Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

CÚC THU BÁCH VỊNH -TẬP THƠ XƯỚNG HỌA GIỮA PHAN HUY ÍCH VÀ NGÔ THÌ NHẬM

TUEsday - 29/10/2013 08:21
Trong sự nghiệp sáng tác của Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm và Thụy Nham hầu Phan Huy ích có một tập thơ do hai ông cùng xướng họa chung trong tết Trùng dương tháng 9 năm 1796; đó là tập Cúc thu bách vịnh (菊 秋 百 詠), tập thơ mang ký hiệu A.1664 tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài cái tên Cúc thu bách vịnh ra, tập thơ còn có các dị bản khác, mang những tên khác như Cúc đường bách vịnh (菊 堂 百 詠), Cúc thu thi trận (菊 秋 詩 陣), và tới 7 dị bản nằm trong bộ Ngô gia văn phái (吳 家 文 派)(1), một bộ sách nổi tiếng của dòng họ Ngô ở Tả Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội).

Đôi nét về văn bản của tập thơ Cúc thu bách vịnh

Ngoại trừ 7 dị bản của tập thơ nằm trong bộ Ngô gia văn phái thì chúng ta còn thấy tập thơ có trong sách III của bản A.603, VHv.1467, A.1554 và bản Cúc Đường bách vịnh thi tập ký hiệu A.1168.
Theo lời bạt của Lễ bộ thượng thư Hoa Giang Địch Hiên Nguyễn Cát đề vào tháng 9 năm Bính Thìn (1796) trong tập ký hiệu A.1168 đã cho biết một trong những tên của tập thơ, số bài thơ hai ông xướng họa: “Cúc đường bách vịnh là tập thơ sáng tác nhân tết Trùng dương, khi đó hai ông thay nhau xướng họa, chỉ dùng năm vần, vừa nửa tháng đã thành trăm bài”. (Nguyên văn: Cúc đường bách vịnh nhị công nhân Trùng dương tác dã, canh thù xướng ứng, chỉ dụng ngũ vận nhị chung cập bán nguyệt dĩ thành bách thiên). Có thể thấy trong tập thơ này mỗi người đã sáng tác 50 bài, nhưng khi thống kê cẩn thận ở bản A.603 chỉ được 38 bài do Phan Huy ích sáng tác(2).
Bản VHv.1467, là văn bản chép tay trên giấy kẻ (loại giấy có từ thời thuộc Pháp), khổ giấy 22x17cm. Khi đối chiếu giữa bản A.603 và VHv.1467 có thể nhận thấy từng phần giống hệt nhau, kí hiệu ở gáy sách bản VNv.1467 cho biết đây là cuốn sách do ông Hoàng Xuân Hãn thuê chép. Chúng tôi cho rằng bản VHv.1467 được chép từ bản A.603.
Xem thêm về bản A.1168 người đọc có thể nhận thấy ngoài tập thơ Cúc đường bách vịnh, văn bản còn phụ chép thêm tập thơ Minh lương cẩm tú và Quỳnh uyển cửu ca. Bản A.1168 là loại sách gia thư, chữ viết đá thảo trên giấy thị khổ 28x16cm. Khi đếm số bài thơ trong tập cũng không đủ 100 bài, chỉ được khoảng trên dưới 70 bài do hai ông xướng họa.
Bản A.1554, trong lời bạt cũng của Nguyễn Cát viết năm 1796, đặt ở cuối tập thơ viết “ Cúc thu bách vịnh là tập thơ sáng tác nhân tiết Trùng dương, khi đó hai ông thay nhau xướng họa, chỉ dùng năm vần, vừa nửa tháng đã thành trăm bài”.
Tuy cùng một người viết bài bạt, nhưng hai tên sách lại được ghi nhận khác nhau. Bản A.1554 là loại sách gia thư, chữ viết thảo, trên loại giấy bản tốt, khổ nhỏ 22x13cm.
Khi xem xét những chữ viết kiêng húy, chúng tôi gặp chữ “hoa” ở tờ 6a bản A.1554 chép là 華 (hoa) còn bản A.1168 tờ 4b lại được chép là 花 (hoa) trong câu thơ: Hoa diên văn tại thưởng liên đường. Chữ 花 (hoa) ở đây có thể là cách viết kiêng chữ húy thời Thiệu Trị (1841-1847). Điều này cho phép chúng tôi tạm đoán định: bản A.1168 được chép sau năm 1841, năm đầu niên hiệu Thiệu Trị, còn bản A.1554 có thể được chép trước năm 1841. Bản A.1554 có thể được coi là bản cổ hơn so với bản A.1168 và bản A.603.
Trở lại lời tiểu dẫn của bản A.603, tác giả Phan Huy Ích viết “... Từ đấy hai người thay nhau viết xướng họa, trong vòng nửa tháng hợp lại được trăm bài, làm thành tập thơ, đặt tên là Cúc thu thi trận ”. Xét cùng với lời bạt trong bản A.1168, A.1554 chúng tôi thấy số bài thơ do hai ông xướng họa được 100 bài là con số được nhắc tới nhiều lần.
Vậy có thể bản A.1554 là một bản cổ. Cúc thu bách vịnh cũng có thể là tên ban đầu của tập thơ xướng họa giữa hai ông.
Phác họa một số điểm về nội dung tập thơ Cúc thu bách vịnh
Thông thường những tập thơ xướng họa sẽ nặng tính chất thù tạc, hoặc tả cảnh phong hoa tuyết nguyệt. Tập thơ Cúc thu bách vịnh, ngoài tính chất xướng họa thù tạc còn cho người đọc thấy được mối quan hệ sâu sắc giữa Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm, quan hệ đó không chỉ là quan hệ anh vợ, em rể mà còn là quan hệ của những người cùng chung chí hướng. Tập thơ giúp người đọc thấy được con đường đến với triều đại Tây Sơn, đến với người anh hùng áo vải Quang Trung và con đường trở về với đạo Thiền, đạo Lão của hai ông.
Không phải ngẫu nhiên, Phan Huy Ích người đất Sài Sơn đã viết bài nguyên xướng trong tập Cúc thu bách vịnh(3).
Phiên âm:
Đạm đáng thu dung nhập họa đường,
Tàn hà, nhược liễu ánh trì đường.
Chiêu bằng thả chước Uyên Minh tửu,
Xúc hứng hoàn nga Tiểu Đỗ chương.
Tuyết điểm doanh đầu kinh lão cảnh,
Kim hoa mãn tọa tích Trùng dương.
Trúc lâm thiền vị nghi sầm tịch,
Cảm phỏng sư công nhiếp dưỡng phương.

Dịch nghĩa:
(Loáng thoáng màu thu lọt vào nhà vẽ,
Sen tàn, liễu yếu ánh khắp ao hồ.
Mời bạn hãy rót chén rượu Uyên Minh(4),
Hứng lên lại ngâm thơ Tiểu Đỗ(5).
Tuyết điểm đầy đầu, nhìn mà sợ hãi cảnh già,
Hoa vàng khắp chỗ ngồi, ngắm càng tiếc buổi Trùng dương.
Mùi thiền rừng trúc(6) ưa cảnh thanh vắng,
Dám hỏi sư ông cách tu thế nào(7)).

Trong khi đó, Ngô Thì Nhậm người đất tả Thanh Oai, lại họa bằng những câu thơ đầy ẩn ý của mình:
Phượng tiên hương úc phượng nghi đường,
Nguyệt mãn đình giai, tuyết mãn đường.
Hứng đáo tiễn công thời hữu tửu,
Bệnh lai tiếu ngã cưỡng thành chương.
Tự truyền Phùng lạc đê Danh quốc,
Tài chiếp Chu nan bạc Thú Dương.
Thiền viện dục thiền, thiền vị ổn,
Khấu quan tiêm thủ nhiễu đa phương.

Dịch nghĩa:
(Hương thơm sực nức phượng tiên ở nhà dáng phượng,
Trăng sáng thềm sân, tuyết đầy nhà.
Cảm hứng đến, ao ước được uống khi có rượu,
Mang bệnh trong người tự cười ta cố gắng họa thơ.
Đọc chuyện Trường lạc lão họ Phùng mà coi khinh tước Doanh Quốc công,
Có tài ngang với các công thần nhà Chu thì coi việc đi ẩn ở Thú Dương là không đáng trọng.
Nơi thiền viện muốn tu đạo thiền nhưng chưa được yên ổn,
Cánh tay nhỏ gõ vào cửa, những thấy nhiều nẻo đường).

Để hiểu thêm hàm ý mấy câu thơ trên, cũng cần đọc tiếp phần nguyên dẫn đặt trên bài thơ của Phan Huy Ích: Tiếp thơ họa của thai huynh,trong đó có những câu: “đê Doanh Quốc”, “bạc Thú Dương”, tôi bất giác vỗ bàn tán tụng. Lời nói ấy làm cho tôi rất hả dạ, nhưng cũng chỉ là lời chúng ta chúc tụng lẫn nhau thôi, không nên để người ngoài biết. Vậy xin theo những vần trước làm thêm một bài nữa đệ trình. Trong lúc say, nhiều lời làm nhàm xin tha mắng cho”. Câu “đê Doanh Quốc” của Ngô Thì Nhậm được hiểu là: coi khinh Doanh Quốc công. Chuyện kể rằng: vào đời Ngũ Đại ở Trung Quốc mỗi triều đại chỉ làm vua được mấy năm thì mất, Phùng Đạo là tể tướng triều Đường. Khi Đường bị Tấn diệt, rồi Hán bị Chu diệt, Đạo cũng cứ đầu hàng triều mới rồi làm quan to. Đến triều Chu, được phong là Doanh Quốc Công. Người đời khinh Đạo là kẻ làm tôi quân thù, nhưng Đạo không biết xấu hổ, tự xưng là Trường Lạc lão (ông lão vui sướng mãi). Trong bài họa của Ngô Thì Nhậm còn có câu “bạc Thú Dương” có nghĩa là: không coi trọng chuyện Thú Dương. Sử của Trung Quốc chép: khi Vũ Vương nhà Chu diệt nhà Ân, Bá Di và Thúc Tề bỏ lên núi Thú Dương để tỏ ý không làm tôi nhà Chu. Trong bài của Ngô họa lại có câu “Có tài ngang với các công thần nhà Chu, thì coi việc đi ẩn ở Thú Dương là không đáng trọng”. ý này không mấy khi nhà Nho đưa vào thơ văn, nên Phan Huy ích đọc đến đây vỗ bàn tán thưởng.
Có thể thấy rằng, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm là những nhà Nho hành đạo, hai ông đều muốn đem tài năng, sức lực để phục vụ cho đời, phục vụ cho một triều đại anh minh, nên Phan và Ngô, một người họa một người tán đồng những câu thơ mang ẩn ý như trên.
Lướt qua phần tiểu sử của Phan Huy ích và Ngô Thì Nhậm chúng ta sẽ hiểu thêm mối quan hệ thân thiết gắn bó giữa hai ông và con đường đến với triều đại Tây Sơn của họ. Về tuổi tác hai người hơn kém nhau 4 tuổi, Phan Huy Ích sinh ngày 12 tháng 12 năm Canh Ngọ (1750). Lúc nhỏ ông vốn tên là Phan Công Huệ, khi đi thi vì kiêng húy bà chúa Chè - Đặng Thị Huệ, nên đổi tên là Huy Ích, hiệu Dụ Am, tự Khiêm Thụ Phủ. Ông là con Phan Huy Cẩn, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), sau dời ra ở làng Thụy Khuê, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây) rồi nối đời ở đấy, ông Cẩn đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), được phong tước Khuê Phong hầu. Phan Huy Ích là học trò Ngô Thì Sĩ sau làm rể Ngô Thì Sĩ, lấy em gái Ngô Thì Nhậm; chính vì thế mối quan hệ giữa Ngô và Phan càng gắn bó.
Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (1746) tại làng Tả Thanh Oai (tục gọi là làng Tó) trấn Sơn Nam. Thuở nhỏ, ông tên là Phó sau đổi là Nhậm, tên tự là Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên. Xuất thân từ thế gia vọng tộc, có truyền thống học hành thi cử, lúc nhỏ Ngô Thì Nhậm theo học ông nội là Đan Nhạc Công Ngô Trân, đến 15 tuổi theo học người cha là Ngô Thì Sĩ, một con người nổi tiếng trong dòng họ Ngô và giới Nho sĩ thời đó. Ngô Thì Sĩ đậu Tiến sĩ và làm quan tới chức Thiêm đô ngự sử dưới thời Lê - Trịnh.
Đến niên hiệu Cảnh Hưng năm ất Mùi (1775) lúc đó Ngô Thì Nhậm 30 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ cùng với Phan Huy ích. Trong bia ký Tiến sĩ khoa ất Mùi đặt tại Văn miếu Hà Nội còn ghi lại: “... Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Phan Huy Ích 18 người. Sang tháng sau thi Điện, ban cho bọn Ngô Thế Trị đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc vào đá để lưu truyền bất hủ. Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, 18 người trong đó: Ngô Thì Nhậm, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai.
Phan Huy Ích xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc.”(8)
Sau khi thi đỗ hai ông làm quan dưới thời Lê - Trịnh. Người thì được bổ làm Đốc đồng Thanh Hoa, người thì làm Đốc đồng Thái Nguyên. Nhưng xem ra con đường hoạn lộ đối với hai ông dưới thời Lê - Trịnh đều quanh quẩn bế tắc, có lúc Ngô Thì Nhậm còn rơi vào cảnh cùng quẫn, bị hiềm nghi phải trốn tránh, còn Phan Huy Ích cáo bệnh từ quan không được, nên đóng bè ở dưới sông, mỗi tháng chỉ lên công đường một lần...
Tháng tư năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc lần thứ hai, sau đó ít lâu Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích được Trần Văn Kỷ tiến cử với Nguyễn Huệ. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ quét sạch giặc Thanh xâm lược, thống nhất đất nước, Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy ích được vua Quang Trung trao trọng trách giữ việc bang giao với triều Thanh (Trung Quốc). Khi họp với các tướng sĩ, Quang Trung bảo rằng: “Việc binh sĩ ở Bắc Hà ta giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Việc giao thiệp với Trung Quốc ta giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Mọi việc đều cho phép các ngươi tùy tiện xử trí”(9). Ngô Thì Nhậm được phong Thị lang bộ Công, tước Tình Phái hầu, Phan Huy Ích được phong Tả thị lang bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu.
Số phận lại một lần đẩy hai người gần nhau, cùng được trao giữ những sứ mệnh của dân tộc: Ngô Thì Nhậm đã thay Quang Trung viết bài chiếu lên ngôi, trước đó ông còn hiến kế rút quân về Tam Điệp để tạo cơ hội cho Nguyễn Huệ mở cuộc hành quân thần tốc, lập nên chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Phan Huy Ích được cùng Ngô Thì Nhậm lo việc bang giao với triều Thanh sau cuộc chiến. Hai ông đã thay nhau soạn thảo những văn bản bang giao hết sức giá trị, những bức thư đó đã góp phần vào việc dập tắt ý đồ gây lại cuộc chiến của nhà Thanh.
Đầu năm Canh Tuất (1790) Phan Huy Ích nhận được chiếu của vua Quang Trung cử đi sứ phương Bắc. Đây là một chuyến đi sứ quan trọng nhằm gây tình hòa hiếu giữa hai nước, Phan Huy Ích được coi là trọng thần hàng văn trong đoàn sứ bộ. Chuyến đi này, sứ bộ gồm 150 người, ngoài Quốc vương giả còn có Nguyễn Quang Thùy là con trai Quang Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thụy Nham hầu Phan Huy Ích, Đô đốc Nguyễn Duật, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn và ban hát 10 người...
Đến năm 1792 khi vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang Toản. Ông gặp các sĩ phu nổi tiếng Trung Quốc. Vua Càn Long đã tiếp phái đoàn sứ giả của triều Tây Sơn hết sức trọng thị.
Với những dòng tiểu sử của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đã dẫn ra ở trên có thể thấy rằng:
Dù chỉ một lần trong đời, nhưng là một cơ hội to lớn cho kẻ sĩ Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn được phục vụ dưới một triều đại anh minh, triều đại Quang Trung Nguyễn Huệ. Triều đại Tây Sơn cũng may mắn đã có được những kẻ sĩ tài năng của đất Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích góp công góp sức xây dựng.
Để nói về sự gặp gỡ giữa bày tôi hiền với đấng minh quân thì Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đã hơn một lần nhắc đến điều đó qua những câu thơ tâm huyết trong tập Cúc thu bách vịnh:
Phiên âm: (Bài 27 của Phan Huy Ích)
Hữu phận thao cô lý điện đường,
Trì trì thất lậu xuất ngân đường.
Ngự diên dạ triệt kim liên trúc,
Tự viện tình canh Bạch tuyết chương.
Khoáng thế tao phùng giao đắc vũ,
Minh đình giảng hoạch phượng minh dương.
Kinh sơn bất thị long lai tảo,
Yếu ngã huy hào tảo bát phương.

Dịch nghĩa:
Có phận bút nghiên bước lên cung điện,
Tiếng giọt đồng trong nhà chầm chậm vang ra ao bạc.
Tiệc rượu vua ban thâu đêm sáng đuốc sen vàng(10),
Ở Viện Hàn lâm, suốt ngày họa thơ Bạch tuyết(11).
Cuộc gặp hiếm có ở đời, như giao long gặp mưa(12),
Ứng đối luận bàn trong triều anh minh; như chim phượng hót phía 
đông núi(13).
Rồng kia ví chẳng sớm tới núi Kinh Sơn(14),
Ắt cần ta vung ngòi bút quét sạch tám phương.

Trong phần nguyên dẫn tác giả cũng tán đồng với những niềm nuối tiếc một thời của Ngô Thì Nhậm đối với bậc minh quân như Quang Trung Nguyễn Huệ: “Kính tiếp thơ của thai huynh gửi tới, bảo rằng lại được gặp gỡ như lần trước đây là việc khó, thật là điều cảm động đối với thân danh bọn ta, khúc Đan Dương(15) ở trước mặt, muôn nỗi cảm hoài, nhân đây làm thơ họa lại, mong được soi xét”.
Trước đó Ngô Thì Nhậm có bài họa:
Phiên âm:
Ức tích minh lương hội nhất đường,
Hương giang ngự trác hỗ tiên đường.
Hoàng hoa tuế khiển truyền Kim Mã,
Canh tảo thời bao phụng Bảo chương.
 
...

Dịch nghĩa:
Nhớ cảnh trước đây vua sáng tôi hiền gặp gỡ một nhà,
Trên sông Hương theo xa giá nhà vua đến ao tiên,
Con đường đi sứ được ban truyền lệnh nơi Kim Mã,
Văn chương đối đáp thường khen thưởng, phụng khúc Bảo chương....

Không chỉ như vậy, bài thơ tiếp theo của Phan Huy Ích viết trong tập thơ còn thể hiện một niềm đau đáu nhớ thương, hối tiếc đối với một vị vua anh minh đầy tài năng, đã sớm chia biệt cõi đời:
Phiên âm: (Bài 28 của Phan Huy Ích)
Thân khấu vân hôn, tử cực đường,
Chinh cơ lịch lịch giá trường đường.
Thừa minh, Tuyên thất xu bồi địa,
Thiên Bảo, Quyền A, tấu đối chương.
Sài lũy phong sa liên Nhật Lệ,
Hương hà triều tịch tự Thai Dương.
Niên lai lũ tác, quân thiều mộng,
Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương.

Dịch nghĩa:
Tự tay gõ cửa cung mây, vào nơi điện tía,
Cưỡi ngựa giong ruổi mãi trên đường dài.
Nơi lui tới là nhà Thừa minh, Tuyên thất(16),
Chương tấu đối là thơ Thiên Bảo, Quyền A(17).
Gió cát Lũy Thày liền cửa Nhật Lệ,
Thủy triều sông Hương từ sông Thái Dương(18).
Mấy năm nay hằng mơ được nghe nhạc Quân, nhạc Thiều(19),
Những ngóng trông người đẹp(20) đã xa thăm thẳm một phương trời.

Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Quang Toản lên ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh tuy ở ngôi nhưng mọi việc đều do Thái sư là Bùi Đắc Tuyên quyết đoán. Bùi Đắc Tuyên kéo bè kéo đảng gây xích mích giữa các tướng lĩnh, đại thần. Trong triều thì giết hại lẫn nhau, còn bên ngoài thì những thế lực khác đang rình rập cơ hội tấn công nhà Tây Sơn.
Thời Cảnh Thịnh, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích cùng lo việc từ hàn, vẫn gánh vác công việc ngoại giao với các nước láng giềng. Hai ông giúp Quang Toản trong việc nội chính và ngoại giao, song ở nơi sâu xa nhất trong lòng những kẻ sĩ Bắc Hà này vẫn mang nỗi buồn khôn nguôi khi nhớ về quá khứ, một thời rực rỡ oanh liệt dưới triều đại Quang Trung. Tập thơ Cúc thu bách vịnh được sáng tác trong hoàn cảnh đó, trong tiết Trùng dương năm 1796, nên nội dung những bài xướng họa, đâu đó, chúng ta vẫn gặp lại những câu thơ hoài niệm của hai ông:
Phiên âm: (Bài 33 của Phan Huy ích)
... Hạc ảnh hoành không tinh Xích Bích,
Cùng thanh bán dạ động Âu Dương.
Bồi hồi bất tận hoài thu tứ,
Trực dục kim thu đạt tứ phương.

Dịch nghĩa:
Bóng hạc ngang trời, tỉnh mộng Xích Bích(21),
Tiếng dế nửa đêm, chạnh lòng Âu Dương(22).
Tình nhớ thu bồi hồi khôn xiết,
Chỉ muốn thu vàng tỏa khắp bốn phương.

hoặc những câu thơ như:
... Tiêu táp hoài thu xoang dật điệu,
Cầm Thanh chính thị vãn thu phương.

Dịch nghĩa:
... Nhớ tiếng thu xào xạc, lựa thanh điệu dìu dặt,
Tiếng đàn kia chính là nơi níu mùa thu lại.

Dường như có điều muốn níu kéo, nhưng hai ông bất lực trước cảnh tuột dốc của một triều đại đã đi vào con đường suy thoái trước khi sụp đổ. Những ngày tháng buồn đó, Ngô Thì Nhậm tìm đến đạo Thiền, mở thiền viện ở phường Bích Câu, viết bộ sách về Phật học: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh(23). Còn Phan Huy Ích lại trở về với đạo Lão, ông dựng một ngôi nhà vuông ở kinh đô, đặt tên là quán Bảo Chân và lấy đạo hiệu là Bảo Chân đạo nhân, với ý mong muốn tu dưỡng giữ nguyên chân tính của mình.
Trong một bức thư gửi Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm đã nhờ Phan đề tựa cho bộ Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Ngô Thì Nhậm cũng rất biết, chỉ có người em rể Phan Huy Ích là hiểu được tư tưởng, hoài bão của mình. Phần nguyên dẫn của một bài thơ trong tập Cúc thu bách vịnh, Phan Huy Ích đã trình bày thêm quan niệm của mình về những vấn đề xung quanh tư tưởng Nho, Phật, Lão: “Khắp trong trời đất chỉ có một đạo lý thôi. Nó thể hiện tản mát trong mọi sự vật, nhưng qui tụ lại đến chỗ cùng cực thì vẫn cùng một nguồn gốc lớn ấy cả. Giáo lý của nhà Phật, bảo là hư không, man mác, nhưng nó có ở ngoài lý học(24) của nhà Nho ta đâu. Tập Nhị thập tứ thanh mà thai huynh biên soạn, nhận thức rất là sáng suốt, hơn hẳn xưa nay, có lẽ vẫn giữ được đúng nghĩa xây dựng ngôi chùa Tam Giáo ở động Nhị Thanh của tiên công ta. Người đời kiến thức mập mờ, kẻ nói le, người nói vịt hiểu sao thấu được lẽ đó”.
Tập thơ Cúc thu bách vịnh, với 100 bài thơ xướng họa giữa Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm, tuy dung lượng không nhiều nhưng qua tập thơ chúng ta có thể hiểu thêm con người Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Họ là những nhà Nho hành đạo, luôn mang một niềm khát vọng được đóng góp cho đời, đóng góp cho một triều đại anh minh và trên hết là khát vọng của những kẻ sĩ muốn đến với những tư tưởng lớn, chân lý đẹp. Nhưng trước sự suy thoái của chế độ phong kiến vào giai đoạn cuối ở nước ta, hai ông đành gửi tâm sự của mình vào những vần thơ viết về mùa Thu, trong cuộc xướng họa tương đắc giữa hai người.
N.N.N

CHÚ THÍCH:
(1) Trong khuôn khổ bài viết này, với 7 dị bản của tập Cúc thu bách vịnh nằm trong bộ Ngô gia văn phái chúng tôi xin đề cập vào một dịp khác.
(2) Xem thêm bài giới thiệu: Phan Huy ích và văn bản “Dụ Am ngâm lục” và phần phụ lục trong Thơ văn Phan Huy Ích. Nxb. KHXH, H. 1978.
(3) Những phần: phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, nguyên dẫn trong bài chúng tôi đều trích từ cuốn Thơ văn Phan Huy Ích. Nxb. KHXH, H. 1978.
(4) Rượu Uyên Minh: Uyên Minh là tên tự của Đào Tiềm, một ẩn sĩ đời Tấn, tính ông thanh tao, bỏ quan về nhà làm ruộng, chỉ lấy thơ rượu làm vui.
(5) Tiểu Đỗ: tên của Đỗ Mục, thời bấy giờ người ta đặt để phân biệt với Đỗ Phủ.
(6) Chỉ “Trúc Lâm thiền viện” nơi Ngô Thì Nhậm lập ra để tu đạo thiền.
(7) Sư ông: Ngô Thì Nhậm tu ở Trúc Lâm thiền viện, lấy thiền hiệu là: Hải lượng đại thiền sư.
(8) Dẫn theo Văn Miếu Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên. H. 2002.
(9) Sách Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch. Nxb. Văn học, H. 1970.
(10) Đuốc sen vàng: đèn nến đúc hình hoa sen thắp ở cung điện vua.
(11) Bạch tuyết: vốn là tên một khúc hát hay, sau dùng để chỉ thơ văn tuyệt tác.
(12) Tam quốc chí chép: “Chu Du dâng sớ tấu: Lưu Bị không phải con người bị khuất phục mãi để cho người ta dùng, sợ rằng cũng như loài giao long, nếu gặp mây mưa thì không còn ở trong ao nữa”.
(13) Phượng hót phía đông núi: ý thơ xuất xứ ở câu: “Phượng hoàng minh lữ, vu bỉ triêu dương” trong Kinh Thi. Ýý nói người hiền gặp triều anh minh nên được bày tỏ chính kiến một cách thẳng thắn với nhà vua.
(14) Ý câu thơ nhắc tới việc vua Quang Trung băng hà.
(15) Khúc Đan Dương: tên một cuốn sách do Cát Thắng và Diệp Mộng Đắc xướng họa đời Tống. ở đây chỉ thơ xướng họa giữa hai ông Ngô và Phan.
(16) Thừa Minh, Tuyên Thất: chỉ những ngôi nhà dựng trong cung điện vua, nơi vua tôi gặp gỡ bàn bạc chính sự, văn chương.
(17) Thiên Bảo, Quyền A là những bài thơ trong Tiểu nhã và Đại nhãcủa Kinh Thi đó là những bài thơ liên quan tới nhà vua và việc chính sự.
(18) Sông Thái Dương, thuộc tỉnh Thuận Hóa trước đây (theo Đại Nam nhất thống chí).
(19) Nhạc Quân, Nhạc Thiều: chỉ nhạc trong cung đình.
(20) Người đẹp: có khi chỉ người con gái đẹp; có khi chỉ vua, có khi chỉ các bậc hiền nhân quân tử. Câu thơ này dùng nguyên cả câu ở bài Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha để tỏ ý mến tiếc vì không còn được thấy vua Quang Trung nữa.
(21) Bài Hậu Xích Bích phú của Tô Đông Pha có câu: “Thích hữu cô hạc, hoành giang đông lai” (Chợt có chim hạc lẻ loi, bay ngang sông phía đông).
(22) Bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu có câu “Thùy đầu nhị thụy, đãn văn tứ bích trùng thanh tức tức” (Cúi đầu mà ngủ, chỉ nghe tiếng sâu nỉ non kêu ở chung quanh tường).
(23) Về phần tiểu sử Ngô Thì Nhậm chúng tôi có tham khảo thêm lời giới thiệu của cuốn Thơ văn Ngô Thì Nhậm (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh) của Nxb. KHXH, H.1978.
(24) Lý học: một trường phái của Nho gia, nghiên cứu về nghĩa lý kinh điển nhà Nho. Lối học này thịnh hành từ đời Tống trở đi.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh