Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

HỌC GIẢ HOÀNG XUÂN HÃN ĐÃ NHẦM LẪN ...

SUNday - 29/09/2013 09:12
HỌC GIẢ HOÀNG XUÂN HÃN ĐÃ NHẦM LẪN ...

HỌC GIẢ HOÀNG XUÂN HÃN ĐÃ NHẦM LẪN ...

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn coi bản dịch Chinh phụ ngâm hiện được giảng dạy trong các học đường và được mọi người biết đến là của Đoàn Thị Điểm, mặc dù học giả Hoàng Xuân Hãn đã cố chứng minh bản dịch ấy là của Phan Huy Ích, trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo
HC GI HOÀNG XUÂN HÃN ĐÃ NHM LN KHI CĂN C VÀO CH "N GII" Đ BÁC B ĐOÀN TH ĐIM LÀ DCH GI BNCHINH PH NGÂM HIN ĐANG ĐƯỢC LƯU TRUYN


Từ trước đến nay, chúng ta vẫn coi bản dịch Chinh phụ ngâm hiện được giảng dạy trong các học đường và được mọi người biết đến là của Đoàn Thị Điểm, mặc dù học giả Hoàng Xuân Hãn đã cố chứng minh bản dịch ấy là của Phan Huy Ích, trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo(1).
Trong bài Tựa quyển sách ấy, ông đã viết rằng Chinh phụ ngâm,nguyên văn bằng chữ Hán đã được Đặng Trần Côn viết ra, rồi sau đó các thi gia đời Lê mạt mới diễn ra Quốc âm thành những khúc ngâm. Ông đã tìm thấy ba bản diễn âm, nhưng đều không có ghi tên dịch giả: một bản vì có chữ NỮ GIỚI nên ông đoán là của Đoàn Thị Điểm, một bản vì thấy lời văn cổ, nên ông đoán là của Nguyễn Khản và một bản ông ghi hẳn là Vô Danh(2) vì không có mấy giá trị. Riêng bản diễn âm hiện được lưu truyền là của Đoàn Thị Điểm, thì ông lại cho là của Phan Huy Ích. Ông đã căn cứ vào bức thư của Phan Huy Chiêm gửi cho báo Nam Phong(3) nói rằng bản dịch Chinh phụ ngâm là của Phan Huy Ích diễn ra văn Nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính vừa Chữ vừa Nôm. Tuy nói vậy nhưng Phan Huy Chiêm đã không công bố được bản Nômtheo các nhà nghiên cứu thời ấy yêu cầu.
Khi soạn quyển Chinh phụ ngâm bị khảo, học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ được ông Phan Huy Chiêm gửi cho một bản diễn ca, nhưng không phải là bản Nôm, mà chỉ là một bản phiên âm sang Quốc ngữ.
Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng: "hình như bản chữ Nho và chữ Nôm chưa tìm lại được".
Theo chúng tôi nghĩ, nếu không còn bản Nôm, mà chỉ đưa ra được bản phiên âm sang Quốc ngữ, thì làm sao có thể tin được, nhất là bản Quốc ngữ ấy lại có nhiều sai lầm.
Nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn đã lập luận rằng: "Tuy bản phiên âm kia sai lầm nhiều lắm, nhưng có những chứng làm ta tin chắc rằng đó là do một bản riêng của họ Phan mà phiên ra: Chứng chắc nhất là tuy bản ấy phần lớn giống bản thường ta biết, nhưng có một số vế hoàn toàn khác hẳn", và học giả Hoàng Xuân Hãn cho là "các vế khác ấy là nguyên văn của Phan Huy Ích khởi thảo".
Ông còn căn cứ vào bài thơ của Phan Huy Ích(4) làm, có chép trong Dụ Am ngâm tập để bênh vực cho thuyết của mình rằng:
Bản diễn âm của Phan Huy Ích chỉ là phỏng dịch, vì có chỗ đã bỏ bớt ý, có chỗ đã bỏ cả một vế Hán văn và có chỗ đã thêm cả ý của mình vào. Và: Bản diễn âm của Đoàn Thị Điểm mới là áp dịch, vì đã cố diễn tất cả các ý, có chỗ lại diễn một vế Hán văn bằng hai vế Quốc âm và chỉ bỏ một ít vế thôi.
Nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ suy đoán về hai bản A và B như vậy thôi, chứ không có một chứng cớ xác thực nào.
Riêng bản C mà ông bảo là của Nguyễn Khản, thì cũng chỉ là phỏng đoán như chính ông đã viết: "Không có tài liệu nào có thể làm biết tên dịch giả. Tôi tự hỏi có phải của Nguyễn Khản chăng?".
Như vậy, chúng tôi nhận thấy, ở cả ba bản A, B và C, học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ suy đoán để qui cho tên dịch giả, chứ không căn cứ vào một tài liệu xác thực nào cả.
Đối với hai chữ NỮ GIỚI ở bản "viết cũ"(5), mà ông căn cứ vào đó để quyết đoán rằng bản B là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, thì cũng không xác thực vì:
- Hai chữ NỮ GIỚI 女 戒, đã thuộc phần cuối trang chữ Hán tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, chứ không phải thuộc trang đầu phần chữ Nôm, nên không thể viết như Hoàng Xuân Hãn đã ghi là NỮ GIỚI CHINH PHỤ NGÂM GIẢI ÂM được.
- Hai chữ NỮ GIỚI lại viết 女 戒, chứ không phải 女 界
- Nữ giới 女 戒 là những điều răn dạy đàn bà về phần đức hạnh.
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã hiểu 女 界 (nữ giới) là phụ nữ thì sai. Nếu là NỮ GIỚI (chỉ phụ nữ) thì phải viết là 女 界 mới đúng, nhưng cho dù có viết 女 界, thì cũng không thể quyết đoán người phụ nữ ấy là Đoàn Thị Điểm được.
Chúng tôi nhận thấy Hoàng Xuân Hãn đã thiếu hẳn thận trọng khi không ghi thêm một dấu hỏi sau tên của bà Đoàn Thị Điểm, vì dẫu sao, đó cũng là một phỏng đoán, chứ không có chứng cớ xác thực.
Vậy hai chữ NỮ GIỚI cần phải hiểu thêm như thế nào? Theo chúng tôi nghĩ, thì tác giả bài Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán đã không phải của một người đàn bà viết ra để bày tỏ nỗi lòng của mình khi phải xa chồng, khi chồng đi trận mạc lâu ngày chưa về, mà lại là của một người đàn ông. Thế thì Đặng Trần Côn khi viết ra bài Chinh phụ ngâm đã có chủ ý gì ?
Theo Phan Huy Chú, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí,thì: "Sách Chinh phụ ngâm là do Hương cống Đặng Trần Côn soạn, nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh nổi dậy, người ta phải lìa nhà ra trận mạc, ông cảm thời thế mà làm ra"(6).
Đặng Trần Côn hẳn cũng nhận thấy, trong thời loạn lạc, những người ra trận thường mười người đi chỉ có vài, ba người về, nên trước cảnh đau thương ấy, ông mới viết Chinh phụ ngâm để gián tiếp khuyên những người đàn bà có chồng đi lính hãy giữ lấy đức hạnh và ông cũng không quên tạo cho họ một niềm tin ở ngày khải hoàn.
Ông đã khéo diễn tả được nỗi buồn tiễn biệt, nỗi nhớ thương, nỗi trông ngóng, nỗi chán nản, nỗi mong mỏi, nỗi ngờ vực, nỗi lo lắng, nỗi ao ước và nỗi khẩn cầu của người chinh phụ, đồng thời, ông cũng đã đề cao được đạo đức cao quý của người chinh phụ ở nhà biết nuôi mẹ già và dạy con thơ:
Quân hữu lão thân mấn như sương,
Quân hữu nhi lang niên thả nhũ.
Lão thân hề! ỷ môn,
Nhi lang hề! đãi bộ.
Cung thân xan hề! thiếp vi nam,
Khóa tử thư hề! thiếp vi phụ.

Diễn Nôm là:
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa vả đương bù trì.
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Luyện con đèn sách thiếp làm phụ thân.
 
(c.155 - c.160)
Ông cũng để cho người chinh phụ biết tự giữ mình:
Lang quân khứ hề! thùy vi dung?
Thùy vi dung hề! không bàn hoàn.

Diễn Nôm là:
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai. 
(c.236)
Nhưng để giúp cho người chinh phụ giữ được đạo đức cao quý ấy, ông đã khéo gợi ra cảnh khải hoàn:
Hà hạnh kỳ môn phong nhận trung,
Lão thiên trước ý hộ anh hùng!
Hộ anh hùng bách chiến công,
Trường khu tứ mã tĩnh Quan đông.

Diễn Nôm là:
Mũi đòng bác đòi lần hăm hở,
Đã lòng trời gìn giữ người trung.
Hộ chàng trăm trận nên công,
Buông tên ải Bắc, treo cung non đoài.
 
(c.373 - c.376).
và cảnh gia đình đoàn tụ, vợ chồng hạnh phúc:
Qui lai thảng bội hoàng kim ấn,
Khẳng học đương niên bất há ky.
(...)
Dữ quân chỉnh đốn hề! cựu nhân duyên,
Giao cảnh thành song đáo lão thiên.

Diễn Nôm là:
Khi về đeo quả ấn vàng,
Trên khung cửi dám dẫy dàng làm cao (...)
Liên ngâm, đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
 
(c.391 -c.404).
Qua bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, chúng ta nhận thấy chủ ý của ông là khuyên những người phụ nữ có chồng đi lính hãy thủ tiết giữ lấy đạo đức, nên ở cuối tác phẩm mới có chữ NỮ GIỚI.
Vậy Nữ giới 女 戒 không phải là chỉ đàn bà con gái như Hoàng Xuân Hãn đã hiểu. Do sự hiểu lầm đó, ông mới vội gán cho bà Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản B và coi Phan Huy Ích là dịch giả bản A, tức bản vẫn được truyền bá rộng rãi xưa nay.
Cũng may, thuyết của ông đã không được mọi người công nhận, tuy công trình nghiên cứu của ông được kể là khá công phu.
Phạm Thế Ngũ, tác giả bộ Lịch sử Văn học Việt Nam tân biên giản ước(7) cũng có nhận xét rằng: "chúng ta đều biết ông Hoàng Xuân Hãn đã làm những cố gắng phi thường để dành bản dịch Chinh phụ ngâm này về cho Phan Huy Ích. Nhưng thuyết của ông không hề thỏa mãn được học giới trong nước. Nhiều nhà phê bình đã đưa ra những lời bác vững chắc (như xét bản sắc văn Nôm của Phan Huy Ích không giống với văn Chinh phụ ngâm - xét chữ NỮ GIỚI mà ông Hãn trưng dẫn trong một bản nói là của Đoàn Thị Điểm không hề có giá trị một bằng chứng"(8).
Đối với nhận xét trên của ông Phạm Thế Ngũ chúng tôi sẽ không nói về chữ NỮ GIỚI (vì đã được trình bày ở trên) mà chỉ nói vềbản sắc văn Nôm của Phan Huy Ích.
Nếu căn cứ vào "một số vế hoàn toàn khác hẳn" trong bản A, mà học giả Hoàng Xuân Hãn cho là "nguyên văn của Phan Huy Ích", thì chúng ta thấy những vế ấy kém hẳn so với những vế truyền là của Đoàn Thị Điểm.
Sau đây, chúng tôi xin chép lại để tiện so sánh:
Các vế coi là của Phan Huy Ích:
- Câu 249-252:
Nước mắt rơi vì ca quyên gióng,
Lá gan mềm bởi trống tiều khua.
Võ vàng đổi khác hình thù,
Nỗi khuê ly biết mùi chua dường này.

- Câu 273 - 284:
Bến ngất che ngọn tần rữa nước,
Xem cỏ xanh, dâu luốc nẻo xa.
Nam thôn, gió bụi mấy nhà,
Đàn ê lộ đứng bình sa buổi chiều.
Đường dập dìu thảo đình mấy nóc,
Xem cây Ngô, núi Thục bên mây.
Bắc thành ngọn lúa chen dày,
Địch trên lầu thổi, mưa rây thét dài.
Non đông thấy lá rơi đầy đống,
Trĩ dập dìu mai cũng nhởn nhơ.
Ngàn khơi khói tỏa mịt mờ,
Con chim bạt gió bơ thờ than nheo.

- Câu 353-356
Cánh chim loan dập dìu cùng lượn,
Chân côn trùng sống sượn đều đi.
Liễu đường sen vũng biết chi,
Mầm khi cũng dính, hoa khi cũng liền.

Rõ ràng là các vế trên kém hẳn các vế sau đây truyền là của bà Đoàn Thị Điểm:
- Câu 249-252
Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly mới biết tân toan dường này.

- Câu 273-284
Trông bến nam bãi che mặt nước,
Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh.
Nhà thôn mấy xóm chông chênh,
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường bắc, đôi chòm quán khách,
Rườm rà cây xanh ngất núi non.
Lúa thành thoi thót bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.
Non đông thấy lá hầu chất đống,
Trĩ sập soè mai cũng bẻ bai.
Khói mù nghi ngút ngàn khơi,
Con chim bạt gió lạc loài kêu thương.

- Câu 353-356
Kìa loài chim đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng dính, đôi cây cùng liền..

Lời thơ dịch thật êm đềm, nên như Dương Quảng Hàm đã nhận xét: "rõ ra lời một người đàn bà", nó rất hợp với hoàn cảnh của bà Đoàn Thị Điểm.Bà lấy chồng vào cuối năm Nhâm Tuất (1743), mới được một tháng, thì chồng bà - ông Nguyễn Kiều - phải lên đường đi Bắc sứ. Tuy không phải gian nan nguy hiểm như người lính ra mặt trận, nhưng chồng bà cũng bị trở ngại vì có loạn ở Lạng Sơn, nên phải đợi lâu, mãi ba năm mới về lại được Thăng Long. Bà ở nhà, hẳn cũng mang tâm trạng của người chinh phụ, nên khi dịch Chinh phụ ngâm, bà đã đặt vào ý thơ tất cả tâm hồn của mình. Bà hẳn cũng phải sống chân thành với những nỗi nhớ mong, những nỗi lo âu của người chinh phụ, nên mới lột được cả cái tình ý của người vợ xa chồng, mà một người đàn ông khó lòng diễn đạt cho nổi.
Đó là những yếu tố tình cảm khiến chúng ta có thể tin được rằngtruyền thuyết cho Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản Chinh phụ ngâm - bản phổ thông hiện nay vẫn được giảng dạy ở các học đường - vẫn không thể bác bỏ được.
Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi xin nhắc lại rằng hai chữ 女 戒 (NỮ GIỚI) mà học giả Hoàng Xuân Hãn nêu ra đã là một chứng cứ sai lầm và bà Đoàn Thị Điểm vẫn nên được coi là dịch giả bản Chinh phụ ngâm như đã lưu truyền từ lâu nay, không thể chuyển sang cho Phan Huy Ích được.

CHÚ THÍCH
(1) Bản in của Nxb Văn học. 1993
(2) Ngoài bốn bản A, B, C và D, học giả Hoàng Xuân Hãn còn cho in thêm ba bản E, F và G trong phần phỏng dịch.
(3) Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có bài viết về vấn đề này đăng trên Nam Phong số 106, tháng 6, 1926.
(4) Hai câu kết của bài thơ: Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc, tự tín suy minh
tác giả tâm (Nay nhân buổi nhàn đã dịch ra thành khúc mới, chắc tin rằng suy minh được bụng của tác giả) cho ta biết Phan Huy Ích có dịch bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn sang Quốc âm, nhưng bản Nôm đã không còn.
(5) Bản VIẾT CŨ mà Hoàng Xuân Hãn sưu tầm được gồm có các bản B, C, D và hai bản phỏng dịch được gọi là E và F.
(6) Có thể Đặng Trần Côn đã viết Chinh phụ ngâm vào khoảng đầu đời Cảnh Hưng (1740), khi ấy có nhiều cuộc nổi dậy chiếm
các vùng Kinh Bắc, Sơn Nam, Đồ Sơn, Sơn Tây, Khoái Châu và Trấn Ninh. Trong hai năm 1739 - 1740, các vùng lân cận ở bốn trấn chung quanh Kinh đô cũng bị đánh chiếm.
(7) Phạm Thế xuất bản - Quốc học tùng thư. Tập II. Sài Gòn. 1970. Trang 156.
(8) Lại Ngọc Cang cũng có nhận xét về hai chữ NỮ GIỚI này trong quyển Chinh phụ ngâm - Văn học. 1964. Trang 25 và trang 80./.

(Biên tập: Phạm Duy Trưởng)
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh