Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

ĐỂ NẮM ĐÚNG TƯ TƯỞNG NGƯỜI XƯA

MONday - 21/12/2015 21:28
Suy nghĩ nhân đọc Thơ văn Phạm Văn Nghị(1)
Nhà thờ Phạm Văn Nghị

Nhà thờ Phạm Văn Nghị

Phạm Văn Nghị là một nhà giáo dục danh vọng, một chiến sĩ chống xâm lược kiên cường, một nhà thơ yêu nước xuất sắc của nhân dân ta vào nửa sau thế kỷ XIX.
Với công trình nghiên cứu của mình, trên cơ sở các nguồn tư liệu phong phú (Tự, ký, các toàn tập thơ văn, tập vận trích yếu của Phạm Văn Nghị, sử sách của triều Nguyễn và của Pháp; di tích, truyện kể trong nhân dân…) thu thập trên nhiều địa bàn (ở quê hương Phạm Văn Nghị, cũng như ở các địa phương ông đã từng hoạt động trong buổi sinh thời), tác giả Nguyễn Văn Huyền đã có điều kiện vạch ra những nét cơ bản về chân dung lịch sử của Phạm Văn Nghị. Qua ngòi bút của tác giả, con người và sự nghiệp Phạm Văn Nghị - đặc biệt là sự nghiệp chống xâm lược Pháp - đã hiện lên rõ nét, với những sự kiện tiêu biểu: lờiTrà Sơn kháng sứ vang lên mùa thu năm 1859 khi giặp Pháp trắng trợn nổ súng xâm phạm bán đảo Sơn Trà; đoàn nghĩa dũng Nam Hà ngày 29 tháng 2 năm 1860 cấp tốc hành quân vào kinh thành Huế xin được góp phần diệt giặc trên chiến trường Đà Nẵng và Gia Định; trận phục kích tàu chiến Pháp ngày 10 tháng 12 năm 1873 ở ngã ba Độc Bộ khi chúng tiến đánh thành Nam Định; ngọn cờ nghĩa phấp phới tung bay trên đỉnh núi An Hòa (huyện ý Yên) cuối năm 1873 làm khiếp đảm giặc Pháp và ngụy quyền tay sai trong vùng. Với phần sưu tập thơ văn, chân dung văn học của Phạm Văn Nghị cũng được bộc lộ cụ thể bằng những nét riêng biệt, độc đáo. Tác giả đã tỏ ra chừng mực khi tiến hành chọn lựa những bài tiêu biểu nhất của Phạm Văn Nghị về các thể loại, riêng về thơ chữ Hán chỉ giới thiệu 81 bài trong số gần 300 bài. Một dẫn chứng về thái độ thận trọng khi xác minh tài liệu: tác giả đã căn cứ vào tình trạng tài liệu mơ hồ khi sưu tầm được, vào mức độ nắm được hiện nay các tác phẩm Nôm của Phạm Văn Nghị, vào tính cách và phong thái của ông để “nghi ngờ một cách khoa học” rằng bàiPhú kể lại việc Pháp đánh Bắc Kỳ lần đầu là không phải do Phạm Văn Nghị sáng tác, rồi quyết định không đưa bài đó vào công trình nghiên cứu của mình, mặc dù ông đánh giá đó là “một bài rất hay, cách sử dụng ngôn từ khá đạt, có câu gần đạt tới mức hùng văn” (tr.16).
Với phần Phụ lục cuốn sách, bạn đọc có thêm tư liệu để hiểu tư tưởng, tình cảm của người đương thời đối với Phạm Văn Nghị, cũng như vô cùng sung sướng được gặp lại những nhân vật yêu nước chống Pháp tiêu biểu cho cả một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng anh dũng của dân tộc, như Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân, Hồ Bá Ôn.
Đối với các thơ văn được chọn lựa đưa vào sách, tác giả đều xếp theo thứ tự thể loại, chữ Hán trước, chữ Nôm sau, đánh số theo thứ tự thời gian sáng tác, có ghi rõ xuất xứ, rất tiện cho người đọc theo dõi, tra cứu. Việc dịch cũng như việc chú thích đều bảo đảm những yêu cầu cần có cho một công trình nghiên cứu giới thiệu; dịch xuôi cố gắng sát nguyên văn, gọn, dễ hiểu, bảo đảm một phần âm điệu; dịch thơ cố gắng giữ niêm luật sát ý; chú thích tinh giản nhưng không quá sơ lược, đối với những trường hợp chưa rõ đều có ghi lại để tiếp tục nghiên cứu thêm.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới Lời Bạt đầu sách do Chu Văn viết, dưới một hình thức ngắn gọn đã đề cập tới những vấn đề cơ bản gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Văn Nghị, cũng như bước đầu đã phát biểu những suy nghĩ tâm đắc của người viết đối với các vấn đề cơ bản đó.
Trên đây là những ưu điểm nổi bật của công trình Thơ văn Phạm Văn Nghị. Tuy nhiên, đúng như Lời Bạt đã nhấn mạnh, đây chỉ “mới đi một bước đầu mở rộng sự trao đổi với các bạn xa gần, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn chỉnh những tư liệu nghiên cứu về Phạm Văn Nghị” (tr.8). Vì vậy, về cả hai mặt nội dung và hình thức, sách Thơ văn Phạm Văn Nghị theo chúng tôi còn có một số điểm cần được trao đổi thêm để đi tới một nhận định đánh giá thống nhất.
Trước tiên cần xác định động lực nào đã thúc đẩy các chí sĩ Việt Nam - trong đó có Phạm Văn Nghị - không cúi nhận đầu hàng thực dân Pháp xâm lược. Có thực là “niềm tin vào chính nghĩa, vào sức mạnh của nhân dân là động lực thúc đẩy họ hoạt động, khiến kẻ thù phải gờm nể” như Lời Bạt đã khẳng định hay không? (tr.5).
Chúng tôi nghĩ rằng đúng là niềm tin vào chính nghĩa đã thúc đẩy các sĩ phu yêu nước đứng dậy khi thực dân Pháp xâm phạm Tổ quốc thân yêu. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng trong khi đứng lên làm việc nghĩa thì các sĩ phu yêu nước đó lại thiếu một niềm tin cần thiết vào sức mạnh của nhân dân, của quần chúng, và đó chính là điều hạn chế thể hiện qua tâm sự bi đát của bộ phận sĩ phu yêu nước chống xâm lược Pháp của Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. ở họ, điều mà chúng ta nâng niu trân trọng là lòng yêu nước thương nòi, yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Chính những tư tưởng, tình cảm cao quí đó đã thúc đẩy họ hăng hái đứng lên lãnh đạo nhân dân các địa phương tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang quyết liệt, không cân sức, một mất một còn, với thực dân Pháp. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng do họ xuất thân từ giai cấp phong kiến mà giai cấp này thì từ những năm đầu thế kỷ XIX đã đối lập sâu sắc với nhân dân cả nước - sự đối lập này được biểu lộ ra ngoài bằng một loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân ngày càng rộng lớn và mạnh mẽ - và đang tiến dần tới chỗ mất vai trò lịch sử với hành động ô nhục hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp. Do hạn chế ngặt nghèo của giai cấp xuất thân - mà lúc này giai cấp đó lại đang trên đường suy đốn - nên họ không có điều kiện nhận thức được đầy đủ sức mạnh của nhân dân, của quần chúng yêu nước. Đã xa rồi thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam trên đà phát triển đi lên, cái thời kỳ mà người đại biểu ưu tú cho giới nho sĩ yêu nước Việt Nam đã khẳng định sức mạnh của nhân dân vô cùng vĩ đại cho đó là sức mạnh “như nước” có thể “chở thuyền” và cũng có thể “lật thuyền”(2). Cho nên ngay từ lúc bắt đầu giương cao ngọn cờ nghĩa cho tới lúc hy sinh cho sự nghiệp cứu nước, các văn thân sĩ phu yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX chưa bao giờ dám tin vào thực lực của mình, vào kết quả của công việc mình làm; họ hành động vì việc nghĩa đòi hỏi, vì ý thức nghĩa vụ, vì tinh thần trách nhiệm với vua, với nước, theo tinh thần của người xưa:
Kiến nghĩa ninh cam dũng bất vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi (3).
 
(Thấy việc nghĩa lẽ nào không dũng cảm ra làm,
Phải giữ trọng điều trung hiếu để xứng đáng là trang nam nhi).
Và như vậy thì làm sao có thể khẳng định rằng “nét đặc sắc khác trong tư tưởng yêu nước Phạm Văn Nghị là niềm lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi của công cuộc chống giặc cứu nước” (Bài giới thiệu tr.25). Đứng lên làm việc nghĩa, Phạm Văn Nghị tin tưởng rằng “tự nhiên vẫn được non sông phù trì” (Thơ số 56), nhưng “non sông” ở đây không thể hiểu được là “một sức mạnh cụ thể được chứng thực bằng hành động hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân, trên ba trăm con em tham gia đội nghĩa dũng, bảy nghìn người đến ứng mộ trong vòng ba ngày khi ông dấy nghĩa ở An Hòa” (tr.25), mà chỉ là một sức mạnh tinh thần đặt cơ sở một cách mơ hồ, có tính chất thần bí, duy tâm chủ quan vào “gươm trời”, “oai trời”, vào lẽ “thuận nghịch”, vào thuyết “chính tà”. Chính vì lòng tin của ông dựa trên những cơ sở không vững chắc như vậy nên lời ông khẳng định “Người có nhân tính không ai không thấy giặc Tây ắt sẽ thua” (Thư hiểu dụ dân Gia Tô) đã không được thực hiện như ông mong muốn, và do đó ý kiến cho lời khẳng định của Phạm Văn Nghị rằng giặc Pháp nhất định sẽ thua là “hết sức sáng suốt” (tr.25) quả là có tính chất khiên cưỡng, thiếu cơ sở thực tế. Chúng tôi cho rằng có đi vào các đặc điểm tính cách và tâm lý gắn liền với các chí sĩ Việt Nam hồi nửa sau thế kỷ XIX nói chung và Phạm Văn Nghị nói riêng mới có thể giải thích được ở Phạm Văn Nghị “cái gì dường như trái ngược nhau, giữa hai chí hướng, giữa hai thái độ sống: nhàn tản, tiêu cực, lánh đời và hăng hái, tận tụy vào đời” (tr.36), thậm chí có thể giải thích được tại sao ông đã hai lần gieo mình xuống sông tự tử trong những lúc thất vọng cực độ, may đều được cứu thoát.
Một vấn đề khác là làm sao tìm hiểu, đánh giá thật đúng tư tưởng yêu nước của Phạm Văn Nghị. “Lời Bạt cũng như bài Giới thiệu đã dành những lời trang trọng khi nói tới tư tưởng yêu nước của Phạm Văn Nghị, đồng thời cũng vạch ra những hạn chế giai cấp và thời đại của nhân vật. Nhưng từ đó khẳng định rằng ông “có chí tạo thời thế” (Lời Bạt, tr.7) theo đúng nghĩa của từ này thì chúng tôi nghĩ rằng chưa thỏa đáng. Phạm Văn Nghị yêu nước sâu sắc, chống xâm lược quyết liệt, nhưng trong tư tưởng và hành động đã tỏ ra thiếu sáng suốt thức thời. Chế độ phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX đang lao sâu vào thế suy yếu trầm trọng, lực lượng vật chất và tinh thần của nhân dân ta bị sự thống trị của phong kiến triều Nguyễn hủy hoại đến mức cùng cực. Đúng vào lúc đó thì tư bản Pháp nổ súng đánh chiếm Việt Nam. Tình thế cực kỳ nghiêm trọng đó chỉ có thể cứu vãn nếu nhà cầm quyền sớm biết mở đường cho xã hội tiến lên, tăng cường lực lượng vật chất và tinh thần của nhân dân để có đủ khả năng bảo vệ đất nước. Thế nhưng một triều đại tối phản động, ngay từ những ngày đầu cầm quyền đã đối lập kịch liệt với nhân dân cả nước, không những đã hoàn toàn bất lực trước yêu cầu lịch sử bức thiết đó, mà còn là một trở ngại kìm hãm xã hội Việt Nam trên bước đường tiến lên. Khả năng tích cực nhất có thể xảy ra có lợi cho dân tộc trong những điều kiện cụ thể của Việt Nam lúc đó là triều Nguyễn bị quật đổ bởi một phong trào quần chúng rộng lớn, và thay thế vào đó là một triều đại khác tiến theo hướng mới của chủ nghĩa tư bản mạnh dạn duy tân đất nước cho phú quốc cường binh, trên cơ sở đó mới bảo vệ được độc lập dân tộc.
Trong những điều kiện lịch sử cụ thể như vậy, Phạm Văn Nghị lại “không đủ sáng suốt để hiểu rõ thời thế”, “tấm cô trung của một nho thần mà ông ôm ấp buộc ông cứ phải đội lên đầu tất cả những bất công ngu muội của đám vua tôi triều Nguyễn” (Lời Bạt, tr.7). Ông lại còn đứng về phía triều đình sâu mọt để lớn tiếng lên án, những thủ lĩnh của phong trào nông dân khởi nghĩa hồi bấy giờ, kể cả nhà nho bất khuất Cao Bá Quát. Và một khi đã không thức thời, thiếu sáng suốt, trong tư tưởng và hành động đã tỏ ra bảo thủ thì làm sao có thể nói là “có chí tạo thời thế” được? Vì dù có đánh bại được thực dân Pháp xâm lược để khôi phục chế độ phong kiến độc lập thì chế độ đó cũng đã lỗi thời, không còn thích hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam hồi đó nữa!
Vấn đề thứ ba cần được trao đổi thêm là tìm hiểu xem trong hoàn cảnh Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, trước sự tấn công hung bạo của tư bản Pháp, thế nào là một thái độ thực sự yêu nước? Lời giới thiệu viết: “Lúc ấy có không ít người thực sự yêu nước, nhưng vẫn đang lưỡng lự chiến hay hòa, đang lo ngại cho thực lực của ta còn quá yếu kém” (tr.24).
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng một khi tiếng súng xâm lược của tư bản Pháp vang nổ (1858) thì giai cấp phong kiến đã nhanh chóng phân hóa thành hai phái chủ chiến và chủ hòa; phải chủ hòa bao gồm phần lớn bọn đại phong kiến quý tộc và quan lại cao cấp trong triều, ngoài địa phương với vua Tự Đức đứng đầu sẽ nhanh chóng đi từ nhượng bộ này tới nhượng bộ khác để cuối cùng câu kết làm tay sai cho giặc trong việc đàn áp bóc lột nhân dân cả nước. Xu hướng chủ hòa tai hại lúc đó được bộc lộ ra ngoài bằng nhiều luồng tư tưởng, như “chiến không bằng hòa”, “thử hòa”, “duy thủ”… đều phản ánh một thực tế chua xót là tinh thần thất bại chủ nghĩa, sợ súng ống của chủ nghĩa tư bản phương Tây rất nặng nề trong giai cấp phong kiến cầm quyền. Thái độ duy nhất đúng, thái độ thực sự yêu nước bấy giờ của người Việt Nam chỉ có thể là kịp thời đứng dậy chống giặc bảo vệ độc lập dân tộc đang bị kẻ thù uy hiếp nghiêm trọng. Há chẳng phải một nho sĩ - cũng là học trò của Phạm Văn Nghị - vừa ốm dậy nghe tin thầy học và các bạn bè vào Đà Nẵng chặn giặc - đã vô cùng xúc động và tiếc rằng mình không được chung vinh dự đó hay sao?
Văn đạo tiên sinh xuất đổng nhung,
Bệnh lại khan kiếm độc xung xung(4)
 
(Nghe nói tiên sinh đã ra gánh vác việc quân,
Tôi mới ốm dậy, nhìn thanh gươm, một mình trong dạ thổn thức)
Cuối cùng xin góp một số ý kiến vào việc chú thích thơ văn. Nói chung việc chú thích làm tốt, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, tinh giản. Nhưng cũng có những trường hợp nhân vật hay địa danh có thể chú thích đầy đủ hơn để giúp bạn đọc ngày nay có điều kiện hiểu sâu sắc hơn nội dung thơ văn Phạm Văn Nghị. Như bài Thần Đầu song miếu (Đề hai ngôi miếu ở cửa biển Thần Đầu, tr.71) với chú thích 2, chỉ mới giới thiệu được người anh là Lê Quảng Chí, còn người em là Lê Quảng ý thì chưa. Nên căn cứ vào Đại Nam nhất thống chí (Hà Tĩnh) để ghi thêm Lê Quảng ý đỗ đồng Tiến sĩ đời Cảnh Thống, làm Hàn lâm viện kiêm lãnh tứ thành binh mã, tước Bảng quận công, sau khi mất được phong làm Phúc thần. Trường hợp bài Tiễn Thiên Trường thái thú Nguyễn Trọng Hợp lại kinh (Tiễn Thái thú Thiên Trường Nguyễn Trọng Hợp vào Kinh, tr.141), lẽ ra nên giới thiệu tiểu sử Nguyễn Trọng Hợp để người đọc thấy rõ ông ta có thời kỳ giữ chức Tổng đốc Định - An (Nam Định và Hưng Yên), và mấy chữ Thái thú Thiên Trường dùng ở đây để chỉ chức vụ đó. Cũng như đối với trường hợp Lê Tuấn trong bài Nguyên đán nhật tiếp Khâm sai đại thần huệ tiên thi dĩ đáp chi (Ngày nguyên đán, tiếp thư của quan Khâm sai đại thần, làm thơ đáp lại, tr.129), nên nói rõ Lê Tuấn quán xã Hà Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sung chức Bắc Kỳ thị sứ đại thần thì người đọc mới nắm được bối cảnh, cũng như hiểu được các ý của bài thơ:
Sơn hà ngẫu đa cố,
Ngô quân chính huyền huyền.
Đại nhân đề sứ tiết,
Sơn tu phục hải nhiên.
Chủ ưu nghi thần lao,
Hà nhật dương khải hoàn.
 
(Non sông bỗng lắm việc rắc rối,
Vua ta cũng đương lo lắng.
Ngài mang cờ sứ tiết ra đây,
Từ miền núi đến miền bể.
Vua lo bầy tôi tất phải nhọc,
Ngày nào hát khúc khải hoàn?)
Về địa danh, có trường hợp cần được chú thích kỹ hơn, nhất là nên cố gắng nói rõ cả tên hiện nay để người đọc dễ theo dõi. Như chú thích 2 bài Bính Ngọ xuân,, Thiệu Trị lục niên…, xuất thành dữ chủ sinh biệt (Ngày 9 tháng 2 năm Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ sáu…, ra khỏi thành, cùng học trò từ biệt, tr.65), là nói tới bến Đông Gia, một nơi buôn bán sầm uất, thuyền bè tấp nập trên sông Hương, trước khi muốn đi đường thủy ra Bắc thì xuống thuyền ở đây. Với bài An Dương vương miếu (Đền thờ An Dương vương, tr.72), sau nguyên chú của Phạm Văn Nghị thiết tưởng nên thêm đền An Dương vương nay thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ Tĩnh), tục gọi đền Công. BàiNinh Du trạm (Trạm Ninh Du, tr.72), nên xác định cụ thể địa điểm Ninh Du nay thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh. Đó là chưa nói tới địa điểm Trường Yên khi thì chú thích ở huyện Hoàn Long (tr.22), khi lại chú thích ở huyện Hoa Lư (tr.144), trong tình hình có nhiều biến đổi về địa danh hiện nay, người đọc thật khó theo dõi.
***
Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu của chúng tôi nhân đọc sách Thơ văn Phạm Văn Nghị và cũng là một vài ý kiến góp phần nhận định đánh giá nhân vật Phạm Văn Nghị, qua đó mở rộng ra nắm bắt tư tưởng và tình cảm của bộ phận văn thân sĩ phu yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX một cách đúng đắn, sát hợp hơn, tránh mọi sự suy diễn, áp đặt.
Đinh Xuân Lâm
---

Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Huyền - Nxb. KHXH, H. 1979. Sách này ra mắt bạn đọc đã lâu, nhưng cho tới nay vẫn có thể khẳng định là công trình đầu tiên giới thiệu hoàn chỉnh sự nghiệp và thơ văn Phạm Văn Nghị.
(2) Nguyễn Trãi: Bài thơ Quan hải.
(3) Hai câu thơ, của Hồ Huân Nghiệp một sĩ phu chống Pháp lỗi lạc của miền Nam trong những ngày đầu chống xâm lược Pháp, đọc trước giờ bị hành hình.
(4) Bình Hồ Nguyễn thái thú - Văn Nam Định Đốc học Phạm Nghĩa Trai Phụng chiếu bình tặc (Phụ lục, số 1)./.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh