Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

KIỂU NGẮT CÂU VÀ HIỂU Ý TRONG VĂN BẢN CỔ

WEDnesday - 19/03/2014 17:31
(hình minh họa)

(hình minh họa)

Đối với công việc phiên dịch và chú giải những văn bản cổ viết bằng chữ Hán thì ngắt câu và hiểu ý câu là một cửa ải không ít chông gai. Người xưa, trong “mười năm đèn sách” đã tốn bao tinh lực cho cái học “tiểu học” mà một nội dung không nhỏ của nó là phép ngắt câu (cú đậu) và tìm ý. Các lớp người phiên dịch và chú giải văn bản cổ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về mặt này, để những dịch phẩm được công bố ngày càng đáng tin cậy hơn, đi tới hoàn thiện hơn. Dưới đây, chúng tôi cũng xin góp một chút “tư liệu”, mong đính chính đôi chỗ “mỹ trung bất túc” trong một số văn bản dịch.
Bài minh khắc trên vạc chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự đỉnh minh) của Nguyễn Trung Ngạn lần đầu được cụ Trần Văn Giáp ngắt câu như sau:
“Chu chi đỉnh O Thần khí dã O Việt chi đỉnh O Phật khí dã O Thần dị biển O Phật thường lạc O Y O Hậu nhân mạc chú thác…”(1) và dịch là:
“Đỉnh của nhà Chu là Thần khí; đỉnh của nước Việt là Phật khí. Thần thì dễ biến đổi, Phật thì thường vui vẻ. Hỡi người sau chớ mắc lầm to”(2).
Cần nói thêm là hồi ấy, nhà thư tịch học chưa tách được bài minh ra khỏi văn bản có ghi chép cả phần “bổ sung” của người đời sau, do vậy, cụ cũng không thừa nhận Nguyễn Trung Ngạn là tác giả bài minh(3).
Phần Khảo luận văn bản trong thơ văn Lý Trần tập I đã tách bài minh của Nguyễn Trung Ngạn ra khỏi những lời “phê điểm” của Lý Tử Tấn và những ghi chú của người đầu đời Lê, đi tới nhận xét: “Sáu câu đầu là văn có vần, mỗi câu 3 chữ đều nhau… Câu thứ 7 của bài minh gần như một lời kết luận: Y O Hậu nhân mạc chú thác, than ôi! người sau chớ có đúc lầm”(4). Như thế là Thơ văn Lý Trần đã khôi phục được “bản lai diện mục” của bài minh, nhưng về cách ngắt câu thì về cơ bản vẫn là cách ngắt của Trần Văn Giáp(5). Nếu ngắt như trên sẽ gặp vào cái thế “lưỡng đao”: 1. Cho bài trên là văn xuôi thì không ổn, bởi lẽ cả bài có 7 câu, thì dùng liền tới 6 câu có 3 chữ đều nhau, lại gieo vần, không phù hợp với “thể chế” của lối văn xuôi cổ. 2. Cho bài minh trên là “thơ” cũng không xong, vì lối đặt 6 câu 3 chữ gắn với một câu 7 chữ chưa thấy có tiền lệ trọng thơ cổ, mà nghe ra lại có “hơi hướng” của thơ mới.
Theo chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn viết bài minh khắc trên vạc chưa Phổ Minh bằng thể thơ 3 chữ. Toàn bài có 8 câu (chứ không phải 7 câu), gieo 2 vần trắc (đỉnh, đỉnh và lạc, thác):
Chu chí đỉnh,
Thần khí dã.
Việt chị đỉnh,
Phật khí dã.
Thần dị biến,
Phật thường lạc.
Y hậu nhân,
Mạc chú thác.

Xin tạm dịch là:
Vạc nhà Chu,
Lạc Thần khí.
Vạc nước Việt,
Là Phật khí.
Thần dễ đổi,
Phật luôn vui.
Hỡi người sau,
Chớ đúc lỗi.

Lối ngắt câu trên đây, có ảnh hưởng tới “ngữ điệu” bài minh, cũng chưa dẫn tới lầm lỗi nhiều về ý nghĩa. Thông thường, ngắt câu không “trúng” thì cách lý giải sẽ khác hẳn nguyên tác. Trường hợp đơn giản thì chức tước của người này bị gán cho người khác, như câu:
Nguyên văn: “Tân mùi nhị niên… dĩ Trương Ma Ni vi Tăng lục đạo sĩ Đặng Huyền Quang vi sùng chân uy nghi”(6).
Bản dịch: “Tân Mùi năm thứ 2/971/… cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân uy nghi”(7).
Táng lục là chức quan trông coi Phật giáo, dưới chức Tăng thống. Đạo sĩ là chỉ chung những người tu hành Đạo giáo, không phải là chức quan, càng không phải là chức quan coi nhà chùa. Gắn Tăng lục với Đạo sĩ là không đúng. Dấu ngắt câu nên đặt giữa Tăng lục và Đạo sĩ, Đạo sĩ thuộc về câu sau, gắn với Đặng Huyền Quang. Sùng Chân uy nghi là chức quan trông coi Đạo giáo, trao chức đó cho “Đạo sĩ” Đặng Huyền Quang là phù hợp.
Câu vừa nêu là lẫn về “chức”, câu dưới đây là lầm về “nước”.
Nguyên văn: “Gia phong Lý triều Thái phó Phùng Tá Chu vi Hưng nhân vương quan nội hầu Phạm Kính Ân vi Thái phó phong Bảo trung quan nội hầu…” (Toàn thư, Bản kỷ, Q.V, tờ 8b).
Bản dịch: “Gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng nhân vương, tước Quan nội hầu; cho Phạm Kính Ân làm Thái phó, phong Bảo trung Quan nội hầu”(8).
Hưng nhân vương là tước vương. Quan nội hầu là tước hầu, đều là “tước” cả. Nhưng tước “vương” thì cao hơn hẳn tước “hầu” một bực. Trước đó 8 năm, Phùng Tá Chu đã là Phụ quốc Thái úy, quyền Tri châu Nghệ An, “được quyền cho người tước phẩm từ Tá chức xá nhân trở xuống”(9), nay lại phong tước… hầu thì là “giáng” chứ không phải là “gia phong”. Vả lại, không không thể nào gia phong cho một người cùng một lúc cả tước vương lẫn tước hầu. Ở đây, Quan nội hầu là tước của Phạm Kính Ân, Phạm Kính Ân lần này được gia phong thêm hai chữ “Bảo Trung”, còn tước vẫn như cũ. Sai lầm trên còn lặp lại ở đoạn dưới đây:
Nguyên văn: “Gia phong Hưng nhân vương Phùng Tá Chu vi Đại vương Quan nội hầu Phạm Kính Ân vi Thái úy tứ đại vương quan phục” (Toàn thư, Bản kỷ Q.V, tờ 9b).
Bản dịch: “Gia phong Hưng nhân vương Phùng Tá Chu làm Đại vương, Quan nội hầu, Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo Đại vương” (Toàn thư, tập II, Sđd, tr.14).
Nên sửa là: “Gia phong Hưng nhân vương Phùng Tá Chu là Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo Đại vương”.
Nắm vững chế độ quan chức các đời là bí quyết để dịch đúng các trường hợp trên. Tuy vậy, nhiều khi chức tước cũng thực rối rắm. Ví như chức quan của Lý Tế Xuyên, tác giả của Việt điện u linh tập có nhiều ghi chép khác nhau ở các văn bản và nhiều cách dịch khác nhau ở các bản dịch. Như bản A.2879 ghi là “Thủ Đại tạng kinh trung phẩm phụng ngự”; bản A.751 ghi là “Thủ Đại tạng thư hỏa chính chưởng trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ chuyển vận sứ”; bản 1.1919 ghi là “Thủ Đại tạng thư văn chính chưởng trung phẩm phụng ngự An Tiêm lội chuyển vận sứ”; bản A.47 ghi là “Thủ Đại tạng thư văn chính chưởng trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ chuyển vận sứ”…
Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Lý Thường Kiệt dịch là “Giữ Kinh Đại tạng, Thư hỏa chính chưởng, Trung phẩm phụng ngự, Chuyển vận sứ An Tiêm lộ”(10). Lê Hữu Mục trong cuốn Việt điện u linh tập dịch là “Thủ - Đại - Tạng - Thư - Hỏa - Chính - Chưởng - Trung - Phẩm - Phụng - Ngự - An Tiêm - Lộ - Chuyển - Vận - Sứ”(11): Thư mục Hán Nôm, phần Mục lục tác giả dịch là: “Thủ đại tạng thư chính, chưởng trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ chuyển vận sứ”(12). Chúng tôi nghiêng về phía cách dịch của Đinh Gia Khánh: “Thủ Đại tạng thư, hỏa chính chưởng, trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ chuyển vận sứ”(13).
Có lẽ, hai chữ “Đại Tạng” đã gây mắc mứu cho nhiều thế hệ các nhà văn bản và dịch giả. Có người hiểu “Đại Tạng” như một bộ kinh Phật, bộ Đại Tạng kinh. Nhưng “Đại Tạng” còn có nghĩa là “kho tàng lớn”. “Đại Tạng thư” là “kho lưu trữ văn bản lớn” (Thủ Đại Tạng thư), Lý Tế Xuyên có điều kiện học nhiều thư tịch về lịch sử, các bản thần tích, ngọc phả để viết lên bộ Việt điện u linh tập. Trong tác phẩm của mình, không thấy Lý Tế Xuyên trích dẫn câu chữ của Đại Tạng kinh.
Trên đây là những ví dụ ngắt câu chưa ổn. Còn có những sai sót do “ngắt ý” trong câu.
Ví như:
Nguyên văn:
遺 童 子 杜 也 木 如 元 
(Toàn thư, Bản kỷ, Q.V, tờ 33b)

Đây là một câu đơn giản; nhưng ý của câu lại không đơn giản. Vấn đề là lý giản quan hệ giữa “đồng tử” và “đỗ dã mộc”. Có hai cách hiểu: 1. Đó là quan hệ đồng vị ngữ: đồng tử Đỗ Dã Mộc (đứa trẻ con Đỗ Dã Mộc). 2. Đó là quan hệ song song: “Đồng tử và Đỗ Dã Mộc”. Bản dịch lý giải theo cách 1, đã dịch là “Sai đồng tử là Đỗ Dã Mộc sang nước Nguyên” (Toàn thư, Tập II, Sđd, tr.42).
Và chú là: “Nước Nguyên đòi ta cống cả trẻ con” (Toàn thư, Tập II, tr.290, chú thích 75).
Trẻ con (đồng tử) khó có thể là đối tượng để nhà vua sai khiến (khiển). Xét phần Kỷ nhà Trần, Toàn thư chỉ ghi tên người nhỏ tuổi (đồng tử) khi họ là hoàng tử(14). Việc sai người sang nước Nguyên, Toàn thư chỉ ghi tên 1 hoặc 2 người cầm đầu sứ bộ, những người này càng không thể là trẻ con. Ví như: Tháng giêng, năm 1258 “Sai Lệ Phụ Trần và Chu Bác Lãm sang Nguyên”. (Toàn thư, Tập II, Sđd, tr.30); Tháng Giêng năm 1263: “Sai Điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa và Trần Kiều sang nước Nguyên” (Sđd, tr.35). Tháng 2 năm 1266 “Sai Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn sang thăm nhà Nguyên…” (Sđd, tr.38). Tháng 12 năm 1269 “Sai Lê Đà và Đinh Củng Viên sang nước Nguyên” (Sđd, tr.41)…
Về sự kiện sai người sang nước Nguyên lần này, An Nam chí lược,Q.14 chép: “Sai đại phu Đồng Tử Dã và Đỗ Mộc sang cống”(15).
Nguyên sử Q.209 cũng ghi việc Đồng Tử Dã và Lê Văn Ẩn vào cống năm Chí nguyên 11 (1274). Như vậy Đồng Tử ở câu trên là tên người, tức Đồng Tử Dã. Toàn thư chép có lẫn, nhưng người dịch lại lẫm lẫn hơn.
Câu dịch trên do “ngắt ý” sai, đã biến “người lớn” thành “trẻ con”. Còn câu dịch dưới đây thì biến “người sống” thành “người chết”:
Nguyên văn: “Nhâm Tý ngũ niên… Mệnh thân vương Từ Tề tương binh chinh Mường Lễ châu châu tù Đèo Cát Hãn tử Đèo Mạnh Vượng xuất hàng cư vu Đông kinh lập vi tư mã hậu niện sát chi” (Toàn thư,Bản kỷ, Q.X, tờ 73b, 74a).
Tổ hợp “Châu tù Đèo Cát Hãn tử Đèo Mạnh Vượng” có thể có 2 cách lý giải: 1. Đó là 1 tổ hợp chính phụ: Con của tù trưởng Đèo Cát Hãn là Đèo Mạnh Vượng. 2. Đó là một tổ hợp liên hợp: Tù trưởng Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng. Bản dịch lý giải theo cách 1, đã dịch là: “Nhâm Tý năm thứ 5 (1432)… Sai thân vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Đèo Mạnh Vượng là con tù trưởng Đèo Cát Hãn ra hàng, cho ở Đông kinh, lập làm Tư mã, tới năm sau giết chết” (Toàn thư, Tập II, Nxb. KHXH, H. 1972, tr.76).
Nghĩa là Đèo Mạnh Vượng ra hàng, ở Đông kinh, được lập làm Tư mã và… năm sau bị giết chết. Nếu không có “thượng, hạ văn” thì có khó khẳng định cách hiểu nào là đúng. Nhưng Toàn thư còn có đoạn ghi chép như sau:
“Ngày 14 tháng 2, năm Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1 (tức 1434), mẹ đẻ của Đèo Mạnh Vượng (tức là vợ Đèo Cát Hãn) về hàng. Đèo Cát Hãn đã chết, con là Mạnh Vượng về đất cũ, mẹ một mình về hàng phục trước. Vua hỏi vì sao Mạnh Vượng không tự về. Trả lời “Vượng vì có em là Đạo Thu dẫn bọn Mường Lự đến đánh nên không dám bỏ đi xa, thiếp già này về vâng mệnh triều đình trước. Vua khiến bảo người mẹ về bảo cho Mạnh Vượng vào chầu” (Toàn thư, Tập III, Sđd, tr.84).
Hai năm sau sự kiện Tư Tề đi đánh châu Mường Lễ, Toàn thư đã nhắc lại chuyện cũ, khẳng định Đèo Cát Hãn “đã chết”. Đèo Mạnh Vượng về ở đất cũ”. Cũng sự kiện này, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi: “Tháng 11, Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng, được nhà vua tha tội. Cát Hãn tới kinh tạ tội, được phong chức Tư mã”(16). Như vậy, câu trên nên hiểu theo cách 2, và có thể dịch là: “… Tù trưởng Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng ra hàng. Cho ở Đông kinh, lập làm Tư mã, rồi năm sau giết chết”.
Đến như câu dịch dưới đây thì biến người thành năm tháng, biến tác giả thành tên sách:
Nguyên văn: “Vương Tử Niên Thập đi ký hữu vân Đông hải Viên Kiện sơn hữu băng tàm trường thất thốn hữu lân hữu dốc” Toàn thư Bản kỷ Q.XIII, tờ 36b).
Bản dịch: “Sách Nhâm Tý niên thập di có nói: “Núi Viên Kiệu ở biển Đông có giống tằm băng, dài 7 tấc, có vảy, có sừng…” (Toàn thư, Tập III, Sđd, tr.281).
Bộ sách được Toàn thư trích dẫn, chí ít cũng phải có tên trong Tổng mục(17). Nhưng Tổng mục và các bộ thư mục khác của Trung Quốc đều không thấy ghi sách nào có tên như thế cả. Vấn đề ở đây là lý giải quan hệ giữa Vương Tử Niên và Thập di ký. Bản dịch đã gắn Vương Tử Niên với Thập di làm thành tên sách, hiểu “ký” như một động từ. Lại thấy chữ “Vương” có hai nét ngang ở trên và ở dưới hơi nhỏ hơn nét giữa (theo bản A.3) (王), nên cho là chữ “nhầm” (壬 ). Kể cũng có lý, vì có năm Nhâm Tý (王 子), chứ không có năm “Vương tử” (壬 子 )! Sự thật thì “Vương tử Niên Thập di ký” là một tổ hợp chính phụ, trong đó, chỉ trung tâm ngữ Thập di ký mới là tên sách, còn Vương Tử Niên là tên tác giả. Tử Niên là tên tự của Vương gia, người An Dương, thời Tiền Tần(18). Bộ sách Thập di ký của Vương Tử Niêm sưu tập được rất nhiều “chuyện lạ” nổi tiếng một thời, đã được Toàn thư trích dẫn.
Quang Hưng
------------------------------------------------


CHÚ THÍCH
(1) Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập I, Thư viện Quốc gia xuất bản, H.1970, tr.49-50. Nguyên văn bằng chữ Hán, ở đây chúng tôi phiên âm. Dấu O là dấu ngắt câu trong sách.
(2) Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập I, Thư viện Quốc gia xuất bản, H.1970, tr.49-50. Nguyên văn bằng chữ Hán, ở đây chúng tôi phiên âm. Dấu O là dấu ngắt câu trong sách.
(3) Xem Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập I, Thư viện Quốc gia xuất bản, H. 1970, tr.49-50. Nguyên văn bằng chữ Hán, ở đây chúng tôi phiên âm. Dấu O là dấu ngắt câu trong sách.
(4) Thơ văn Lý Trần, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1977, phần Khảo luận văn bản, tr.66.
(5) Cũng trong Thơ văn Lý Trần tập I, ở trang 45, còn có chỗ ngắt câu như sau: Chu chí đỉnh Thần khí dã O Việt chi đỉnh Phật khí dã O Thần dị biến O Phật thường lạc O Y O Hậu nhân mạc chú thác O (Nguyên văn bằng chữ Hán, ở đây chúng tôi phiên âm).
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ Q.1, tờ 3b, Quốc Tử Giám tàng bản, ký hiệu A3, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Từ đây trở xuống ghi tắt là Toàn thư, Bản kỷ Q., tờ…
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1967, tr.155. Dưới đây ghi tắt là Toàn thư, tập… Ví dụ này do giáo sư Hà Văn Tấn phát hiện.
(8) Toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.14.
(9) Sđd, tr.8.
(10) Dẫn theo Lê Hữu Mục, Việt điện u linh tập, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn, 1961, phần Dẫn nhập, tr.17.
(11) Tài liệu đã dẫn, tr.9.
(12) Xem Thư mục Hán Nôm, phần Mục lục tác giả, bản in Rônêô, Ban Hán Nôm, H., 1977, tr.144.
(13) Xem Việt điện u linh, Nxb. Văn học, H. 1972.
(14) Ví dụ: Tháng 9, ngày 25 (1240), “Hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh…” (Toàn thư, Tập II, Sđd, tr.17). Tháng 10 (1241) “Hoàng tử thứ 3 là Quang Khải sinh…” (Sđd, tr.18). Tháng 4 (1255) “Hoàng tử thứ 6 là Nhật Duật sinh” (Sđd, tr.27). Ngày 11 tháng 11 (1258) “Hoàng trưởng tử Khẩm sinh” (Sđd, tr.31). Ngày 21 (tháng 8 năm 1300) “Hoàng tử Mạnh sinh” (Sđd, tr.95)… Ngoài ra, trong suốt kỷ nhà Trần, không thấy chép tên, hoặc sự kiện của “trẻ con” không phải là hoàng tử.
(15) Xem Lê Trắc An Nam chí lược, ký hiệu A.16, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Q.14, tờ 8b.
(16) Xem Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản KHXH, H. 1978, tr.94.
(17) Tức bộ Tứ khố toàn thư tổng hợp do nho thần đời Thanh soạn, Trung Hoa thư cục xuất bản, bản in lần thứ 2, năm 1981.
(18) Về sách Thập di ký và tác giả của nó là Vương Gia, xem thêm Tứ khố toàn thư tổng mục, Sđd, tr.1207.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh