Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

BÀN VỀ VĂN MIẾU

MONday - 15/06/2015 11:58
VNXĐ - Xin giới thiệu bài viết của Trần Ngọc Đông.
Văn miếu Sơn Tây lúc 17h ngày 24/4/2013 (ảnh: Phạm Duy Trưởng)

Văn miếu Sơn Tây lúc 17h ngày 24/4/2013 (ảnh: Phạm Duy Trưởng)

Nước ta từ khi khởi dựng cơ đồ ở Phương Nam, mở mang nền văn hiến rực rỡ. Ở Kinh thì có Quốc Tử Giám, các tỉnh bên ngoài đều có văn miếu riêng của mỗi địa phương, hàng năm xuân thu nhị kỳ cúng tế, việc đều có biên chép trong điển thờ để tôn sùng Thánh Đạo.
Đó là lời dẫn của Long Cương Cao Xuân Dục trong văn bia ”Sơn Tây từ phổ khuyến văn” về việc lập văn miếu theo các cấp hành chính tự xưa. Theo đó ở các tỉnh và cấp phía dưới là phủ có văn miếu thờ Khổng Tử, dưới nữa là các huyện, các tổng có văn từ, về đến làng xã có văn chỉ. Tất cả hệ thống thờ tự cứ án theo hệ thống hành chính đã phân định cấp trên cấp dưới, tất nhiên không phải phủ huyện nào cũng có. Nhân chuyện tỉnh Vĩnh Phúc làm Văn Miếu mới , cùng tìm hiểu văn miếu xưa ở đây theo cấp độ nào trong hệ thống văn miếu, văn chỉ xưa kia.Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay vốn là hai tỉnh Vĩnh Yên & Phúc Yên sát nhập lại năm 1950, địa giới hai tỉnh cơ bản là đất của Phủ Tam Đái,trấn Sơn Tây- đời Lê; tức phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây- đời Nguyễn.
Tỉnh Sơn Tây đời đầu Lê gọi là thừa tuyên Sơn Tây, sau gọi là xứ, rồi trấn, tục gọi là xứ Đoài (xứ phía Tây kinh thành Thăng Long). Khi đó trấn Sơn Tây là cả một vùng rộng lớn dọc theo hai bên bờ trung lưu sông Hồng là đất các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình và một phần Hà Nội ngày nay.
Có câu ca dao cổ đời Lê:
“Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi- Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh"
Ấy là bởi vì Hương Canh (Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) khi ấy cũng thuộc xứ Đoài, Trấn Sơn Tây thời đó. Năm Minh Mạng thứ 12(1831) chia lại tỉnh hạt đổi trấn Sơn Tây thành tỉnh Sơn Tây, tên gọi ấy ổn định cho đến khi người Pháp vào cai trị.


Hiện vật duy nhất được tìm thấy trên nền đất cũ, khi kiến tạo lại Văn miếu Sơn Tây. Ảnh: Phạm Duy Trưởng

Văn Miếu tỉnh Sơn Tây xưa kia dựng ở làng Cam Giá huyện Phúc Thọ, không rõ năm khởi tạo, chỉ biết rằng đến năm Thiệu Trị thứ 7 đời Nguyễn (1846) thì được Nguyễn Đăng Giai cho chuyển về làng Mông Phụ- Sơn Tây. Năm Thành Thái thứ 3 (1891) Tổng đốc Sơn Tây là Long Cương Cao Xuân Dục cho sửa sang trùng tu lại đồng thời soạn họ tên các vị giáp khoa mà khắc vào bia đá
Đến năm tiêu thổ kháng chiến 1947, Văn Miếu Sơn Tây bị dỡ bỏ hoàn toàn , nay chỉ còn giữ được chiếc khánh đá gửi tại đình Mông Phụ. Những năm thành lập hợp tác xã nền văn miếu Sơn Tây được lập Trại nuôi Gà. Năm 2012 được xây dựng lại
Phủ Tam Đái là vùng đất đai màu mỡ, trù phú nằm ở bên tả sông Hồng của trấn Sơn Tây, xưa kia nơi đây trai thời hay chữ, gái giỏi tầm tang cho nên có câu “ Trai Tam Đái, Gái Khoái Châu” để khen ngợi con người nơi đây.
Vốn là vùng đất có truyền thống hiếu học và có nhiều người thành danh khoa bảng ngạch văn, nên Phủ Tam Đái đã sớm lập Văn Miếu tại xã Cao Xá huyện Bạch Hạc, nay là thôn Cao Xá , xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Văn miếu phủ Tam Đái được làm từ đời Lê Sơ không rõ năm nào và được trùng tu các năm 1667, 1697, 1777 được ghi qua các văn bia và câu đầu . Năm 1667 gọi là trùng tu nhưng thực tế là xây mới hoàn toàn vì trong văn bia có nó văn miếu cũ đổ nát chỉ còn nền cũ. Văn bia năm trùng tu lần 2 (1697-1701) có ghi rằng văn miếu “có chính điện, có tiền đường” tức là có cấu trúc hình chữ Nhị (二) cùng cầu bẩy gian bắc qua hồ chính diện, phía trước có nghi môn, hai bên là nhà dải vũ.
Tuy nhiên xét theo cấp bậc hành chính thì văn miếu hàng phủ Tam Đái sẽ không lớn hơn quy mô của Văn Miếu hàng trấn (tỉnh) Sơn Tây ở Đường Lâm.
Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) Tên phủ Tam Đái đổi thành Tam Đa năm sau (1822) đổi thành Vĩnh Tường do đó Văn Miếu Tam Đái cũng đổi theo tên phủ nên gọi là Văn Miếu Vĩnh Tường cho đến khi được di dời về Vĩnh Yên

Cổng Văn miếu Sơn Tây ngày 24/4/2013; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Người Pháp bắt đầu cai trị tỉnh Sơn Tây sau khi đánh bại quân Cờ Đen ở thành Sơn Tây, một trong những công việc đầu tiên là chia tỉnh Sơn Tây rộng lớn thành các tỉnh nhỏ để quản lý. Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập lần đầu trên cơ sở đất đai cả phủ Vĩnh Tường và một phần huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên tỉnh lỵ đặt tại làng Cánh (Hương Canh), nhưng 6 tháng sau bị giải thể và lại lệ vào Sơn Tây.
Năm 1899, tỉnh Vĩnh Yên được tái lập. Tỉnh ly đặt tại làng Tiếc (Tích Sơn), huyện Tam Dương nay là phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. (Chữ Vĩnh Yên-永安 là lấy từ tên đầu của hai hạt cai trị lớn nhất trong tỉnh là phủ Vĩnh Tường 永祥 & huyện Yên Lãng安朗)
Khoa thi tiến sỹ Hán học cuối cùng diễn ra năm 1919 là sự cáo chung cho lối thi khoa cử theo lối cũ sau gần 1000 năm tồn tại ở nước ta . Những tưởng nền Hán học và hệ thống văn miếu, văn từ ở tỉnh cũng dần mai một theo , nhưng đến cuối năm 1925-đầu năm 1926, nguyên tuần phủ Vĩnh Yên là Nguyễn Văn Bân và đương tuần phủ Phạm Gia Thúy đã cho xây văn miếu tỉnh Vĩnh Yên trên cơ sở di dời toàn bộ hệ thống khung nhà , văn bia của Văn Miếu Vĩnh Tường về gò Giốc Lạc (Dốc Láp), thôn Yên Định, xã Định Trung, huyện Tam Dương cách nơi cũ gần 20km
Nguyên tuần phủ Vĩnh Yên, Nguyễn Văn Bân, người làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tiến sỹ khoa Tân Sửu (1901) vẫn còn nặng lòng với nền cựu học, sau 3 năm dự định ấp ủ chuyển văn miếu về tỉnh lỵ vì tỉnh mới Vĩnh Yên chưa có văn miếu hàng tỉnh, nay mới thực hiện thực hiện được công việc này.( Vĩnh Yên Tỉnh Văn Miếu bi ký-1927)
Theo tài liệu “Xã chí” do viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm thực tế và ghi chép theo lời khai của lý trưởng Hoàng Văn Ngọ làng Định Trung năm 1938, nguyên văn ghi như sau:
“Văn Miếu Tỉnh Vĩnh Yên ở địa phận thôn Yên Lập, có xáu cái nhà. Văn Miếu này làm từ đời Cảnh Hưng Đinh Dậu Niên (1777) ở bên phủ Vĩnh Tường xã Cao Xá, đến năm Thiệu Trị Ất Tỵ (1841) đã xửa lại, năm Bảo Đại Bình Dần (1926) thì hàng tỉnh mang về xã Định Trung và sang xửa trỉnh đốn lại (câu đầu cũ vẫn còn hai cái có niên hiệu cũ) Câu đầu Văn Miếu : Bảo Đại Bính Dần Niên Tu Tạo (1926).”
Sách có phác họa sơ đồ cấu trúc Văn Miếu:
- Chính giữa vẫn là hai nhà hình chữ nhị mang từ Cao Xá về, nhà trước gọi là Tiền Đường, cái phía sau gọi là Văn Miếu
- Bên phải có các nhà có kích cỡ nhỏ hơn, ngang với Tiền Đường có đền thờ Bách Linh, đền thờ Khải Thánh và Văn Chỉ.
- Bên trái có nhà bia và nhà hội đồng.
Vậy thực chất các tuần phủ tỉnh Vĩnh Yên thời đó đã chuyển đổi Văn Miếu hàng phủ Vĩnh Tường (Văn miếu Tam Đái xưa) thành văn miếu hàng tỉnh mà không xây mới to lớn hơn. Điều này cũng hợp lẽ, bởi vì đất đai của toàn cả Vĩnh Yên bấy giờ cũng cơ bản là Phủ Vĩnh tường khi xưa, (thậm chí còn nhỏ hơn nhiều khi tách ra làm tỉnh Phúc Yên năm 1901), hơn nữa vẫn còn giữ lại được toàn bộ văn miếu xưa kia.
Không có tài liệu ghi chép nguyên do vì sao Văn Miếu Vĩnh Yên bị phá hủy, chỉ biết rằng những lứa học trò đầu tiên của trường THPT Trần Phú chuyển tới gò Dốc Láp vào đầu năm 1961 thì đã không còn văn miếu ở trên gò mà chỉ còn tấm bia tứ diện phơi nắng phơi mưa.

Văn miếu Sơn Tây; ảnh: Phạm Duy Trưởng
Trở lại chuyện Vĩnh Phúc xây mới Văn Miếu ở Gò Cháo. Theo văn bản của hồ sơ thiết kế thì văn miếu Vĩnh Phúc được đầu tư xây mới với mục tiêu khôi phục lại Văn Miếu Tỉnh trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa, lịch sử văn miếu phủ Tam Đới đã từng tồn tại cách ngày nay hơn 300 năm đặt tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.
Thế nhưng quy mô hiện nay có lẽ chắc hẳn vượt cả hàng chục lần văn miếu Vĩnh Yên năm ấy bởi nếu như bản vẽ của ‘Xã chí” chỉ có hai nhà hình chữ NHỊ "=" là Tiền Đường và Hậu Cung , nếu mỗi nhà 5 gian hai trái với 6 hàng cột thì mỗi nhà cũng chỉ rộng 300m2 mỗi nhà, đâu có chuyện lầu cao các tía hai tầng
Ngoài ra nếu cứ lấy hết khuôn viên trường Trần Phú coi đó là đất của văn miếu tỉnh Vĩnh Yên khi xưa thì cũng chỉ có vài ngàn mét vuông là cùng, thế mà văn miếu Vĩnh Phúc hiện nay xây còn to lớn đồ sộ gấp nhiều lần Văn Miếu Quốc Gia, chứ đừng nói gì việc phải nhỏ hơn đến văn miếu hàng tỉnh của tỉnh cũ Sơn Tây ở Trại Gà – Đường Lâm để đúng phép tắc
Do đó nói rằng kế thừa trên cơ sở Văn Miếu Tam Đái là chuyện không có thực, tôi tin rằng ai cũng biết việc này. Tôi không biết hoặc chưa nghĩ ra có cụm từ nào trong sinh ngữ tiếng Việt có thể nói tóm lược của việc đánh tráo khái niệm này , kiểu như “nói vậy, mà không phải vậy!”.
Trong suy nghĩ và tưởng tượng của tôi về văn miếu Vĩnh Yên tỉnh nhà xưa kia, đó là những dãy nhà thấp mà vững chãi, khuất lấp trong những tán cây cổ thụ um tùm ở một gò đất xa làng của miền đất trung du.
Còn nếu có ai hỏi tôi rằng: Văn miếu xưa mất rồi, có nên xây lại không? Từ đáy lòng tôi vẫn mong rằng “CÓ” nhưng vẫn sẽ là hai dãy nhà thấp chữ NHỊ như xưa, khuất lấp trong những bóng cây cổ thụ, mộc mạc mà thành kính như những triết lý của đạo Nho.
Thế xây văn miếu để làm gì? Xin thưa: để biết rằng: Có một nền văn hóa Việt Nam…


Ảnh minh họa
1. Văn Miếu Quốc Tử Giám xưa và nay
2. Văn Miếu Sơn Tây xưa và nay
3. Bản vẽ văn Miếu Vĩnh Yên & Văn Miếu Vĩnh Phúc bây giờ.


Tham khảo:
1. Long Cương Văn Tập – Cao Xuân Dục.
2. Kỷ yếu hội thảo khoa học văn miếu Vĩnh Phúc (VHN- 2007)
3. Truyền thống hiếu học và hệ thống văn miếu ,văn từ, văn chỉ ở Vĩnh Phúc ( Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc- TS Nguyễn Hữu Mùi)
4. Nghiên cứu văn văn bia Vĩnh Phúc (Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc)
5. Đồng Khánh địa dư chí

Trần Ngọc Đông 

 
 

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh