Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

CHỮ VIẾT HÁN NÔM QUA NHẬN ĐỊNH CỦA LÊ QUÝ ĐÔN VÀ PHẠM ĐÌNH HỔ

SUNday - 13/12/2015 09:17
Ngoài giá trị truyền tải thông tin, chữ viết Hán Nôm còn mang giá trị nghệ thuật. Các thế hệ trước đều chú trọng viết chữ đẹp. Mỗi chữ là một tiểu phẩm sinh động, thậm chí là một sáng tạo của người viết. Người viết chữ đẹp được đánh giá cao, các bản chữ viết đẹp được người đời truyền tụng mà Bách thọ triện tự và Tam Hy Đường pháp thiếp(1) là những dẫn chứng cụ thể.
Mộc bản khắc bìa sách Tam hy đường pháp thiếp

Mộc bản khắc bìa sách Tam hy đường pháp thiếp

Sau đây là những ghi chép và nhận định của Lê Quý Đôn và Phạm Đình Hổ về chữ viết Hán Nôm, rất đáng để chúng ta tham khảo.
1) Nhận định của Lê Quý Đôn (1726-1783)
Về chữ viết Hán Nôm: sách Vân đài loại ngữ nói: “Văn tự là biểu hiện của thanh âm, mà thanh âm là biểu hiện của tính. Đạo kiền biến hóa, muôn vật nhờ đó mà điều chỉnh tính mệnh, có tính mệnh mới có hình thể... Thánh nhân đặt ra văn tự để mô tả thanh âm”. Sách đó nói tiếp: “Dựa vào Lục thư để đặt ra chữ, gồm: chỉ sự, tượng hình, hài thanh, hội ý, chuyển chú và giả tá; nhưng cốt yếu chỉ là tượng hình và hội ý...”. Về cách viết chữ Hán Nôm: Lê Quý Đôn tập hợp rất nhiều tư liệu cổ kim nói về cách viết chữ Hán Nôm có tính chất tổng hợp. Cũng theo Vân đài loại ngữ: “Cách dùng bút phải làm cho cổ tay nhẹ bỗng; bút dài không quá sáu tấc;(2) cầm bút không quá ba tấc; viết chữ chân thì cách một tấc, chữ hành thì cách hai tấc ngón tay cầm vào cho chắc, mà cổ tay thì lỏng, đó là cách viết của Ngu Thế Nam”. “Viết lối chân cách cầm quản bút, tay cách ngòi hai tấc, viết lối hành và lối thảo tay cách ngòi bốn tấc. Khi viết kéo bút 3 phân mà 3 phân dính giấy thì gân yếu. Ngón tay cái nên nghiêng sang bên, mà chỗ thịt móng tay giáp vào cạnh quản bút thì hơn”. “Cầm giữ quản bút, dùng ngón tay giữa để đẩy bút, dùng toàn sức ở ngón tay ấy”. “Viết thảo thì xoay ngọn bút, đề biển ngạch (hoành phi) thì kéo dài ngọn bút”. Sau khi dẫn ra các cách viết nói trên Lê Quý Đôn nhận định: “Các thuyết ấy, tuy không giống nhau nhưng đại ý cũng là một”. Theo ông khi “cầm bút đúng cách, gân, xương, huyết, cơ bắp hợp lý; ngang thẳng, vuông tròn hợp lý; trình bày bố trí hợp lý thì mới gọi là khải thư (lối chữ chân phương). “Thông thường có tám lối chữ viết: Triện, trứu, bát phân, lệ, chân, thảo, phi bạch và hành thư”. “Biến đổi lối khải một ít, gọi là hành thư, hành mà đá chân gọi là chân hành; hành mà đá thảo gọi là thảo hành”. (Lưu Bá Thăng). Nếu như “cầm bút không có phép nhất định, chỉ nên cầm lỏng lẻo mà khoan thai” (Tô Đông Pha).
Muốn nâng cao nghệ thuật viết chữ, thì “trước hết phải định tinh thần, lặng nghĩ, tưởng tượng xem viết chữ lớn hay chữ nhỏ, ngả nghiêng hay ngay thẳng; cử động cho gân với mạch gần nhau; để ý vào ngọn bút, rồi hãy viết. Nếu cứ ngang bằng sổ thẳng như nhau, hình như con toán, thì chỉ là vẽ vạch ra nét, chứ không phải là viết (Vương Hữu Quân)”. Mà “Viết chữ khéo ở chỗ đưa ngọn bút cho tròn trặn, đừng co quắp; thứ đến biết phép viết, chớ phóng bút quá, bố trí cho hợp lý, bút giấy cho tinh sạch, biến pháp cho vừa ý, phóng bút cho quy củ. Dùng bút viết lối chân hay thảo như vạch xuống bùn, xuống cát, như thế là thần diệu (Trương Sử)”. “Học lối ấy năm năm mới thành nghề, vậy phép viết có phải dễ đâu (Lỗ Công)”.
Cũng theo Lê Quý Đôn thì: “Năm Đinh Tỵ niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 2 (1077), triều Lý Nhân Tông, dùng phép viết, phép tính và hình luật thi lại viên. Đây là bắt đầu việc thi viết ở nước ta. Hồi đầu niên hiệu Kiến Trung (1228), triều Trần Thái Tông, dùng thể thức thảo thiện công văn để thi lại viên gọi là Ba đầu , người nào trúng cách sẽ bổ làm thuộc viên ở sảnh, ở viện; hồi đầu niên hiệu Thiệu Long (1261), triều Lý Thánh Tông, thi lại viên bằng phép viết và phép tính, người trúng cách được bổ nhiệm là duyên lại ở nội lệnh sử. Bản triều, hồi đầu niên hiệu Thiệu Bình (1434), Triều Thái Tông dùng phép ám tả cổ văn để ghi lại viên, người trúng tuyển bậc nhất được bổ vào Quốc tử giám, bậc nhì được bổ làm sinh đồ và thuộc viên; năm thứ 4 (1437) thi phép viết và phép tính; kỳ đệ nhất ám tả, cổ văn, đệ nhị thi viết chữ chân phương và chữ thảo. Năm Hồng Đức thứ 13 (1482), thi cháu trai các quan bằng phép làm văn, phép viết và phép tính. Năm thứ 19 (1488), thải bớt lại điển ở các nha môn... đến năm sau thi các hạng quân và dân bằng phép viết, phép tính để sung điền. Phép thi có một kỳ ám tả, một kỳ thi viết và tính. Đến đời Uy Mục Đế năm Đoan Khánh thứ hai (1506), thi khảo quân và dân bằng phép viết, phép tính ở sân điện Giảng Võ, số dự thi hơn ba vạn người, lấy 1519 người...”
“Từ lúc Trung Hưng trở đi, năm Nhâm Thìn (1652) niên hiệu Khánh Đức, năm Tân Sửu (1661) niên hiệu Vĩnh Thọ, năm ất Mão (1675) niên hiệu Đức Nguyên và năm Bính Dần (1686) niên hiệu Chính hòa không mở khoa thi... ban lệnh chỉ truyền cho các quan Hai Ty các xứ sát hạch... người nào chữ tốt thì thi ba thể chữ lớn, chữ nhỏ và chữ lệnh... Năm ất Tỵ niên hiệu Bảo Thái thứ 6 (1725) lại thi...”
2. Phạm Đình Hổ (1768-1839):
Sách Vũ Trung tùy bút viết: “... ở tấm bia núi Dũng Thúy và bài minh khắc vào chuông chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, cùng bài bia ở dinh cơ quan Tam Sương là Châu Công ở làng Châu Khê, huyện Đường An, bút pháp đều rất cổ kính. Còn như cái biển ba chữ Đông Hoa môn thì chính là ngự bút vua nhà Lý, bút pháp hùng tú tự nhiên, khác hẳn người tầm thường, những nét phẩy, móc, sổ, mác đã phôi thai ra một lối chữ nước Nam ta. Còn ba chữ Đại Hưng môn thì là chữ hoành biển, chế ra từ đời Lê Hồng Đức, nét bút lẫn cả lối chân, lối khải; chữ cổ đến đời ấy đã có một bước biến cải. Khoảng năm Diên Thành (niên hiệu Mạc Mậu Hợp (1566-1577) đời nhà Mạc, con gái Đà Quốc Công là Mạc Thị có dựng ra chùa Bối An, mái đá khắc một bài minh, nét chữ đầu cong chân quẹo hơi giống chữ viết bây giờ nhưng bên tả vênh lên bên hữu vẹo xuống, có hơi khác, thực là quái lạ! Dễ thường về đời Lê sơ và đời Mạc, lối chữ viết đại lược như thế cả. Gần đây, lối chữ ở trong Thuận Quảng cũng gần giống như vậy, cũng là còn giữ lối chữ cũ. Từ đời Lê Trung hưng trở về sau, những người đi học theo nghề khoa cử viết theo lối chữ khải đời cổ, lại ngoa ngoắt thêm bớt, làm sai đi đến nửa phần, gọi là lối chữ Nho... Bốn lối chữ chân, thảo, triện, lệ lâu nay không ai truyền dạy. Cũng có người tập các lối chữ ấy, nhưng chỉ là tự ý phỏng chừng. Trong khoảng năm Cảnh Hưng, chúa Trịnh Thịnh Vương (miếu hiệu Trịnh Sâm) lại thích lối chữ Trung Hoa, kẻ học giả đua theo, mới hơi thay đổi lối chữ Nam đi để cầu cho được người ưa thích... Không cứ là thể chữ nào, chữ viết cho thẳng, cho vuông, cho cứng, để cầu cho hợp mắt người bây giờ; Có khi viết một chữ mà nét chấm là lối chữ triện, móc là lối chữ lệ, phẩy móc là lối chữ chân, nếu gặp phải chữ rậm nét, thì lại đá thảo, để viết cho thông hoạt, gọi là lối viết chữ câu đối. Lối chữ thảo thì bắt chước múa kiếm mà quằn quèo, không có vẻ thanh tao, gọi là lối đề thơ. Lại còn lối viết chữ chân phương, chân hành, lảo thảo, nộn thảo, đại triện, tiểu triện, cổ lệ, cổ lựu trứu, tiểu kỷ, tiểu khải đều tùy ý mô phỏng để khoe khoang nổi tiếng ở đời... Ôi! kẻ nho lại đi học chữ để chiều đời kiếm ăn, không trách làm gì, ta chỉ thương cho những kẻ sĩ phu đời nay không ai còn lưu ý đến các lối chữ. Đời xưa trong nhà trường có dạy cả 6 nghề: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số... Nước ta đã có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa, thế mà về một việc học viết chữ lại là của kẻ thư lại, không ai thèm lưu ý học đến, không biết tại sao? Cũng sách ấy nói tiếp: “Nước Việt ta lối chữ viết từ đời Đinh Lê trở về trước thì không trông thấy được nữa, còn lối chữ từ đời Lý đời Trần trở về sau thì bắt chước đời nhà Tống... Còn những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ Việc quan. Ai học theo lối chữ ấy, thì sáu năm một lần, thi trúng tuyển được sung vào làm chân thư tả ở trong các nha môn...”
Phan Đình Ứng
---


Chú thích:
(1) Bách thọ triện tự: gồm 100 cách viết khác nhau về chữ “Thọ” theo kểu chữ triện.
Tam Hy Đường pháp thiếp: bản mẫu chữ “chân” và chữ “thảo” viết trên các tờ thiếp của những tay bút nổi tiếng như Vương Hy Chi, Tô Thức v.v...”
(2) Tấc (thốn) đơn vị đo chiều dài thời cổ; cứ 10 tấc thì bằng 1 thước (xích) tương đương ví 0,33m; vậy 1 tấc tương đương 3,3cm./.
1

TB


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh