Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

"LÝ HOẶC LUẬN", BÔNG HOA ĐẦU MÙA CỦA PHẬT GIÁO LUY LÂU

FRIday - 22/04/2016 10:18
Bài viết của Trần Nghĩa
Trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử có nhiều tư tưởng hiếu đạo

Trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử có nhiều tư tưởng hiếu đạo

Lý hoặc luận là tác phẩm của Mâu Bác, người Giao Châu, sống vào khoảng cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III sau Công nguyên.
Mâu Bác từng dắt mẹ rời Thương Ngô (Quảng Tây) chạy sang miền Bắc nước ta tránh loạn. Tại đây, ông để tâm nghiên cứu Phật Giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Hà Bắc, trung tâm chính trị văn hóa Việt Nam hồi này), có nhiều khám phá và phát hiện quan trọng. Ông viết Lý hoặc luận để trình bày những điều mới mẻ mà ông tìm thấy nơi Phật Giáo, đồng thời bảo vệ đạo Phật trước sự tấn công từ nhiều phía của đạo Nho, thuyết Hoàng Lão và thuật tu tiên, luyện thuốc trường sinh đang thịnh hành ở Giao Châu thời bấy giờ.
Lý hoặc luận sau khi ra đời, đã có những tiếng vang nhất định, Nó để lại dấu ấn trong 6 bức thư tranh luận về đạo Phật và Đạo Cao, Pháp Minh, hai trí thức nước ta với Lý Miễu, Thứ sử Giao Châu. Nó còn được Tăng Hựu, người đời Lương dùng làm tác phẩm mở đầu cho Hoằng minh tập, một bộ chuyên luận về đạo Phật. Sách Thiền uyển tập anh của Việt Nam khi nói về Phật giáo Luy Lâu có nhắc tới Mâu Bác (Bd. Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, H. 1990, tr.88-90). Gần đây, Lý hoặc luận cũng được bàn tới trong cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Nxb. KHXH, H. 1988, tr.53-64)…
Để có thêm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam trước thế kỷ X, nhất là thời kỳ Bắc thuộc, một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc hình thành bản sắc của dân tộc ta, việc giới thiệu toàn văn Lý hoặc luậnđã đến lúc cần thiết. Trước 1975, ông Nguyễn Đăng Thục (?) có dịch tác phẩm này sang tiếng Việt, theo bản in trong Đại tạng kinh. Song đây mới chỉ là một bản phỏng dịch, không những không sát với nguyên văn, mà nhiều chỗ còn phiên âm sai, dịch ngược nghĩa với nguyên tác. Lần này chúng tôi đã dịch lại hoàn toàn, cố gắng bám sát văn bản và có thêm phần chú thích để bạn đọc tiện tham khảo. Văn bản chúng tôi sử dụng là Lý hoặc luận trong Hoằng minh tập, ký hiệu HV.001 T883, T.31 (Sử, Triết), Thư viện Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
Để tiện theo dõi, bản dịch của chúng tôi tách thành 37 chương riêng biệt. Đầu tác phẩm có Tựa đề (chữ do chúng tôi đặt, dựa theo gợi ý của sách Từ hải, mục Mâu Tử). Cuối tác phẩm có phần kết thúc của chính tác giả.
LÝ HOẶC LUẬN
Tựa đề
Mâu Tử tôi học khắp Kinh truyện(1), Chư Tử(2). Sách vô luận lớn nhỏ, không loại nào là không ham. Tuy không khoái binh pháp, nhưng vẫn đọc. Đọc cả các sách về thần tiên bất tử, song không tin, vì thấy hoang đường.
Hồi bấy giờ, sau khi Linh Đế mất(3), thiên hạ loạn lạc, chỉ có Giao Châu(4) là còn hơi yên tĩnh. Nhân tài phương Bắc đều lánh về đây ở, phần nhiều theo phép thần tiên tịch cốc(5), trường sinh(6). Đương thời có nhiều học giả. Mâu Tử tôi thường đem Ngũ kinh(7) ra vặn vẹo họ, Đạo gia(8), thuật sĩ(9) không ai dám ứng đối, ví tôi với Mạnh Kha(10) chống Dương Chu, Mặc Địch(11).
Trước đó, Mâu Tử tôi đưa mẹ sang tị nạn ở Giao Chỉ(12). Đến năm 26 tuổivề Thương Ngô(13) lấy vợ. Quan Thái thú bản quận nghe tôi học hành nổi tiếng, mời đến gặp để bổ dụng. Mâu Tử tôi nghĩ mình đang độ sung sức, chí chuyên về học vấn, lại thấy thời buổi đang lộn xộn, không có ý định làm quan nên không đến.
Hồi này các châu quận đang nghi ngờ nhau, giao thông ách tắc. Thái thú thấy tôi học rộng biết nhiều, cử đi sứ Kinh Châu(14). Tôi nghĩ tước lộc dễ nhún nhường, nhưng sứ mệnh khó từ chối, bèn gấp rút lên đường. Đến khi quan Châu mục(15) vốn ưu đãi người có học vời tôi ra giúp việc, nên tôi viện cớ ốm, không tới. Người em quan Châu mục làm Thái thú Dự Chương(16) bị Trung lang tướng Trách Dung giết. Quan Châu mục sai Kỵ đô úy Lưu Ngạn đem quân tới đó, nhưng sợ các quận ngoài đang nghi ngờ nhau, quân không đi được. Quan Châu mục bèn mời Mâu Tử tôi đến nói rằng: “Em ta bị giặc nghịch giết hại, nỗi đau xót về tình cốt nhục đang dày vò tâm can. Ta hiện sai Lưu đô úy đi, nhưng e các châu quận ngoài ngờ vực, người đi không trót lọt. Ông giỏi cả văn lẫn võ, có tài ngoại giao. Nay muốn cậy ông đi thuyết phục Linh Lăng, Quế Dương(17) cho mượn đường để tới nơi có được không? Tôi đáp: “Được ngài hậu đãi(18) bấy lâu, liệt sĩ quên mình, tôi xin ra sức”. Vội vàng chuẩn bị khởi hành. Bỗng mẹ mất, thế là không đi được nữa.
Về sau ngẫm mãi, tôi mới vỡ ra là do mình có khả năng biện thuyết mà được trao sứ mệnh. Nhưng giữa thời buổi nhiễu nhương, không phải lúc hiển danh! Rồi than rằng: “Lão Tử(19) từ bỏ thánh trí, sửa mình để giữ lấy cái chân thực, muôn vật không động chạm đến chí hướng, thiên hạ không xê dịch nổi niềm vui, thiên tử không dùng được làm bầy tôi chư hầu không kéo được làm bè bạn, ấy là điều đáng quý”. Từ đó tôi dốc chí vào đạo Phật, đồng thời nghiên cứu sách Lão Tử gồm 5.000 chữ, lấy lẽ huyền diệu làm rượu nhấm nháp, lấy sách Ngũ kinh làm đàn sáo thưởng ngoạn. Người đời phần nhiều chê bai, cho như vậy là quay lưng lại Ngũ kinh để đến với dị đạo. Muốn tranh luận cùng họ thì e lỗi đạo, mà im lặng thì không thể. Vậy mượn bút mực lược dẫn lời thánh hiền để giải tỏ, đặt tên sách là “Mâu Tử Lý hoặc luận”.
I
Có người hỏi: Phật sinh ra từ đâu? Có tổ tiên làng nước gì không? Đã làm được những gì? Hình dáng như thế nào?
Mâu Tử nói: “Câu hỏi hay lắm. Xin đem những hiểu biết nông cạn trình bày đại yếu như sau. Từng nghe: để hóa thành hình dạng, Phật đã tích góp không biết bao nhiêu nghìn ức năm đạo đức. Tuy vậy, khi sắp thành Phật sinh ra ở Thiên Thúc(20), vẫn phải mượn hình ở bà vợ vua Bạch Tĩnh(21). Trong lúc ngủ trưa, bà chiêm bao thấy cưỡi voi trắng sáu ngà, lấy làm thích thú, liền thụ cảm và có mang. Đến ngày mồng tám tháng tư, Phật sinh ra từ hông bên phải của mẹ. Vừa lọt lòng, Phật liền đi bảy bước và giơ tay phải lên nói: “Trên trời dưới đất, chẳng ai hơn được ta đâu!” Bấy giờ, trời đất rung chuyển mạnh, trong cung rực sáng. Cùng ngày, tỳ nữ của vua lại sinh một người con trai; trong chuồng, ngựa trắng mẹ cũng đang cho ngựa trắng con bú. Đầy tớ tên là Xa Nặc(22), ngựa gọi là Kiên trắc(23), vua thường cho theo hầu Thái tử.
Thái tử có 32 tướng(24) tốt, 80 dáng đẹp. Thân cao trượng sáu, toàn thân đều màu vàng. Trên đỉnh đầu, có khối thịt nhô ra như búi tóc. Hàm giống sư tử, lưỡi che được mặt, tay cầm bánh xe nghìn nan hoa, hào quang ở đỉnh đầu tỏa chiếu muôn dặm. Đây là nói qua về tướng mạo của Phật. Năm 17 tuổi, vua cha cưới cho Thái tử một cô gái nước láng giềng. Thái tử ngồi thì dịch ghế, nằm thì giường riêng, nhưng đạo trời rất sáng suốt, âm dương vẫn tương thông, vợ Thái tử bèn có mang, sau sáu năm sinh ra một người con trai. Vua cha trân trọng Thái tử, dựng cung quán cho ở, hầu non, báu vật la liệt gần kề. Nhưng Thái tử không tham sự khoái lạc ở đời, ý vẫn muốn giữ tròn đạo đức. Năm 19 tuổi, giữa đêm mồng tám tháng hai, Thái tử gọi Xa Nặc đóng yên cương cho con Kiên trắc, rồi Thái tử nhảy lên ngựa, quỷ thần phò vệ bay ra khỏi cung. Sáng hôm sau vắng không, chẳng ai biết Thái tử ở đâu cả. Vua và quan, dân đều sùi sụt chạy đi tìm. Ra đến đồng ruộng thì gặp. Vua nói: “Khi chưa có con, cha cầu xin thần linh. Nay đã có con, cha quý con như ngà như ngọc. Sao con không nối ngôi báu mà lại bỏ đi?” Thái tử đáp: “Muôn vật đều vô thường, đã có thì phải mất. Nay con muốn học đạo để cứu rỗi thập phương”(25). Vua thấy Thái tử càng kiên quyết, bèn đứng dậy trở về. Thái tử băng đồng mà đi. Qua sáu năm suy tư về đạo, Ngài đã thành Phật.
Phật sở dĩ sinh vào tháng đầu mùa hè, vì lúc này trời không nóng không lạnh, cây cỏ nở hoa, cởi áo lông chồn mặc áo thưa mỏng, nhằm tiết trung lã(26) vậy. Phật sở dĩ sinh ở Thiên Trúc, vì nơi này là vùng giữa của trời đất, mang tính trung hòa. Ngài biên soạn được cả thảy 12 bộ kinh gồm tám ức bốn nghìn vạn quyển (tức 840 triệu quyển). Quyển dày thường vạn lời trở xuống, quyển mỏng thường nghìn lời trở lên. Phật dạy đạo cho thiên hạ, giải thoát cho nhân dân. Ngài nhập Nê Viên(27) vào ngày rằm tháng hai. Kinh nghĩa và giới hạnh của Ngài vẫn hãy còn, theo đó mà làm, thì cũng thoát được vòng nhân duyên tạo tác(28), để phúc cho đời sau. Người giữ năm điều răn giới(29), mỗi tháng sáu lần chay. Ngày ăn chay thì một lòng chuyên chú vào việc hối lỗi, tự mình đổi mới. Sa môn(30) giữ 250 điều răn giới(31), ngày nào cũng ăn chay. Những điều răn giới này không thể để cho các Ưu bà tắc(32) biết. Về dung nghi, đi đứng không khác với người vô lễ thời cổ. Suốt ngày đêm giảng đạo, tụng kinh, không tham gia vào việc đời. Lão Tử nói: “Chỉ có lấy cái không làm đức, rồi mới hành động theo đạo được” phải chăng là như vậy?
II
Hỏi rằng: Vì sao mà chính thức gọi là “Phật”? “Phật” là nói về cái gì?
Mâu Tử đáp: “Phật” là thụy hiệu(33), cũng giống như gọi thần “Tam Hoàng”, thánh “Ngũ Đế”(34) vậy. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói về Phật, cũng tức là nói về sự giác(35) vậy. Mơ hồ biến hóa, phân tán thân thể, hoặc còn hoặc mất, có thể nhỏ có thể to, có thể tròn có thể vuông, có thể già có thể trẻ, có thể ẩn có thể hiện, đi vào lửa không bị cháy, giẫm lên dao không bị thương, trong nhớp nhơ không vấy bẩn, trong tai họa không nguy nan, muốn đi thì bay, muốn ngồi thì phát ánh sáng, cho nên gọi là Phật.
III
Hỏi rằng: Sao gọi là đạo? Đạo giống như cái gì?
Mâu Tử đáp: Nói đạo, tức là nói về sự dắt dẫn. Dắt dẫn người ta đi tới chỗ vô vi. Nhưng dắt mà không có gì ở phía trước, dẫn mà không có gì ở phía sau, đưa lên mà không có gì ở phía trên, đè xuống mà không có gì ở phía dưới. Nhìn không thấy hình, nghe không thấy tiếng. Bốn phương là to rộng, mà nó còn bao trùm(36) bên ngoài; tơ hào là bé nhỏ, mà nó còn lọt thỏm(37) vào trong. Cho nên gọi là đạo.
IV
Hỏi rằng: Khổng Tử(38) lấy Ngũ kinh(39) để dạy về đạo, có thể chắp tay mà đọc, đem ra mà thực hành (40). Nay ông nói đạo là hư vô, mơ hồ không nhìn thấy, ý tưởng chẳng nhắm vào sự việc, sao mà xa lạ với lời lẽ của thánh nhân thế.
Mâu Tử đáp: Không thể lấy cái quen thuộc làm trọng, cái ít thấy làm khinh; mù mờ về cái khác, lầm lỡ ở chính mình. Đặt công việc không sai đạo đức, cũng như chỉnh dây đàn không lạc cung thương(41). Đạo trời phỏng theo bốn mùa, đạo người pháng theo ngũ thường(42). Lão Tử nói: “Có vật hồn thành(43), sinh ra trước trời đất, khả dĩ làm mẹ muôn loài trong thiên hạ, ta không biết tên, khiên cưỡng gọi nó là đạo”(44). Bản chất của đạo là ở nhà có thể thờ cha mẹ, làm chủ một nước có thể trị dân. riêng bản thân, có thể sửa mình. Đem ra mà thực hành thì đầy kín cả trời đất, bỏ không dùng thì tiêu tán nhưng chẳng lìa. Ông không hiểu đấy thôi, chứ có gì xa lạ !
V
Hỏi rằng: Kìa thực, lòng thì không cần hoa mỹ, thực lời thì không cần trang sức. Lời gọn mà đủ là hay, việc ít mà đạt là rõ. Cho nên châu ngọc tuy ít mà quý, ngói vụn tuy nhiều mà rẻ. Thánh nhân làm ra Thất kinh(45) chẳng qua 3 vạn lời mà các việc đều đầy đủ. Nay kinh Phật số quyển kể tới hàng vạn, số lời đếm tới hàng ức, sức một người không tài nào đọc xuể, tôi cho là rườm rà không cần thiết.
Mâu Tử đáp: Sông biển sở dĩ khác với nước chảy qua đường là do ở chỗ sâu rộng không giống nhau của nó; ngũ nhạc(46) sở dĩ khác với gò đống là do ở chỗ cao lớn không giống nhau của nó. Nếu cao không vượt gò đồi, thì dê què cũng lấn tới đỉnh; sâu không hơn khe lạch, thì trẻ con cũng tắm được ở giữa dòng. Kỳ lân không ở trong vườn thú, loại cá nuốt thuyền không bơi trong con suối bảy, tám thước nông choèn. Mổ con trai ba tấc tìm hạt châu minh nguyệt, vạch cái tổ trong bưởi gai tìm chim phượng hoàng non, ắt khó thành công.Vì sao vậy? Bởi cái nhỏ không chứa được cái lớn. Kinh Phật báo trước sự việc của hàng vạn vạn năm, nhưng lại toàn là điều cần thiết của muôn đời. Lúc thái tố(47) chưa trỗi dậy, thái thủy(48) chưa nảy sinh, trời đất mới chớm lập, sự vi diệu không thể nắm bắt, sự bé nhỏ không thể vào lọt, thì Phật đã sửa sang mặt ngoài cái to rộng ấy và chẻ tách từ bên trong sự vắng vẻ, thẳm sâu, kỳ diệu của nó, không có gì là không qua sự sắp đặt của Phật. Cho nên kinh mới đến hàng vạn quyển, nói mới đến hàng ức lời. Càng nhiều càng đầy đủ, càng lắm càng dồi dào, sao lại không cần thiết! Tuy một người không thể đọc xuể, nhưng ví như xuống sông uống nước, no bụng là đủ, hơi đâu mà biết đến số nước còn lại!
VI
Hỏi rằng: Kinh Phật quá bề bộn, muốn được phần cốt yếu, bỏ phần dư thừa, nói thẳng vào thực chất, gạt đi những hoa hòe, có được không ?
Mâu Tử đáp: Không được! Kìa mặt trời mặt trăng tuy cùng sáng, nhưng mỗi đằng có chỗ chiếu soi riêng của nó; cũng như 28 vì sao, mỗi vì làm chủ một nơi; trăm vị thuốc cùng sinh ra, mỗi vị có một tác dụng riêng. Áo lông chồn để phòng lạnh, vải đay thô để chống nóng. Thuyền, xe tuy khác đường nhưng đều dùng để đi đây đó. Khổng Tử không cho Ngũ kinh là đầy đủ, nên lại làm ra các sáchXuân thu(49), Hiếu kinh(50) nhằm mở rộng đạo thuật, phát triển ý người đời. Kinh Phật tuy nhiều, đều quy về một mối, giống như Thất điển tuy khác nhau, nhưng đều quý trọng đạo đức, nhân nghĩa. Hiếu sở dĩ được nói tới nhiều, là tùy theo người thực hiện mà giảng cho, như Tử Trương, Tử Du(51) đều nghe về cùng một đạo hiếu, nhưng Trọng Ni trả lời cho họ mỗi người một khác, vì nhằm đánh vào chỗ sở đoản của từng người. Có gì phải bỏ đâu!
VII
Hỏi rằng: Đạo Phật được tôn sùng lắm, vĩ đại lắm, cớ sao Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng(52) không học? Trong Thất kinh chẳng thấy chép một lời? Ông đã mê Thi, Thư, thích Lễ, Nhạc sao lại còn ham đạo Phật, chuộng học thuật khác? Lẽ nào có thể bước qua kinh truyện để ca ngợi nghiệp thánh(53) sao? Thiết tưởng ông sẽ không thu hoạch được gì! Mâu tử đáp: Sách không cứ phải là lời của Khổng Khâu, thuốc không cứ phải cách chữa của Biển Thước(54). Cái gì hợp lý thì theo, cái gì chữa được bệnh thì tốt. Người quân tử rộng đường tiếp thu các cái thiện để trợ giúp cho mình. Tử Cống(55) nói: “Phụ tử(56) đâu có mãi một thầy? “Nghiêu thờ Doãn Thọ, Thuấn thờ Vụ Thành, Đán (57) học Lã Vọng, Khâu học Lão Đam, cũng đều không thấy nói ở Thất kinh. Bốn người thầy trên tuy đều là bậc thánh, nhưng so với Phật, thì cũng giống như hươu trắng so với kỳ lân, chim chóc sợ với phượng hoàng. Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng mà ta còn phải dính dáng, huống chi là Phật có thân tướng hay biến hóa, thần lực chẳng thể lường, sao có thể bỏ mà không học? Sự việc và nghĩa lý Ngũ kinh hoặc giả có chỗ còn thiếu, trách gì không thấy ghi chép về Phật.
VIII
Hỏi rằng: Nói Phật có 32 tướng tốt, 80 dáng đẹp, sao mà khác với người đến thế? Hay chỉ là nói cho vui tai, chứ không có thật ?
Mâu Tử đáp: Ngạn ngữ có câu “Thấy ít, lạ nhiều; nhìn lạc đà bảo là ngựa sưng lưng”. Vua Nghiêu lông mày có 8 màu, vua Thuấn có 2 con ngươi, Cao Dao mõm ngựa, Văn Vương 4 vú, vua Vũ tai có 3 lỗ, Chu Công lưng gù, Phục Hy mũi rồng, Trọng Ni đầu dẹt, Lão Tử trán dô như mặt trời tháng 9 (?), mũi có hai lá mía (?), tay nắm chữ thập (?), chân đạp âm dương ngũ hành (?), như thế chẳng khác người hay sao? Phật tướng tốt thì có gì đáng ngờ !
IX
Hỏi rằng: Sách Hiếu kinh nói: “Thân thể, tóc da được cha mẹ cho, không dám làm thương tổn”(58). Tăng Tử khi sắp mất, có bảo: “Cởi dây buộc tay cho ta, cởi dây buộc chân cho ta”(59). Nay các nhà sư lại cắt tóc, sao lại trái lời thánh nhân, không hợp đạo làm người con có hiếu đến thế? Ông hay thích biện luận về điều phải điều quấy, phẩm bình về việc ngay thẳng, việc quanh co, thế mà lại biểu đồng tình với các nhà sư sao?
Mâu Tử đáp: Ôi! Cười chê thánh hiền thì là bất nhân; phẩm bình không trúng thì là bất trí. Bất nhân, bất trí lấy gì tạo dựng đức? Đức mà không tạo dựng được thì là loại người ương ngu. Lập luận sao mà dễ dãi thế? Xưa kia người nước Tề chèo thuyền qua sông, cha bị ngã xuống nước, con nắm cánh tay kéo đầu cha lật ngược xuống dòng nước từ mồm ộc hết ra, thân phụ nhờ vậy được cứu sống. Kéo đầu lật ngược xuống thật không còn gì bất hiếu hơn nhưng là để bảo toàn tính mệnh cho cha. Nếu cứ chắp tay giữ tròn đạo hiếu, thì cha sẽ bị chết đuối mất. Khổng Tử nói: “mới có khả năng thích nghi với đạo lý, mà chưa có khả năng quyền biến”, tức tuỳ theo từng lúc mà đưa ra biện pháp thích hợp. Vả, Hiếu kinh nói: “Các vua đời trước đạo cao đức cả”. Thế mà Thái Bá phải cắt tóc ngắn, vẽ mình, tự nguyện theo phong tục Ngô Việt(60), trái với cái nghĩa “thân thể, da tóc”. Nhưng Khổng Tử vẫn ca ngợi ông. Có thể nói ông là người chí đức. Trọng Ni không vì chuyện “cắt tóc ngắn” mà báng bổ. Theo đó mà xem xét, hễ có đức lớn, thì không câu nệ ở đức nhỏ. Các nhà sư từ bỏ gia sản, vợ con, không nghe đàn hát, không nhìn sắc đẹp, có thể nói là nhường nhịn hết mức, sao lại bảo là làm trái lời thánh nhân, không hợp đạo hiếu? Dự Nhượng nuốt than, sơn mình(61), Nhiếp Chính rạch mặt tự vẫn(62), Bá Cơ giẫm lửa(73), Cao Hạnh hủy hoại dung nhan(64), người quân tử cho họ là dũng mà có nghĩa, chưa thấy ai chê cười hành động liều thân của họ.Việc nhà sư cắt bỏ râu tóc, so với bốn người trên kia, chẳng phải còn cách xa đấy sao?
X
Hỏi rằng: Kìa hạnh phúc không gì hơn kế tự, bất hiếu không gì hơn tiệt nòi. Các nhà sư từ bỏ vợ con, của cải, có người suốt đời không lấy vợ, sao mà trái với cõi phúc và đạo hiếu như vậy? Tự làm khổ mà không tân kỳ, tự cứu vớt mà không mới lạ gì cả.
Mâu Tử đáp: Hễ giỏi phía nọ thì kém phía kia, được mặt này thì mất mặt khác. Công Xước làm gia thần cho nước Triệu, nước Ngụy thì vào loại xuất sắc, nhưng lại không thể làm quan đại phu cho nước Đằng, nước Tiết. Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời; thân trong sạch, vô vi là sự kỳ diệu của đạo. Lão Tử nói: “Danh và thân, cái nào đáng yêu hơn? Thân và của, cái nào đáng trọng hơn?” Lại nói: “Xem di phong của Tam đại(65) nhìn đạo thuật của Nho Mặc, tụng đọc Thi, Thư, sửa sang lễ nhạc, nêu cao nhân nghĩa, nhìn ngắm trong sạch, người trong làng noi theo, tiếng tăm lừng lẫy, ấy là điều mà kẻ sĩ bậc trung đem ra thực hiện, còn người điềm đạm thì chẳng đếm xỉa gì”. Cho nên trước mặt có ngọc châu rơi, sau lưng có tiếng hổ gầm, thì dù thấy ngọc cũng phải bỏ chạy, không dám lấy. Tại sao thế ? Vì lo thân mạng trước đã, sau mới đến lợi. Hứa Do(67) làm tổ trên cây mà ở; Di, Tề(68) chết đói ở núi Thú Dương, đều được thánh Khổng(69) khen là bậc hiền, nói “cầu nhân thì được nhân”, chưa thấy ai chê họ là tiệt hậu, không có của cải. Các nhà sư lấy việc tu dưỡng đạo đức thay cho cái thú rong chơi cõi thế, trở lại với sự hiền hòa, lương thiện, thay cho niềm vui vợ con. Thế mà không tân kỳ, thì gì mới là tân kỳ? Thế mà không mới mẻ, thì gì mới là mới mẻ.
XI
Hỏi rằng: Hoàng Đế(70) rũ áo xiêm, chế ra các kiểu phục sức. Cơ Tử(71) trình bày Hồng phạm, đặt dáng điệu đứng đầu ngũ sự(72). Khổng Tử làm sách Hiếu kinh, lấy “phục” mở đầu tam đức, lại còn nói: “Sửa mũ áo cho ngay ngắn, tôn trọng việc xem nhìn”. Nguyên Hiến(73) tuy nghèo, vẫn không rời chiếc mũ hoa. Tử Lộ(74) gặp nạn vẫn không quên tết giải mũ. Nay các nhà sư cạo trọc đầu, quần vải đỏ; thấy người khác, không làm lễ quỳ xuống đứng dậy; uy nghi, không có động tác săn đón, nhún nhường. Sao mà trái với các quy định về dáng điệu và phục sức đến thế, ngược hẳn với kiểu ăn mặc của giới thượng lưu?
Mâu Tử đáp: Lão Tử nói: “Cái đức cao nhất là bất đức, cho nên có đức, cái đức thấp nhất là không thất đức, cho nên vi đức”. Vào thời Tam Hoàng, ăn thịt sống, mặc da thú, làm tổ mà ở, đào hang mà trú, chuộng sự chất phác, lẽ nào lại chờ đến mũ chương phủ(75), áo hồ cầu(76)? Thế nhưng họ vẫn tự cho là có đức mà đôn hậu, tin cậy mà vô vi. Hành vi của các nhà sư cũng tương tự như vậy.
Hoặc có người rằng: Cứ như lời ông nói, thì những Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Chu Công, Khổng Tử đều vất đi cả, không có gì đáng bắt chước sao?
Mâu Tử đáp: Kìa nhìn rộng thì không mê muội, nghe lọt thì không mù mờ. Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng sửa sang việc đời; Phật và Lão Tử để chỉ vô vị; Trọng Ni long đong lận đận ở hơn 70 nước; Hứa Do nghe chuyện truyền ngôi, đã xuống vực rửa tai. Đạo người quân tử là ra làm quan hoặc lui sống ẩn, im lặng hoặc lên tiếng, không buông thả tính tình. Cho nên đạo quý ở chỗ đem dùng, đâu có chuyện vứt bỏ.
XII
Hỏi rằng: Đạo Phật nói người ta chết rồi sẽ thác sinh trở lại, tôi không tin đấy là lời nói có suy xét.
Mâu Tử nói: Khi có kẻ sắp chết, người nhà trèo lên mái nhà mà gọi. Đã chết, còn gọi ai nữa?
Có người nói: Gọi hồn vía người ấy.
Mâu Tử bảo: Thần hồn trở về thì sống, còn nếu không trở về, thì thần hồn đi đâu?
Đáp: Thành quỷ thần.
Mâu Tử nói: Đúng như vậy. Thần hồn vốn bất diệt, chỉ có thân thể là tự rữa nát thôi. Thân người tỉ như rễ và lá của ngũ cốc, còn thần hồn thì như hạt giống. Rễ, lá có sống thì có chết, nhưng lẽ nào hạt giống cũng tiêu vong? Khi đắc đạo, chỉ có thân thể là mất đi thôi! Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có mối lo lớn, là bởi có tấm thân. Nếu thân ta không có, thì còn gì phải lo nữa?” Lại nói: “Công đã thành, danh đã toại thì lui thân về, đạo trời đó”.
Có người nói: Làm theo đạo cũng chết, mà không làm theo đạo cũng chết, có gì khác nhau đâu?
Mâu Tử đáp: Đấy là chuyện không một ngày nào làm điều lành, mà lại đòi tiếng khen suốt đời. Người có đạo tuy chết, thần hồn sẽ về chốn Phật đường. Người làm điều ác chết rồi, thần hồn ắt mang tai họa. Kẻ ngu đần tăm tối mãi cho đến lúc sự việc hoàn thành, người tài trí thấy sự việc khi nó còn mới chớm. Đạo và không đạo như vàng so với cỏ, lành so với dữ, trắng sánh với đen, làm sao không khác biệt, mà lại nói là có gì khác nhau đâu”?
XIII
Hỏi rằng: Khổng Tử nói: “Chưa có khả năng phụng sự người, sao có khả năng thờ phụng quỷ”; “Chưa biết về sự sống, thì sao biết về sự chết?”(77). Ấy là điều thánh nhân dứt khoát không động chạm tới. Nay nhà Phật thuyết về sự sống chết, việc quỷ thần, hầu như đây không phải là lời lẽ của bậc thánh triết. Kìa như người sống đạo nên vô tư, đạm bạc, dốc chí về sự chất phác, chứ sao lại đi nói về sống chết để làm rối chí, hoặc thuyết về quỷ thần, chuyện rỗi hơi?
Mâu Tử đáp: Như lời ông nói, có thể gọi là thấy bên ngoài mà chưa biết bên trong. Khổng Tử ghét Tử Lộ không hỏi những chuyện thiết thực(78), nên nói như thế để vặn lại thôi. Hiếu kinh nói: Dựng tông miếu để cúng hiến quỷ thần, xuân thu tế lễ để luôn luôn tưởng nhớ”. Lại nói: “Đối với sự sống, phải yêu kính; đối với sự chết, phải đau buồn”. Lẽ nào đó không phải là dạy cho người ta thờ quỷ thần, hiểu biết về sinh tử ! Chu Công xin ý kiến Vũ Vương, nói: “Đán này nhiều tài nghệ, có khả năng thờ phụng quỷ thần”, đó là gì vậy? Kinh Phật nói về đường sinh tử, chẳng thuộc về loại đó sao? Lão Tử rằng: “Đã biết được con, lại giữ được mẹ, trọn đời không nguy hại”. Lại rằng: “Theo ánh sáng, khôi phục nguồn sáng, không sợ bỏ mình”. Đó là nói về đường sống chết, nơi lành dữ. Cái quan trọng của đạo cả, là quý trọng sự yên lặng. Nhà Phật có thích nói nhiều đâu? Đến hỏi thì không thể đáp đấy thôi. Chuông trống lẽ nào tự lên tiếng? Dùi đánh vào mới có âm thanh.
XIV
Hỏi rằng: Khổng Tử nói: “Di Địch(79) có vua, chẳng bằng Chư Hạ(80) không vua”. Mạnh Tử chế riễu Trần Tương quay sang học cái thuật của Hứa Hành, nói: “Ta nghe dùng Hoa Hạ để biến cải Man Di, chứ chưa nghe dùng Man Di để biến cải Hoa Hạ”. Ông thuở nhỏ học đạo Nghiêu, Thuấn, Chu. Khổng, mà nay lại bỏ quay sang học cái thuật của Di Địch, chẳng hóa ra mê hoặc rồi sao?
Mâu Tử đáp: Đó là những lời lẽ vu vơ khi ta còn chưa hiểu đạo cả đấy thôi. Như ông đây, có thể gọi là mới thấy cái hoa lễ chế, mà mù mờ về cái quả đạo đức; nhòm ánh sáng bó đuốc, mà chưa thấy mặt trời giữa thiên đình. Lời Khổng Tử nói là nhằm uốn nắn phép đời. Điều Mạnh Kha bảo là ghét cái lối chỉ chuyên vào một thứ thôi. Xưa kia Khổng Tử muốn vào Cửu Di(81) ở, nói: “Người quân tử vào đây ở, có gì là xấu đâu?”. Đến khi Trọng Ni không dung thân được ở nước Lỗ, nước Vệ; Mạnh Kha không được dùng ở nước Tề, nước Lương, lẽ nào lại đi làm quan ở Di Địch? Vũ(82) sinh ra ở Tây Khương(83) mà là thánh triết; Cổ Tẩu(84) sinh ra Thuấn(85) nhưng ngu ngơ; Do Dư(86) đẻ ở nước Địch mà giúp Tần dựng nên nghiệp bá; Quản, Thái(87) từ Hà, Lạc(88) mà phao tin nói xấu. Sách chép: “Sao Bắc đẩu đối với trời là ở giữa, đối với người là ở phía Bắc”. Cứ theo đó mà xét thì đất Hán(89) chưa chắc đã ở giữa trời. Kinh Phật nói các giống vật hàm huyết ở khắp mọi phương đều thuộc về Phật cả, cho nên ta mới tôn sùng và theo học, chứ đâu có bỏ đạo Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng. Vàng, ngọc không tổn thương nhau; tinh hoa, hổ phách không làm hại nhau. Khi bảo người ta là mù mờ, tự mình làm cho mình mù mờ đấy chăng?
XV
Hỏi rằng: Đại phàm lấy của cha để cho người đi đường, không thể gọi là huệ; song thân còn sống mà lại đi liều thân cho người khác, không thể gọi là nhân. Nay kinh Phật bảo Thái tử Tu Đại Nã(90) đem của cha bố thí cho người dưng, lấy voi quí của nước ban cho kẻ thù oán, đem vợ con trao cho người khác. Không kính trọng thân nhân, mà đi kính trọng người khác, thì gọi là bội lễ. Không yêu thân nhân mà yêu người khác, thì gọi là bội đức. Đại Nã bất hiếu, bất nhân mà nhà Phật lại tôn sùng, thế không lạ lùng sao?
Mâu Tử đáp: Theo nghĩa sách Ngũ kinh thì phải lập con trưởng làm đích. Thái Vương(91) thấy Xương(92) có chí, chuyển con thứ làm đích, dựng thành cơ nghiệp nhà Chu, dẫn tới thái bình. Theo nghĩa, khi lấy vợ phải báo cáo với cha mẹ. Thuấn lấy vợ không báo cáo, để nên đạo lớn. Kẻ sĩ kiên trinh đợi được đón mời, bề tôi hiền tài chờ được vời triệu. Vậy mà Y Doãn(93) cõng vạc tìm đến vua Thang(94); Ninh Thích(95) gõ sừng gặp được vua Tề; Thang nhờ đó mà thành nghiệp vương; Tề nhờ đó mà thành nghiệp bá. Theo lễ trai gái không trực tiếp trao đưa, vậy mà chị dâu chết đuối thì chìa tay ra kéo, đó là tòng quyền lúc nguy cấp. Nếu thấy được cái lớn, thì không câu nệ ở cái nhỏ. Những nhân vật lớn lẽ nào đi câu chấp cái tầm thường.
Tu Đại Nã thấy cuộc thế vô thường, của tiền đối với mình không phải là cái quí, nên đã mặc lòng bố thí để thành đạo cả. Nước vua cha được phúc lành, kẻ thù không thể xâm nhập. Đến khi thành Phật, cha mẹ anh em đều được cứu rỗi. Thế mà không là hiếu, thế mà không là nhân, thì gì mới là nhân, là hiếu?
XVI
Hỏi rằng: Đạo Phật chuộng vô vi, thích bố thí và giữ điều kiêng cấm, nơm nớp như đứng bên vực thẳm. Nay các nhà sư say sưa rượu chè, có người nuôi cả vợ con, mua rẻ, bán đắt, chuyên làm việc dối trá, đấy toàn những chuyện giả dối ở đời, mà đạo Phật lại gọi là vô vi ư?
Mâu Tử đáp: Công Du(96) có thể đưa búa, rìu, dây mực, nhưng không thể khiến người ta khéo. Thánh nhân có thể truyền đạo, nhưng không thể khiến người ta thực hiện. Cao Dao(97) có thể xử tội kẻ trộm, nhưng không thể khiến đứa tham trở nên Di, Tề. Ngũ hình(98) có thể trừng phạt kẻ xấu, nhưng không thể khiến người ác trở thành Tăng, Mẫn(99). Vua Nghiêu(100) không thể cảm hóa Đan Chu, Chu Công không thể dạy bảo Quản, Thái, đâu phải do giáo hóa Đường Ngu không rạng tỏ, đạo lý nhà Chu không hoàn bị! Vậy mà không làm gì nổi kẻ ác là cớ sao? Ví như người đời học thông Thất kinh mà si mê tài sắc, có thể bảo do Lục nghệ(101) tà dâm chăng? Hà Bá(102) tuy tài, không thể làm cho người trên cạn chết đuối; cơn bão tuy mạnh, không thể khiến nước sâu nổi bụi.
Nên lo người đời không chịu thực hiện, chứ sao lại bảo đạo Phật là ác?
XVII
Hỏi rằng: Khổng Tử bảo: “Xa xỉ thì không cung kính, tiết kiệm thì bền vững. Nếu không cung kính được, thì thà rằng bền vững”. Thúc Tôn(103) nói: “Tiết kiệm là đức cung kính, xa xỉ là tội ác lớn vậy”. Nay nhà Phật vét sạch tài sản đi bố thí để lấy tiếng, đem hết của cải cho người khác làm điều quí, lẽ nào có phúc thực ư ?
Mâu Tử đáp: Mỗi thời một khác. Lời nói của Trọng Ni làm nhằm chê trách sự xa hoa không giữ lễ. Lời bàn của Thúc Tôn là nhằm châm biếm sự chạm trổ nhà cửa của Nghiêm Công, chứ không phải cấm bố thí. Thuấn khi cày ruộng ở Lịch Sơn, ơn chưa tới châu quận. Thái Công(104) lúc mổ trâu bán, huệ chưa đến vợ con. Cho tới khi họ được bổ dụng, ơn mới tràn khắp muôn nơi, huệ mới lan ra bốn biển. Lắm tiền, nhiều của, quí ở chỗ có thể cho kẻ nghèo khổ đến hết sạch, tức quí ở chỗ thực hiện đạo. Hứa Do không tham bốn biển, Bá Di không hám nước mình, Ngu Khanh(105) vất tước phong vạn hộ để cứu người nghèo qua cơn nguy cấp, cũng là mỗi người một chí hướng riêng. Hy Phụ Ky dùng niêu cơm mà bảo toàn được cả xóm nhà nơi mình ở, Tuyên Mạnh nhờ một bữa ăn mà cứu sống được thân mạng. Âm thầm cho, xuất phát từ vô tâm, mà sự báo đáp rõ rệt như ban ngày. Huống chi dốc gia tài, mở lòng từ thiện, công đức vòi vọi như núi Tung, núi Thái, mênh mang như sông như biển. Người mang lòng thiện sẽ được ứng đáp bằng phúc lành, người chứa điều ác sẽ bị trả báo bằng tai vạ. Chưa bao giờ trồng lúa mà lại được mì, gieo họa mà lại hưởng phúc cả.
XVIII
Hỏi rằng: Kìa việc làm không gì hơn thành tâm, lời nói không gì hơn thực lòng. Lão Tử gạt bỏ các từ hoa hòe, sùng chuộng những lời chất phác. Kinh Phật lời nói không nhằm vào sự việc cụ thể, mà chỉ toàn lấy những thí dụ xa xôi. Thí dụ không phải là chỗ trọng yếu của đạo. Gộp những cái khác nhau làm cái giống nhau, không phải là chỗ kỳ diệu của việc làm. Tuy từ nhiều, lời rộng, cũng giống như một xe ngọc vụn, không lấy chi làm quí.
Mâu Tử đáp: Sự việc mọi người cùng thấy, thì có thể đem sự thực ra nói với nhau. Nhưng nếu một người thấy, một người không thấy, thì khó mà nói cho tin được. Xưa có người chưa thấy kỳ lân, hỏi người đã thấy là: con kỳ lân giống cái gì? Người thấy kỳ lân nói: Con kỳ lân giống như con kỳ lân vậy. Người hỏi nói: Nếu tôi thấy kỳ lân rồi thì còn hỏi ông làm gì nữa, mà ông lại bảo kỳ lân giống kỳ lân, làm sao có thể hiểu được! Người thấy kỳ lân nói: Con kỳ lân mình hươu, đuôi trâu, chân nai, lưng ngựa. Người hỏi bỗng hiểu. Khổng Tử nói: “Người ta không biết mình mà mình không giận, chẳng cũng là quân tử sao?”. Lão Tử nói: “Khoảng trời đất giống như ống bễ chăng”. Lại nói: “Đạo đối với thiên hạ, giống như ngòi lạch với sông biển”. Lẽ nào đấy là những lời hoa hòe ư? Sách Luận ngữ nói: “Dùng đức để cai trị thì cũng giống như sao Bắc thần”, dẫn trời để so với người vậy. Tử Hạ nói: “Ví như cây cỏ”, khoanh vùng để phân biệt. Ba trăm bài thơ trong Kinh thi đều viện dẫn vật cùng loại. Từ sấm vĩ(106) của Chư tử đến yếu mật của thánh nhân, không đâu là không dẫn dụng các thí dụ. Sao ông riêng ghét việc Phật dùng thí dụ để giảng kinh?
XIX
Hỏi rằng: Người ta ở đời, không ai là không ham giàu sang mà ghét nghèo hèn, thích nhàn vui mà sợ nhọc mệt. Hoàng Đế dưỡng tính, lấy năm loại thức ăn chín làm đầu. Khổng Tử nói: “Ăn thì món ăn càng tinh càng tốt; chả thì thịt càng nhỏ càng hay”. Nay các nhà sư mặc vải đỏ, ngày ăn một bữa kiềm chế lục tình(107), tự kết thúc với đời như thế, phỏng được cái gì ?
Mâu Tử đáp: Giàu sang là điều người ta mơ muốn, nhưng nếu không phải đạo, không cần. Nghèo hèn là điều người ta chán ghét, nhưng nếu không phải đạo, không tránh. Lão Tử nói: “Ngũ sắc(108) làm người ta lòa mắt, ngũ âm(109) làm người ta điếc tai, ngũ vị(110) làm người ta đắng mồm, ruổi rong săn bắn làm tâm thần người ta cuồng loạn, hàng hóa khó kiếm làm người ta gây thương tích. Thánh nhân vì bụng dạ chứ không vì con mắt”. Những lời nói ấy lẽ nào lại là rỗng không ! Liễu Hạ Huệ(111) không vì ngôi Tam công mà thay đổi hành vi, Đoàn Can Mộc(112) không đem thân đổi lấy cái giầu của Ngụy Văn; Hứa Do, Sào Phủ(113) lên cây mà ở, tự cho là yên ổn, hơn cung điện nhà vua; Di, Tề nhịn đói ở Thú Dương, tự cho là no nê hơn Văn Vũ(114). Đại để mỗi người cốt đạt chí hướng thì thôi, sao bảo không được cái gì?
XX
Hỏi rằng: Nếu quả kinh Phật là thâm thúy, kỳ diệu, đẹp đẽ, thì sao ông không đem bàn ở triều đình, thảo luận với các bậc quân phụ, dùng để giáo dục trong gia đình, thù tiếp bạn bè… mà lại đi học Kinh truyện, đọc Chư tử làm gì?
Mâu Tử đáp: Ông chưa tới được nguồn, mà hỏi về dòng chảy, Kìa như việc đem trở đậu(115) ra bày ở cửa lũy, dựng cờ quạt ở triều đường, mặc áo lông chồn để chống cái nóng của tiết nhuy tân(116), vận áo vải thô để đương cái rét của tiết hoàng chung(117), không phải không đẹp, mà là không đúng chỗ, không hợp thời vậy. Cho nên đem đạo thuật Khổng Tử vào cửa Thương Ưởng(118), mang học thuyết Mạnh Kha tới sân Tô, Trương(119), công không được một phân một tấc, mà tội có đến hàng trượng, hàng xích. Lão Tử nói: “Bậc thượng sĩ nghe đạo, chăm chỉ mà thực hiện; bậc trung sĩ nghe đạo, đâm ra bâng khuâng(120); bậc hạ sĩ nghe đạo, cười phá lên! “Tôi sợ bị cười phá lên nên không bàn tới nữa. Khát nước, bất tất phải chờ tới sông lớn; nước giếng thơi lẽ nào không đủ để uống sao? Cho nên vẫn nghiên cứu Kinh truyện.
XXI
Hỏi rằng: Đất Hán bắt đầu nghe nói tới đạo Phật tự bao giờ?
Mâu Tử đáp: Xưa kia Hiếu Minh Hoàng Đế(121) mộng thấy thần nhân mình có ánh mặt trời, bay ở trước điện, vua lấy làm mừng rỡ thích thú, sáng hôm sau hỏi khắp quần thần xem đấy là ai. Có nhà thông thái tên là Phó Nghị nói: “Thần nghe ở Thiên Trúc có người đắc đạo, hiệu gọi là Phật, phi hành trên không, mình có ánh mặt trời, gần giống như vị thần đó vậy”. Thế là bề trên tỉnh ngộ, sai sứ giả Trương Khiên(122), Vũ lâm lang trung Tần Cảnh, Bác sĩ đệ tử Vương Tuân vân vân… cả thảy 12 người đến Đại Nguyệt Chi(123) chép kinh Phật, được 42 chương, đem cất ở gian thứ 14 của nhà đá Lan đài. Hồi bấy giờ, bắt đầu xây chùa Phật ở ngoài cửa Ung Môn phía tây thành Lạc Dương, trên tường vẽ muôn ngựa nghìn xe xếp thành ba lớp quanh tháp. Lại ở đài Thanh Lương của Nam Cung và trên cửa thành Khai Dương đều có làm tượng Phật. Lúc Minh Đế còn sống, có xây thọ lăng, đặt tên là Hiển Tiết, bên trên cũng có làm tượng Phật Đồ. Hồi này nước giầu dân yên, người Di ở xa mộ nghĩa, kẻ theo học về Phật do vậy mà nảy sinh.
XXII
Hỏi rằng: Lão Tử bảo: “Kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết”. Lại rằng: “Biện luận giỏi tựa như đần độn, khéo léo giống như vụng về”. Đấng quân tử coi việc nói nhiều, làm ít là xấu hổ. Nếu quả các nhà sư có cái đạo tuyệt vời, sao không ngồi mà thực hiện, hà tất phải vọc vạch thị phi, cong thẳng? Tôi cho như thế là hèn kém về mặt đức hạnh.
Mâu Tử đáp: Xuân tới chắc đói lớn, thu này phải nhịn ăn. Tháng mười một rất rét, tháng năm trọng áo cừu. Chuẩn bị tuy có sớm, nhưng để khỏi rằng ngu(124). Những điều Lão Tử nói là giành cho người đắc đạo. Kẻ chưa đắc đạo thì hiểu sao nổi? Đạo cả chỉ một lời mà thiên hạ đều vui theo, lẽ nào đó không phải là biện luận giỏi? Lão Tử chằng đã nói đấy ư: “Công danh toại nguyện(125), bản thân lui về, đó là đạo trời vậy”? Thân đã lui rồi, còn nói làm gì! Các nhà sư ngày nay chưa đắc đạo, thì không thể không nói. Lão Thị(126) cũng còn nói nữa là! Như ông ta không nói, thì 5.000 lời kia(127) là gì? Nếu biết mà không nói, thì còn khả dĩ. Đã không có khả năng biết, lại không có khả năng nói, ấy là người ngu. Cho nên, người có khả năng nói, không có khả năng làm, là thầy của cả nước; người có khả năng làm, không có khả năng nói, là chỗ dùng của cả nước; người vừa có khả năng làm, vừa có khả năng nói, là vốn quý của cả nước. Ba hạng người ấy ai cũng có chỗ thi thố của mình, sao gọi là hèn kém về mặt đức hạnh? Chỉ có kẻ không có khả năng nói, lại không có khả năng làm mới là hèn kém thôi.
XXIII
Hỏi rằng: Cứ như lời ông nói, thì chỉ nên học biện luận cho giỏi, tập nói năng cho hay, há phải tu dưỡng tính tình, thực hành đạo đức làm chi nữa?
Mâu Tử đáp: Sao mà chậm hiểu đến thế? Kìa nói năng đàm luận đều có thời cơ của nó cả. Cừ Viện rằng: “Nước hữu đạo thì ta ngay thẳng, nước vô đạo thì ta thu mình lại mà giữ lấy cái của ta”. Ninh Vũ Tử rằng: “Nước hữu đạo thì ta làm người trí, nước vô đạo thì ta làm người ngu”. Không Tử rằng: “Người có thể nói chuyện mà ta lại không nói, thế là phí người; người không thể nói chuyện mà ta lại nói, thế là uổng lời”. Cho nên trí hay ngu đều có thời cơ của nó, mỗi lần đàm luận đều có dụng ý riêng, khi đáng nói đáng bàn thì sao lại không thực hiện !
XXIV
Hỏi rằng: Ông nói đạo Phật là chí tôn, sảng khoái, vô vi đạm bạc; nhưng nhiều người, nhiều học giả lại hủy báng đạo Phật, cho rằng lời lẽ to tát khó dùng, hư vô khó tin, là cớ làm sao?
Mâu Tử đáp: Vị ngon tuyệt vời không hợp miệng mọi người, âm thanh tuyệt vời không vừa tai mọi người. Nổi nhạc Hàm trì(128), bày nhạc Đại Chương(129), phát khúc Tiêu thiều(130), vịnh chín chương(131), không ai hoà theo được. Nhưng khi căng dây đàn Trịnh, Vệ(132), hát theo điệu dân gian đương thời, thì không hẹn mà ai nấy đều vỗ tay theo. Cho nên Tống Ngọc(133) bảo: “Khách ca ở kinh đô Sính(134), khi hát khúc Hạ lý(135), có nghìn người họa theo; nhưng khi tấu thương, chủy, giốc(136), thì không ai trong đám đông hưởng ứng cả”. Thế là đều thích tiếng nhạc không đứng đắn, mà chẳng hiểu gì những khúc điệu tầm cỡ. Hàn Phi(137) mang kiến thức hẹp hòi ra nhạo báng Nghiêu, Thuấn; Tiếp Dư(138) dùng sự phân biệt chi ly để chỉ trích Trọng Ni, đều là chúi mũi vào cái nhỏ mà quên khuấy cái lớn vậy. Kìa nghe âm thương trong sáng mà lại bảo là âm giốc, đấy không phải là lỗi tại dây đàn, mà do người nghe không thông thạo. Thấy ngọc Hòa(139) mà gọi là đá, đấy không phải vì ngọc xoàng xĩnh, mà do người xem thiếu sáng suốt. Rắn thần có khả năng đứt rồi lại nối, nhưng không có khả năng làm cho người ta không chém. Rùa thiêng báo mộng cho Tống Nguyên, nhưng không có khả năng tránh được lưới của Dự Thư. Đạo cả vô vi, không phải là cái mà kẻ tầm thường nhìn thấy. Nó không vì ca ngợi mà thành sang, không vì chê bai mà thành hèn. Dùng hay không là tự trời, thực hiện hay không là do thời, tin hay không là ở số mệnh vậy.
XXV
Hỏi rằng: Ông dùng Kinh truyện để lý giải học thuyết của Phật, lời phong phú mà nghĩa rõ ràng, văn chương sáng mà giải thích hay, có thể nào đấy lại không phải chính là sự biện luận của ông?
Mâu Tử đáp: Không phải là sự biện luận của tôi đâu, vì hiểu biết rộng nên không mù mờ đấy thôi!
Hỏi rằng: Để hiểu biết rộng, chắc cũng có phép thuật gì chứ?
Mâu Tử đáp: Do kinh Phật cả đấy. Khi tôi chưa hiểu kinh Phật, thậm chí còn mù mờ hơn ông. Tuy đọc Ngũ kinh, mới đến độ hoa mà chưa thành quả. Khi thấy học thuyết kinh Phật rồi, xem những chỗ cốt yếu của Lão Tử, giữ tính điềm đạm, xét nết vô vi, trở lại nhìn sự đời, giống như đứng bên sân mà nom suối hang, lên núi Tung núi Thái mà thấy gò đống. Ngũ kinh bây giờ là ngũ vị, đạo Phật bây giờ là ngũ cốc. Tôi từ khi biết đạo Phật đến nay, như vén mây thấy mặt trời, soi đuốc vào nhà tối vậy.
XXVI
Hỏi rằng: Ông bảo kinh Phật như sông biển, văn như gấm thêu, sao không đem kinh Phật ra trả lời các câu hỏi của tôi, mà lại dẫn Thi, Thư(140), gộp những cái khác nhau làm cái giống nhau?
Mâu Tử đáp: Kẻ khát nước, bất tất phải chờ đến sóng biển mới uống, kẻ đói cơm, bất tất phải đợi đến kho đụn mới no. Đạo đặt ra cho người có trí, biện luận nhằm giúp kẻ đạt lý thông suốt, sách vở nhờ người am hiểu lưu truyền, sự việc được kẻ nhìn thấy thuyết minh. Tôi tưởng ông hiểu được ý nên mới dẫn sự việc. Nếu giảng giải lời kinh Phật, bàn luận chỗ cốt yếu của thuyết vô vi, thì cũng ví như nói về ngũ sắc với người mù, tấu ngũ âm cho người điếc nghe vậy. Sư Khoáng(141) tuy giỏi, không thể gảy đàn không dây; lông chồn tuy ấm, không thể hun nóng người hết sinh khí. Công Minh Nghi gảy tiếng đàn trong trẻo cho trâu nghe, trâu vẫn nằm yên nhá cỏ, không phải trâu không nghe thấy tiếng đàn, mà vì không hợp tai. Đến khi chuyển làm tiếng ruồi muỗi, tiếng nghé con lạc mẹ, trâu lập tức vẫy đuôi vểnh tai, lững thững vừa đi vừa nghe. Cho nên Thi, Thư mới hợp với lỗ tai của ông vậy.
XXVII
Hỏi rằng: Tôi lúc trước ở Kinh đô, vào viện Đông Quan(142), dạo trường Thái học(143), nhìn những quy định đối với hạng sĩ tuấn(144), nghe các điều bàn luận giữa làng nho, chưa thấy ai lấy việc tu đạo Phật làm quý, tự tổn hại dung nhan làm trọng. Ông say mê đạo Phật làm gì! Kìa lạc lối thì phải đổi đường, phép thuật cùng thì quay về cái cũ, không đáng suy nghĩ sao?
Mâu Tử đáp: Kìa đối với kẻ sở trường về biến hóa, không thể mang cái giả tạo cho họ xem; đối với kẻ tinh thông về đạo, không thể đem cái quái lạ làm cho họ sợ hãi; đối với kẻ am hiểu văn từ, không thể dùng lời lẽ để mê hoặc; đối với kẻ thấu đạt đạo nghĩa, không thể lấy cái lợi để lay chuyển. Lão Tử nói: “Cái danh là mối hại của tấm thân; cái lợi là mối nhơ của phẩm giá”. Lại nói “Bày trò quyền trá, không bằng tự quý ở chỗ hư vô”. Sửa lễ chốn buồng the, bày phép nơi thời tục, tụ hội nhau để chạy chọt, luồn lách qua các kẽ hở, mong hợp với đời, đấy là điều kẻ sĩ bậc dưới đua làm, nhưng kẻ sĩ bậc trung vất bỏ. Huống chi đạo cả mênh mang, là nơi hành động của các vị thượng thánh? Mông mênh như trời, thăm sâu như biển, không phù hợp với những kẻ sĩ nhòm qua kẽ vách, những anh chàng cao vài nhẫn(145) cũng là phải lắm. Kẻ kia thấy cửa, ta xem trong nhà; kẻ kia sờ hoa, ta hái lấy quả; kẻ kia tìm toàn bộ, ta giữ cái thống nhất. Ông mau đổi đường đi thôi, còn tôi, tôi vẫn đi đường cũ, nguồn họa phúc chưa biết như thế nào đấy.
XXVIII
Hỏi rằng: Ông dùng lời Kinh truyện, dùng sự thuyết giải hoa mĩ để khen ngợi phẩm hạnh của Phật, tán dương đức tính của Ngài, nào là cao quá mây xanh, nào là rộng hơn mặt đất, như thế liệu có xa rời cái gốc, vượt quá sự thực không ? Tôi chê khá đúng chỗ, chẩn đoán trúng bệnh chứ?
Mâu Tử đáp: Ôi ! Những cái tôi khen ngợi thì cũng giống như đem bụi bặm đắp lên núi Tung núi Thái, hứng những giọt sương mai đổ vào sông biển. Những điều ông chê bai thì cũng giống như cầm gáo chén hòng múc vơi sông biển, nhấn cán cày chực làm hao bớt núi Côn Luân, nghiêng bàn tay che ánh mặt trời, nhặt đất cục lấp dòng chảy xiết. Những cái tôi khen ngợi không thể khiến cho Phật cao lên, những điều ông chê bai không thể làm cho Phật thấp xuống.
XXIX
Hỏi rằng: Các chuyện như Vương Kiều(146), Xích Tùng, bùa chú của Bát tiên(147), sách thần 170 quyển, trường sinh… lẽ nào lại giống với kinh Phật ?
Mâu Tử đáp: Nếu so về chủng loại, thì giống như Ngũ Bá(148) với Ngũ Đế, Dương Hóa(149) với Trọng Ni. Nếu so về hình dáng, thì giống như gò đống với núi Hoa núi Hằng(150); khe lạch với sông biển. Nếu so về vẻ đẹp, thì giống như da hổ thuộc với da dê vải gai tạp màu với gấm vóc vậy. Đạo có 96 loại, kể về tôn quý nhấ thì không gì hơn đạo Phật. Sách thần tiên khi nghe thì đầy rẫy cả tai, nhưng tìm sự hiệu nghiệm thì tựa hồ nắm gió bắt bóng. Bởi vậy đối với sách thần tiên, đạo cả không dùng, thuyết vô vi không quý, thì làm sao có thể giống với kinh Phật được!
XXX
Hỏi rằng: Trong số theo đạo, có người tịch cốc không ăn cơm, nhưng lại uống rượu chén thịt, nói đấy cũng là phép thuật của Lão Thị. Nhưng đạo Phật coi rượu, thịt là những thứ kiêng cấm vào bậc nhất trong khi đó lại đi ăn cơm, sao mà quái lạ vậy?
Mâu Tử đáp: Các đạo lớn nhỏ hiện có tới 96 lại, nhưng kể về đạm bạc vô vi, thì không gì hơn đạo Phật. Tôi xem các thiên Thượng và Hạ sách Lão Thị(151), biết có việc kiêng ngũ vị, chứ không thấy nói tới dứt bỏ ngũ cốc. Thánh nhân soạn văn Thất điển, không có phép thuật cấm ăn gạo. Lão Tử viết 5.000 lời, không có chuyện tịch cốc. Thánh nhân bảo: “Ăn gạo thì có trí, ăn cỏ thì ngu si, ăn thịt thì hung hãn, hít khí trời thì sống lâu”. Người đời thì không thấu hiểu điều đó, thấy giống lục cầm(152) nín hơi không thở, mùa đông mùa thu không ăn thì muốn bắt chước mà làm, biết đâu rằng giống vật mỗi loài có một cá tính riêng, như đá nam châm hút được sắt, nhưng không thể làm cho một sợi lông động đậy được.
XXXI
Hỏi rằng: Thóc gạo có thể dứt bỏ được ư?
Mâu Tử đáp: Khi tôi chưa hiểu đạo cả, thì cũng từng học tịch cốc. Phép thuật này có tới hàng trăm hàng nghìn kiểu, nhưng thực hiện không thấy có hiệu quả, không thấy tin tưởng nên mới thôi. Cứ xem như ba người thầy mà tôi theo học, ông nào cũng nói mình đã sống 700 tuổi, hoặc 500 tuổi, hoặc 300 tuổi, thế mà tôi học họ chưa đầy ba năm, tất cả đều chết ráo. Sở dĩ như vậy, là do không chịu ăn cơm, mà đi xài hàng trăm thức quả, ăn thịt thì tới cả mâm đầy, nốc rượu thì đến nghiêng vò rót, tinh thần hỗn loạn. Vì thiếu hơi cơm nên ù tai, mờ mắt, lại không kiêng món tà dâm. Tôi hỏi cớ sao như vậy, trả lời rằng: “Lão Tử nói giảm bớt đi, giảm thêm nữa, cho đến vô vi. Vậy trò nên ngày ngày giảm bớt thôi!” Nhưng tôi quan sát thì thấy mỗi ngày một tăng lên chứ không giảm. Cho nên ông nào cũng chưa tới tuổi “tri mệnh”(153) đã chết. Và Nghiêu, Chu, Khổng không ai sống nổi trăm tuổi, vậy mà những kẻ ngu ngốc ở đời mạt thế(154) lại muốn phục thuốc, tịch cốc, cầu mong sống mãi, thì thật buồn thay ?
XXXII
Hỏi rằng: Người theo đạo nói có thể đẩy lùi bệnh, không đau ốm, chẳng cần châm cứu thuốc men gì mà cũng khỏi, có thật như vậy không? Thế sao nhà Phật khi có bệnh, vẫn phải châm cứu, thuốc men?
Mâu Tử đáp: Lão Tử nói: “Vật đã lớn thì phải già, gọi là lỗi đạo, sẽ sớm kết thúc”. Chỉ có người đắc đạo thì mới không sinh, cũng không lớn; đã không lớn thì cũng không già; đã không già thì cũng không bệnh; đã không bệnh thì cũng không mục nát. Cho nên Lão Tử coi tấm thân là mối lo lớn. Vũ Vương lâm bệnh, Chu Công xin trời tha mạng sống cho; Trọng Ni ốm đau, Tử Lộ cầu khấn . Tôi thấy thánh nhân đều có đau ốm, chưa một ai là không cả. Thần Nông từng nếm cỏ tìm thuốc, suýt chết mấy chục lần; Hoàng Đế dập đầu lạy, để Kỳ Bá(155) châm huyệt cho. Lẽ nào ba vị thánh trên lại không bằng đạo sĩ ngày nay ư ? Xem xét điều đó, cũng đủ để dẹp bỏ lời ông rồi.
XXXIII
Hỏi rằng: Đạo đều là vô vi cả, ông trình bày la liệt sự khác nhau giữa chúng làm gì? Chỉ tổ khiến người theo học thêm ngờ vực, tôi cho là phí công vô ích.
Mâu Tử đáp: Đều gọi là cỏ cả, nhưng đặc tính của chúng thì không thể nói hết được. Đều gọi là kim loại cả, nhưng đặc tính của chúng cũng không sao kể xiết. Cùng loài, khác tính, muôn vật đều như vậy, chứ có riêng gì đạo đâu ? Xưa kia Dương, Mặc(156) làm tắc đường các Nho sĩ, xe không lên nổi, người không đi được. Đến lúc Mạnh Kha mở lối người ta mới biết nên theo về đâu. Sư Khoáng gảy đàn chờ tri âm mai hậu. Thánh nhân đặt phép tắc, mong người quân tử sẽ nhìn ra. Ngọc, đá để cùng một tủ, Y Đốn(157) vì thế mà xót xa; đỏ, tía làm lỡ nhỡ nhau, Trọng Ni vì thế mà than thở. Mặt trời, mặt trăng không phải không sáng tỏ, chỉ tại các bóng râm che lấp ánh sáng của nó. Đạo Phật không phải không thẳng ngay, chỉ tại lòng tư dục che đậy tính công minh của nó. Vì vậy mà tôi phải phân tích, để thấy sự khác nhau. Cái khôn của Tang Văn(158), cái thẳng thắn của Vi Sinh(159) đều không được Trọng Ni chấp nhận. Tấtcả đều là lời lẽ nhằm uốn nắn thế tục, có gì là phí công vô ích ?
XXXIV
Hỏi rằng: Ông chế giễu đạo Thần tiên, hạ thấp chuyện kỳ quái, không tin có thứ đạo bất tử. Ấy vậy mà không hiểu vì sao lại riêng tin đạo Phật có thể cứu đời? Phật ở nơi xa lạ, ông chưa bao giờ đặt chân tới đất Phật, mục kích xứ sở Phật, chỉ xem lời văn mà tin vào đức hạnh của Phật thôi. Kìa xem hoa, không thể biết được quả; nhìn bóng, không thể rõ được hình, e không sát sự thực chăng?
Mâu Tử đáp: Khổng Tử nói: “Nhìn vào việc làm, xem ở động cơ, xét chỗ yên tâm, người ta còn dấu vào đâu được?(160). Xưa kia Lã Vọng, Chu Công hỏi về chính sự mà biết được kết quả về sau như thế nào. Nhan Uyên(161) ở cái ngày ngồi xe bốn ngựa, thấy cách đánh xe của Đông Dã Tất, mà biết được thế nào xe cũng đổ. Tử Cống xem cuộc họp của Chu, Lỗ(162) mà hiểu rõ vì sao sẽ mất nước. Trọng Ni nghe tiếng đàn của Sư Khoáng mà nhận ra đấy là khúcTháo(163) của Văn Vương(164). Quý Tử nghe nhạc, thấy được phong tục các nước. Vậy cứ gì chân phải đặt tới, mắt phải nhìn thấy rồi mới biết?
XXXV
Hỏi rằng: Tôi từng đi du lịch ở nước Vu Điền(165), nhiều lần gặp gỡ các nhà sư và đạo nhân nước này, thường đem những việc của tôi ra vặn hỏi họ, họ đều không trả lời được và cáo lui hết, nhiều người trong số đó đã thay chí hướng, đổi ý định. Riêng ông sao khó thay đổi thế?
Mâu Tử đáp: Chiếc lông nhẹ ở trên cao gặp gió thì bay; hòn cuội nhỏ dưới khe hễ nước chảy thì di chuyển. Duy núi Thái Sơn không vì gió to mà động đậy, hòn đá tảng không vì nước xiết mà đổi dời. Cây mơ, cây mận gặp sương thì rụng lá; duy cây tùng, cây bách thì khó mà héo khô. Những đạo nhân mà ông gặp, chắc học vấn chưa thấm tháp, kiến thức chưa sâu rộng nên mới chịu thua thôi. Cứ ngốc nghếch như tôi đây mà còn không thể dồn vào thế bí được, huống chi người hiểu rõ về đạo? Ông không tự thay đổi mình mà lại muốn làm cho người khác thay đổi ư? Tôi chưa bao giờ nghe nói Trọng Ni theo đòi Đạo Chích(166); Thang Vũ bắt chước Kiệt, Trụ(167).
XXXVI
Hỏi rằng: Theo thuật thần tiên thì không ăn vào mùa thu, mùa đông; có người vào phòng ở nhiều tuần(168) không ra, có thể nói là sống hết sức đạm bạc. Tôi cho như vậy là đáng kính, đáng quý, e đạo Phật không bằng họ chăng?
Mâu Tử đáp: Trỏ phương Nam làm phương Bắc mà bảo là không mê hoặc; lấy phương Tây làm phương Đông mà bảo là không mù mờ. Đem cú vọ để mà cười phượng hoàng; cầm giun dế để mà cợt rồng, rùa. Con ve nhịn ăn, người quân tử không cho là quý; con ếch, con rắn náu mình trong hang, bậc thánh nhân không xem là trọng. Khổng Tử nói: “Vật trong trời đất, con người là quý”. Không nghe ai tôn kính con ve, con rắn cả. Tuy vậy, người đời vẫn có kẻ ăn cỏ xương bồ mà bỏ quế gừng, đổ nước cam lộ(169) mà uống dấm, tương. Mảy lông tuy nhỏ, để mắt thì vẫn có thể quan sát. Thái Sơn tuy to, quay lưng lại thì không nhìn thấy. Vấn đề là ở chỗ chí hướng có đặt vào đó hay không, ý tưởng nhạy bén với không nhạy bén. Nước Lỗ tôn sùng Quý Thị mà khinh rẻ Trọng Ni; nước Ngô cho Tể Phi(170) là hiền tài, Tử Tư là kém cỏi. Ông ngờ vực chẳng cũng phải sao?
XXXVII
Hỏi rằng: Đạo gia(171) nói Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng và bảy mươi hai đệ tử(172) đều bất tử; còn các nhà Tiên, Phật lại nói người ta đều phải chết, không ai tránh khỏi, thế là thế nào?
Mâu Tử đáp: Đấy là những lời vớ vẩn, không phải cách nói của thánh nhân. Lão Tử nói: “Trời đất còn không được lâu dài”, huống nữa là người! Khổng Tử nói: “Bậc hiền tài lánh đời, lòng nhân hiếu luôn luôn còn đó”. Tôi xem Lục nghệ, đọc truyện ký, thấy vua Nghiêu có chết; vua Thuấn có núi Thương Ngô(173); vua Vũ có lăng Cối Kê; Bá Di, Thúc Tề có mộ ở Thú Dương; Văn Vương chưa kịp giết Trụ, đã mất; Vũ Vương không thể đợi Thành Vương lớn, đã qua đời; Chu Công có thiên sách nói về việc cải táng; Trọng Ni có giấc mộng lưỡng doanh(174); Bá Ngư(175) mất trước cha, Tử Lộ có nói về hình phạt tương thịt, Bá Ngưu(176) có nói văn viết về vong mệnh(177). Tăng Sâm có câu “mở dây buộc chân”(178), Nhan Uyên được chép là “Không may mất sớm”, ví như “lúa non mà chưa trổ bông”, tất cả đều được ghi rõ trong các sách kinh điển, là lời nói chí lý của thánh nhân. Tôi dẫn Kinh truyện làm chứng cứ, lấy người đời làm chiêm nghiệm. Vậy mà bảo là “bất tử”, không phải mê hoặc đấy sao?
XXXVIII
Hỏi rằng: Lời ông giải thích thật đầy đủ và toàn là những điều mà bọn tôi chưa từng nghe. Nhưng sao ông lại chỉ nêu 37 điều cũng có phép đấy chăng?
Mẫu Tử đáp: Kìa cỏ bồng xoay mà bánh xe thành, gỗ lõm trôi mà thuyền bè có. Nhện chăng tổ mà lưới bẫy bày, vết chân chim xuất hiện mà chữ viết được chế tác. Cho nên hễ có cái để bắt chước thì thành khó. Tôi xem kinh Phật cốt yếu cũng 37 phẩm; Đạo kinh(179)của Lão Thị cũng 37 thiên, cho nên phỏng theo.
Thế là người mù mờ nghe xong bỗng nhiên thất sắc chắp tay, rời chiếu đứng lên, đi giật lùi rồi phủ phục xuống mà thưa rằng: Kẻ nông cạn này có mắt như mù, sinh ở nơi tối tăm, dám thốt ra những lời dại dột, không nghĩ tới hoạ phúc. Nay được nghe dạy, khác nào nước sôi dội lên tuyết. Xin được gội rửa tâm tình, biết tự cảnh tỉnh. Nguyện thọ ngũ giới(180), làm ưu bà tắc
TRẦN NGHĨA dịch và chú thích
CHÚ THÍCH
(1) Kinh truyện: “Kinh” là sách thánh nhân; “truyện là sách do các bậc hiền tài soạn ra để ging gii, truyền bá tác phẩm của thánh nhân. Kinh truyện ở đây chỉ sách Nho gia nói chung.
(2) Chư tử: Chỉ sách các học phái.
(3) Hán Linh Đế mất năm 189.
(4) Giao Châu: Được đặt ra từ đời Hán, gồm 7 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Giao Chỉ, Hợp Phố, Cửu Chân và Nhật Nạm (nay là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và phần đất từ giữa miền trung trở ra của Việt Nam).
(5) Thần tiên tịch cốc: Đạo gia gọi những người nhịn ăn lương thực (tịch cốc), tu luyện trở thành thần thông là “thần tiên”.
(6) Trường sinh: sống lâu. Trang Tử, Tại hựu: “Vô lao nhữ hình, vô dao nhữ tinh, nãi khả dĩ trường sinh = Chớ làm nhọc thân hình người, chớ lay chuyển tinh thần người, thì có thể sống lâu”.
(7) Ngũ kinh: năm bộ sách kinh điển của Nho gia, gồm Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu.
(8) Đạo gia: ở đây chỉ những người theo Đạo giáo.
(9) Thuật sĩ: người có phép thuật.
(10) Mạnh Kha (372? - 289? TCN): tức Mạnh Tử, có tài hùng biện, cùng Khổng Tử sáng lập ra phái Nho gia.
(11) Dương Chu, Mặc Địch: Dương Chu người nước Vệ, sống vào thời Chiến Quốc, chủ trương thuyết “vị ngã”, dù nhổ một chiếc lông để làm lợi cho thiên hạ cũng không làm. Mặc Địch (468? - 376? TCN) người nước Lỗ, chủ trương thuyết “kiêm ái”, đối với mọi người đều yêu thương bình đẳng, không phân biệt thân, sơ... trái ngược với chủ thuyết của Dương Chu. Xem thêm chú thích 156.
(12) Giao Chỉ: nay là miền Bắc Việt Nam.
(13) Thương Ngô: nay là huyện Thương Ngô, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là quê hương Mâu Tử.
(14) Kinh Châu: khi Lưu Biểu làm Thứ sử Kinh Châu thì trị sở đặt tại Tương Dương, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc.
(15) Quan Châu mục: chỉ Lưu Biểu, làm Thứ sử Kinh Châu thời Hán Hiến Đế (190-220).
(16) Dự Chương: Tên quận, trị sở đặt tại Nam Xương, nay thuộc tỉnh Giang Tây.
(17) Linh Lăng, Quế Dương: tên huyện, nay đều thuộc tỉnh Hồ Nam.
(18) Nguyên văn là “bị mạc phục lịch”, ăn cỏ nằm chuồng.
(19) Lão Tử (580? - 500? TCN): tên thật là Lỹ Nhĩ, còn gọi là Lão Đam, người nước Sở, sống vào thời Xuân thu, sáng lập ra phái Đạo gia.
(20) Thiên Trúc: tên nước ấn Độ thời cổ, còn gọi là Thân Độc, Hiền Đậu...
(21) Vua Bạch Tĩnh: còn gọi là vua Tĩnh Phạn (Suddhodana), nước Già Tì La Vệ, ở thành Già Tì La Bà Tô Đô (Kapilavastu, dưới chân núi Hymalaya về phía Nam, nay thuộc miền Nam nước Nêpan).
(22) Xa Nặc (Chandaka) còn gọi là Xiển Đạc Già, tên người đánh ngựa khi Phật ra khỏi kinh thành.
(23) Kiên Trắc: còn gọi là Kim nê, tên con ngựa của Thái Tử con vua Tĩnh Phạn.
(24) 32 tướng: chỉ tướng mạo của những nhân vật tầm cỡ, như ngón tay thon mà dài, mũi cao, lưỡi vừa dài vừa rộng nhưng lại mỏng v.v.
(25) Thập phương: 10 phương, gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, trên và dưới.
(26) Trung lã: ứng với tháng tư âm lịch.
(27) Nê Viên: thường gọi là Niết Bàn (irvana), có nghĩa là viên tịch, cõi lý tưởng của nhà Phật.
(28) Nguyên văn là: “vô vi”, tiếng Phạn là asamskrta. “vi” ở đây có nghĩa là “tạo tác”, “vô vi” là không tạo tác.
(29) Năm điều răn giới: kiêng tránh việc giết sinh vật, trộm cắp, tà dâm, ăn nói bừa bãi, uống rượu.
(30) Sa môn: tiếng Phạn là Srmana, chỉ người tu hành đạo Phật.
(31) Hai trăm năm mươi điều răn giới: còn gọi là cụ túc giới”, tức giới cấm đầy đủ, gồm 250 điều.
(32) Ưu bà tắc: tiếng Phạn là Upasaka, chỉ những người đàn ông thực hiện năm điều răn giới của Phật.
(33) Thụy hiệu: tên đặt cho người sau khi chết, thường gợi lên đặc điểm của người ấy khi còn sống.
(34) Tam Hoàng: gồm Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông (theo Thượng thư đại truyện). Ngũ đế: gồm Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn (theo Sử ký).
(35) Giác: tiếng Phạn làbodhi, gồm 2 nghĩa: giác sát và giác ngộ. Giác sát, tức tỉnh táo xem xét để biết đâu là việc ác. Giác ngộ, tức khám phá ra chân lý.
(36) Nguyên nghĩa là cái dải buộc.
(37) Nguyên nghĩa là tiếng lọc cọc của xe.
(38) Khổng Tử (551-479 TCN): tên là Khâu, tên chữ là Trọng Ni, người nước Lỗ, sáng lập ra học thuyết Nho gia.
(39) Ngũ kinh: 5 bộ sách kinh điển của đạo Nho, gồm Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân thu.
(40) Nguyên nghĩa là “tra vào chân mà đi”.
(41) Cung thương tên 2 âm trong ngũ âm của nhạc cổ.
(42) Ngũ thường 5 đạo trong đời thường, gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
(43) Hồn thành: nguyên sơ, toàn vẹn, tự nhiên mà có.
(44) Câu này trích từ Chương 25 của Đạo đức kinh.
(45) Thất kinh: 7 bộ sách kinh điển của Nho gia, gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân thu và Luận ngữ (theo Hậu Hán thư, Trương Thuần truyện)
(46) Ngũ nhạc: 5 núi lớn của Trung Quốc, gồm Thái Sơn, Hoa Sơn, Hắc Sơn, Hằng Sơn và Tùng Sơn.
(47) Thái tố: khởi đầu của chất.
(48) Thái thủy: khởi đầu của hình.
(49) Sách Xuân thu: do Khổng Tử dựa vào sử nước Lỗ viết ra.
(50) Sách Hiếu kinh: tương truyền do Khổng Tử soạn, theo hình thức vấn đáp giữa tác giả và Tăng Tử, nhằm thuyết minh ý nghĩa của đạo Hiếu và cách thực hiện.
(51) Tử Trương,Tử Du: đều là học trò của Khổng Tử. Tử Trương tính rộng rãi, thích giao thiệp, nhưng không lo làm điều nhân nghĩa. Tử Du đặc biệt thạo về lễ, nổi tiếng về văn học.
(52) Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng: Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử (Khổng Khâu).
(53) Nghiệp thánh: đây chỉ sự nghiệp của Phật.
(54) Biển Thước: một thầy thuốc thời Chiến Quốc, nổi tiếng về khoa chẩn mạch.
(55) Tử Cống: học trò của Khổng Tử, có tài ăn nói, giỏi sắp đặt công việc.
(56) Phu tử: đây chỉ Khổng Tử.
(57) Đán: tức Chu Công, họ Cơ, tên Đán, em Chu Vũ Vương, chú Chu Thành Vương.
(58) Câu này có trong sách Luận ngữ.
(59) Ý nói cởi dây buộc để xem chân tay có được lành lặn cả không, vì đã suốt đời gìn giữ sao cho thân thể được nguyên vẹn, đấy là một yêu cầu của đạo hiếu. Câu trích dẫn này cũng có trong sách Luận ngữ.
(60) Thái Bá: con trưởng của Chu Thái Vương, có em là Trọng Ung, Quý Lịch. Quý Lịch cưới Thái Nhậm sinh ra Xương. Thái Vương bảo: “Đời ta chắc được hưng thịnh, nhờ ở thằng cháu Xương này chăng?” Thái Bá biết Thái Vương muốn lập Quý Lịch để truyền ngôi cho Xương, nên đã cùng Trọng Ung chạy sang Kinh Man, vẽ mình, cắt tóc theo phong tục người bản địa, để cho Quý Lịch làm vua. Thái Bá tự lấy hiệu là Cú Ngô. Kinh man thấy Thái Bá là người có nghĩa, hơn nghìn nhà theo về và tôn ông làm Ngô Thái Bá.
(61) Dự Nhượng: người nước Tấn, sống vào thời Chiến Quốc. Lúc đầu thờ họ Phạm Trung Hành, vì không có gì nổi bật, nên sau đó đã bỏ theo Trí Bá, được yêu chuộng hết mức. Đến khi Trí Bá bị Triệu Tương Tử tiêu diệt, Nhượng sơn mình, giả làm người hủi, nuốt lửa than cho thành câm, cốt không để nhận ra tông tích, rồi đi giết Tương Tử để trả thù cho Trí Bá. Việc không thành, Dự Nhượng bị Tương Tử bắt sống. Nhượng tự sát.
(62) Nhiếp Chính: người nước Hàn, Chỉ, sống vào thời Chiến Quốc, được viên quan nước Hàn là Nghiêm Toại thuê làm thích khách. Nhiếp Chính từ chối vì mẹ còn đang sống. Sau khi mẹ mất, ông bèn nhận lời. Công việc xong xuôi, ông tự rạch mặt, khoét mắt, đâm vào bụng mà chết.
(63) Bá Cơ: con gái của Lỗ Tuyên Công, sống vào thời Xuân thu, lấy chồng được 10 năm thì góa bụa, bèn thủ tiết thờ chồng. Cung thành không may bị cháy, vì không rời được mẹ mà chết.
(64) Cao Hạnh: người nước Lương, sống vào thời Chiến quốc, có nhan sắc, có phẩm hạnh, nhưng góa chồng sớm, nhiều người nhấm nhé nhưng bà đều từ chối. Vua Lương sai đem lễ vật đến cầu hôn, bà lấy dao tự cắt mũi mình và nói: Nhà vua cầu hôn vì ta có sắc đẹp. Nay là người bị thương tích, may có thể được tha. Vua cảm phục, tôn cho danh hiệu là “Cao Hạnh”.
(65) Tam đại: ba đời, gồm Hạ, Thương, Chu.
(66) Nho Mặc: tức Nho gia thuộc phái Khổng Tử, và Mặc gia thuộc phái Mặc Tử.
(67) Hứa Do: tên một cao sĩ thời thượng cổ.
(68) Di, Tề: tức Bá Di và Thúc Tề, đều là con vua Cô Trúc, chư hầu của nhà ân.
(69) Thánh Khổng chỉ Khổng Tử.
(70) Hoàng Đế: tên một hiệu vua thời thượng cổ.
(71) Cơ Tử: tên thực là Tư Dư, anh em con chú con bác với vua Trụ nhà Thương. Vua Trụ vô đạo, Cơ Tử khuyên ngăn không được, bèn vấn tóc giả khùng làm nô. Đến khi Chu Vũ Vương thắng được cả nhà Ân, Cơ Tử phỏng theo thiên đạo để làm ra Hồng phạm (quy phạm của trời đất). Vũ Vương phong cho ông đất Triều Tiên và không coi như bề tôi.
(72) Ngũ sự: theo Kinh Thư, Hồng Phạm, gồm: dáng vẻ (mạo), lời nói (ngôn), nhìn (thị), nghe (thính), suy nghĩ (tư)
(73) Nguyên Hiến: còn gọi là Tử Tư hoặc Nguyên Tư, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân thu, là học trò của Khổng Tử, tính tình trong sạch, điềm tĩnh, đúng mực, tuy nghèo nhưng vẫn vui với đạo lý. Khi Khổng Tử giúp nước Lỗ, Nguyên Hiến từng làm ấp tể (tương đương với quan huyện ở đời sau). Khổng Tử mất, Nguyên Hiến lui về sống ẩn ở nước Vệ.
(74) Tử Lộ: tên thực là Trọng Do, tên chữ là Tử Lộ hoặc Quí Lộ, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân thu, là học trò của Khổng Tử, tính tình thô lỗ, táo bạo, có hiếu với cha mẹ, từng làm ấp tể ở nước Vệ.
(75) Mũ chương phủ: một loại mũ có sọc trắng, sọc đen.
(76) Áo hồ cầu: nguyên văn là “khúc cầu”, một thứ áo cừu có hình cong (?)
(77) Lời Khổng Tử được ghi lại trong thiên “Tiên tiến, sách Luận ngữ.
(78) Nguyên văn là “bản mạt” (gốc ngọn). Tử Lộ tính viển vông, nên dịch “bản mạt” là “thiết thực” cho dễ hiểu.
(79) Di Địch: tên gọi chung các dân tộc chậm phát triển ở quanh biên giới Trung Quốc thời cổ, gồm người Di ở phía Đông, người Nhung ở phía Tây, người Man ở phía Nam, người Địch ở phía Bắc. Cùng một nghĩa với Di Địch còn có Nhung Địch, Man Di.
(80) Chư Hạ: các nước Hạ, đây chỉ Trung Quốc.
(81) Cửu Di: 9 giống người Di ở phía Đông.
(82) Vũ: Hạ Vũ, người sáng lập ra nhà Hạ.
(83) Tây Khương: Khương là tên một tộc người thuộc hậu duệ của Tam Miêu, thời vua Thuấn bị đày tới Tam Nguy. Đến thời Đông Hán chia làm Đông Khương (sống ở miền An Định, Bắc Địa, Thượng Quân, Tây Hà) và Tây Khương (sống ở miền Hán Dương, Kim Thành).
(84) “Cổ Tẩu” cha của vua Thuấn, nhiều phen muốn giết Thuấn nhưng không thành. “Cổ” có nghĩa là không có mắt, ý muốn nói không biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái, có mắt như mù. “Tẩu” cũng có nghĩa tương tự. Đây là cái tên nhân dân dùng để gọi người cha ngu ngơ của Thuấn.
(85) Thuấn: Ngu Thuấn, vua nước Ngu, họ Diêu, lúc đầu sống ở ruộng đồng, rất có hiếu, được nhiều người trong vùng mến theo. Sau vua Nghiêu sai nhiếp chính, có công, được kế ngôi, gọi là Hữu Ngu Thị, hiệu là Thuấn, sử thường chép là Ngu Thuấn hoặc Trùng Hoa. Cuối đời, đi thị sát phương Nam, mất ở cánh đồng Thương Ngô. Thuấn ở ngôi 18 năm, vì con là Thương Quân không tốt, nên đã truyền ngôi cho Vũ.
(86) Do Dư: người nước Tấn, sống vào thời Xuân thu, chạy sang Nhung lánh nạn, sau về hàng Tần và giúp Tần vạch kế sách đánh Nhung. Tần Mục Công nghe theo, lấy thêm được 12 nước, mở đất nghìn dặm, làm bá chủ Tây Nhung. Có soạn 6 thiên binh pháp.
(87) Quản, Thái: Chu Vũ Vương có 2 người em là Tiên và Độ. Tiên được phong ở đất Quản, nên xưng là Quản Thúc Tiên; Độ được phong ở đất Thái, nên xưng là Thái Thúc Độ. Sử gọi chung hai người là Quản, Thái. Sau khi Vũ Vương mất, Thành Vương còn nhỏ tuổi, Chu Công tạm nắm quyền triều chính; Quản, Thái tung tin xấu trong nước, nói Chu Công sẽ không có lợi cho ấu chúa, Chu Công do đó phải lánh cư ở Đông Đô. Sau Thành Vương đón Chu Công về, Quản, Thái sợ hãi, lôi kéo Vũ Canh chống lại. Thành Vương ra lệnh cho Chu Công đem quân đi đánh, chém được Vũ Canh, giết Quản Thúc. Thái Thúc bị lưu đày ít lâu cũng chết.
(88) Hà, Lạc: tức Hoàng Hà và Lạc Thủy, vùng đất từng sinh ra các vua thuộc ba triều Hạ, Thương và Chu.
(89) Đất Hán: đây chỉ Trung Quốc.
(90) Tu Đại Nã: còn gọi là Tu Đạt Nã, Tu Đề Lê Nã, Tô Đạt Nã, tiếng Phạn là Sudana tiền thân của Phật.
(91) Thái Vương: Chu Thái Vương. Xem chú thích 60.
(92) Xương: con của Quý Lịch. Khi Xương sinh ra, Chu Thái Vương bảo: “Đời ta chắc được hưng thịnh, nhờ ở thằng cháu (nội) Xương này chăng?”
(93) Y Doãn: tên là Chí, cày ruộng ở đồng Hữu Sằn. Vua Thành Thang ba lần sai người mang hậu lễ đến mời, Y Doãn mới chịu ra giúp.
(94) Vua Thang: tức Thành Thang, họ Tử, tên Lý, tên nữa là Thiên ất, người sáng lập ra nhà Thương, thuộc dòng dõi đời sau của Khế.
(95) Ninh Thích: người nước Vệ, sống vào thời Xuân thu, sửa sang về đường đạo đức nhưng không được dùng, bèn chuyển sang nghề buôn trọ ở ngoài cửa Đông đô thành nước Tề. Ban đêm Hoàn Công ra cổng thành, nhằm lúc Ninh Thích vừa cho bò ăn vừa hát. Hoàn Công nghe thấy, biết là người có tài, liền cất nhắc làm quan.
(96) Công Du: tức Công Du (Thâu) Ban, một người thợ khéo thời Xuân thu.
(97) Cao Dao: một bề tôi của Ngu Thuấn, làm ra hình luật, lập ngục xử án.
(98) Ngũ hình: 5 loại hình phạt, gồm tội chết, tội đồ có hạn, tội đồ vô thời hạn, tội giam, tội phạt tiền.
(99) Tăng, Mẫn: tức Tăng Sâm và Mẫn Tổn, nổi tiếng có hiếu trong số các học trò của Khổng Tử.
(100) Vua Nghiêu: Đường Nghiêu, tên một vua thời cổ Trung Quốc.
(101) Lục Nghệ: 6 bộ sách kinh điển, gồm Kinh Dịch, Kinh Lễ, Nhạc, Kinh Thi, Kinh thư, Xuân thu.
(102) Hà Bá: tên thần sông (thủy thần).
(103) Thúc Tôn: tên một dòng họ thuộc con cháu của Thúc Nha.
(104) Thái Công: tức Lã Thượng, một bề tôi có tiếng của nhà Chu.
(105) Ngu Khanh: một nhà du thuyết thời Chiến Quốc.
(106) Sấm vĩ: sách sấm và sách vĩ, những công cụ dùng để bói toán, dự báo tương lai.
(107) Lục tình: sáu loại tình cảm, gồm mừng, giận, buồn, vui, yêu và ghét.
(108) Ngũ sắc: năm màu, gồm xanh, vàng, đỏ, trắng và đen.
(109) Ngũ âm: năm âm thanh trong nhạc cổ, gồm cung, thương, giốc, chủy và vũ.
(110) Ngũ vị: năm vị, gồm ngọt, chua, đắng, cay và mặn.
(111) Liễu Hạ Huệ: người nước Lỗ, sống vào thời Xuân thu.
(112) Đoàn Can Mộc: người nước Tấn, sống vào thời Chiến Quốc
(113) Sào Phủ: một cao sĩ nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại. Tương truyền vua Nghiêu nhường thiên hạ cho ông, ông không nhận, lui về cùng Hứa Do sống ẩn ở núi Cơ Sơn, lấy ngọn cây làm tổ ở, nên gọi là Sào Phủ.
(114) Văn, Vũ: chỉ Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương, hai vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
(115) Trở đậu: “trở” là cái thớt; “đậu” là một vật dùng để đơm đồ cúng, có chân đứng. “Trở đậu” ở đây, có nghĩa là đồ thờ nói chung.
(116) Nhuy tân: dụng cụ do thời tiết, tương ứng với tháng 5 âm lịch, tiết hè.
(117) Hoàng chung: dụng cụ đo thời tiết, tương ứng với tháng 11 âm lịch, tiết đông.
(118) Thương Ưởng: họ Công Tôn Thị, người nước Vệ, sống vào thời Chiến quốc, thích cai trị bằng pháp luật (hình danh pháp thuật), giúp Tần Hiếu Công định ra biến pháp, lập kế sách giàu mạnh, được Tần phong cho đất Thương, nên lấy hiệu là Thương Quân. Giúp Tần 10 năm, của rơi ngoài đường không ai nhặt, nhưng bởi dùng pháp lệnh quá nghiêm, khiến bọn quan to và hoàng tộc oán ghét, nên bị dùng xe xé xác sau khi Hiếu Công mất.
(119) Tô, Trương: Tô Tần và Trương Nghi, hai nhà thuyết khách nổi tiếng thời Chiến Quốc.
(120) Nguyên văn là “nhược tồn, nhược vong” như còn, như mất vật gì. Đây dịch thoát.
(121) Hiếu Minh Hoàng Đế: tức vua Minh Đế (58-74) nhà Hán, tên thực là Lưu Trang.
(122) Trương Khiên: người ở Thành Cố, sống vào thời Hán.
(123) Đại Nguyệt Chi: còn gọi là Nguyệt Chi hay Nguyệt Thị, phiên âm chữ Kasana, tên một nước cổ ở về phía Tây ấn Độ.
(124) Nguyên văn là bất miễn ư ngu: không tránh khỏi ở sự ngu. Mạch văn khó hiểu. Đây dịch thoát.
(125) Công danh toại nguyện: cụm từ này viết cho đủ phải là: “Công thành danh toại: công hoàn thành, danh thỏa nguyện”.
(126) Lão Thị: họ Lão, đây chỉ Lão Tử.
(127) Chỉ tác phẩm Đạo đức kinh của Lão Tử.
(128) Hàm trì: còn gọi là Đại hàm, tên một thứ nhạc do Hoàng Đế làm ra, vua Nghiêu sửa sang thêm để dùng (theo thiên Nhạc ký trongKinh Lễ).
(129) Đại chương: tên một thứ nhạc thời vua Nghiêu, nội dung ca ngợi đức rạng rỡ của ông (theo thiên Nhạc ký trong Kinh lễ)
(130) Tiêu thiều: tên một thứ nhạc thời vua Thuấn, thiên ích Tắc trong Kinh thư chép: “Tiêu thiều cửu thành, phượng hoàng lai nghi.
Tiêu thiều tấu chín chương, chim phượng hoàng tới múa”
(131) Chín chương (cửu thành): “cửu” là chín, “thành” là kết thúc. Mỗi khúc nhạc kết thúc một lần, trước khi chuyển sang khúc khác. Chín lần kết thúc và chuyển tấu như vậy, có thể xem như là chín chương.
(132) Trịnh, Vệ: nước Trịnh và nước Vệ từng nổi tiếng về những bài hát ca ngợi tình yêu nam nữ.
(133) Tống Ngọc: người nước Sở, sống vào thời Chiến Quốc, học trò của Khuất Nguyên, đại phu nước Sở.
(134) Sính: hay Sính đô, kinh đô nước Sở thời Xuân thu.
(135) Hạ Lý: hay Hạ lý Ba nhân, “Hạ lý” tức làng xóm; “Ba nhân” tức người Ba Thục, thời cổ bị xem như man mọi. Đây chỉ những bài hát dân gian nơi thôn xóm.
(136) Thương, chủy, giốc: ba âm trong nhạc cổ.
(137) Hàn Phi: công tử nước Hàn, sống vào thời Chiến Quốc.
(138) Tiếp Dư: họ Lục, tên Thông, tên chữ là Tiếp Dư, người nước Sở. Bấy giờ là thời Chiêu Vương, chính sự không ổn định, Tiếp Dư bèn vấn tóc giả khùng, không làm quan, người đương thời gọi là Sở Cuồng.
(139) Ngọc Hòa: hay Hũa bích, một loại ngọc quí.
(140) Thi, Thư: Kinh Thi và Kinh Thư, đây chỉ sách kinh điển Nho học nói chung.
(141) Sư Khoáng: tên chữ là Tử Dã, nhạc sư nước Tấn, sống vào thời Xuân thu, có khả năng phân tích tiếng nhạc để biết điềm tốt xấu. Tác phẩm có “Cầm kinh”.
(142) Viện Đông quan: nơi viết sách và để sách ở Kinh đô nhà Hán. Vua Hán An Đế từng xuống chiếu cho Ngũ kinh bác sĩ hiệu đính các sách Ngũ kinh, Chư tử truyện ký, Bách gia nghệ thuật ở Đông quan.
(143) Trường Thái học: trường học cấp cao dưới thời phong kiến. Từ đời Tùy trở về trước gọi là Thái học, từ đời Tùy trở về sau, cho đến cuối đời Thanh, gọi là Quốc tử giám.
(144) Tuấn sĩ: những học trò ưu tú do quan Tư đồ tuyển chọn để cho học ở bậc cao hơn, dưới triều nhà Chu.
(145) Nhẫn (nhận): đơn vị do chiều cao, bằng 4 xích (có sách nói là 7 hoặc 8 xích) đời nhà Chu.
(146) Vương Kiều: người Hà Đông, sống vào thời Đông Hán.
(147) Bát tiên: 8 vị tiên, gồm Dung Thành Công, Lý Nhĩ, Đổng Trọng Thư, Trương Đạo Lăng, Trang Quân Bình, Lý Bát Bách, Phạm Trường Sinh và Nhĩ Chu tiên sinh, đều đắc đạo thành tiên tại đất Thục (theo Thục ký của Tiều Tú).
(148) Ngũ Bá: 5 vị vua dựng nên nghiệp bá, gồm Tề Hoàn, Tấn Văn, Tần Mục, Tống Tương và Sở Trang (theo Triệu Thị chú Mạnh Tử, Cáo Tử).
(149) Dương Hóa: tên thật là Hổ, tên chữ là Hóa, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân thu, có hình dáng giống Khổng Tử.
(150) Núi Hoa, núi Hằng: tên hai ngọn núi lớn của Trung Quốc. Núi Hoa (Hoa Sơn) tại Thiểm Tây, còn gọi là Thái Hoa Sơn, một trong năm ngọn núi lớn (ngũ nhạc). Núi Hằng (Hằng Sơn), một chi nhánh của Âm Sơn, chạy từ biên giới tỉnh Sơn Tây đến tỉnh Hà Bắc.
(151) Sách Lão Thị: còn gọi là Lão Tử hoặc Đạo đức kinh, do Lão Tử soạn, gồm hơn 5.000 lời, chuyên bàn về đạo đức, những vấn đề thuộc triết học cổ phương Đông.
(152) Lục cầm: sáu giống chim, nhưng không rõ là chim gì, mà lại nín hơi không thở suốt cả thu đông như sách nói.
(153) Tuổi “tri mệnh”: tức tuổi 50. Khổng Tử nói: Ngũ thập nhị tri thiên mệnh = 50 mà biết được mệnh trời (Luận ngữ).
(154) Mạt thế: Đời suy loạn.
(155) Kỳ Bá: một bề tôi thời Hoàng Đế, rất thông thạo về thuốc. Hoàng Đế từng bàn luận về thuốc với ông, lật đi lật lại những điểm còn nghi vấn, tất cả được ghi lại trong sách Nội kinh”.
(156) Dương, Mặc Dương Chu và Mặc Địch. Dương Chu tên chữ là Tử Cử, người nước Vệ, sống vào thời Chiến Quốc. Có thuyết nói ông từng học Lão Tử, nhưng cũng có thuyết cho rằng ông ra đời sau Mặc Tử. Ông xướng xuất học thuyết “vị ngã”, dù nhổ một chiếc lông để làm lợi cho thiên hạ cũng không làm. Mặc Tử, tức Mặc Địch, người nước Tống cũng sống vào thời Chiến Quốc. Ông đề xướng thuyết “kiêm ái” chủ trương yêu đồng đều mọi người, dù mài hết trán mà lợi cho một người cũng sẵn sàng làm, trái ngược với thuyết “vị ngã”của Dương Chu, Mạnh Tử từng đả kích Mặc Địch là “không có cha”. Trong thiên Đằng Văn Công, Mạnh Tử viết:”Đạo Dương, Mặc không dập tắt, thì đạo Khổng Tử không sáng tỏ”. Xem thêm chú thích 11.
(157) Y Đốn: người nước Lỗ, sống vào thời Xuân Thu. Ông lúc đầu là một người học trò nghèo, sau nhờ vào nghề muối mắm, chăn nuôi mà trở nên giàu có.
(158) Tang Văn: tổ tiên học Tang là Khu, tên chữ là Tử Tang, con của Lỗ Hiếu Công.
(159) Vi Sinh: họ kép. Ở nước Lỗ thời Xuân thu có Vi Sinh Cao nổi tiếng là thẳng thắn. Lại có nhà ẩn dật tên là vi Sinh Mẫu chê Khổng Tử là hấp tấp.
(160) Câu này trích từ thiên Vi chính, sách Luận ngữ./.
(161) Nhan Uyên: tức Nhan Hồi, tự Tử Uyên, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân thu. Ông là người học trò giỏi nhất của Khổng Tử.
(162) Chu, Lỗ: nước Chu và nước Lỗ. Nước Chu là đất Chu Vũ Vương phong cho Tào Hiệp, hậu duệ của Chuyên Húc. Nước Lỗ là đất Chu Vũ Vương phong cho em là Chu Công Đán.
(163) Khúc tháo: sách Tục thông chép cho rằng: do cảnh ngộ bế tắc, ưu sầu mà làm ra khúc nhạc tên là Tháo. Tháo, có ý nói gặp tai nạn, bị dồn tới bước đường cùng, tuy than thân trách phận mà vẫn giữ lễ nghĩa, không để mất tiết tháo của mình.
(164) Văn Vương: tức Chu Văn Vương, họ Cơ, tên Xương, là cha của Chu Vũ Vương.
(165) Vu Điền: tiếng Phạn là Kustana, nay gọi là Khotan, nơi lưu hành Phật giáo Đại thừa; kinh Phật trước khi truyền tới phương Đông, phần nhiều đều qua đây.
(166) Đạo Chích: người nước Lỗ, sống vào thời Xuân Thu, là em của Liễu Hạ Huệ, từng chiêu nạp 9.000 đồ đảng, chuyên lừa trộm bò, ngựa, bắt phụ nữ, xâm lấn các nước chư hầu, hoành hành trong thiên hạ.
(167) Kiệt, Trụ: hai tên bạo chúa trong sử cổ Trung Quốc. Vua Kiệt nhà Hạ say mê Muội Hỷ; vua Trụ nhà Thương say mê Đát Kỷ. Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng, rồi cho bọn con trai, con gái trần truồng đuổi nhau ở trong đó ăn thịt uống rượu chơi bời, suốt đêm.
(168) Tuần: mười ngày là một tuần (tuần nhật), theo cách gọi của Trung Quốc thời cổ.
(169) Cam lộ: một thứ nước thiêng, theo quan niệm người xưa. Theo sách Thụy ứng đồ thì cam lộ là một thứ sương quý, chất tinh túy của thần linh, ơn trạch của đức nhân hậu ngưng kết lại như dầu mỡ, ngọt như mật đường, còn gọi là cao lộ hay thiên tửu (rượu của trời).
(170) Tể Phi: viên quan Thái tể (= tể tướng) của nước Ngô, tên là Phi (theo Khang Hy tự điển).
(171) Đạo gia: chỉ những nhà làm sử chuyên ghi chép sự thành bại, tồn vong, họa phúc…xưa nay, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho kẻ làm vua. Sách của Đạo gia, theo “Hán chí, có Y Doãn, Thái Công v.v… Đạo gia ở đây khác với khái niệm Đạo gia về sau, chỉ những người sùng chuộng thuyết Hoàng Lão, thuật thần tiên tức Đạo giáo.
(172) Bảy mươi hai đệ tử: chỉ 72 người học trò giỏi của Khổng Tử, còn gọi là 72 người hiền.
(173) Núi Thương Ngô: nơi vua Thuấn mất, lúc ông đi tuần sát phương Nam.
(174) Giấc mộng lưỡng doanh:”Lưỡng Doanh” là hai cây cột. Theo Lễ, Đàn cung, thì Khổng Tử có nói với Tử Cống rằng đêm trước ông nằm chiêm bao thấy cúng tế ở giữa hai cây cột. Minh quân không xuất hiện thì thiên hạ còn ai tôn kính Khổng Tử nữa (Ông ta e mình sắp chết rồi).
(175) Bá Ngư: tên là Lý, con của Khổng Tử. Ông chết trước cha.
(176) Bá Ngưu: họ Nhiễm, tên Canh, tên chữ là Bá Ngưu, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử, nổi tiếng là người có đức hạnh.
(177) Vong mệnh: lẩn lút, trốn tránh. Chưa rõ liên quan như thế nào, đến cái chết không tránh khỏi mà Mâu Tử đang chứng minh.
(178) Xem lại chú thích 59.
(179) Đạo kinh: tức Đạo đức kinh, tác phẩm của Lão Tử.
(180) Ngũ giới: năm điều kiêng cấm của Phật giáo, gồm đừng sát sinh, đừng trộm cắp, đừng tà tâm, đừng nói bậy, đừng uống rượu.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh