Theo thống kê bước đầu, hiện nay đã phát hiện được 14 tấm bia thời Lý, 31 tấm bia thời Trần. Về mặt văn bản, phần lớn các tấm bia này đã được nghiên cứu và công bố(2). Ngoài văn bản, nhiều tấm bia Lý Trần còn được chạm khắc nhiều hoa văn trang trí. Các hoa văn trên bia có hai giá trị đáng chú ý như sau: - Thứ nhất là góp tư liệu và các tiêu chí quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam. - Thứ hai là góp phần nhận diện niên đại của nhiều tấm bia Lý Trần không khắc ghi niên đại, hoặc việc ghi chép niên đại không rõ ràng lắm. Với các ý nghĩa đó, bài viết này muốn đề cập tới trang trí trên các bia Lý Trần. Nhưng cũng cần nói ngay rằng, trong tổng số các tấm bia đã phát hiện, có nhiều tấm bia không có chạm một chút hoa văn nào (chẳng hạn bia chùa Linh xứng thời Lý ở Thanh Hóa nhóm bia núi Dục Thúy thời Trần ở Hà Nam Ninh). Mặt khác, do các biến động của thiên nhiên và xã hội, nhiều tấm bia Lý Trần bị bào mòn đã được các thời sau chạm khắc lại. Việc chạm khắc lại đã làm biến dạng hẳn mạnh mẽ các hoa văn thời Lý Trần (bia chùa Quỳnh Lâm) và phần lớn là chạm hẳn các hoa văn của thời sau lên bia mộ Lê Lan Xuân thời Lý ở Vĩnh Phú; bia Phụng Dương công chúa thời Trần ở Hà Nam Ninh). Vì vậy để tìm hiểu đặc điểm trang trí bia Lý Trần, tôi chỉ dựa vào các bia còn giữ được khá nguyên vẹn hoa văn lại càng hiếm hơn: chỉ độ hơn chục chiếc trên trong tổng 45 chiếc đã phát hiện. Mỗi một tấm bia nói chung thường có hai phần: bia và đế bia. Trang trí trên bia thường thể hiện ở các vị trí sau: Trán bia, diềm bia, và một số bia được trang trí ở sườn bia. Đế bia có thể không trang trí, có khi được trang trí hình rồng, có khi cả đế bia được tạo thành hình một con rùa. Ở mỗi thời, các vị trí nói trên được sử dụng một số ha văn nhất đinh, một số kiểu bố cục nhất định. Chính điều này đã tạo nên đặc điểm trang trí bia của từng thời trong tiến triển chạm khắc trên bai. 1) Đặc điểm trang trí bia thời Lý: - Trang trí trên trán bia: Trong tất cả mọi vị trí, trán bia là vị trí nổi bật và được trang trí trang trọng nhất. Trang trí trên các trán bia Lý thường gồm các đề tài chủ yếu là rồng hoặc phượng. Các chữ đề tên hiệu bia được viết đẹp, ngay ngắn giữa trán bia và cũng có thể coi như một loại hoa văn mang yếu tố trang trí. Các đề tài nói trên thường được bố cục đối xứng và có thể khái quát thành công thức chính như sau: HOA VĂN TÊN HIỆU BIA (rồng hoặc phượng HOA VĂN (rồng hoặc phượng) Bố cục trang trí trên được thể hiện ở trên cả hai mặt bia, nhưng các chi tiết hoa văn có thể khác nhau một chút. Tên hiệu bia ở mặt trước thường được viết kiểu chữ triện, ở mặt sau được viết kiểu chữ chân. Con rồng và phượng thì khác nhau ở tư thế vận động. Cá biệt, bia thápSùng Thiện Diệu Linh, mặt sau không có chữ. Rồng, Phượng thời Lý, hai con vật thần thoại có rất nhiều các đặc trưng riêng. Rồng Lý thân rắn dài không có vẩy, có 13-14 khúc uốn cong dạng “thắt miệng túi”, đầu mô phỏng kiểu con Ma-kara trong nghệ thuật ấn Độ có mồm rộng, nanh dài(2), mào lửa sắc nhọn, gần gốc mào có ký hiệu của chữ S và chữ W (biểu trưng của sấm chớp mây mưa). Phượng Lý mỏ khỏe dài và quặp, mắt như mắt rồng, mào hai dải gần giống hình “lá đề”, mình thon, khỏe gần hình gà trống, đặc biệt bộ bờm hai dải và đuôi phượng rất dài uốn khúc lượn mềm gần giống với thân rồng Lý. Hiện nay các bia Lý có trang trí hình rồng đều thuộc khoảng đầu thế kỷ 12 như bia chùa Báo Ân (Thanh Hóa), bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa) bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam Ninh). Các bia Lý có hình phượng trên trán bia đều có niên đại muộn hơn khoảng nửa cuối thế kỷ XII như bia chùa Diên Phúc và chùa Chúc Thánh Báo ân (Hải Hưng). - Trang trí ở diềm bia và sườn bia. Trang trí ở sườn bia Lý gặp rất tít: bia tháp Sùng Thiện Diên Linh có trang trí các hình rồng cuộn trong hình thoi rải kín sườn bia. Bia chùa Quỳnh Lâm (bị) đục khắc lại vào thời Lê Trung hưng cũng có trang trí tương tự ở sườn bia. Cũng tương tự, trang trí trên sườn bia còn gặp ở bia chùa Chúc Thánh Báo ân với hình hoa cúc trong khung tròn. Mặt bia Lý khá phổ biến trang trí đường diềm. Các đường diềm chia thành nhiều vị trí, mỗi vị trí ứng với một loại hoa văn như sau: + Diềm trán bia và hai diềm bên: hoa cúc. Các gồm một... dây lượn hình sin đều đặn suốt ba diềm bia. ở mỗi khúc uốn lại điểm một bông cúc. Cúc có khi được diễn tả hiện thực, hoa nở bông cao, cánh tỉa nhỏ, cứ một bông đặt nghiêng lại xen một bông đặt hơi chếch (Bia Diên Phúc); có khi hoa cúc cách điệu cao, mỗi bông gồm một số móc hoa mảnh; uốn cong mềm mại (bia Báo ân - Thanh Hóa). + Diềm chân bia: cùng với các diềm trên đây viền kín quanh bia bao bọc trán bia và lòng bia khắp văn bản. Diềm này chạm đề tài sông nước. Sông nước các bia Lý thường có hai lớp: lớp dưới lượn đều hình sin, lớp trên có dáng thuôn nhọn, cân đối như “hình núi”. + Diềm phân cách trán bia và lòng bia: diềm này thường thể hiện hình “lá hiếng lá đề”, loại hoa văn biểu trưng của Phật giáo Lý. Nói chung các bia Lý đều tuân thủ công thức trang trí đường diềm trên đây: Duy nhất chỉ có tấm bia lớn ở tháp Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam Ninh) không có diềm chân bia, còn đường diềm khác được trang trí bằng một đề tài duy nhất hình rồng đuổi. - Trang trí trên các đế bia: Hiện nay nhiều bia Lý bị thất lạc phần đế. Các bia còn giữ được để bao gồm hai kiểu như sau: + Kiểu 1: Đế bia là một khối gần hình hộp chữ nhật. Đế bia kiểu 1 có loại được trang trí rất tinh mỹ, công phu như đế bia tháp Sùng Thiện Diên Linh: ở mặt đế có chạm hai cặp rồng có đuôi vặn xoắn theo kiểu “văn thừng” và hướng đầu vào chầu “lá đề”. Đế bia ở tháp Chương Sơn (Hà Nam Ninh) cũng thuộc loại này. Có đế bia để trơn hoàn toàn như bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa). + Kiểu 2: Đế bia được tác hoàn toàn thành tượng một con rùa. Hiện nay mới chỉ thấy bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) có đế rùa: dáng rùa khá hiện thực cân đối, đầu mập thuôn nhọn nhô cao, mắt nhỏ, chân bốn móng nép sát thân mình. Có thể nói đây là con rùa đế bia sớm nhất trong dòng bia đá Việt Nam. Tổng hợp tất cả các yếu tố trang trí trên đây có thể thấy bia Lý có hai nhóm: - Nhóm A: Các bia có kích thước lớn, toàn bộ các vị trí được trang trí rất đẹp và cầu kỳ, hình trạm chủ yếu là hình rồng, đế bia cũng được chạm rồng cuộn và sóng nước như các bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, bia chùa Quỳnh Lâm, đế bia tháp Chương Sơn. Các bia này đều thuộc các di tích lớn do Nhà nước trực tiếp đầu tư, xây dựng. - Nhóm 2: Các bia có kích thước nhỏ hơn, trang trí đơn giản hơn và khá nhất quán theo các công thức cố định, đế bia được để trơn hoặc có trạm hình rùa. Theo thời gian, nhóm bia này dường như có sự khác nhau về đề tài ở trán bia: các bia đầu thế kỷ 12 trạm rồng, các bia cuối thế kỷ XII chạm chim phượng. 2. Đặc điểm trang trí bia thời Trần: - Trang trí trên trán bia: Bố cục và đề tài trang trí trên trán bia thời Trần vẫn giống hệt thời Lý. Nhưng xu hướng sử dụng các đề tài và dáng dấp các hoa văn có nhiều biến chuyển. Hình phượng trên trán bia chỉ gặp trên một tấm bia sớm nhất thời Trần: bia chùa Thiệu Long (Hà Nội) tạc năm 1226. Có thể nói trang trí trán bia Thiệu Long là sự tiếp nối truyền thống trang trí trên các bia cuối thời Lý. Phổ biến trang trí trên trán bia thời Trần là hình rồng như các bia chùa Đại Bi, bia chùa Thanh Mai (Hải Hưng), bia chùa Sùng Hưng, bia chùa Hưng Phúc (Thanh Hóa), bia “Ngô gia thị bi” (Hà Nam Ninh)... Rồng trên các bia Trần có thân bè mập, mào ngắn, khúc uốn doãng, các ký hiệu chữ S và chữ W thời Lý biến mất nhường chỗ cho các cặp sừng nhiều kiểu khác nhau. Điểm lưu ý nữa là ở hai mặt bia Trần cũng không tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc Lý nữa: hầu như các mặt sau đều không được trang trí mà để trơn hoàn toàn. - Trang trí ở diềm bia và sườn bia. Các bia Trần hầu hết đều không có chạm khắc ở sườn bia, trừ bia Lý ở chùa Bảo Ninh (Sùng Phúc Hà Tuyên) có hoa văn thời Trần khắc lại là có chạm hoa cúc, rồng trong các khung hình tròn. Các đường diềm bia Trần có hai xu hướng diềm trán, diềm hai bên và diềm chân vẫn tuân thủ chặt chẽ truyền thống Lý trang trí hoa cúc và sóng nước. Còn đường diềm phân cách trán bia và lòng bia có diễn biến phong phú. Có khi vẫn còn đường diềm này nhưng chạm các đề tài khác như hoa lá cách điệu (bia chùa Hưng Phúc), hoặc các chấm tròn (bia chùa Sùng Thiện - Hải Hưng). Phổ biến là bỏ đường diềm này chỉ còn để đường gờ nhỏ như bia chùa Thanh Mai, bia “Ngô gia thị bi”... - Trang trí ở đế bia: Đế bia thời Trần cũng bị thất lạc nhiều. Một số tấm bia còn giữ được đế cho thấy việc tạc đế bia hình rùa có phần phổ biến hơn thời Lý nhuư bia chùa Sùng Thiện, bia chùa Khai Nghiêm, bia chùa Hưng Phúc. Dáng rùa Trần cũng gần với rùa Lý, nhưng cũng có con chạm khắc có phần đơn giản hơn, sơ sài hơn (rùa bia Sùng Thiện Hải Hưng). - Một số tấm bia có hình trang trí độc đáo: Trong các bia thời Trần, có hai tấm bia có chạm nhiều hình độc đáo chưa tìm thấy ở thời Lý là bia chùa Sùng Thiện (Hải Hưng), bia “Ngô gia thị bi” (Hà Nam Ninh). Bia chùa Sùng Thiện có mặt trước các vị trí trang trí còn giữ truyền thống Lý, còn mặt sau lại khác hẳn; toàn bộ trán bia chạm kín hình hoa cúc có cuống dài chụm lại ở đỉnh trán, các diềm trán và diềm bên chạm các hình rồng lượn theo hình “lá đề”, diềm chân bia chạm hình sóng nước lượn uốn tự do. Toàn bộ lòng bia chạm một chữ “Phật” lớn, bên dưới chữ “Phật” ở bên trái có chạm biểu trưng “khuyến thiện” (có ngậm cành sen và lá phướng), bên phải chạm biểu trưng “rừng ác” (hình quỷ sứ đội vạc dầu). Có thể nói bố cục trang trí mặt sau bia Sùng Thiện là một sơ đồ tóm tắt cách trình bày Phật điện và giáo lý nhà Phật thời Trần. Mặt sau bia “Ngô gia thị bi” chạm một người đàn ông luống tuổi, khuôn mặt phương phi, ria mép dài, đầu đội mũ “bình thiên”, ngồi trên một chiếc ngai chạm rồng, hai tay đặt ngay ngắn trước ngực, hai chân buông thẳng, áo chùng rộng có nhiều nếp gấp phủ kín người, dưới ghế có lớp cánh sen xếp nghiêng và lớp “lá đề” có hình “sừng tê ngọc báu”. Theo nội dung văn bia, có thể coi đây là chân dung của vị cư sỹ họ Ngô người có công trong việc xây dựng chùa làng. Tượng chân dung vốn có từ thời Lý nhưng hình chân dung đích thực chỉ mới thấy ở tấm bia này. Mặt khác bia “Ngô gia thị bi” cũng có thể coi là dạng bia hậu sớm nhất xuất hiện khoảng cuối thời Trần. Tóm lại, trang trí bia Trần gần với bia Lý ở trán bia, các diềm trán, hai diềm bên và diềm chân. Song dáng hoa văn có nhiều đổi khác. Đặc biệt các mặt sau và diềm phân cách trán bia với lòng bia hầu như không còn tuân thủ truyền thống Lý nữa. Xu hướng tạc tượng rùa ở đế bia đã bắt đầu phát triển hơn. Bia chùa Sùng Thiện và bia “Ngô gia thị bi” là những đóng góp mới trong nghệ thuật trang trí bia đá. Do sự phát triển và kế thừa, có bản trang trí bia thời Trần khá gần với bia Lý. Những đặc điểm đó đến các thời sau chỉ còn giữ lại ở từng phần, từng vị trí với các đề tài phong phú và đa dạng. CHÚ THÍCH (1) Thí dụ: các bia Lý - Trần in trong các tập - Thơ văn Lý - Trần, Tập I, H. 4977. - Thơ văn Lý - Trần, tập III, H. 1988. - Thơ văn Lý - Trần, tập II, H. 1978. (2) M: Hallade art dele Asie ancienne, themse et motifs, Tập I, Paris, 1954.
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188