống, có một số bản đồ vẽ xen kẽ theo kiểu nhìn ngang.
Thứ năm, qua các bản đồ từ Lê đến Nguyễn, có sự quá độ từ tranh vẽ sang dần tuyến hình học.
3. Về giá trị kho bản đồ cổ, một mặt có thể nói đây là biểu tượng của truyền thống xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Cái mà ngày nay gọi là "bản đồ", thì người xưa gọi là "dư đồ". Chữ "dư' trong Đại Nam nhất thống dư đồ còn được viết theo kiểu TRIỆN, một lối viết cổ xưa, gồm 2 đôi bàn tay vin đỡ một cỗ xe 2 bánh:
"Dư" vừa là vật chở (chiếc xe), vừa là chuyển dịch, phát triển (xe lăn đi), đồng thời lại có nghĩa là bảo vệ, kiến tạo 4 bàn tay đỡ 4 góc xe). "Dư đồ", bản đồ đất nước, mang tất cả những nội dung đó. Có hiểu được như vậy, ta mới thông cảm hết với nỗi đau xót của thi sĩ Tản Đà khi nhìn cảnh đất nước bị ngoại bang giày xéo:
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc trước công vờn vẽ,
Mà đến bây giờ rách tả tơi...
 
(Vịnh bức dư đồ rách)
Có thể nói những tấm bản đồ cổ được tô vẽ bởi huyết hãn của biết bao thế hệ cha ông trong quá trình kiến tạo, mở mang và gìn giữ đất nước.
Mặt khác, nhưng bản đồ theo lối truyền thống còn là một trong các cứ liệu để quan sát những biến động của địa hình; đồng thời là nguồn tư liệu quý để biên soạn một bộ từ điển địa danh rất cần cho khoa bản đồ học mà hiện nay chúng ta chưa có.
Trần Nghĩa
---

Chú thích:
* Tham luận trình bày ở Hội thảo khoa học Quốc gia về Lịch sử bản đồ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 500 năm tập "Bản đồ Hồng Đức", H.1990.
1

TB


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh