LỜI NGỎ
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188
Trần Bá Chi
Bác Hồ để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm quý giá, trong đó có hàng trăm bài thơ hay. ở đây, tôi xin giới thiệu một bài thơ của Bác, có nhiều nét độc đáo, gửi gắm sâu kín, tưởng tượng cao xa. Đó là bài Vãn cảnh (Cảnh chiều tối) trong tập Nhật ký trong tù.
Nhưng muốn hiểu hết ý thơ, cảm nhận hết cái hay của bài thơ này, trước hết tôi chọn nêu một bài thơ độc đáo của Nguyễn Trãi, anh hùng giải phóng dân tộc thế kỷ XV và là danh nhân văn hóa thế giới để chúng ta cùng liên tưởng, so sánh và cùng thưởng thức những áng thơ tuyệt vời của Nguyễn Trãi và của Bác Hồ.
Bài thơ Nguyễn Trãi tôi nêu ra đây là bài thơ Nôm, nhan đề là Hoa Mộc Cận, xếp thứ 237 trong Quốc âm thi tập, in ở trang 471 và trang 836 của sách Nguyễn Trãi toàn tập, tái bản năm 1976 do Giáo sư Đào Duy Anh phiên âm, chú thích. Nguyên bài thơ như sau:
HOA MỘC CẠN
Ánh nước hoa in một đóa hồng,
Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng.
Chiều mai nở, chiều hôm rụng,
Câu kết của bài thơ dừng lại ở một phạm trù bao quát nhất, hàm súc nhất của đạo Phật là sắc và không: không không, sắc sắc. Nhưng chủ ý của bài thơ còn tỏ sự thương cảm cho cuộc đời ngắn ngủi của hoa Mộc Cận, một thứ hoa có tấm lòng Phật, lại chỉ sớm nở chiều tàn.
Hoa Mộc Cận, người ta thường gọi là hoa Dâm Bụt hay hoa Bông Bụt. Thực tên nó xưa là hoa Dâng Bụt (Tiến Phật phẩm), mà về sau bị gọi chệch âm, thành hoa Dâm Bụt đó thôi. Không biết Nguyễn Trãi viết bài thơ này vào thời điểm nào ? Ông ngắm hoa Dâng Bụt ở đâu ? Suy đoán theo các tình tiết của bài thơ, phải chăng ông viết bài thơ này vào những ngày phải ngồi trong ngục để khai tội trong việc nhà vua chết đột ngột tại nhà ông là Lệ Chi Viên ? Theo sử chép thì ông đã bị bỏ ngục suốt 10 ngày, kể từ ngày mồng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm Nhâm Tuất, tức năm 1442 theo dương lịch. Tôi đoán Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong thời gian ông ngồi trong ngục, vì chính mắt ông đã không được nhìn trực tiếp vào đóa hoa Mộc Cận trên cành cây, mà ông chỉ được thấy bóng hoa dưới ánh nước, xuyên qua cửa gầm nhà ngục mà thôi. Cả đến màu sắc đỏ của Một đóa hồng cũng chỉ là màu sắc tưởng tượng của một đóa hoa ảo huyền in dưới ánh nước.
Ánh nước hoa in một đóa hồng.
Rõ ràng cảnh trí đầy huyền ảo trong bài thơ đã được hình thành từ một cái nhìn thật độc đáo, từ một chuỗi tưởng tượng sâu sắc, từ một cõi lòng u uất, bi đát. Do vậy từ một đóa hồng huyền ảo của câu đầu bài thơ, Nguyễn Trãi đã đưa chúng ta trở lại với bản chất tốt đẹp của đóa hoa ở câu thơ thứ hai:
Vết nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng.
Hoa Dâng Bụt nên lòng của nó là Bụt, và nhờ có lòng Phật mà hoa không có một thứ nhơ bẩn nào bám vào được, bén tới được. Tự đó liên tưởng đến mối quan hệ giữa cảnh và người, có lẽ Nguyễn Trãi muốn mượn đặc tính này của hoa, để ví với tấm lòng trong trắng, trung thành, chung thủy tốt đẹp của ông.
Đến câu thứ ba, theo Đào Duy Anh thì từ “chiều” ở đây là từ “buổi” thời xưa:
Chiều mai nở, chiều hôm rụng.
(Nhật ký trong tù, tr. 836)
Ý thơ ở đây là tỏ sự xót xa, thảm thương trước cuộc sống ngắn ngủi của đóa hoa. Thấy hoa mà lòng chạnh thương mình, thương cuộc đời người cũng chỉ ngắn ngủi thế thôi. Sự ngắn ngủi của một đời người chứa biết bao niềm thương nỗi tiếc… Nhưng tiếc sao được, cưỡng lại sao được, vì nở rụng là lẽ thường, là quy luật tự nhiên.
Nói là lẽ thường, là quy luật tự nhiên, nhưng rồi Nguyễn Trãi lại không khỏi bàng hoàng, giật mình khi thấy cuộc đời ngắn ngủi đáng thương ấy lại xảy ra đối với loại hoa này, một loại hoa có tấm lòng Phật. Đó quả là một sự lạ, nhưng rồi Nguyễn Trãi lại cũng tự thở than, tự an ủi mình: Sự lạ cho hay, tuyệt sắc không.
Ở ý của câu thơ cuối bài này, hình như Nguyễn Trãi đã cố trút cạn nguồn tâm sự u uất, oan trái của mình vào giáo lý tiền định của Phật, vào quy luật sắc không của đạo Phật, lấy đó làm điều để tự an ủi. Sắctrong giáo lý Phật là những gì có hình có tướng, có màu sắc mà người đời nhận thức được, sờ chạm được nhưng rồi do biến hóa theo luật vô thường, nó lại thành không. Cho nên từ sự thay đổi nhỏ như cuộc đời ngắn ngủi của hoa: “buổi sớm nở buổi chiều rụng”, đến những thay đổi lớn của không gian: “nay là rừng dâu thì vốn xưa là bãi biển”… đều tỏ rõ được quan hệ sắc không và sắc cũng là không, không cũng là sắc. Nhưng Nguyễn Trãi không dừng lại ở sự chấp nhận quy luật đó, mà muốn từ nền tảng đó, ý thơ còn phải làm nổi bật lên giữa những gì đầy tính sắc không, huyền ảo, có một cái lõi ổn định, bất biến, bất diệt, trường tồn, đó là tấm lòng Phật (Bụt làm lòng) mà cũng chính là tấm lòng trong sáng, trung thành, chung thủy của ông vậy.
Do bài thơ có những ý sâu kín, độc đáo nói trên, phải chăng đây là lời trối trăng cuối cùng của Nguyễn Trãi khi sắp phải rụng đầu dưới những lưỡi dao oan nghiệt. Chỉ đến đời vua Lê Thánh Tông công minh sáng suốt, tấm lòng Nguyễn Trãi mới được chiêu tuyết, mới được tỏa sáng.
Nguyễn Trãi là vị tổ đứng đầu dòng thơ Nôm Việt Nam, tác phẩm thơ Nôm của ông có lẽ còn nhiều, nay chỉ mới sưu tầm được mấy trăm bài. Tôi đọc đến bài thơ Hoa Mộc Cận của ông, càng cảm phục, càng bùi ngùi thương tiếc.
Bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu ghi lại sự đồng cảm giữa mùi thơm của hoa hồng với người tù nhân trong ngục, nhưng tên bài thơ lại ghi là Vãn cảnh (Cảnh chiều tối), có ý đặt sự việc vào điều kiện không gian, thời gian: khi mặt trời sắp tắt, bông hoa đã héo rũ, mùi hoa đã nhạt tàn.
Bài thơ Bác viết:
晚 景
玫 瑰 花 開 花 又 謝
花 開 花 謝 兩 無 情
花 香 透 入 籠 門 裡
向 在 籠 人 訴 不 平
VÃN CẢNH
Mai Khôi hoa khai, hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình.
Hoa hương thấu nhập lung môn lý,
Hướng tại lung nhân tố bất bình.
Nghịch cảnh trên cũng muốn lộ ra từ đầu cho người đọc biết rằng: đây cũng chỉ là những bông hoa tưởng tượng mà thôi, vì những giây phút sống bằng sức tưởng tượng mãnh liệt của nhà thơ, có khi không gian và thời gian cũng trở thành vô nghĩa.
Bài thơ này của Bác đã được dịch, xuất bản lần đầu vào năm 1960, in ở tập Nhật ký trong tù, nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, ở trang 217-218. Các lần xuất bản sau, bài dịch này vẫn được để nguyên như lần đầu. Bài thơ của Bác được dịch như sau:
CẢNH CHIỀU TỐI
Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng.
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình.
Hương hoa bay thấu vào trong ngục.
Kể với tù nhân nỗi bất bình.
Trước hết xin nói về hoa hồng. Một đóa hồng trong thơ Nguyễn Trãi chỉ hồng về màu sắc, còn tên hoa lại là hoa Dâng Bụt, tức Dâm Bụt, âm Hán Việt ghi là hoa Mộc cận. Còn hoa hồng trong bài thơ Bác thì thật là hoa hồng. Hoa hồng ở xứ ta cũng như bên Trung Quốc thường có 3 loại hồng là Mai Khôi (Rosa rugosa), hồng Tường Vi (Roca acicularis) và hồng Đồ Mi (Rubus commersoni).
Cây hồng Mai Khôi cao khoảng hơn mét, cành có gai thưa, mặt lá có lông ngắn, chót lá lượn tròn hơn so với chót lá của hồng Tường Vi và hồng Đồ Mi. Hoa Mai Khôi trắng phớt pha màu đỏ tươi, cánh kép có nhiều lớp, nhưng lớp trong cùng chỉ có 5 cánh mà thôi. Đặc biệt nhụy hoa hồng Mai Khôi thường tiết ra một chất nhờn thơm và tỏa ra mùi thơm lan xa dễ chịu, hơn hẳn hai loại hồng kia. Người ta thường dùng hoa Mai Khôi chế ra nước thơm và thứ dầu thơm, gọi là Rosaniline. Hương của hoa Mai Khôi cũng là một vị trong bài thuốc hồi dương của Đông Y, người ta ngửi mùi thơm của hoa này có cảm giác khoan khoái, tỉnh táo.
Hoa Mai Khôi thơm ngát lừng, đẹp chói lọi, nhưng Bác Hồ có được nhìn thấy hoa đâu. Bác đang bất bình về việc quân Tưởng cứ giải đi giải lại quanh năm, đã quá hạn hứa trả tự do, mà Bác vẫn cứ bị xiềng, bị ngồi trong ngục. Một buổi hôm, Bác ngồi trong ngục, chợt ngửi thấy mùi thơm của hoa Mai Khôi, rồi bác nhớ đến hoa, đến vẻ đẹp mùi thơm của hoa. Và đối với Bác thì hoa hồng là vật thanh cao, là vật tượng trưng cho cảnh đất nước tươi đẹp, tượng trưng cho ánh hoa phẩm tiết của con người, là vật có mùi thơm thức tỉnh, xoa dịu Bác trong những ngày gian truân thương nòi nhớ nước. Có khi đóa hoa hồng không được nhìn rõ, chỉ nở ra rồi rụng đi trong trí tưởng tượng, mà lại là đóa hoa hồng đẹp đẽ tuyệt vời. Nó đẹp vì tâm hồn thơ của Bác.
Bài thơ Cảnh chiều tối của Bác, nội dung tả về hoa hồng Mai Khôi, nhưng Bác không dùng hai chữ Mai Khôi đặt tên cho cả bài thơ như cách đặt tên bài thơ Hoa Mộc Cận của Nguyễn Trãi, đó là do Bác dụng ý để tạo ra một nghịch cảnh, một nghịch cảnh thứ hai, bằng hai câu trên nói lên sự cách biệt giữa hoa với người do đặc tính thực vật và quy luật thiên nhiên chi phối (hoa tàn, hoa nở cũng vô tình); khác với nội dung hai câu cuối của bài thơ, nói lên sự gần gũi, đồng cảm giữa hoa với người trong hoàn cảnh xã hội bất công, nhân tâm bất bình, ta oán. Trong hoàn cảnh đó, Bác tưởng tượng như hoa hồng cũng hiểu được tình cảnh con người, hiểu được tâm trạng bất bình của Bác.
Cũng như đại thi hào Nguyễn Du từng nói: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). ở đây, Bác chỉ thoáng ngửi thấy mùi thơm của hoa, một thứ hoa hồng từng gần gũi, quen thuộc dường như lúc này cũng tỏa hương bay vào phòng giam an ủi Bác:
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình.
Như vậy, nỗi bất bình lúc này không chỉ xảy ra đối với Bác, dường như cuộc đời hoa cũng phải chịu đựng nhiều nỗi bất bình; và không chỉ bất bình với những sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên như mưa dập gió lay, mà còn bất bình với cả những hành vi ngang trái, độc ác của con người trong xã hội. Do vậy trong giờ phút gần gũi thân thương bất chợt này, cảnh với người có một mối tình đồng cảm, mùi thơm của hoa hồng đến với Bác để cùng chia sẻ những nỗi buồn trong cảnh tù túng và những cơn oán giận, bất bình.
Bác Hồ đang là một tù nhân, người tù nhân được đón hương hoa hồng bay vào ngục: Kể với tù nhân nỗi bất bình…
Tóm lại, nghệ thuật thơ của Bác thật cao siêu, phần nhân cách hóa hương hoa Mai Khôi trong bài này quả đã cực kỳ điêu luyện. Thơ của Bác không chỉ được nhân dân cả nước ta thích thú, quý mến, thưởng thức mà còn được nhân dân khắp thế giới hâm mộ, ca ngợi.
T.B.C.
Newer articles
Older articles